Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sa búi trĩ là gì? Nguyên nhân và cách điều trị, phòng ngừa.

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sa búi trĩ là tình trạng các đệm mạch máu ở vùng hậu môn bị trượt, nhô vào lòng hậu môn và sa ra ngoài khỏi ống hậu môn. Sa búi trĩ xảy ra khi lớp đệm mạch máu ở vùng hậu môn trực tràng bị suy yếu. Dấu hiệu chính của sa búi trĩ là sự xuất hiện của một hoặc nhiều khối có thể sờ thấy xung quanh hậu môn. Mặc dù không gây nguy hiểm nhưng sa búi trĩ có thể khiến bệnh nhân đau đớn dữ dội nếu có tình trạng thắt nghẹt hoặc huyết khối tại búi trĩ. Một số biện pháp điều tại nhà có thể hiệu quả nếu sa búi trĩ nhẹ và điều trị thủ thuật ngoại khoa có thể cần nếu tình trạng sa búi trĩ diễn tiến nặng không đáp ứng với các điều trị tại nhà.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Sa búi trĩ là gì? 

Trĩ định nghĩa một cách đơn giản theo dân gian là tình trạng các búi mạch máu vùng hậu môn trực tràng bị sưng và phồng lên một cách quá mức. Các mạch máu này chủ yếu là hệ thống tĩnh mạch và đám rối của chúng. Về mặt y khoa, các mạch máu này đóng vai trò như một lớp đệm ở hậu môn và trĩ xảy ra khi có tình trạng lớp đệm này bị sa trượt, nhô vào lòng ống hậu môn và sa búi trĩ là một hệ quả tất yếu của tình trạng sa trượt của lớp đệm hậu môn.

Có 2 loại búi trĩ là búi trĩ ngoại (external hemorrhoids) và búi trĩ nội (internal hemorrhoids).

Búi trĩ ngoại là các mạch máu nằm bên dưới lớp da quanh hậu môn, thường có thể sờ thấy dễ dàng và khi xuất hiện sẽ khiến bệnh nhân nghĩ là búi trĩ sa ra ngoài.

Búi trĩ nội thường xuất phát từ các mạch máu bên trong trực tràng, hầu như không thể sờ thấy. Người ta chia trĩ nội thành 4 độ dựa trên tình trạng sa búi trĩ:

  • Độ 1: Trĩ nội nằm hoàn toàn trong lòng ống hậu môn, không sa khi đi đại tiện.
  • Độ 2: Búi trĩ sa ra ngoài khi đại tiện, sau đó tự co lên
  • Độ 3: Búi trĩ sa ra ngoài khi đại tiện, không tự co lên, phải dùng tay đẩy lên.
  • Độ 4: Búi trĩ sa ra ngoài không thể đẩy lên được.

Tình trạng sa búi trĩ với trĩ nội độ 3, độ 4 có thể được bệnh nhân nhận nhầm là trĩ ngoại.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của sa búi trĩ

Dấu hiệu chính của sa búi trĩ là sự xuất hiện của một hoặc nhiều khối có thể sờ thấy xung quanh hậu môn. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể nhẹ nhàng đẩy khối này trở lại qua hậu môn. Mặc dù điều đó làm thay đổi vị trí của búi trĩ và có thể làm giảm một số triệu chứng, nhưng búi trĩ vẫn còn tồn tại.

Búi trĩ sa đau hơn khi ngồi, giảm khi đứng hoặc khi nằm. Ngoài ra, búi trĩ có thể đau nhiều hơn khi đi đại tiện.

Búi trĩ sa có thể đặc biệt đau đớn nếu cục máu đông đã hình thành trong búi trĩ. Đây được gọi là tình trạng trĩ huyết khối. Hơn nữa, búi trĩ sa ra ngoài cũng có thể gây đau rất nhiều nếu nguồn cung cấp máu cho búi trĩ bị tắc nghẽn, tình trạng này gọi là trĩ thắt nghẹt.

Biến chứng có thể gặp khi có sa búi trĩ

Búi trĩ có thể chảy máu rỉ rả và gây thiếu máu mạn. Khi búi trị bị thắt nghẹt hoặc thuyên tắc, mặc dù tình trạng này không quá nguy hiểm nhưng sẽ khiến bệnh nhân sẽ cảm thấy đau dữ dội.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến sa búi trĩ

Sa búi trĩ xảy ra khi lớp đệm mạch máu ở vùng hậu môn trực tràng bị suy yếu. Một số yếu tố nguy cơ có thể gây ra tình trạng này như: 

  • Tình trạng táo bón phải rặn nhiều khi đi cầu làm tăng áp lực lên lớp đệm hậu môn hoặc tình trạng tiêu chảy nhiều và kéo dài. 

  • Tình trạng mang thai làm tăng nguy cơ này vì sự gia tăng trọng lượng cơ thể nhiều trong thai kỳ và tương tự là tình trạng thừa cân, béo phì làm tăng áp lực lên các mạch máu vùng trực tràng. 

  • Hút thuốc lá cũng là một yếu tố nguy cơ vì các chất độc từ thuốc lá có thể làm tổn thương các mạch máu ở vùng trực tràng, hậu môn.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải sa búi trĩ?

  • Ngồi nhiều, ít vận động, đặc biệt là nhân viên văn phòng;
  • Người mắc bệnh béo phì, táo bón hoặc tiêu chảy mãn tính;
  • Phụ nữ mang thai;
  • Bệnh nhân u vùng tiểu khung như u đại trực tràng, u xơ tử cung

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị sa búi trĩ

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị sa búi trĩ bao gồm:

  • Rặn nhiều khi đi cầu, ngồi lâu trong toilet;

  • Bị tiêu chảy hoặc táo bón mãn tính;

  • Béo phì, có thai;

  • Giao hợp qua đường hậu môn;

  • Chế độ ăn ít chất xơ;

  • Mang vác nặng thường xuyên.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sa búi trĩ

Hầu như chỉ cần dựa vào thăm khám lâm sàng là có thể giúp chẩn đoán. Bác sĩ có thể khám búi trĩ bằng tay hoặc nhìn vào bên trong ống hậu môn qua ống soi hậu môn, trực tràng.

Phương pháp điều trị sa búi trĩ hiệu quả

Điều trị tại nhà bao gồm:

Ăn nhiều chất xơ, trái cây để làm mềm phân, tăng thể tích khối phân giúp tránh tình trạng rặn nhiều khi đi cầu.

Dùng các thuốc kháng viêm bôi tại chỗ để giảm đau.

Ngâm nước ấm vùng hậu môn 10-15 phút 2-3 lần/ngày 

Dùng các thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol.

Nếu chăm sóc tại nhà không hiệu quả và búi trĩ sa chảy máu hoặc đau, có thể cần phải đến bệnh viện để điều trị. Một số biện pháp mà bác sĩ có thể dùng để điều trị sa búi trĩ bao gồm:

Cột thắt búi trĩ: Bác sĩ sẽ cột một hoặc hai dây cao su nhỏ quấn chặt quanh búi trĩ, cắt đứt mạch máu lưu thông đến nó. Trong vòng một tuần hoặc lâu hơn, búi trĩ sẽ co lại và rụng đi. Thường sẽ có chảy máu và đau trong vài ngày đầu tiên nhưng các biến chứng hầu như ít gặp.

Chích xơ búi trĩ: Lựa chọn tốt nhất cho trị nội độ 1 hoặc độ 2. Chích xơ không phải lúc nào cũng hiệu quả như cột thắt búi trĩ. Đối với thủ thuật này, bác sĩ sẽ tiêm vào búi trĩ những hóa chất làm teo các mạch máu trong búi trĩ.

Phẫu thuật: Trĩ ngoại huyết khối có thể được điều trị bằng phẫu thuật cắt búi trĩ. Đây là một phẫu thuật nhỏ bao gồm việc cắt bỏ búi trĩ và dẫn lưu vết thương. Tốt nhất nên được thực hiện trong vòng ba ngày kể từ khi có cục máu đông. Với tình trạng trĩ nội độ 4 và một số trĩ nội độ 3, phẫu thuật cắt trĩ toàn bộ có thể thực hiện. Trong quy trình này, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ tất cả các mô trĩ. Mặc dù nó có hiệu quả trong việc điều trị các triệu chứng của bệnh trĩ nhưng quá trình hồi phục sau phẫu thuật này có thể kéo dài, đau nhiều và có thể kèm các biến chứng, chẳng hạn như tiểu không kiểm soát.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của sa búi trĩ

Chế độ sinh hoạt:

  • Tập thể dục thường xuyên để tăng cường chức năng các mạch máu;

  • Không ngồi quá lâu khi đi cầu;

  • Giữ cân nặng phù hợp;

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị;

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị;

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng

  • Ăn nhiều chất xơ, trái cây, uống nhiều nước;

  • Nếu có táo bón, có thể cần dùng các thuốc bổ sung chất xơ hoặc chất làm mềm phân.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.healthline.com/health/prolapsed-hemorrhoid#treatment
  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hemorrhoids/diagnosis-treatment/drc-20360280
  3. https://www.webmd.com/digestive-disorders/understanding-hemorrhoids-basics
  4. https://www.aafp.org/afp/2018/0201/p172.html
Chủ đề:Trĩ

Các bệnh liên quan

  1. Ung thư ruột kết

  2. Chán ăn

  3. Tiêu chảy do kháng sinh

  4. Thủng đại tràng

  5. Sa trực tràng

  6. Viêm gan mạn

  7. Thủng dạ dày

  8. Viêm loét dạ dày

  9. Viêm niêm mạc trực tràng

  10. Viêm dạ dày mạn tính