Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tự nhiên đau ngón chân cái là dấu hiệu của bệnh gì?

Ngày 24/05/2024
Kích thước chữ

Đau ngón chân cái có thể xuất hiện đột ngột và gây phiền toái trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều bạn đọc đã và đang trải qua cảm giác này có thắc mắc rằng đây có phải là triệu chứng của một bệnh lý cụ thể không? Bài viết này giúp bạn hiểu được tình trạng tự nhiên đau ngón chân cái bắt nguồn từ những nguyên nhân nào và một số phương pháp hỗ trợ giảm đau hiệu quả.

Đau ngón chân cái là tình trạng ngón chân bị đau nhức và khó chịu. Mức độ và thời gian cảm nhận cơn đau có thể khác nhau ở từng người, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Một số người chỉ trải qua cơn đau nhẹ thoáng qua trong thời gian ngắn, trong khi những người khác có thể cảm thấy đau âm ỉ, đau nhói như dao đâm hoặc thậm chí là cơn đau dữ dội.

Nguyên nhân tự nhiên đau ngón chân cái

Tự nhiên đau ngón chân cái có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ tình trạng thể chất đến một số các vấn đề sức khỏe. Có thể kể đến một số nguyên nhân của tình trạng này là:

  • Chấn thương hoặc tổn thương: Một cú đạp mạnh hoặc bất kỳ chấn thương nào vào ngón chân cái cũng có thể gây đau và viêm.
  • Viêm xương và khớp: Các bệnh viêm khớp như: Viêm khớp bàn chân hoặc viêm khớp dạng thấp có thể gây đau ngón chân cái.
  • Áp lực thần kinh: Áp lực hoặc nhiễm trùng thần kinh ở ngón chân cái có thể dẫn đến đau và giảm khả năng cảm nhận.
  • Nhiễm trùng: Khi xuất hiện tình trạng nhiễm trùng ở ngón chân cái hoặc gót chân có thể gây đau và sưng.
  • Bàn chân phẳng: Tình trạng này tạo ra áp lực lớn lên ngón chân cái, dẫn đến đau và tổn thương.
  • Tăng cân: Quá trình tăng cân sẽ gây thêm áp lực lên ngón chân cái, dẫn đến đau đớn do phải chống đỡ trọng lượng cơ thể.
  • Giày không phù hợp: Sử dụng giày không phù hợp hoặc không thoải mái có thể gây tổn thương bàn chân, đặc biệt là ngón chân cái.
  • Các bệnh nội tiết: Một số bệnh nội tiết như: Tiểu đường ảnh hưởng đến dây thần kinh và mạch máu từ đó gây ra tình trạng đau ở ngón chân cái.
  • Thấp khớp: Các tình trạng thấp khớp, chẳng hạn như: Viêm khớp dạng thấp, có thể gây đau và viêm ở ngón chân cái.
  • Vấn đề về cơ hoặc gân: Các vấn đề về cơ hoặc gân, như: Căng cơ, viêm gân, cũng có thể gây đau ngón chân cái.
Tự nhiên đau ngón chân cái là dấu hiệu của bệnh gì? - 1
Tự nhiên đau ngón chân cái có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau

Đau ngón chân cái là biểu hiện của bệnh gì?

Đau ngón chân cái có thể là dấu hiệu của một số bệnh mà bạn cần chú ý, bao gồm:

  • Viêm mô tế bào: Bệnh do vi khuẩn streptococcus hoặc staphylococcus gây ra, xâm nhập qua vết thương hở ngoài da, gây nhiễm trùng và viêm mô mềm ở ngón chân cái, dẫn đến sưng đau.
  • Bệnh bunion (Hallux valgus): Ảnh hưởng đến khớp ngón chân cái, gây sưng đau và tấy đỏ. Ngón chân cái có thể bị biến dạng và quặp về phía ngón trỏ.
  • Viêm xương: Nhiễm trùng xương do nấm hoặc vi khuẩn xâm nhập qua vết thương hở, gây viêm xương. Tình trạng này cũng có thể xảy ra sau phẫu thuật thay khớp hoặc thủ thuật ngoại khoa.
  • Bệnh gout: Khớp ngón chân cái thường bị ảnh hưởng bởi bệnh gout, gây sưng và đau nhức dữ dội, đặc biệt vào ban đêm do tinh thể muối urat tích tụ quanh khớp.
  • Viêm khớp ngón chân cái do nhiễm khuẩn: Nhiễm trùng ở khớp ngón chân cái gây đau, sưng, nóng đỏ ngoài da, cứng khớp và khó cử động.
  • Viêm bao hoạt dịch ngón chân cái: Bao hoạt dịch bị viêm khiến ngón chân cái sưng phù, đau nhức và không thể cử động bình thường, thường do chấn thương hoặc nhiễm trùng.
  • Thoái hóa khớp ngón chân cái: Xảy ra ở người già do quá trình lão hóa, lớp sụn bảo vệ trong khớp bị ăn mòn khiến các đầu xương ma sát mạnh với nhau, gây đau.
  • Viêm khớp dạng thấp: Dạng viêm mãn tính ảnh hưởng đến cả hai khớp ngón chân cái hoặc các khớp khác trên cơ thể.
  • Viêm khớp vẩy nến: Gây sưng đau, cứng khớp ngón chân cái kèm theo nổi phát ban đỏ ngoài da và đóng vảy trắng.
  • Bệnh thần kinh ngoại biên: Tổn thương dây thần kinh ngoại biên gây ra cảm giác đau, tê và ngứa ran ở ngón chân cái hoặc toàn bộ bàn chân.
Tự nhiên đau ngón chân cái là dấu hiệu của bệnh gì? - 2
Tự nhiên bị đau ngón chân cái có thể là dấu hiệu cảnh báo thoái hóa khớp ngón chân cái

Cách giúp giảm đau ngón chân cái tại nhà

Nếu bạn đang gặp tình trạng tự nhiên đau ngón chân cái và các triệu chứng không quá nghiêm trọng, bạn có thể áp dụng một số biện pháp tự điều trị tại nhà để cải thiện tình trạng này:

  • Sử dụng cồn xoa bóp: Cách này có thể giảm đau nhanh và tăng khả năng phục hồi nơi chấn thương. Lượng thuốc mỗi lần sử dụng nên vừa đủ ngấm, xoa bóp nhẹ nhàng cho đến khi thuốc thấm để cải thiện lưu thông máu và giảm đau.
  • Nghỉ ngơi: Tránh các hoạt động có thể gây thêm áp lực hoặc tổn thương cho ngón chân cái. Nghỉ ngơi giúp giảm sưng và đau.
  • Ngâm chân trong nước muối ấm: Hòa tan muối vào nước nóng để ngâm chân, giúp cải thiện lưu thông máu và giảm đau, chống viêm nhiễm hiệu quả.
  • Chườm lạnh: Áp một túi chườm lạnh y tế, hay túi đá gói trong khăn mỏng lên ngón chân cái bị sưng, đau trong khoảng 15-20 phút mỗi lần, mỗi lần cách nhau 1-2 giờ. Điều này giúp giảm sưng và đau nhanh chóng.
  • Nâng cao chân: Khi nghỉ ngơi, nâng cao bàn chân cái bằng cách đặt gối hoặc gối tựa dưới chân để cải thiện lưu thông máu và giảm sưng, đau.
  • Sử dụng giày chất lượng, đúng kích cỡ: Nếu chấn thương ngón chân cái do giày không đảm bảo chất lượng hoặc không đúng kích cỡ, hãy thay thế bằng giày tốt hơn để bảo vệ và giảm nguy cơ tổn thương.
  • Sử dụng đế chỉnh hình bàn chân: Nếu bạn có bàn chân phẳng hoặc các vấn đề liên quan đến cơ và gân của ngón chân cái, sử dụng giày có hỗ trợ đế chỉnh hình để giảm áp lực lên ngón chân cái.
  • Vệ sinh sạch sẽ: Đảm bảo vùng ngón chân cái bị đau luôn được sạch sẽ và khô ráo để tránh nhiễm trùng.
  • Uống đủ nước: Uống đủ nước giúp cơ thể giảm viêm nhiễm, cơ khớp hoạt động linh hoạt và duy trì sự lưu thông máu tốt hơn.
Tự nhiên đau ngón chân cái là dấu hiệu của bệnh gì? - 3
Tình trạng tự nhiên đau ngón chân cái không nên xem thường

Ngón chân sưng đau có nguy hiểm không?

Nếu đau ngón chân chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và không kèm theo các dấu hiệu khác như: Sưng viêm, nóng đỏ, biến dạng khớp,... thì bạn không cần quá lo ngại. Nguyên nhân có thể là do đi giày không đúng kích cỡ dẫn đến chân bị đau.

Tuy nhiên, nếu tình trạng sưng đau kéo dài kèm theo các triệu chứng bất thường khác, có thể bạn đã gặp phải các bệnh xương khớp nghiêm trọng. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:

  • Đau xương khớp mãn tính gây ra những cơn đau kéo dài cả ngày lẫn đêm, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
  • Biến dạng ngón chân cái gây mất thẩm mỹ và khó khăn trong việc đi lại.
  • Nguy cơ mất ngón chân nếu không được chữa trị kịp thời.
  • Nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng.
  • Tổn thương dây thần kinh vĩnh viễn gây mất cảm giác hoặc chức năng ở chân.
  • Nguy cơ nghiêm trọng nhất là tàn tật, bại liệt hoàn toàn nếu bệnh không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Đau ngón chân đột ngột khi nào cần đi đến bác sĩ?

Nếu xuất hiện tình trạng tự nhiên đau ngón chân cái kéo dài, kèm theo những biến chứng nghiêm trọng dưới đây, bạn nên chú ý nhanh chóng đi đến bác sĩ để thăm khám ngay:

  • Sưng nghiêm trọng hoặc kéo dài: Nếu tình trạng sưng và đau ngón chân cái không giảm sau vài ngày hoặc trở nên nghiêm trọng hơn như: Có mủ, viêm nhiễm, hoặc tím tái ngón chân, hãy gặp bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời.
  • Sưng, đau và đỏ: Khi ngón chân cái trở nên đỏ, sưng và đau, có thể đây là dấu hiệu của viêm hoặc nhiễm trùng. Bạn cần đến bác sĩ để kiểm tra và điều trị.
  • Sưng và đau do chấn thương: Nếu ngón chân cái bị sưng và đau sau khi va đập mạnh hoặc chấn thương do luyện tập thể thao sai cách, hãy đi khám bác sĩ để đảm bảo không có tổn thương nghiêm trọng đến mô, cơ, gân, hay xương ngón chân.
  • Mất khả năng cảm nhận: Nếu bạn bị mất cảm giác hoặc có các triệu chứng khác thường như: Co rút, tê đau ở ngón chân cái, điều này có thể là dấu hiệu của tổn thương dây thần kinh và cần được kiểm tra bởi bác sĩ.
  • Triệu chứng nhiễm trùng tổng thể: Nếu bạn có các triệu chứng nhiễm trùng toàn thân như: Sốt, ớn lạnh, hoặc có mủ trên ngón chân cái, hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức.
  • Tiền sử bệnh lý: Nếu bạn có tiền sử bệnh lý hoặc các vấn đề sức khỏe như: Tiểu đường hoặc bệnh xương khớp, nên tham khảo bác sĩ để kiểm tra các nguy cơ liên quan đến đau ngón chân.
Tự nhiên đau ngón chân cái là dấu hiệu của bệnh gì? - 4
Hạn chế vận động mạnh để phòng ngừa tình trạng đau nhức ngón chân

Phòng ngừa tình trạng đau nhức ngón chân như thế nào?

Để phòng ngừa tình trạng đau nhức ngón chân cái nói riêng và các bệnh lý xương khớp liên quan đến ngón chân, bạn cần tuân thủ các lưu ý sau:

  • Hạn chế vận động mạnh: Tránh chơi thể thao quá sức, đặc biệt là các môn như: Điền kinh, bóng đá, tập gym, nâng tạ, múa ba lê,...
  • Khởi động kỹ trước khi tập luyện: Luôn khởi động kỹ trước mỗi bài tập để tránh làm tổn thương xương khớp.
  • Đi đứng đúng cách: Thay đổi cách đi đứng, không đứng quá lâu một chỗ hoặc đi lại quá nhiều để tránh tác động quá mạnh lên khớp ngón chân.
  • Tập luyện nhẹ nhàng: Duy trì các bài tập cải thiện xương khớp ở mức độ nhẹ như: Yoga, bơi lội...
  • Chọn giày dép phù hợp: Đi giày dép vừa chân, tránh mang giày quá chật hoặc giày cao gót để không gây chèn ép lên các ngón chân.
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích: Giảm thiểu việc sử dụng rượu bia, thuốc lá, cà phê, và nước ngọt có gas.
  • Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ: Ăn uống đủ chất, đặc biệt là thực phẩm giàu omega-3, collagen, canxi, vitamin D, magie, kali, photpho,...
  • Tránh thực phẩm không lành mạnh: Hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo, muối, đường, và đạm như: Hải sản, thịt đỏ, nội tạng động vật, đồ muối chua...

Tự nhiên đau ngón chân cái có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh xương khớp nghiêm trọng mà bạn không nên chủ quan. Vì vậy, ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường, bạn nên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và kiểm tra. Tránh để lâu sẽ tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin