Hội chứng trung thất gây nên những triệu chứng gì? Nguyên nhân và hướng điều trị hiệu quả
Ngày 27/04/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Hội chứng trung thất là các triệu chứng gây nên do khối choán chỗ trong trung thất gây nên. Tùy thuộc vào độ lớn và vị trí của khối này, hội chứng trung thất có thể biểu hiện thành các dạng lâm sàng khác nhau.
Những khối u trong trung thất có thể ác tính (ung thư) với tỉ lệ thấp, phần lớn chúng thường lành tính (không ung thư) và gây nên hội chứng trung thất. Vậy hội chứng trung thất là gì? Hãy cùng nhau tìm hiểu về khái niệm cũng như triệu chứng do hội chứng trung thất gây nên qua bài viết sau.
Trung thất là gì?
Trung thất là một khoảng trống trong lồng ngực chứa tim và các cấu trúc khác. Trung thất là một trong ba khoang chính tạo nên khoang ngực của bạn, hai khoang còn lại là khoang màng phổi trái và khoang màng phổi phải. Trung thất của bạn chứa nhiều cấu trúc khác nhau, bao gồm các cơ quan và mạch máu và được chia làm 3 phần: Trung thất trước, trung thất giữa, trung thất sau.
Trung thất trước
Trung thất trước chứa tuyến ức (hỗ trợ hệ thống miễn dịch và hoạt động mạnh nhất trước tuổi dậy thì, nằm ở phía trước, phần trên của trung thất), phần dưới của tuyến giáp và tuyến cận giáp, mạch bạch huyết và hạch bạch huyết.
Trung thất giữa
Trung thất giữa bao gồm các cơ quan quan trọng như:
Tim: Tim là một cơ quan bơm máu đi khắp cơ thể, nó nằm ở giữa trung thất và được bao quanh bởi một túi bảo vệ bên ngoài gọi là màng ngoài tim.
Động mạch chủ và các mạch máu lớn: Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể, chịu trách nhiệm đưa máu giàu oxy đến tất cả các cơ quan và mô của bạn. Các đoạn của động mạch chủ ngực là động mạch chủ lên, quai động mạch chủ và động mạch chủ ngực xuống.
Tĩnh mạch vô danh và tĩnh mạch đơn.
Khí quản và phế quản gốc: Khí quản giúp dẫn khí vào phổi, nằm ngay phía trước thực quản của bạn.
Rốn phổi, hạch bạch huyết.
Thần kinh hoành và thần kinh phế vị.
Tổ chức mô liên kết.
Trung thất sau
Trung thất sau chứa thực quản (nối từ miệng đến dạ dày), ống ngực, đoạn xuống của quai động mạch chủ, phần thấp của thần kinh phế vị, hạch bạch huyết và chuỗi hạch giao cảm.
Hội chứng trung thất và triệu chứng lâm sàng
Hội chứng trung thất là những dấu hiệu bệnh lý do một khối choán chỗ đè ép vào một hay nhiều cơ quan, bộ phận trong trung thất gây ra. Các khối u trung thất bao gồm u tuyến ức, u lympho, u tế bào mầm và u nang,...
Hội chứng chèn ép thần kinh
Các triệu chứng của hội chứng chèn thần kinh cánh tay (ví dụ: Hội chứng Pancoast- Tobias) có thể kể đến như đau vai, đau cánh tay và thường dễ bị nhầm lẫn với thoái hóa cột sống và đặc biệt là các triệu chứng của bệnh mạch vành.
Các triệu chứng của hội chứng chèn ép thần kinh giao cảm cổ (ví dụ: Hội chứng Claude- Bernard-Horner) như khe mắt hẹp, đồng tử co nhỏ, nhãn cầu thụt vào trong, mặt đỏ.
Các triệu chứng của hội chứng chèn ép thần kinh hoành, thần kinh quặt ngược có thể gặp phải như khó thở nếu liệt cơ hoành, nất cục, nói khàn giọng hoặc nói đôi.
Hội chứng chèn ép thực quản, khí phế quản
Khi thực quản hoặc khí quản bị chèn ép, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như ho (ho khan, ho từng cơn và có thể ho ra máu), đau ngực, khó thở thì hít vào, có thể kèm tiếng thở rít.
Triệu chứng khác khi chèn ép tĩnh mạch chủ dưới, động mạch dưới đòn hay động mạch phổi:
Tuần hoàn bàng hệ xuất hiện nhiều ở ngực và bụng, có thể phù chi dưới.
Thay đổi mạch và huyết áp hai bên.
Khó thở khi gắng sức.
Các nguyên nhân và hướng điều trị hội chứng trung thất
Các nguyên nhân gây nên hội chứng trung thất thường là do các khối choán chỗ, u. Khối u hình thành vì nhiều lý do khác nhau, bao gồm:
Tăng trưởng tế bào ngoài tầm kiểm soát: Các khối u ác tính và lành tính hình thành khi các tế bào nhân lên ngoài tầm kiểm soát, tạo ra sự phát triển quá mức. Các nhà nghiên cứu không phải lúc nào cũng biết nguyên nhân khiến tế bào bắt đầu phát triển không bình thường.
Phản ứng với tình trạng của cơ thể: Các khối u trung thất có thể hình thành để đáp ứng với tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng, đây có thể là trường hợp mắc bệnh về hạch bạch huyết.
Sự phát triển mô không điển hình trước khi sinh: Các khối u trung thất có thể là bẩm sinh hoặc hiện diện khi mới sinh. U nang màng ngoài tim, u nang phế quản và khối u tế bào mầm đều là tình trạng bẩm sinh.
Điều trị khối u choán chỗ trung thất phụ thuộc vào loại khối u, vị trí, giai đoạn của khối u (nếu là ung thư) và các triệu chứng mà bạn đang có. Trong các phương pháp, phẫu thuật là phương pháp điều trị phổ biến nhất.
Phẫu thuật: Các khối u ung thư, các khối u gây áp lực lên các cơ quan hoặc mô lân cận và gây ra các triệu chứng khó chịu có thể sẽ cần phải được loại bỏ. Ví dụ như u tuyến ức và ung thư biểu mô tuyến ức, khối u thần kinh và các khối u khác gây ra các triệu chứng thường phải phẫu thuật.
Xạ trị: Bức xạ giúp hướng chùm tia X năng lượng cao vào khối u và tiêu diệt chúng. Bạn có thể được điều trị xạ trị đơn lẻ hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác, như phẫu thuật. Phương pháp này được lựa chọn tùy thuộc vào giai đoạn ung thư của bạn, bạn có thể được xạ trị để điều trị u tuyến ức, ung thư tuyến ức hoặc ung thư hạch.
Hóa trị: Thuốc hóa trị giúp tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ khối u. Phương pháp điều trị hóa trị thường được sử dụng để điều trị ung thư tuyến ức.
Thuốc kháng sinh: Bạn có thể cần thuốc kháng sinh nếu khối trung thất của bạn do nhiễm trùng. Ví dụ như trường hợp mắc bệnh về hạch bạch huyết.
Thận trọng theo dõi: Các bác sĩ có thể theo dõi khối u thay vì điều trị ngay lập tức nếu nó lành tính và không gây ra triệu chứng.
Về phòng ngừa hội chứng trung thất, khối choán chỗ gây nên hội chứng trung thất không thể ngăn ngừa được. Nhưng bạn có thể cải thiện cơ hội điều trị thành công nếu bạn thường xuyên thăm khám và phát hiện sớm khối choán chỗ. Mỗi loại khối u đều khác nhau, tiên lượng khác nhau tùy thuộc vào loại khối u, khối u có phải là ung thư hay không và sức khỏe chung của bạn.
Tóm lại, trung thất là một không gian trong ngực chứa tim và các cấu trúc quan trọng khác. Các khối u hay khối choán khác nhau có thể hình thành trong trung thất và gây nên hội chứng trung thất với những triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào vị trí của khối choán chỗ. Một số khối choán chỗ gây ra triệu chứng nghiêm trọng và cần điều trị ngay lập tức. Tuy nhiên trong một số trường hợp có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào và điều trị là không cần thiết.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.