Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ung thư cổ tử cung sống được bao lâu? Tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư cổ tử cung

Ngày 10/08/2023
Kích thước chữ

Ung thư cổ tử cung là một loại ung thư phụ khoa phổ biến và nguy hiểm vì gây tử vong cao vào giai đoạn xâm lấn, song tiến triển chậm, nếu được phát hiện sớm có thể điều trị khỏi. Phần lớn bệnh nhân ung thư cổ tử cung sẽ đặt câu hỏi liệu rằng ung thư cổ tử cung sống được bao lâu?

Khi một bệnh nhân được chẩn đoán ung thư cổ tử cung hầu như cả người nhà và bệnh nhân đều lo lắng về tính nghiêm trọng của bệnh và tỷ lệ sống sót. Tiên lượng của bệnh cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên bác sĩ không thể xác định chính xác ung thư cổ tử cung sống được bao lâu nhưng họ có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về khả năng điều trị thành công của bạn và tỷ lệ sống sót theo từng nhóm bệnh đã được nghiên cứu trước đây.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ có thể gây ung thư cổ tử cung?

Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung đều xuất phát từ nguyên nhân nhiễm Human papillomavirus (HPV) các type nguy cơ cao như 16, 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 68, 82. Trong đó khoảng 2/3 số ung thư cổ tử cung là do type HPV 16 và 18.

Ung thư cổ tử cung sống được bao lâu? Tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư cổ tử cung 1
HPV là nguyên nhân chủ yếu gây ung thư cổ tử cung

Bạn có thể mắc ung thư cổ tử cung cao hơn nếu có các yếu tố nguy cơ sau:

  • Quan hệ tình dục sớm;
  • Có nhiều bạn tình;
  • Sinh nhiều: Từ 5 con trở lên;
  • Hút thuốc lá;
  • Vệ sinh cá nhân kém;
  • Nhiễm HIV/AIDS, Herpes virus;
  • Sử dụng thuốc tránh thai phối hợp đường uống liên tục > 5 năm.

Ung thư cổ tử cung sống được bao lâu? 

Không thể trả lời chính xác ung thư cổ tử cung sống được bao lâu nhưng có thể biết được tỷ lệ sống sót của bệnh ung thư cổ tử cung. Tỷ lệ sống sót thường được đo bằng tỷ lệ phần trăm, con số này có thể cho bạn biết khả năng sẽ sống sau 5 năm kể từ lúc phát hiện bệnh của những người mắc cùng một loại ung thư, được phát hiện cùng giai đoạn bệnh là bao nhiêu.

Việc tiên lượng bệnh cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Giai đoạn bệnh, di căn hạch, kích thước khối ung thư, thể trạng của bệnh nhân và mức độ triệt để của phẫu thuật.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ASC), các nhà nghiên cứu sử dụng tỷ lệ sống sót được ghi nhận từ Viện Ung thư Quốc gia (NCI). NCI theo dõi chẩn đoán ung thư và tỷ lệ sống sót mỗi năm và phân nhóm ung thư thành từng giai đoạn bệnh với tỷ lệ sống sót như sau:

  • Giai đoạn khu trú: Tế bào ung thư khu trú tại cổ tử cung và tử cung chưa lan sang các mô xung quanh. Tỷ lệ sống sau 5 năm là 92%.
  • Giai đoạn lan rộng: Tế bào ung thư đã lan ra ngoài cổ tử cung và tử cung, đến các cấu trúc xung quanh và vào các hạch bạch huyết. Tỷ lệ sống sau 5 năm là 58%.
  • Giai đoạn di căn: Tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan khác và các bộ phận khác trên cơ thể. Tỷ lệ sống sau 5 năm là 17%.

Cộng dồn tất cả các giai đoạn của ung thư cổ tử cung cộng thì căn bệnh ung thư này có tỷ lệ sống sót là 66%. Nếu bạn bị ung thư cổ tử cung, bạn có 66% khả năng sống sót sau 5 năm so với người không bị bệnh.

ung-thu-co-tu-cung-song-duoc-bao-lau-1-2.webp Liệu rằng ung thư cổ tử cung sống được bao lâu? 2
Liệu rằng ung thư cổ tử cung sống được bao lâu?

Ngoài ra các bác sĩ có thể sử dụng bảng phân loại khác theo FIGO-1998 để tiên lượng:

  • Giai đoạn ung thư trong liên bào: 100%.
  • Giai đoạn I: 80%.
  • Giai đoạn II: 50%.
  • Giai đoạn III: 20 - 30%.
  • Giai đoạn IV: dưới 10%.

Tóm lại những con số trên không phản ánh hoàn toàn chính xác khả năng của cá nhân mỗi người bệnh mà còn phụ thuộc và nhiều yếu tố tiên lượng khác nhau. Ung thư cổ tử cung sống được bao lâu sẽ khác nhau ở từng người bệnh khác nhau.

Ung thư cổ tử cung điều trị như thế nào?

Đối với ung thư cổ tử cung nếu phát hiện sớm có thể điều trị khỏi. Phát hiện càng sớm thì tỷ lệ thành công càng cao, ngược lại nếu phát hiện càng muộn thì cơ hội sống sót và điều trị càng khó khăn.

Tùy thuộc tình trạng bệnh của bạn đang ở giai đoạn nào mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị thích hợp nhất. Các cách điều trị ung thư cổ tử cung phổ biến nhất là: Phẫu thuật và xạ trị.

Xạ trị

  • Xạ trị ngoài: Sử dụng Cobalt 60. Xạ trị được dùng như một biện pháp bổ sung trong các trường hợp có di căn đến hạch, hoặc điều trị trước mổ trong trường hợp khối u quá lớn.
  • Xạ trị tại chỗ: Sử dụng Radium hoặc Cesium bằng cách đặt các nguồn tia xạ vào âm đạo - cổ tử cung.

Phương pháp này chỉ có khả năng tiêu diệt những ổ ung thư tại chỗ và một số chuỗi hạch lân cận.

Điều trị ngoại khoa

  • Điều trị tổn thương ung thư tại chỗ (CIS): Áp lạnh, khoét chóp bằng vòng điện, bằng dao mổ hoặc dao laser.
  • Phẫu thuật Wertheim - Meigs
    • Cắt tử cung toàn phần rộng rãi đến ⅓ trên âm đạo.
    • Lấy các nhóm hạch vùng chậu.
    • Lấy nhóm hạch cạnh động mạch chủ.

Điều trị hóa chất

  • Hóa liệu pháp trước phẫu thuật hiệu quả hơn trong các trường hợp khối u trên 2cm.
  • Liệu trình với Cisplatin 50mg/m2, Vincristine 1 mg/m2 và Bleomycin 25 mg/m2 trong 1 - 3 tuần có thể làm giảm bớt kích thước khối u, tạo điều kiện cho phẫu thuật dễ dàng và kéo dài thời gian tái phát.

Tầm quan trọng của việc tầm soát phát hiện sớm ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là bệnh đứng thứ 2 sau ung thư vú gây tử vong ở phụ nữ trên thế giới, tiến triển chậm có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm. Theo WHO, mỗi năm trên thế giới ghi nhận có hơn 500.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung, lấy đi mạng sống của khoảng 250.000 người. Khả năng đến năm 2030, số lượng có thể tăng lên hơn 400.000 người.

Đáng lo ngại hơn, xu hướng mắc ung thư cổ tử cung ngày càng trẻ hóa đồng thời các triệu chứng ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu thường mơ hồ, nhầm lẫn với các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa. Đợi đến khi có các dấu hiệu bất thường như rong kinh, chảy máu bất thường, đau lúc quan hệ thì bệnh nhân mới đi khám và phát hiện mắc ung thư cổ tử cung. Khi đó, bệnh đã trở nặng và ảnh hưởng đến cấu trúc mô xung quanh việc điều trị trở nên khó khăn cũng như giảm chất lượng sống người bệnh.

Ung thư cổ tử cung sống được bao lâu? Tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư cổ tử cung 3
Tầm soát phát hiện sớm là chìa khóa để đạt kết quả điều trị tốt

Các chỉ định như cắt hoàn toàn tử cung - buồng trứng, xạ trị - hóa trị có thể dẫn đến biến chứng vô sinh, làm mất khả năng làm mẹ của phụ nữ và ảnh hưởng đến cả tính mạng. Do đó đối với hầu hết các loại ung thư, phát hiện sớm là cách tốt nhất để đạt kết quả điều trị tốt. Kiểm tra ung thư cổ tử cung thường xuyên có thể xác định các tế bào tiền ung thư trước khi nó phát triển thành tế bào ung thư gây nguy hiểm cho tính mạng và sức khỏe.

Hướng dẫn tầm soát ung thư cổ tử cung, theo khuyến cáo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ như sau:

  • Bắt đầu sàng lọc ung thư cổ tử cung lúc 25 tuổi.
  • Xét nghiệm HPV 5 năm 1 lần từ 25 - 65 tuổi.
  • Hoặc xét nghiệm PAP (phết tế bào cổ tử cung) 3 năm 1 lần từ 25 - 65 tuổi.
  • Hoặc kết hợp cả xét nghiệm HPV và PAP 5 năm 1 lần từ 25 - 65 tuổi.
  • Trong trường hợp bạn có vấn đề về miễn dịch như HIV, cấy ghép nội tạng thì tần suất tầm soát của bạn phụ thuộc vào tham vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Các cách dự phòng ung thư cổ tử cung

Để phòng bệnh, các bạn cần nắm được các biện pháp dự phòng như sau:

  • Không quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục an toàn, không có nhiều bạn tình.
  • Tiêm vacxin phòng nhiễm HPV cho đối tượng có chỉ định (10 - 26 tuổi).
  • Thực hiện chăm sóc vệ sinh phụ nữ tốt.
  • Sinh ít con.
  • Khám và phát hiện các xét nghiệm sàng lọc.
  • Điều trị sớm và triệt để các tổn thương lành tính cổ tử cung.
Ung thư cổ tử cung sống được bao lâu? Tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư cổ tử cung 4
Dự phòng ung thư cổ tử cung đóng vai trò lớn giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong

Vậy ung thư cổ tử cung là bệnh lý nguy hiểm tuy nhiên vẫn có cơ hội điều trị khỏi nếu phát hiện sớm. Tùy vào từng giai đoạn, và tình trạng cụ thể của từng người bệnh mà tỷ lệ sống sót là khác nhau. Điều quan trọng là bạn cần tích cực theo dõi và điều trị thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để tăng cơ hội sống sót và khỏe mạnh hơn.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.