Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu cấu tạo và cơ chế hoạt động của mắt

Ngày 23/05/2024
Kích thước chữ

Cấu tạo đôi mắt rất phức tạp, các bộ phận của mắt phối hợp nhịp nhàng giúp chúng ta nhìn thấy, quan sát và ghi nhớ sự vật, sự việc xung quanh. Cùng tìm hiểu về cấu tạo và cơ chế hoạt động của mắt qua bài viết dưới đây nhé!

Đôi mắt là một trong năm giác quan của cơ thể, tuy nhỏ nhưng đảm nhận vai trò rất to lớn. Cơ chế hoạt động của mắt cho phép nó thực hiện các chức năng như nhìn, quan sát, ghi nhận hình ảnh và gửi thông tin lên não.

Tìm hiểu về cấu tạo của mắt

Mắt bên cạnh việc là “cửa sổ tâm hồn” của mỗi người, còn là cơ quan giúp ta quan sát, nhìn thấy sự vật, sự việc quanh cuộc sống. Mắt lấy ánh sáng từ hình ảnh truyền đến, sau đó gửi tín hiệu thần kinh đến não bộ. Đôi mắt của mỗi người có thể nhìn được đến 200 độ theo mọi hướng, trước sau và cả hai bên ngoại vi. Các bộ phận cấu tạo của mắt phối hợp nhịp nhàng với nhau, cho phép chúng ta nhìn thấy hình ảnh, độ sâu và chuyển động của sự vật, sự việc.

Trước khi tìm hiểu về cơ chế hoạt động của mắt, cùng tìm hiểu xem cấu tạo của mắt gồm những bộ phận quan trọng nào:

  • Mống mắt: Đây là bộ phận nằm sau giác mạc, quyết định màu sắc của đôi mắt. Các màu sắc mắt thường gặp có thể kể đến như mắt đen, nâu, xanh dương hoặc xanh lục.
  • Giác mạc: Là lớp keo trong suốt nằm bên ngoài, kéo dài bao phủ lên mống mắt.
  • Đồng tử: Có tên gọi khác là tròng đen hay con ngươi. Là vòng tròn đen nằm ngay tâm mống mắt, đồng tử có khả năng co hoặc giãn ra để điều chỉnh lượng ánh sáng vào mắt.
  • Củng mạc: Củng mạc có màu trắng nằm bao quanh mống mắt.
  • Kết mạc: Đây là phần mô mỏng, nằm trong mí mắt, trong suốt và bao phủ lấy củng mạc.
  • Thủy tinh thể: Đây là bộ phận quan trọng đóng vai trò như một thấu kính hội tụ giúp ánh sáng đi vào võng mạc, nằm ở sau đồng tử.
  • Võng mạc: Là tập hợp tế bào nằm bên trong đáy mắt, giúp cảm nhận tín hiệu ánh sáng truyền vào và chuyển thành xung điện hoặc tín hiệu thần kinh. Võng mạc được cấu tạo bởi các tế bào hình que (giúp nhìn thấy trong điều kiện thiếu sáng) và tế bào hình nón (giúp phát hiện màu sắc).
  • Điểm vàng: Đây là một phần thuộc võng mạc, có vai trò điều chỉnh tầm nhìn trung tâm, giúp nhìn rõ các chi tiết và màu sắc rực rỡ.
  • Dây thần kinh thị giác: Bộ phận này nằm phía sau võng mạc, đóng vai trò là cầu nối dẫn truyền tín hiệu thần kinh đến não, sau đó phân tích hình ảnh mắt đang nhìn thấy là gì.
  • Các cơ kiểm soát chuyển động của mắt: Các cơ mắt này giúp kiểm soát cường độ ánh sáng đi vào mắt và sự tập trung của mắt.
  • Dịch kính: Là gel trong suốt lấp đầy mắt, đóng vai trò bảo vệ và duy trì hình dạng bình thường cho mắt của bạn.
tim-hieu-cau-tao-va-co-che-hoat-dong-cua-mat 1
Giải phẫu cấu tạo của mắt

Cơ chế hoạt động của mắt

Phần tiếp theo sẽ nói đến cơ chế hoạt động của mắt, khi các bộ phận trong cấu tạo mắt hoạt động phối hợp nhịp nhàng với nhau, gửi tín hiệu hình ảnh nhìn được đến não bộ. Toàn bộ quá trình này diễn ra rất nhanh, bao gồm các bước như:

  • Ánh sáng truyền đến mắt qua giác mạc, sau đó lọt vào thủy tinh thể. Tiếp theo, đồng tử to dần lên để điều chỉnh lượng ánh sáng vào mắt.
  • Giác mạc và thủy tinh thể hoạt động phối hợp cùng khúc xạ (uốn cong) ánh sáng để tập trung vào thứ bạn đang thấy.
  • Ánh sáng đi tới võng mạc, được biến đổi thành xung điện hoặc tín hiệu truyền đến não.
  • Dây thần kinh thị giác mang tín hiệu từ hai mắt đến phần não đóng vai trò tầm nhìn và thị giác (gọi là vỏ não thị giác).
  • Bộ não sẽ diễn dịch lại những gì mắt đã thấy, sau đó tập hợp thông tin để nhìn nhận hình ảnh rõ ràng.

Trên đây là cơ chế hoạt động của mắt. Các chức năng của mắt đối với cơ thể người có thể kể đến như:

  • Dưới góc độ sinh học: Đôi mắt của bạn rất nhạy cảm trước các tác động và thay đổi của môi trường. Từ đó giúp bạn có nhận định và phản ứng phù hợp với hoàn cảnh xung quanh.
  • Về mặt quang học: Đôi mắt giúp bạn nhìn được, quan sát và ghi nhớ hình ảnh của sự vật, sự việc. Từ đó chuyển thành tín hiệu thần kinh để não có thể xử lý và ghi nhớ.
  • Giao tiếp: Tín hiệu truyền từ ánh mắt là một cách giao tiếp phi ngôn ngữ. Đôi mắt có thể giúp con người ra hiệu, trao đổi và truyền đạt thông tin thay cho lời nói.
tim-hieu-cau-tao-va-co-che-hoat-dong-cua-mat 2
Tìm hiểu về cơ chế hoạt động của mắt

Cách chăm sóc mắt khoa học

Phần trên bài viết đã đề cập đến cấu tạo và cơ chế hoạt động của mắt. Để bảo vệ và duy trì hoạt động đôi mắt khỏe mạnh, bạn cần biết cách phòng ngừa, cũng như chăm sóc mắt khoa học, qua những việc dưới đây:

Khám mắt định kỳ

Thăm khám định kỳ giúp kiểm tra sức khỏe đôi mắt. Việc này giúp phát hiện kịp thời các bất thường hoặc các tật ở mắt thường gặp (nếu có).

tim-hieu-cau-tao-va-co-che-hoat-dong-cua-mat 3
Khám mắt định kỳ giúp phát hiện và điều trị kịp thời các bất thường

Chế độ dinh dưỡng cho mắt

Bạn nên xây dựng chế độ ăn uống bổ sung nhiều trái cây và rau củ, đặc biệt là các loại rau củ có màu xanh đậm hoặc cam. Bạn nên bổ sung vitamin A, E và Omega-3 (có nhiều trong cá hồi, cá ngừ,...) giúp bảo vệ và tăng cường sức khỏe đôi mắt.

Hoạt động thể chất

Tập thể dục đều đặn giúp tăng cường sức đề kháng, phòng các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch hoặc cao huyết áp. Các bệnh vừa nêu trên là nguyên nhân gây ra các tổn thương ở mắt, làm giảm tầm nhìn và thị lực. Chính vì thế, việc vận động thể dục thể thao giúp giảm nguy cơ gặp các bệnh liên quan đến thị giác.

Tránh hoạt động mắt quá lâu

Sau mỗi giờ làm việc với các thiết bị điện tử, bạn nên biết cách giúp đôi mắt thư giãn, ví dụ như nhìn ra xa khỏi màn hình. Bạn có thể nhắm mắt lại hoặc chớp mắt nhiều lần, giúp điều tiết mắt cho đỡ khô và mỏi khi nhìn lâu.

Để giảm mỏi mắt, ban có thể áp dụng quy tắc 20 - 20 - 20. Tức là cứ sau mỗi 20 phút, hãy nhìn ra phía xa khoảng 6m và giữ trong 20 giây.

tim-hieu-cau-tao-va-co-che-hoat-dong-cua-mat 4
 Bạn nên thực hiện các bài tập thư giãn mắt sau mỗi giờ tiếp xúc với các thiết bị điện tử

Sử dụng thuốc nhỏ mắt

Bạn có thể đến nhà thuốc và tìm mua các loại thuốc nhỏ mắt phù hợp, nhằm bổ sung dưỡng chất, chăm sóc mắt không bị khô khi làm việc trong thời gian dài. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc nhỏ mắt bạn đọc cần ghi nhớ các lưu ý sau:

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn có ý định dùng thuốc nhỏ mắt trong thời gian dài.
  • Nên sử dụng nước muối sinh lý để rửa mắt mỗi ngày.
  • Đến bệnh viện thăm khám nếu xuất hiện các triệu chứng như đau mắt, mắt đỏ và rát, nhìn mờ, quáng gà.
  • Kiểm tra sức khỏe mắt định kỳ nhằm phát hiện sớm các bất thường.

Bài viết đã cung cấp cho bạn đọc thông tin về cấu tạo và cơ chế hoạt động của mắt. Mắt là “cửa sổ tâm hồn”, là cơ quan rất quan trọng giúp chúng ta quan sát và ghi nhớ hình ảnh, sự vật, sự việc chung quanh. Chính vì thế, việc quan tâm chăm sóc đôi mắt là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe cơ quan này.  

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin