Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Trẻ sinh non ở tuần 28 và những điều cần biết

Ngày 06/07/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tình trạng sinh non tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh lý nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh và mẹ. Không ít gia đình băn khoăn vấn đề sinh non ở tuần 28 có sao không, em bé có ảnh hưởng gì không. Những chia sẻ từ Nhà thuốc Long Châu trong bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp.

Sự phát triển và tiến bộ vượt bậc của y học hiện nay đã giúp những em bé sinh non ở tuần 28 có tiên lượng sống cao, tỷ lệ mắc biến chứng nặng nề cải thiện đáng kể. Biết được bé sinh non vào tuần 28 phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh gì sẽ giúp bố mẹ phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, từ đó nâng cao sức khỏe cho trẻ.

Trẻ sinh non ở tuần 28 có sống được không?

Sinh non là tình trạng mẹ bầu chuyển dạ, sinh em bé trước tuần 37 của thai kỳ. Thời gian sinh ra càng sớm thì trẻ sơ sinh gặp biến chứng càng cao. Vậy trẻ sinh non ở tuần 28 có sống được không?

Các chuyên gia tại Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cho biết, bé sinh non từ tuần 28 của thai kỳ có đến 94% cơ hội sống sót. Mặc dù vậy, trẻ vẫn có xu hướng gặp nhiều biến chứng, cần được điều trị tích cực trong NICU hơn so với các bé sinh non có tuổi thai lớn hơn. Đa phần các bé đều có nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp.

Trẻ sinh non ở tuần 28 và những điều cần biết 1 Trẻ sinh non ở tuần 28 có tỷ lệ sống sót cao hơn trước rất nhiều

Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe mà các bé sinh non 28 tuần sẽ được bác sĩ điều trị riêng. Các phương pháp điều trị thường gặp bao gồm:

  • Theo dõi huyết áp, nhịp tim và hơi thở liên tục 24/24.
  • Năm lồng ấp để đảm bảo thân nhiệt được ổn định.
  • Sử dụng máy thở nếu gặp vấn đề về hô hấp.
  • Tiếp nhận bữa ăn thông qua đường ống đưa vào mũi hoặc miệng rồi truyền xuống dạ dày hoặc tiêm qua đường tĩnh mạch.

Các bé sinh non vào tuần 28 thường được về nhà vài tuần trước hoặc đúng ngày dự sinh ban đầu nếu như bé không gặp biến chứng hay bệnh tật nghiêm trọng nào. Thông thường, bác sĩ sẽ cho về nhà chăm sóc khi trẻ đã tự bú sữa, tự hít thở, tự kiểm soát thân nhiệt…

Đặc điểm của trẻ sinh non tuần 28

Các em bé sinh non 28 tuần thường có những đặc điểm sau:

  • Nhẹ cân.
  • Da nhăn nheo, màu đỏ tím, da mỏng có thể thấy được mạch máu dưới da.
  • Mắt nhắm tịt, không có lông mi.
  • Ít cử động.
  • Cần được hỗ trợ với máy thở oxy.
  • Chỉ có thể tiếp nhận thức ăn qua đường tĩnh mạch đến khi có đủ khả năng tự nuốt.
  • Chưa khóc được, hầu như chỉ dành thời gian để ngủ.

Bé sinh non vào tuần 28 vẫn có thể sống sót nhưng phải đối mặt với nhiều biến chứng. Trẻ cần được nuôi dưỡng tại phòng chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện cho đến khi cứng cáp thì mới được ra viện và đưa về nhà.

Trẻ sinh non ở tuần 28 và những điều cần biết 2 Trẻ sinh non 28 tuần chủ yếu dành thời gian để ngủ

Biến chứng có thể gặp ở trẻ sinh non tuần 28

Những nguy cơ về sức khỏe mà bé sinh non 28 tuần có thể mắc phải là:

  • Vấn đề về hệ hô hấp: Hệ hô hấp chưa phát triển hoàn thiện khiến trẻ có thể bị suy hô hấp, khó thở, ngừng thở kéo dài 20 giây hoặc nhiều hơn. Thêm vào đó, bé dễ bị viêm phế quản, viêm phổi dẫn đến rối loạn hô hấp mãn tính, nguy cơ cao gây tử vong.
  • Loạn sản phế quản phối: Do phải hít thở bằng máy. Bệnh có thể khiến bé tử vong do tăng áp lực động mạch phổi dẫn đến xẹp phổi, xơ phổi gây nhiễm trùng nặng.
  • Hạ huyết áp: Mạch máu yếu nên không đủ khả năng duy trì lượng máu bình thường và ổn định máu lưu thông. Trẻ bị huyết áp thấp có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến hoạt động tim mạch trong tương lai.
  • Rối loạn tiêu hóa: Hệ tiêu hóa non nớt, chưa hoàn thiện dễ khiến bé bị rối loạn tiêu hóa, viêm ruột hoại tử, đặc biệt ở những trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ.
  • Rối loạn máu: Vàng da, thiếu máu, nhiễm trùng máu…do tế bào máu còn yếu, chưa phát triển đầy đủ.
  • Hệ miễn dịch yếu:  Khiến bé hay đau ốm, sức khỏe khó hồi phục, dễ mắc nhiều bệnh, dễ bị lây bệnh từ môi trường xung quanh.
  • Chậm phát triển: Tốc độ chuyển hóa trong cơ thể chậm khiến hoạt động thể chất bị cản trở, dễ sản sinh hormone bất thường.
  • Thính lực và thị lực: Một số vấn đề về thính lực và thị lực như rối loạn thị giác, thính giác, bệnh lý võng mạc có thể gây mù lòa. Bác sĩ thường kiểm tra khả năng nghe, quan sát kỹ tình trạng của trẻ sinh non ở tuần 28 vào những ngày đầu sau sinh để phát hiện bệnh sớm.
  • Bại não: Rối loạn thần kinh gây yếu cơ, hạn chế cử động bình thường. Nguyên nhân của bệnh là do quá trình máu lưu thông bất thường và hệ thần kinh phát triển kém.
  • Rối loạn hành vi: Bao gồm các rối loạn như tăng động, nhận thức kém…
Trẻ sinh non ở tuần 28 và những điều cần biết 2 Trẻ sinh non thường gặp vấn đề về hô hấp

Cách chăm sóc trẻ sinh non 28 tuần tại nhà

Sau khi trẻ được xuất viện, bố mẹ cần thực hiện chăm sóc trẻ cẩn thận tại nhà theo các bước sau:

Nhiệt độ

Phụ huynh cần đảm bảo bé ở nhiệt độ an toàn và dễ chịu. Cụ thể, nhiệt độ phòng bé nằm từ 30 - 32 độ trong tuần đầu và 28 - 29 độ trong những tuần tiếp theo. Khi thân nhiệt bé trên 38 độ kèm theo vã mồ hôi, da nóng và đỏ thì mẹ cần hạ nhiệt độ trong phòng, cởi bớt quần áo, tránh gió lùa, cho bé bú ngay.

Chú ý khi sử dụng điều hòa cần thay đổi không khí 4 tiếng 1 lần bằng cách tắt điều hòa, mở thông thoáng các cửa và để nhiệt độ phòng thay đổi từ từ.

Chế độ dinh dưỡng

Lưu ý rằng, sữa mẹ luôn là nguồn thức ăn quan trọng nhất cho trẻ, nó cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết để trẻ phát triển và cung cấp những kháng thể thiết yếu giúp trẻ chống lại bệnh tật.

Trẻ sinh non có thể không bú mẹ trực tiếp vào thời gian đầu sau sinh nhưng mẹ cần vắt sữa đều đặn mỗi 3 giờ một lần để tránh bị viêm tắc tuyến sữa, mất sữa, đảm bảo nguồn sữa. Bé nên được bú mẹ liên tục trong 6 tháng đầu đời để cải thiện hệ miễn dịch.

Vệ sinh thân thể

Trẻ sinh non tuần 28 cần được lau người bằng khăn ấm. Mẹ hãy giữ da bé luôn khô ráo, thay tã thường xuyên. Tã cho bé cũng cần chọn thích hợp với làn da. Đồng thời tránh để bé tiếp xúc với môi trường nhiều bụi bặm hoặc lông của thú cưng trong nhà do hệ miễn dịch non nớt của trẻ rất dễ bị tổn thương.

Trẻ sinh non ở tuần 28 và những điều cần biết 4 Mẹ cần thường xuyên thay tã cho trẻ sinh non

Tương tác với bé

Bố mẹ hãy thường ôm ấp, tương tác với bé thông qua ánh mắt, vuốt ve, trò chuyện. Cách này sẽ giúp kích hoạt các khớp thần kinh quan trọng trong não trẻ, giúp bé biết nói sớm, kích thích trí não bé phát triển thông minh. Đồng thời giúp tạo mối liên kết chặt chẽ giữa bố mẹ, ông bà với trẻ. Tạo điều kiện để trẻ hòa nhập sau này.

Khám sức khỏe và tiêm chủng

Bố mẹ cần đưa bé sinh non ở tuần 28 đi tái khám định kỳ mỗi tuần 1 lần và giảm dần sau khi sức khỏe trẻ tiến triển tốt hơn. Bác sĩ sẽ đánh giá cân nặng, khả năng nghe nhìn, khả năng hô hấp cùng nhiều vấn đề khác của trẻ, từ đó tư vấn cách để chăm sóc trẻ phù hợp tại nhà. Bên cạnh đó, việc tuân thủ lịch tiêm chủng cho trẻ sơ sinh cũng là điều quan trọng để đảm bảo bé phát triển tốt.

Em bé sinh non ở tuần 28 có nuôi được hay không phụ thuộc phần lớn vào tình yêu của bố mẹ dành cho con trẻ và sự chăm sóc đặc biệt từ y bác sĩ. Mong rằng những chia sẻ trên từ Nhà thuốc Long Châu đã giúp phụ huynh có thêm nhiều kiến thức hữu ích. Gia đình hãy tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo tính mạng cho trẻ sơ sinh.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm