Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Trẻ nôn sau khi uống thuốc: Xử lý như thế nào? Có nên cho uống lại?

Ngày 13/07/2024
Kích thước chữ

Mỗi bậc cha mẹ đều mong muốn con mình luôn khỏe mạnh. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị bệnh, trẻ em có thể gặp phải tình trạng nôn sau khi uống thuốc, gây lo lắng và hoang mang cho cha mẹ. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Cha mẹ cần xử lý như thế nào khi trẻ nôn sau khi uống thuốc? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để giải đáp những thắc mắc trên.

Việc trẻ nôn sau khi uống thuốc là một tình huống phổ biến mà nhiều bậc cha mẹ phải đối mặt. Hiện tượng này có thể khiến phụ huynh lo lắng về sự an toàn của con. Hiểu rõ nguyên nhân và cách xử lý khi trẻ nôn sau khi uống thuốc không chỉ giúp đảm bảo sức khỏe cho bé mà còn giúp cha mẹ tự tin hơn trong việc chăm sóc con. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn các bước cần thiết để xử lý tình huống trẻ nôn sau khi uống thuốc, đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Nguyên nhân dẫn đến trẻ nôn khi uống thuốc là gì?

Trước khi tìm hiểu xem “trẻ uống thuốc bị nôn có nên uống lại không” và cách cho trẻ uống thuốc đúng cách, mẹ cần điểm qua những lý do khiến thuốc gây buồn nôn cho bé:

  • Thuốc có vị đắng hoặc mùi khó chịu làm bé bị nôn.
  • Bé uống thuốc trong lúc khóc lóc, bị ép buộc, dẫn đến dễ bị sặc và nôn.
  • Do chức năng nuốt của bé chưa hoàn thiện, nên bé dễ bị nôn khi uống thuốc.
  • Khi bị ép uống thuốc, trẻ sẽ phản kháng và không hợp tác.
Trẻ nôn sau khi uống thuốc: Xử lý như thế nào? Có nên cho uống lại? 1
Ép buộc trẻ uống thuốc có thể bị sặc dẫn đến nôn

Trẻ nôn sau khi uống thuốc, có nên cho uống lại không?

Để biết liệu có nên cho trẻ uống lại thuốc khi bị nôn hay không, theo khuyến nghị của Bệnh viện Nhi đồng, các bậc phụ huynh cần xem xét một số yếu tố sau:

Yếu tố quan trọng:

  • Thời gian từ khi trẻ uống thuốc đến khi trẻ bị nôn.
  • Loại thuốc (thuốc đó dùng để điều trị bệnh gì).
  • Tình trạng của trẻ thế nào sau khi nôn.
  • Lượng thuốc có thể thấy được trong dịch nôn của trẻ.

Yếu tố cần xem xét thêm:

  • Dạng bào chế của thuốc (viên, siro, hỗn dịch…).
  • Lượng dịch nôn ra.
  • Độ tuổi của trẻ.

Tuy nhiên, trên thực tế, ba mẹ thường rất khó để đánh giá một cách toàn diện tất cả các yếu tố trên. Để đảm bảo xử trí tốt nhất, ba mẹ nên cố gắng thu thập càng nhiều thông tin nêu trên càng tốt, đặc biệt là thời gian chính xác từ khi trẻ uống thuốc đến lúc trẻ nôn. Hãy trao đổi với bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ để xem xét các yếu tố khác, từ đó cân nhắc “Trẻ nôn sau sau uống thuốc có nên cho uống lại hay không?”. 

Theo các hướng dẫn hiện có, việc xác định “thời gian kể từ khi uống thuốc đến khi trẻ nôn” là điều quan trọng nhất. Sau đó, áp dụng nguyên tắc chung sau đây:

1. Nếu trẻ nôn ói trong vòng 15 phút sau khi uống thuốc, mẹ có thể cho trẻ uống lại thuốc vì thời gian này chưa đủ để thuốc hấp thụ vào máu.

2. Tuy nhiên, nếu trẻ nôn sau 15 - 60 phút, mẹ có thể cho trẻ uống lại một liều thuốc nếu cân nhắc thấy lợi ích điều trị lớn hơn nguy cơ quá liều. Cụ thể:

Trẻ nôn sau khi uống thuốc: Xử lý như thế nào? Có nên cho uống lại? 2
Nguyên tắc chung cho trẻ nôn sau khi uống

3. Sau 60 phút trẻ mới nôn thì mẹ không cần cho trẻ uống lại thuốc.

Cần lưu ý rằng thành phần, công dụng và thời gian hấp thụ vào máu của mỗi loại thuốc là khác nhau. Một số loại thuốc có khả năng thâm nhập vào máu nhanh chóng để đáp ứng yêu cầu điều trị, như thuốc trị bệnh tim hoặc bệnh hen suyễn. Do đó, tốt nhất là mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước về việc có nên cho trẻ uống lại thuốc nếu bị nôn trong lúc thăm khám, để tránh nguy cơ quá liều hoặc ngộ độc thuốc.

Làm gì khi bé bị nôn sau khi uống thuốc?

Trẻ nôn sau khi uống thuốc là vấn đề rất hay gặp ở trẻ nhỏ. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi có một số gợi ý mách bạn nên áp dụng khi cho con mình uống thuốc:

  • Với trẻ dễ bị nôn ói, để giảm bớt lo lắng về việc trẻ uống thuốc bị nôn, mẹ có thể phân tán sự chú ý của bé. Ngay sau khi bé uống thuốc, mẹ có thể lắc đồ chơi hoặc bật chương trình mà bé yêu thích để bé quên đi việc vừa uống thuốc cũng như vị đắng hoặc mùi khó chịu của thuốc còn lại trong miệng.
  • Một cách khác để cho trẻ uống thuốc mà không bị nôn là mẹ có thể cho bé ăn một viên kẹo, một miếng trái cây, hoặc món gì bé thích sau khi uống thuốc. Điều này giúp giảm tình trạng nôn ói sau khi uống thuốc, và mẹ sẽ không còn phải lo lắng về việc trẻ uống thuốc bị nôn có nên uống lại không.
  • Nếu dùng xilanh để cho con uống thuốc, mẹ nên bế con trong lòng giống như tư thế đang cho bú hoặc cho con ngồi trong xe đẩy. Sau đó, mẹ nhẹ nhàng bóp hai má để con mở miệng ra rồi bơm thuốc vào. Lưu ý không nên bơm mạnh vào giữa miệng trẻ vì có thể khiến con bị sặc. Thay vào đó, mẹ nên bơm thuốc từ từ vào một bên khóe miệng.

Những lưu ý khác khi cho trẻ uống thuốc

Để tránh tình trạng trẻ buồn nôn, nôn ói khi uống thuốc, mẹ cần lưu ý những điều sau:

  • Nếu trẻ thuộc dạng khó uống thuốc và thường xuyên bị nôn ói sau khi uống, mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về các biện pháp điều trị thay thế như chích, đặt thuốc ở hậu môn...
  • Đối với trẻ lớn, nếu trẻ có thể uống thuốc nguyên viên thì mẹ không nên nghiền nhuyễn thuốc vì điều này có thể làm cho trẻ khó uống.
  • Không nên pha thuốc với sữa, nước ép trái cây vì điều này có thể làm giảm tác dụng của thuốc. Mẹ có thể pha một ít đường vào thuốc để bé dễ uống hơn, nhưng không nên pha quá nhiều đường.
  • Mẹ nên tuân theo hướng dẫn của bác sĩ khi cho bé uống thuốc, không tự ý cho bé dùng thuốc để tránh nguy cơ ngộ độc hoặc lạm dụng thuốc.
  • Luôn luôn giữ số điện thoại của bác sĩ điều trị để khi cần liên hệ ngay, đặc biệt là khi trẻ uống thuốc bị nôn và cần xem xét liệu có nên uống lại hay không, hoặc khi bé có các phản ứng phụ như nổi mề đay, nôn mửa, tiêu chảy, phát ban...
  • Mẹ không nên ép trẻ uống thuốc khi bé đang quấy khóc hoặc có hành động cạy miệng, bóp mũi để đổ thuốc vào. Đây là hành động vô cùng nguy hiểm có thể làm trẻ sặc thuốc, gây nguy hiểm cho sức khỏe như tình trạng tím tái và ngạt thở.
Trẻ nôn sau khi uống thuốc: Xử lý như thế nào? Có nên cho uống lại? 3
Nên ưu tiên chọn các dạng thuốc dễ uống cho trẻ

Trên đây là những thông tin tham khảo về cách xử lý khi trẻ nôn sau khi uống thuốc. Quan trọng nhất, sự chăm sóc và quan tâm kỹ lưỡng của các bậc phụ huynh sẽ giúp bé vượt qua mọi khó khăn trong quá trình điều trị và phục hồi sức khỏe nhanh chóng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin