Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Trẻ sơ sinh đánh hơi nhiều nhưng không đi ngoài là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 19/07/2023
Kích thước chữ

Trẻ sơ sinh đánh hơi nhiều nhưng không đi ngoài là bệnh gì? Nguyên nhân và cách xử trí như thế nào. Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu một số thông tin qua bài viết sau đây nhé.

Sơ sinh là một giai đoạn quan trọng trong tiến trình phát triển của trẻ. Đây là giai đoạn vô cùng nhạy cảm do hệ miễn dịch của trẻ còn yếu. Hiện nay, tình trạng trẻ sơ sinh đánh hơi nhiều nhưng không đi ngoài đang trở thành mối quan tâm của rất nhiều ông bố bà mẹ bỉm sữa. Đồng thời nó cũng gây ra không ít khó chịu và phiền toái cho trẻ. 

Trẻ sơ sinh đánh hơi nhiều có tốt không?

Sơ sinh là giai đoạn mà các hệ cơ quan của trẻ tiếp tục phát triển và hoàn thiện dần, trong đó có hệ tiêu hóa. Việc hệ tiêu hóa chưa phát triển toàn diện dẫn đến chức năng tiêu hóa của trẻ còn rất hạn chế so với người lớn nên dễ bị rối loạn tiêu hóa. Trẻ dễ bị nôn, đầy bụng, khó tiêu. Tương tự với việc ợ sau mỗi cữ bú, đánh hơi là một phản xạ tự nhiên để đẩy lượng hơi dư thừa trong lòng ruột ra ngoài giúp trẻ cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn. Vì vậy, bố mẹ hoàn toàn có thể yên tâm nếu em bé của mình đánh hơi nhiều, thậm chí là hơn 10 lần/ngày.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp nếu trẻ đánh hơi có mùi thối nhưng không đi ngoài kèm theo một số dấu hiệu như quấy khóc, bỏ bú hoặc sốt… thì có thể gợi ý một tình trạng bệnh lý ở đường tiêu hóa của trẻ. Khi đó, bố mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám kịp thời.

Trẻ sơ sinh đánh hơi nhiều nhưng không đi ngoài là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị 1
Tại sao trẻ sơ sinh đánh hơi nhiều?

Trẻ sơ sinh đi ngoài bao nhiêu lần một ngày?

Sau khi sinh khoảng 6 đến 12 giờ, trẻ sẽ bắt đầu tiêu phân su. Phân su có màu xanh đậm, không mùi và là dấu hiệu cho thấy hệ tiêu hóa của trẻ đã và đang hoạt động tốt. Sau 2 đến 3 ngày tiêu phân su, mỗi trẻ sẽ có hoạt động đi tiêu và tính chất phân khác nhau. Trên thực tế, thói quen đi tiêu của trẻ rất đa dạng, có trẻ sẽ đi tiêu mỗi ngày một lần, hoặc nhiều lần, tuy nhiên cũng có một số trẻ chỉ đi tiêu 1 lần trong vài ngày. Tất cả những trường hợp trên đều được xem là bình thường đối với sinh lý của trẻ vì hoạt động hấp thu và đào thải ở mỗi trẻ là khác nhau. Bên cạnh đó, các cột mốc phát triển khác nhau, chế độ bú sữa, loại sữa khác nhau ở từng trẻ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự không giống nhau này.

  • Đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn: Trong khoảng 6 tuần đầu sau sinh trẻ thường đi tiêu ít nhất 3 lần/ngày, hoặc thậm chí là 4 đến 12 lần/ngày. Phân lỏng, màu vàng nhạt, không có nhầy máu, không thối. Sau khoảng thời gian trên, tần suất đi tiêu của trẻ thường giảm dần, còn khoảng 1 lần/ngày hoặc vài ngày một lần.
  • Đối với trẻ bú sữa công thức: Trẻ bú sữa công thức thường có số lần đi tiêu ít hơn so với trẻ bú mẹ hoàn toàn, khoảng 1 - 4 lần/ngày. Phân có màu nâu nhạt hoặc hơi xanh. Sữa công thức có hàm lượng đạm không giống với sữa mẹ, khó hấp thu với hệ tiêu hóa của trẻ hơn nên khiến trẻ dễ bị táo bón. Do đó, khi sử dụng sữa công thức cho trẻ bố mẹ cần hết sức lưu ý chọn loại sữa thích hợp, thường xuyên để ý thói quen đi tiêu và phân của con để có hướng xử lý kịp thời.
Trẻ sơ sinh đánh hơi nhiều nhưng không đi ngoài là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị 2
Trẻ bú sữa công thức sẽ dễ bị táo bón hơn so với trẻ bú mẹ hoàn toàn

Nguyên nhân trẻ sơ sinh đánh hơi nhiều nhưng không đi ngoài

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh đánh hơi nhiều nhưng không đi ngoài. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến là táo bón. Đây là một triệu chứng rất thường gặp ở trẻ, khiến cho trẻ rất khó chịu và đau đớn mỗi lần đi tiêu. Bố mẹ có thể dễ dàng phát hiện triệu chứng này qua tần suất đi tiêu, cử chỉ trong lúc đi tiêu và tính chất phân của trẻ. Táo bón sẽ làm giảm số lần đi tiêu của trẻ so với bình thường, trẻ phải dùng nhiều sức để rặn, sẽ rất khó chịu, quấy khóc thậm chí là đỏ người trong lúc đi tiêu đồng thời phân đi ra sẽ cứng, nhỏ và khô.

Trẻ sơ sinh đánh hơi nhiều nhưng không đi ngoài là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị 3
Táo bón là một trong những nguyên nhân trẻ sơ sinh đánh hơi nhiều nhưng không đi ngoài

Bên cạnh táo bón thì vấn đề về dinh dưỡng cũng là một nguyên nhân khá phổ biến gây nên tình trạng trẻ sơ sinh đánh hơi nhiều nhưng không đi ngoài:

Đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn

Sữa mẹ có thành phần các chất rất cân đối và dễ hấp thu nên trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn rất hiếm khi bị táo bón. Tuy nhiên, các thành phần trong sữa mẹ không cố định mà sẽ có sự thay đổi theo thời gian. Sữa mẹ trong giai đoạn 5 ngày đầu sau sinh được gọi là sữa non. Sữa non không chỉ cung cấp một lượng lớn đạm và miễn dịch mà thành phần của chúng còn hỗ trợ rất tốt cho hoạt động đi tiêu của trẻ.

Sau ngày thứ 5 đến hết 6 tuần đầu sau sinh, sữa mẹ sẽ dần thay đổi hàm lượng các thành phần để hình thành sữa trưởng thành và phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Hay nói cách khác công dụng hỗ trợ cho hoạt động đi tiêu của bé cũng sẽ giảm dần. Do đó có thể dẫn đến hiện tượng bé xì hơi nhiều nhưng không ị.

Đối với trẻ bú sữa công thức

Sữa công thức có tỷ lệ một số thành phần không giống với sữa mẹ, đặc biệt là tỷ lệ đạm casein trong sữa công thức cao hơn so với sữa mẹ. Loại đạm này rất dễ bị kết tủa trong môi trường acid dạ dày từ đó dẫn đến tình trạng khó tiêu và táo bón cho trẻ. Vì lý do đó, nếu con của bạn đang sử dụng sữa công thức thì vấn đề trẻ đánh hơi nhiều nhưng không đi ngoài có thể đang cảnh báo triệu chứng táo bón ở trẻ. Tuy nhiên, bạn cũng không cần quá lo lắng vì tình trạng trẻ sơ sinh đánh hơi nhiều nhưng không đi ngoài khi sử dụng sữa công thức cũng có thể do hệ tiêu hóa của trẻ đang tập làm quen với các chất mới. Do vậy, bố mẹ cần phải hết sức lưu ý đến vấn đề đi tiêu của con trong giai đoạn này.

Cách cho bú

Dù là bú mẹ hay bú bằng bình sữa thì cho bé bú đúng cách cũng đều rất quan trọng. Việc cho bú không đúng cách đặt biệt là cách ngậm bắt núm vú sai có thể dẫn đến tình trạng trẻ nuốt nhiều không khí trong lúc bú. Từ đó trẻ sẽ dễ no hơi và xuất hiện một số triệu chứng như sôi bụng, nôn trớ, đánh hơi nhiều.

Bố mẹ cần làm gì khi trẻ sơ sinh đánh hơi nhiều nhưng không đi ngoài?

Trẻ sơ sinh đánh hơi nhiều nhưng không đi ngoài hoàn toàn là sinh lý bình thường nếu trẻ vẫn bú tốt, phát triển thể chất bình thường, tăng cân đúng theo tiêu chuẩn đối với từng mốc phát triển. Tuy nhiên, nếu bé xì hơi nhiều nhưng không ị và kèm theo một số dấu hiệu sau đây thì bố mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám càng sớm càng tốt:

  • Bé bắt đầu sốt, lừ đừ
  • Bé bú ít, bỏ bú hoặc nôn mửa
  • Bé quấy khóc, kích thích, vật vã
  • Bé bị táo bón kéo dài.
Trẻ sơ sinh đánh hơi nhiều nhưng không đi ngoài là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị 4
Massage bụng giúp trẻ đi tiêu dễ dàng hơn

Một số cách giúp cải thiện tình trạng trẻ sơ sinh đánh hơi nhiều nhưng không đi ngoài mà bố mẹ có thể tham khảo:

  • Massage bụng và tắm nước ấm cho trẻ sơ sinh đánh hơi nhiều nhưng không đi ngoài: Các động tác massage và nước ấm sẽ giúp trẻ thư giãn, thả lỏng những cơ bị căng đồng thời kích thích nhu động ruột từ đó giúp trẻ đi tiêu dễ dàng hơn.
  • Thay đổi chế độ ăn ở mẹ: Chế độ ăn nhiều dầu mỡ và đồ cay nóng ở mẹ có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa, khiến trẻ dễ bị sôi bụng, đánh hơi nhiều. Do đó, mẹ cần thiết kế một chế độ ăn lành mạnh, hạn chế những thức ăn có thể gây ra tình trạng khó tiêu cho trẻ.
  • Đối với những trẻ lớn trên 6 tháng tuổi và đã bắt đầu ăn dặm, để hạn chế táo bón mẹ nên cho trẻ uống thêm nhiều nước, đồng thời bổ sung các thức ăn giàu chất xơ vào khẩu phần ăn cho trẻ.
  • Dùng thuốc: Nếu tình trạng táo bón của trẻ vẫn không cải thiện sau khi đã áp dụng các phương pháp trên thì thuốc là giải pháp cần được lựa chọn. Tuy nhiên trước hết bố mẹ cần cho trẻ đến gặp bác sĩ để thăm khám và có chỉ định thuốc phù hợp. Bố mẹ không nên tự ý mua thuốc cho trẻ dùng để tránh xảy ra những sự cố không mong muốn.

Tóm lại, việc trẻ sơ sinh đánh hơi nhiều nhưng không đi ngoài có rất nhiều nguyên nhân và cách xử trí phù hợp cho từng nguyên nhân đó. Bố mẹ cần bình tĩnh đánh giá vấn đề của con để có cách xử trí phù hợp. Mọi lo lắng và thắc mắc về tình trạng của trẻ bố mẹ nên tìm bác sĩ chuyên khoa để được giải thích cụ thể. Hy vọng qua bài viết trên đây bạn đã ghi chú được một số thông tin bổ ích cho hành trình làm bố mẹ của mình.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.