Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Lo lắng quá mức tác động như thế nào đến sức khoẻ?

Ngày 11/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Với sự phát triển không ngừng của xã hội ngày nay, việc phải sống với những lo lắng, áp lực xung quanh là điều khó tránh khỏi. Lo lắng quá mức trong thời gian dài sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ và tâm lý của người mắc phải. Hãy cùng tìm hiểu xem lo lắng quá mức tác động như thế nào đến sức khoẻ và cách để khắc phục tình trạng này nhé!

Thời gian gần đây không ít người cảm thấy mệt mỏi, bất an, lo lắng không rõ nguyên nhân. Trạng thái này khiến cơ thể họ cảm thấy mệt mỏi, khó ngủ, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày và hiệu suất công việc. Vậy lo lắng quá mức tác động như thế nào đến sức khỏe của bạn? Có cách nào để khắc phục tình trạng trên không? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết sau nhé!

Lo lắng quá mức là gì?

Lo lắng là trạng thái mà cơ thể đang tự bảo vệ mình bằng cách chống trả và chạy trốn khỏi những vấn đề xung quanh. Khi ở trạng thái này, bạn sẽ thường xuyên suy nghĩ đến một vấn đề cụ thể nhưng theo chiều hướng tiêu cực và lo sợ những điều không tốt sẽ đến khiến bạn không thể kiểm soát được.

Đây là trạng thái bình thường và khá phổ biến, đôi khi lo lắng lại là động lực để thúc đẩy bản thân bạn vượt qua khó khăn, tiến về phía trước. Tuy nhiên, nếu lo lắng quá mức và kéo dài có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý cũng như sức khỏe của bạn.

lo-lang-qua-muc-tac-dong-nhu-the-nao-den-suc-khoe 1.jpg
Lo lắng quá mức kéo dài gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống

Người lo lắng quá mức dễ bị xáo trộn những hoạt động thường ngày như rối loạn giấc ngủ, ăn uống không cảm thấy ngon, ảnh hưởng đến việc giao tiếp, tạo ra sự căng thẳng trong tư duy và cảm xúc. Hậu quả có thể dẫn đến những rối loạn tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm… Lo lắng quá mức diễn ra trong thời gian dài không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Biểu hiện và tác động của việc lo lắng quá mức đến sức khoẻ

Biểu hiện của người lo lắng quá mức thường được thể hiện rõ nhất về mặt cảm xúc. Bạn thường lo lắng không ngừng, suy nghĩ đến những vấn đề tiêu cực, không thể kiểm soát suy nghĩ của mình, cảm giác sợ hãi, rối loạn, luôn bất an mà không rõ lý do. Lo lắng quá mức còn khiến bạn cảm thấy cô đơn, không tìm thấy được niềm vui trong cuộc sống, tự cô lập bản thân mình với xã hội.

Đau nhức cơ thể

Lo lắng quá mức có thể kéo theo nhiều vấn đề về sức khỏe. Bạn thường cảm thấy mệt mỏi, cạn kiệt sức lực, căng cơ, đau lưng, nhức mỏi người mặc dù không làm gì nặng nhọc.

Rối loạn giấc ngủ

Rối loạn giấc ngủ là một trong những triệu chứng điển hình ở người lo lắng quá mức, bạn có thể sẽ khó vào giấc ngủ, giấc ngủ ngắn, bị thức giấc giữa đêm, thường gặp ác mộng khi ngủ…

Rối loạn tiêu hóa

Ngoài ra, người ta cũng thường quan sát thấy triệu chứng rối loạn tiêu hoá ở những đối tượng này, điển hình như: Buồn nôn, ợ nóng, đau dạ dày hoặc tiêu chảy… Một số trường hợp gặp vấn đề trong việc hô hấp với các triệu chứng như khó thở, thở nhanh, tức ngực.

lo-lang-qua-muc-tac-dong-nhu-the-nao-den-suc-khoe 2.jpg
Người lo lắng quá mức thường bị suy nghĩ tiêu cực về những vấn đề xung quanh

Suy giảm khả năng miễn dịch

Những người lo lắng quá mức trong thời gian dài thường hay gặp các bệnh cảm cúm, dễ nhiễm các loại vi khuẩn, virus, zona,.. là do hệ miễn dịch bị suy giảm.

Rối loạn tâm thần

Người lo lắng quá mức cũng có thể xuất hiện các triệu chứng hành vi bất thường như thay đổi các hành xử và tương tác với xã hội. Có trường hợp sẽ tăng xu hướng hoạt động thể chất một cách bất thường hoặc cũng có người sẽ có thái độ né tránh những nơi mà họ nghĩ sẽ khiến họ lo lắng thêm.

Tâm trạng của người bị lo lắng quá mức thường dễ cáu gắt, khó tập trung, dễ quên, dễ bị căng thẳng và khó để đưa ra quyết định. Tư duy của những đối tượng này thường hướng đến những suy nghĩ tiêu cực, họ không thể ngừng suy nghĩ về một vấn đề cụ thể nào đó dù là lớn hay nhỏ, dẫn đến nguy cơ làm giảm khả năng tập trung, ghi nhớ và khả năng tư duy.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lo lắng quá mức

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lo âu này. Một số nguyên nhân phổ biến như:

  • Căng thẳng trong cuộc sống: Áp lực từ nhiều vấn đề như công việc, học tập, gia đình, tài chính… dễ khiến bạn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, lo lắng quá mức. Ngoài ra, những sự không chắc chắn về tương lai, công việc, các mối quan hệ, áp lực thành công cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến lo lắng quá mức.
  • Chấn thương tâm lý trong quá khứ: Nếu bạn đã từng phải trải qua những tổn thương tâm lý trong quá khứ như mất mát, bạo lực, tổn thương tâm lý… nó có thể khiến bạn cảm thấy sợ hãi, lo lắng về tương lai.
  • Rối loạn tâm lý: Theo thống kê, những người mắc các rối loạn về tâm lý như rối loạn lo âu, rối loạn hoảng loạn, rối loạn ám ảnh cưỡng chế… có tỷ lệ cao bị lo lắng quá mức cao hơn so với người bình thường.
  • Di truyền: Yếu tố di truyền cũng có thể được nghĩ đến đối với những trường hợp có tiền sử gia đình mắc lo lắng quá mức, một phần di truyền trong cơ chế xử lý stress di truyền cho thế hệ sau.
  • Thay đổi sinh hoạt, công việc: Khi có sự thay đổi quá nhanh trong cuộc sống như chuyển nhà, mất việc, thất nghiệp, thất bại trong các mối quan hệ có thể khiến bạn cảm thấy bất an, lo lắng.
lo-lang-qua-muc-tac-dong-nhu-the-nao-den-suc-khoe 3.jpg
Lo lắng quá mức có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân đa dạng và phức tạp

Biện pháp khắc phục

Biểu hiện lo âu sẽ khác nhau ở những đối tượng khác nhau bắt nguồn từ những nguyên nhân đa dạng và phức tạp. Nếu bạn đang gặp tình trạng lo lắng quá mức và bị ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, hãy chủ động tìm đến sự giúp đỡ của những chuyên gia tâm lý để xác định chính xác nguyên nhân và có kế hoạch điều trị phù hợp nhất.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể áp dụng những biện pháp giúp khắc phục tình trạng lo âu như:

  • Thiền: Phương pháp này đã được chứng minh là có ích trong việc cải thiện tâm trạng, cải thiện trí nhớ, mang lại sự bình yên trong tâm hồn, chống lại những đau đớn và cải thiện tâm trạng.
  • Tập thể dục: Thông qua việc vận động thể lực, cơ thể sẽ giải phóng được các hormone hạnh phúc như dopamin, serotonin, endorphins… giúp tâm trạng thoải mái, dễ chịu và tăng cảm giác hưng phấn, giúp giải tỏa muộn phiền hiệu quả.
  • Kết nối, trò chuyện với nhiều người: Việc giải tỏa cảm xúc bằng cách chia sẻ với bạn bè, người thân có thể giúp bạn vơi bớt nỗi muộn phiền, kết nối với mọi người để bạn ít phải để tâm đến nỗi lo của mình.
  • Viết ra những nỗi lo: Viết ra những luồng suy nghĩ, lo âu trong đầu giúp bạn giải phóng những muộn phiền tích luỹ, nhẹ lòng hơn. Từ đó, bạn cũng sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về vấn đề đang gặp phải.
  • Sử dụng tinh dầu: Hương thơm từ tinh dầu giúp bạn thả lỏng cơ thể, giải phóng tiêu cực trong não bộ hiệu quả. Một số loại tinh dầu thường được sử dụng để thư giãn, cải thiện giấc ngủ, giảm đau như oải hương, chanh sả, cam, hoa hồng…

Lo lắng là vấn đề thường gặp của con người trong xã hội hiện đại ngày nay. Tuy nhiên nếu lo lắng quá mức kéo dài có thể sẽ ảnh hưởng nhiều đến tinh thần, sức khoẻ và chất lượng cuộc sống. Thông qua việc tìm hiểu lo lắng quá mức tác động như thế nào đến sức khỏe sẽ giúp bạn hiểu rõ những thay đổi của cơ thể mình, từ đó có những biện pháp lành mạnh để giúp bản thân thoát khỏi sự lo lắng kéo dài này.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin