Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh/
  4. Kiến thức y khoa

Ung thư đại tràng: Có cần nội soi đại tràng không?

Ngày 28/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư đại trực tràng là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất trên toàn thế giới. Năm 2018 ước tính có khoảng 1,8 triệu trường hợp ung thư đại trực tràng được ghi nhận.

Bài viết được tham vấn từ Bác sĩ Ng Chee Yung

Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Mount Elizabeth, Singapore

Ung thư đại tràng xảy ra khi các tế bào ung thư bất thường phát triển trong ruột già. Ung thư đại tràng, ung thư ruột kết và ung thư trực tràng được gọi chung là ung thư đại trực tràng và dẫn tới các khu vực của đường ruột mà chúng ảnh hưởng. Nhưng ung thư đại tràng được phát hiện như thế nào?

Những triệu chứng cần chú ý

  • Có máu trong khi đại tiện.
  • Thay đổi thói quen đại tiện bao gồm táo bón hoặc tiêu chảy dai dẳng.
  • Chuột rút ở bụng dưới.
  • Thường có cảm giác như muốn đi vệ sinh.
  • Đau ở xương chậu.
  • Sụt cân hoặc thay đổi thói quen ăn uống thông thường.

Nếu bạn gặp những triệu chứng này, đặc biệt là khi có nhiều triệu chứng kết hợp với nhau hoặc có bất kỳ thay đổi đáng kể nào khác đối với thói quen đại tiện nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được sàng lọc ung thư đại tràng.

Ung thư đại tràng: Có cần nội soi đại tràng không? 1
Ung thư đại tràng xảy ra khi các tế bào ung thư bất thường phát triển trong ruột già

Có cần nội soi đại tràng không?

Hầu hết người bệnh nghĩ rằng sẽ cần nội soi để chẩn đoán xác định ung thư đại tràng. Trên thực tế, có nhiều xét nghiệm, thăm dò chẩn đoán mà bác sĩ có thể sử dụng để chẩn đoán ung thư đại tràng bao gồm:

  • Khám thực thể, bác sĩ thăm khám xem có bất thường gì ở bụng hay không. Bác sĩ cũng có thể thực hiện thăm trực tràng bằng ngón tay.
  • Xét nghiệm máu có thể phát hiện một chất hóa học được gọi là kháng nguyên ung thư nguyên bào (Carcinoembryonic Antigen - CEA) được tạo ra bởi một số bệnh ung thư đại tràng. Đây không phải là xét nghiệm đáng tin cậy vì một số bệnh nhân ung thư không tăng hoặc tăng nhẹ nên khó phát hiện.
  • Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân hoặc xét nghiệm tìm miễn dịch máu ẩn trong phân (Occult blood immunological - OBI) có thể được thực hiện trên mẫu phân, điều này sẽ giúp bác sĩ biết về sự hiện diện của máu mà mắt người không thể nhìn thấy. Xét nghiệm phân không thể chẩn đoán ung thư nhưng sẽ hướng bác sĩ tới sự cần thiết phải nội soi đại tràng khẩn cấp để loại trừ ung thư.
  • Nội soi đại tràng sigma, ít xâm lấn hơn so với nội soi toàn bộ, chỉ kiểm tra 1/3 dưới của ruột già (ruột). Bác sĩ sẽ đưa một ống mềm có gắn camera và đèn vào trực tràng và ruột. Sau đó, bác sĩ có thể chụp ảnh và sinh thiết tế bào để thử nghiệm thêm. Quy trình này diễn ra rất nhanh nhưng nhược điểm là có thể bỏ sót ung thư ở phần trên của đại tràng.
  • Nội soi đại tràng là xét nghiệm chính xác nhất để chẩn đoán ung thư đại trực tràng. Đó là một cuộc kiểm tra toàn bộ ruột già. Người bệnh sẽ cần phải chuẩn bị làm sạch ruột trước và sẽ được dùng thuốc an thần để tạo cảm giác thoải mái trong suốt quá trình. Quá trình này thường mất tới nửa giờ và người bệnh có thể về nhà sau khi thuốc an thần hết tác dụng (thường là 1 giờ).
  • Chụp CT đại tràng là một phương pháp thay thế cho nội soi bằng cách sử dụng phương pháp chụp CT. Khí được sử dụng để làm phồng ruột trước khi tiến hành chụp CT để phát hiện các phần có khả năng gây ung thư đại tràng. Tuy nhiên, ngay cả khi đã chụp CT, người bệnh vẫn có thể cần nội soi sau đó để khẳng định chẩn đoán hoặc cắt bỏ các khối u/ tế bào ung thư.
Ung thư đại tràng: Có cần nội soi đại tràng không? 4
Nội soi đại tràng là xét nghiệm chính xác nhất để chẩn đoán ung thư đại trực tràng

Mặc dù có nhiều thăm dò chẩn đoán khác nhau, hầu hết các trường hợp cần phải sinh thiết từ nội soi đại tràng sigma hoặc nội soi đại tràng để chẩn đoán xác định. Xét nghiệm máu và OBI có thể đưa ra gợi ý về sự hiện diện của ung thư đại tràng nhưng nó không đủ để đưa ra chẩn đoán xác định.

Những phương pháp điều trị

Hầu hết các bác sĩ sẽ áp dụng cách tiếp cận đa diện để điều trị ung thư. Sự kết hợp giữa phẫu thuật, dùng thuốc, hóa trị và xạ trị thường rất hiệu quả.

  • Phẫu thuật là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho bệnh ung thư đại tràng. Loại phẫu thuật được chỉ định thực hiện phụ thuộc vào kích thước của khối ung thư và vị trí của chúng. Một số khối u nhỏ có thể được cắt bỏ bằng nội soi. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp bác sĩ sẽ cần thực hiện nội soi ổ bụng (lỗ mở nhỏ) hoặc mổ mở để loại bỏ ung thư và các tổ chức mô xung quanh. Bác sĩ thường sẽ thực hiện phẫu thuật nối ống tiêu hóa tại vị trí đã bị cắt bỏ, nhưng trong một số trường hợp hiếm hoi khi không thể phẫu thuật được, người bệnh có thể cần một túi hậu môn nhân tạo. Chiếc túi nằm bên ngoài cơ thể bạn và thu gom chất thải qua một lỗ trên bụng, cho đến khi bác sĩ phẫu thuật thì hai để có thể nối lại ruột. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, túi hậu môn nhân phải duy trì vĩnh viễn.
  • Hóa trị bao gồm một liệu trình điều trị kéo dài bằng các loại hóa chất mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư. Việc điều trị bằng hóa trị có tác dụng mạnh nên nó có nhiều tác dụng phụ và có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi trong quá trình điều trị.
  • Xạ trị liên quan đến việc chiếu các tia xạ mạnh vào các tế bào ung thư để tiêu diệt các tế bào còn lại sau phẫu thuật hoặc thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật.
  • Liệu pháp miễn dịch là một phương pháp khác giúp tăng cường hệ thống miễn dịch để chống lại các tế bào ung thư.
Ung thư đại tràng: Có cần nội soi đại tràng không? 3
Phẫu thuật là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho bệnh ung thư đại tràng

Phương pháp điều trị có thay đổi ở từng giai đoạn không?

Liệu trình điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn ung thư khi người bệnh được chẩn đoán. Ở giai đoạn I, ung thư chưa di căn và thường có thể được điều trị bằng phẫu thuật. Ở giai đoạn II và III, ung thư đã di căn vào khu vực lân cận sẽ cần các phương pháp điều trị khác kết hợp với phẫu thuật để loại bỏ các tế bào ung thư. Ung thư giai đoạn IV đã di căn xa sang các khu vực, cơ quan khác trên cơ thể, đồng thời cũng cần được điều trị toàn diện, tích cực từ mọi góc độ. Phẫu thuật đơn độc sẽ không có hiệu quả. Vì lý do này mà việc phát hiện sớm rất quan trọng trong việc xác định các phương pháp điều trị và tiên lượng sau này.

Ung thư đại tràng: Có cần nội soi đại tràng không? 2
Tùy vào giai đoạn ung thư và tình trạng người bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp

Phòng ngừa và sàng lọc

Giống như tất cả các bệnh ung thư khác, một số người có nhiều khả năng mắc ung thư đại tràng hơn những người khác. Tuy nhiên, chăm sóc sức khỏe, chế độ ăn uống đảm bảo cân bằng các thành phần, lành mạnh, bỏ rượu, bỏ hút thuốc và tập thể dục nhiều sẽ giúp giảm nguy cơ ung thư. Sau 45 tuổi, nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng tăng lên, vì vậy hãy trao đổi với bác sĩ về các xét nghiệm sàng lọc định kỳ ung thư đại tràng. Nếu nhận thấy, nghi ngờ bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào, hãy đến gặp ngay bác sĩ chuyên khoa.

Trên đây là bài viết về chủ đề: "Ung thư đại tràng: Có cần nội soi đại tràng không?", hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho bạn đọc.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.