Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu về ý nghĩa của 10 thông số nước tiểu trong xét nghiệm

Ngày 15/11/2022
Kích thước chữ

Xét nghiệm nước tiểu là một loại kiểm tra tình trạng sức khỏe phổ biến hiện nay thông qua phân tích nước tiểu. Qua đó, bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa vào 10 thông số nước tiểu để chẩn đoán được tình trạng sức khỏe của bệnh nhân hiện tại.

Nước tiểu là chất thải từ bên trong cơ thể. Thông qua màu sắc, thành phần có trong nước tiểu mà bác sĩ sẽ đánh giá được phần nào sức khỏe của người bệnh. Xét nghiệm nước tiểu là biện pháp thường được khuyến khích trong y khoa. Ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu rõ hơn về ý nghĩa của 10 thông số nước tiểu trong xét nghiệm.

Lợi ích của việc xét nghiệm nước tiểu 

Xét nghiệm nước tiểu là phương pháp phân tích dựa trên mẫu nước tiểu. Qua xét nghiệm, bác sĩ có thể phát hiện và quản lý những rối loạn, tình trạng bệnh. Dựa vào xét nghiệm, hầu như các chỉ số bất thường đều được thể hiện rõ ràng để phản ánh đúng nhất tình trạng sức khoẻ của người xét nghiệm. 

Các căn bệnh thường được phát hiện qua xét nghiệm nước tiểu rất nhiều. Đó có thể là bệnh thận, bệnh tiểu đường, nhiễm trùng tiết niệu hay thậm chí là các chứng bệnh ung thư. 

10 Thông số nước tiểu trong xét nghiệm có ý nghĩa gì? 1 Xét nghiệm nước tiểu là kiểm tra rất phổ biến hiện nay

“10 thông số nước tiểu” là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất khi thực hiện xét nghiệm nước tiểu. Qua các thông số này bạn có thể theo dõi được:

  • Sức khoẻ tổng thể: Bác sĩ đề nghị xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra sức khỏe thông thường, kiểm tra thai kỳ hoặc tình trạng cơ thể trước khi phẫu thuật, giúp sàng lọc một số rối loạn.
  • Chẩn đoán tình trạng bệnh lý: Bạn thường được đề nghị xét nghiệm khi cảm thấy đau bụng, đau lưng, đi tiểu thường xuyên hoặc tiểu ra máu. Thông qua các chỉ số xét nghiệm có thể giúp bác sĩ chẩn đoán được bệnh một cách chính xác.
  • Theo dõi diễn biến bệnh lý: Một số bệnh nhân cần điều trị lâu dài như bệnh thận, bệnh tiểu đường, bệnh tiết niệu thì quá trình tái khám thường được yêu cầu xét nghiệm nước tiểu để xem tình trạng bệnh và kết quả điều trị có ổn hay không.

Ý nghĩa 10 thông số nước tiểu

Các thông số sau khi xét nghiệm nước tiểu chính là căn cứ khoa học nhất để các bác sĩ chẩn đoán bệnh. Bản thân người xét nghiệm khi lấy kết quả cũng có thể tự đánh giá được tình trạng sức khỏe bản thân qua các chỉ số này.  Ý nghĩa 10 chỉ số đó cụ thể như sau:

  • Tỷ trọng (SG): Chỉ số bình thường là 1.015 - 1.025. Với chỉ số này, bác sĩ có thể đánh giá khả năng nhiễm khuẩn, ngưỡng thận cùng một số bệnh lý như viêm cầu thận, bệnh lý ống thận, viêm đài bể thận, bệnh lý gan, đái tháo đường, suy tim xung huyết.
  • Bạch cầu (LEU): Chỉ số bình thường là 10 - 25 Leu/UL. Nếu bạch cầu âm tính thì sức khoẻ bình thường còn dương tính thì cơ thể có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn hay nhiễm trùng trong đường tiểu.
  • pH: Chỉ số bình thường là 4.8 - 7.4. Khi pH tăng quá cao thì bạn có nguy cơ bị suy thận mạn, hẹp môn vị và gây ra nôn. Còn pH quá thấp thì có nguy cơ bị nhiễm ceton do đái tháo đường.
  • Nitrit (NIT): Chỉ số bình thường là 0.05 - 0.1 mg/dL. Nếu kết quả âm tính là bình thường, còn dương tính thì trong nước tiểu xuất hiện nhiễm khuẩn.
  • Hồng cầu (RBC): Đây là một trong 10 thông số nước tiểu quan trọng. Âm tính là bình thường, dương tính là hồng cầu xuất hiện trong nước tiểu, có hiện tượng xuất huyết, chảy máu trong nước tiểu. Điều này chứng tỏ bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng thận, nước tiểu, hội chứng thận đa nang hoặc tan huyết nội mạch có tiêu hemoglobin.
10 Thông số nước tiểu trong xét nghiệm có ý nghĩa gì? 2 10 thông số nước tiểu mang ý nghĩa phản ánh thể trạng sức khoẻ
  • Protein (PRO): Chỉ số bình thường 7.5 - 20mg/dL hoặc 0.075 - 0.2g/L. Âm tính là bình thường còn dương tính là xuất hiện protein trong nước tiểu, có khả năng cao bị bệnh đái tháo đường, viêm cầu thận, cao huyết áp, hội chứng thận hư, viêm đài bể thận.
  • Glucose (GLU): Chỉ số bình thường 50 - 100 mg/dL hoặc 2.5 - 5 mmol/L. Âm tính là bình thường còn dương tính chứng tỏ glucose có trong nước tiểu. Đây là dấu hiệu cho thấy bạn có khả năng bị viêm tụy, đái tháo đường, bệnh lý ống thận hoặc do chế độ ăn uống bất hợp lý.
  • Thể Ceton (KET): Chỉ số bình thường là 2.5 - 5mg/dL hoặc 0.25 - 0.5 mmol/L. Đây là chỉ số đánh giá bạn có bị nhiễm ceton hay không, nếu có thì khả năng bạn bị đái tháo đường hoặc tiêu chảy mất nước.
  • Bilirubin (BIL): Chỉ số bình thường là 0.4 - 0.8 mg/dL hoặc 6.8 - 13.6mmol/L. Nếu chỉ số này âm tính là bình thường còn dương tính chứng tỏ bạn có nguy cơ cao mắc bệnh về gan như xơ gan hay vàng da tắc mật.
  • Urobilinogen (UBG): Chỉ số bình thường là 0.2 - 1.0 mg/dL hoặc 3.5 - 17 mmol/L. Nếu kết quả dương tính thì bạn dễ bị viêm gan nhiễm khuẩn, tắc ống mật chủ, ung thư đầu tụy hoặc suy tim xung huyết.

Cách lấy nước tiểu đúng chuẩn

Sau khi tìm hiểu về 10 thông số nước tiểu, điều bạn cần quan tâm nữa đó chính là cách lấy nước tiểu đúng để đảm bảo kết quả xét nghiệm được chính xác nhất. Dưới đây là một số lưu ý trong cách lấy nước tiểu:

10 Thông số nước tiểu trong xét nghiệm có ý nghĩa gì? 3 Lấy nước tiểu đúng cách để có kết quả xét nghiệm chính xác
  • Vệ sinh sạch bộ phận sinh dục ngoài và bỏ phần nước tiểu đầu (khoảng vài giây sau tiểu) sau đó lấy nước tiểu giữa dòng cho vào lọ đựng mẫu vô khuẩn. 
  • Không nên ăn uống gì trước khi xét nghiệm nước tiểu trong 4 - 6 giờ, đặc biệt nếu xét nghiệm buổi sáng thì nhịn ăn sáng và tối trước không nên ăn các thực phẩm làm thay đổi màu nước tiểu như củ cải đường, mâm xôi, cà rốt, đại hoàng.
  • Trước khi xét nghiệm nước tiểu không sử dụng chất kích thích như thuốc lá, cà phê và không uống một số loại thuốc làm thay đổi màu nước tiểu.
  • Không xét nghiệm nước tiểu trong thời kỳ kinh nguyệt, nên thông báo với bác sĩ để làm xét nghiệm đợt sau.

Trên đây là những chia sẻ về ý nghĩa của 10 thông số nước tiểu trong xét nghiệm. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết bạn có thể biết được ý nghĩa của chúng, từ đó về sau có thể chủ động nắm bắt được tình trạng sức khỏe bản thân sau khi có kết quả xét nghiệm nước tiểu.

Bảo Thanh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin