Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng chẩn đoán hội chứng Raynaud

Ngày 18/02/2023
Kích thước chữ

Hội chứng Raynaud xảy ra khi bàn tay bị co thắt mạch trong trường hợp bị lạnh hoặc stress tâm lý, gây ra những biến chứng khó chịu và sự thay đổi về màu sắc ở một hay nhiều ngón tay (tay thường bị xanh tím, nhợt nhạt hoặc kết hợp các nốt ban đỏ). Raynaud có triệu chứng giống nhiều bệnh lý khác, do đó nó thường bị người bệnh lơ là và bỏ qua. Tuy nhiên hội chứng Raynaud nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh.

Vậy thực chất hội chứng Raynaud có những triệu chứng như thế nào? Dấu hiệu chẩn đoán là gì? Bạn đọc hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về vấn đề này ở bài viết dưới đây nhé!

Hội chứng Raynaud là gì?

Năm 1862 bác sĩ người Pháp Maurice Raynaud phát hiện ra hội chứng Raynaud. Raynaud là tình trạng khi cơ thể bị stress hay lạnh gây ra sự co thắt một cách đột ngột ở các mạch máu nhỏ ngoại biên. Khi đó, các mạch máu sẽ hẹp lại và bị hạn chế sự lưu thông máu đến các mô. Tình trạng này hay xảy ra ở các ngón tay, ngón chân và có thể là ở mũi, tai hoặc núm vú của người bệnh… khiến những nơi này có sự biến đổi về cảm giác và màu sắc.

Cả nữ giới và nam giới đều có nguy cơ cao mắc phải hội chứng Raynaud gây tím tái đầu tứ chi với tỉ lệ khoảng 3 - 5% hay gặp hơn ở những phụ nữ trong độ tuổi từ 20 - 40 tuổi. Người ta cho rằng hội chứng Raynaud có thể là do phản ứng adrenergic alpha-2 gây ra chứng co thắt và chưa xác định được cơ chế hoạt động.

Hội chứng Raynaud được chia làm 2 loại: 

  • Hội chứng Raynaud nguyên phát: Phổ biến hơn so với thứ phát, tỷ lệ mắc trên 80%; thường không có triệu chứng hoặc mang dấu hiệu của các rối loạn khác. 
  • Hội chứng Raynaud thứ phát: Thường có những triệu chứng và tình trạng rối loạn khác nhau, đa số là các mô liên kết.

Nicotine thường gặp trong hội chứng Raynaud thứ cấp nhưng dễ bị bỏ qua. Hội chứng Raynaud hay kèm theo các chứng đau thắt ngực, đau nửa đầu và tăng áp lực động mạch phổi, các rối loạn này cho thấy Raynaud có cơ chế co mạch.

Triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng chẩn đoán hội chứng Raynaud 1 Hội chứng Raynaud xảy ra do sự co thắt ở các động mạch làm giảm dòng máu đến các mô

Nguyên nhân gây ra hội chứng Raynaud

Hội chứng Raynaud nguyên phát chưa xác định được nguyên nhân. Tuy nhiên với Raynaud thứ phát thì thường gây ra bởi các nguyên nhân như:

  • Do các biến chứng về bệnh lý: Bệnh xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp, lupus
  • Do tác dụng phụ của một số loại thuốc như: Thuốc methysergid, chẹn beta, ergotamine…
  • Do lối sống không lành mạnh, thói quen hút thuốc lá cũng gây ra các cơn co mạch máu…
  • Bệnh nhân gặp phải các chấn thương như gãy chân hoặc gãy tay…
Triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng chẩn đoán hội chứng Raynaud 2 Những chấn thương ở tay cũng là nguyên nhân gây nên hội chứng Raynaud

Các triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng của hội chứng Raynaud

Hội chứng Raynaud có liên quan đến các mô liên kết và có thể gây ra những đau đớn hoặc hoại tử. Raynaud thứ phát có thể do chứng xơ cứng bì hệ thống gây nên và có nguy cơ hình thành những vết loét lớn trên đầu ngón tay. 

Triệu chứng thường gặp nhất trong hội chứng Raynaud là cảm giác đau rát, lạnh, dị cảm hoặc dễ nhận biết nhất là sự thay đổi màu sắc của ngón tay khi tiếp xúc với những căng thẳng, lạnh hay sự rung động. Các cảm giác này có thể hết nếu loại bỏ các tác nhân kể trên, bàn tay có thể hồi phục cảm giác và màu sắc về bình thường.

Dấu hiệu thường gặp của hội chứng Raynaud là sự thay đổi về màu sắc rõ rệt trên các ngón. Thường phân rõ làm ba pha (đầu tiên là nhợt, tiếp đến là có màu xanh tím và sau cùng là các vết hồng ban do bị nóng và phản ứng tăng dòng máu) hay chỉ có một pha (màu đỏ tím hoặc xanh). Sự thay đổi về màu sắc của các ngón thường có tính đối xứng. Hội chứng Raynaud thường không xảy ra ở các khớp bàn ngón tay và ngón tay cái mà hay ảnh hưởng đến 3 ngón giữa của bàn tay. Sự co thắt mạch trong Raynaud thường kéo dài từ vài phút đến vài giờ.

Triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng chẩn đoán hội chứng Raynaud 3 Hội chứng Raynaud thường đặc trưng bởi triệu chứng tím tái và thay đổi màu sắc ở bàn tay

Chẩn đoán hội chứng Raynaud

Để chẩn đoán hội chứng Raynaud bác sĩ sẽ dựa vào:

  • Chẩn đoán lâm sàng: Các câu hỏi về tiền sử bệnh, triệu chứng được đưa ra đối với bệnh nhân. Bệnh nhân cần miêu tả kỹ các dấu hiệu, biểu hiện khi bị Raynaud.
  • Các xét nghiệm để chẩn đoán các rối loạn tiềm ẩn: Chỉ định kiểm tra máu và test những xét nghiệm được thực hiện để loại trừ những triệu chứng tương tự như hội chứng Raynaud.

Một số dấu hiệu lâm sàng đặc trưng chẩn đoán hội chứng Raynaud nguyên phát:

  • Tuổi khởi phát < 40 tuổi (chiếm ⅔ trường hợp).
  • Mang tính chất đối xứng, thường đau nhẹ.
  • Không xảy ra hoại tử mô.
  • Tiền sử hoặc lâm sàng không cho những biểu hiện về nguyên nhân khác.

Chẩn đoán hội chứng Raynaud thứ phát thông qua những dấu hiệu sau:

  • Tuổi khởi phát > 30 tuổi.
  • Thường gây đau đớn nghiêm trọng và không có tính chất đối xứng.
  • Bệnh nhân bị tổn thương thiếu máu cục bộ.
  • Tiền sử hoặc lâm sàng có những biểu hiện đi kèm của một số rối loạn khác.

Các xét nghiệm chẩn đoán bao gồm dạng áp lực và dạng sóng mạch. Các xét nghiệm máu cũng được thực hiện để chẩn đoán các bệnh về mạch máu collagen như: Đo tốc độ lắng máu hồng cầu [ESR], kháng thể kháng DNA, anti CCP, protein phản ứng C, kháng thể Scl 70.

Triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng chẩn đoán hội chứng Raynaud 4 Xét nghiệm máu là một trong những biện pháp hỗ trợ chẩn đoán hội chứng Raynaud

Điều trị hội chứng Raynaud

Điều trị hội chứng Raynaud nguyên phát

Raynaud nguyên phát thường liên quan đến lạnh. Do đó, việc hạn chế tiếp xúc với những nơi lạnh là rất cần thiết, ngừng hút thuốc lá và giảm căng thẳng về tâm lý, cũng có thể kết hợp với thư giãn để điều trị. Điều trị về thay đổi lối sống kết hợp với việc sử dụng thuốc: 

  • Các thuốc chẹn kênh canxi có hiệu quả cao như: Nifedipine sử dụng 60 - 90mg 1 lần/ngày, amlodipine liều dùng 5 - 20mg 1 lần/ngày hoặc isradipine liều lượng 2,5 - 5mg và uống 2 lần/ngày. 
  • Sau đó có thể dùng thêm Prazosin 1 - 5mg với tần suất 1 đến 2 lần/ngày. 
  • Ngoài ra thuốc Nitroglycerine dán tại chỗ hoặc Pentoxifylline 400mg uống 2 - 3 lần/ngày, sử dụng sau khi ăn cơm.
  • Chống chỉ định các thuốc chẹn beta, clonidin và các chế phẩm từ nấm ergot do chúng gây ra các tình trạng co mạch hoặc làm các triệu chứng tiến triển trầm trọng. 

Điều trị hội chứng Raynaud thứ phát

Raynaud thứ phát thường biểu hiện rõ ở các triệu chứng. Do đó, bác sĩ chỉ định điều trị triệu chứng của bệnh nền. Giống như hội chứng Raynaud nguyên phát, các thuốc chẹn kênh canxi hoặc prazosin cũng được sử dụng, kết hợp sử dụng một số các loại thuốc và biện pháp như:

  • Thuốc giảm đau, kháng sinh: Sử dụng trong trường hợp cơn đau trầm trọng và có dấu hiệu bị viêm.
  • Trường hợp loét thiếu máu cục bộ cần làm phẫu thuật cắt bỏ.
  • Aspirin liều thấp có thể dùng để ngăn ngừa huyết khối nhưng có thể làm tăng tình trạng co mạch bằng ức chế prostaglandin.
  • Bệnh nhân gặp phải triệu chứng thiếu máu cục bộ có thể chỉ định sử dụng Prostaglandins dạng tiêm (epoprostenol, alprostadil, iloprost).

Ngoài việc điều trị triệu chứng bằng việc sử dụng các loại thuốc thì phẫu thuật cắt dây thần kinh giao cảm cổ hoặc vùng cũng được đưa ra. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tranh cãi về việc sử dụng thủ pháp phẫu thuật này. Nó chỉ được dùng cho những bệnh nhân có triệu chứng tiến triển không đáp ứng với tất cả những biện pháp trên. Phẫu thuật cắt dây thần kinh giao cảm có thể loại bỏ các triệu chứng của hội chứng Raynaud nhưng nó chỉ có tác dụng trong vòng 1 - 2 năm kể từ khi thực hiện phẫu thuật.

Hội chứng Raynaud với đặc trưng co mạch nhưng cũng có thể phục hồi nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Dựa vào những thông tin về bài viết “Triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng chẩn đoán hội chứng Raynaud” mà nhà thuốc Long Châu chia sẻ, bạn đọc có thể đọc và tìm hiểu rõ về hội chứng Raynaud để xác định tình trạng và có hướng điều trị kịp thời. Chúc bạn đọc có một sức khỏe tốt và đừng quên theo dõi trạng web của nhà thuốc Long Châu để biết thêm nhiều thông tin về sức khỏe nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: MSD MANUAL& Vinmec

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm