Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Trĩ huyết khối có nguy hiểm không?

Ngày 27/11/2023
Kích thước chữ

Trĩ huyết khối thường không quá nguy hiểm đối với sức khỏe nếu được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu chủ quan bệnh nhân không được can thiệp và điều trị, có thể gây ra một số vấn đề và biến chứng nguy hiểm. Vì vậy khi có bất kỳ biểu hiện nghi ngờ trĩ huyết khối bạn nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị chuyên khoa.

Trĩ huyết khối hay còn gọi là trĩ tắc mạch, là một tình trạng mà một cục máu đông hình thành bên trong búi trĩ. Cục máu đông này có thể tạo áp lực và chặn dòng máu trong các mạch máu của búi trĩ gây ra sưng, đau và có thể gây ra chảy máu ở hậu môn nếu cục máu đông này vỡ ra.

Trĩ huyết khối là gì?

Bệnh trĩ huyết khối thường được biết đến với các tên gọi khác nhau như trĩ tắc mạch, bệnh huyết khối quanh hậu môn, là kết quả của một cục máu đông hình thành trong búi trĩ. Đây là một hiện tượng gây ra sự tắc nghẽn dòng chảy máu, dẫn đến viêm nhiễm, đau đớn và chảy máu.

tri-huyet-khoi-co-nguy-hiem-khong 1.jpg
Trĩ tắc mạch, bệnh huyết khối quanh hậu môn

Búi trĩ có thể xuất hiện ở dạng một cục đơn lẻ hoặc một khối tròn. Thông thường, cục máu đông sẽ được cơ thể hấp thụ tự nhiên và các triệu chứng sẽ dần dần biến mất. Mặc dù hầu hết các trường hợp bệnh trĩ huyết khối nằm ở bên ngoài, nhưng chúng cũng có thể phát triển bên trong.

Có ba loại chính của bệnh trĩ huyết khối: Trĩ nội huyết khối, hay còn được gọi là trĩ nội tắc mạch; trĩ ngoại huyết khối, còn gọi là trĩ ngoại tắc mạch; và trĩ hỗn hợp tắc mạch. Mỗi loại có những đặc điểm và triệu chứng riêng, đòi hỏi cách tiếp cận và điều trị phù hợp để giảm đau và hỗ trợ quá trình lành.

Bệnh trĩ huyết khối thường biểu hiện dưới dạng một khối nhỏ nằm xung quanh hậu môn, thường có màu đậm, thậm chí có thể xuất hiện màu xanh do chứa một cục máu đông bên trong. Triệu chứng thường gặp nhất là sưng, đau, và cảm giác nặng nề. Ngoài ra, nếu cục máu đông tắc mạch bị vỡ, có thể gây ra sự chảy máu từ hậu môn.

Trĩ huyết khối do đâu?

Đến nay, cơ chế hình thành cục máu đông trong bệnh trĩ vẫn chưa được các nhà nghiên cứu làm sáng tỏ. Các giả thuyết đã xác định một số nguyên nhân gây ra bệnh trĩ, trong đó có việc thiếu collagen trong mô đệm ống hậu môn. Sự thiếu hụt này làm mất đi tính đàn hồi của mô, dẫn đến sự giãn nở của mạch máu và sự rối loạn trong cơ chế dây chằng treo trĩ. Các tác nhân phổ biến có thể gây ra tình trạng này bao gồm:

Nguy cơ bệnh nhân táo bón, tiêu chảy thường xuyên: Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài tạo áp lực lớn lên hậu môn, thúc đẩy sự hình thành của búi trĩ.

tri-huyet-khoi-co-nguy-hiem-khong 2.jpg
Bệnh nhân táo bón, tiêu chảy thường xuyên dễ gây biến chứng trĩ huyết khối

Ngồi lâu, lười vận động: Thói quen ngồi lâu gây áp lực lên hậu môn và trực tràng, góp phần vào việc hình thành búi trĩ.

Dinh dưỡng thiếu chất xơ: Chế độ ăn uống thiếu chất xơ và uống ít nước có thể gây táo bón, làm giảm nhu động ruột và gây khó khăn khi đi tiêu, dẫn đến bệnh trĩ.

Suy giảm chức năng tiêu hóa: Ở người cao tuổi, chức năng tiêu hóa kém có thể gây táo bón, góp phần vào nguy cơ mắc bệnh trĩ.

Phụ nữ mang thai: Thay đổi chế độ ăn uống trong thai kỳ, áp lực từ thai nhi xuống hậu môn, và sự căng thẳng có thể dẫn đến táo bón và tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ.

Bệnh lý đường tiêu hóa: Các bệnh lý đường tiêu hóa như bệnh đại tràng, nứt hậu môn, hoặc béo phì có thể dễ dàng gây ra bệnh trĩ.

Sau sinh con: Áp lực khi rặn trong quá trình sinh con có thể tạo ra áp lực lên hậu môn, đóng góp vào việc hình thành bệnh trĩ.

Thói quan nhịn đi tiêu: Những thói quen nhịn đi tiêu thường xuyên tạo áp lực lớn lên hậu môn và trực tràng, gây ra bệnh trĩ.

Trĩ huyết khối có nguy hiểm không?

Bệnh trĩ huyết khối không thuộc loại bệnh nguy hiểm, nhưng nó có thể gây ra những tác động xấu đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ngoài ra, trong một số trường hợp nghiêm trọng và không được kiểm soát, trĩ huyết khối có thể tạo điều kiện cho nhiều biến chứng nguy hiểm, như:

Nhiễm trùng huyết: Trong quá trình chảy máu hậu môn do trĩ, vi khuẩn có thể xâm nhập và phát triển trong máu, gây ra nhiễm trùng huyết. Biến chứng này thường có những triệu chứng như buồn nôn, sốt cao, đau bụng, khó thở, lo lắng và nhịp tim nhanh.

tri-huyet-khoi-co-nguy-hiem-khong 3.jpg
Nhiễm trùng huyết có triệu chứng như sốt cao

Hoại tử: Khi trĩ tăng kích thước, cục máu đông lớn, có thể gây nghẹt đường tuần hoàn máu, dẫn đến sự thiếu hụt dưỡng chất và oxy, dẫn đến hoại tử.

Cục máu đông: Các cục máu đông từ trĩ huyết khối có thể di chuyển ngược lại vào dòng máu, ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể.

Ngoài ra, trĩ huyết khối có thể gây ra thiếu máu và nhiễm trùng nghiêm trọng. Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng bệnh nhân không nên tự điều trị trĩ tại nhà, vì việc tự điều trị không đúng có thể gây ra những biến chứng nặng nề hơn, đe dọa đến sức khỏe và thậm chí tính mạng của họ. Khi phát hiện bất kỳ triệu chứng nào của trĩ, bạn nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị chính xác từ bác sĩ chuyên khoa. Điều này có thể giúp rút ngắn thời gian điều trị, giảm đau đớn, ngăn ngừa các biến chứng và tiết kiệm chi phí điều trị cho bệnh nhân.

Xem thêm: Cách làm tan cục máu đông ngừa tai biến mạch máu não

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.