Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh/
  4. Kiến thức y khoa

Nội soi đại tràng là gì? Cần chuẩn bị gì trước khi nội soi đại tràng?

Ngày 25/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ American Cancer Society), người trưởng thành có yếu tố nguy cơ mắc ung thư ruột kết, nên thực hiện nội soi tầm soát ung thư đại tràng mỗi 10 năm một lần, bắt đầu từ lứa tuổi trung niên 45 tuổi và duy trì tiếp tục cho đến 75 tuổi.

Ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến nhất hiện nay. Ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm có thể không có bất kỳ triệu chứng nào và do đó rất khó phát hiện nếu không sàng lọc thường xuyên. Phát hiện sớm ung thư ruột kết thông qua các phương pháp sàng lọc như nội soi có thể mang lại tỷ lệ sống sót lên tới 95%.

Nội soi đại tràng là gì?

Nội soi đại tràng là một thủ thuật cho phép bác sĩ kiểm tra trực quan niêm mạc đại tràng mà không cần phẫu thuật. Ống nội soi mềm mang theo một camera nhỏ được đưa cẩn thận vào đại tràng qua hậu môn, chuyển hình ảnh đến màn hình và cho phép bác sĩ kiểm tra các vấn đề dọc theo toàn bộ chiều dài của đại tràng. Ống nội soi chỉ có kích thước bằng ngón tay út, giúp bác sĩ dễ dàng điều khiển và quan sát các bất thường trong đại tràng.

noi-soi-dai-trang-la-gi-can-chuan-bi-gi-truoc-khi-noi-soi-dai-trang 1.jpg
Nội soi đại tràng cho phép bác sĩ kiểm tra trực quan niêm mạc đại tràng

Nội soi đại tràng có đau không?

Bệnh nhân thường được dùng thuốc an thần trước khi thực hiện nội soi. Thuốc an thần khiến bạn cảm thấy buồn ngủ nên sẽ không thể cảm nhận được bất cứ điều gì trong suốt quá trình thực hiện.

Sau quá trình nội soi đại tràng, một số người có thể cảm thấy hơi co thắt nhẹ do khí được đưa vào ruột trong quá trình nội soi. Cảm giác này thường là tạm thời và sẽ giảm dần sau khi bạn giải phóng khí.

Ngoài ra, nếu bạn được bác sĩ thực hiện các thủ thuật bổ sung như sinh thiết trong quá trình nội soi, có thể bạn sẽ trải qua một số khó chịu nhẹ sau đó. Điều này có thể bao gồm đau nhẹ hoặc khó chịu ở vùng bụng dưới hoặc đầy hơi. Thường thì các triệu chứng này cũng sẽ giảm dần trong vài giờ sau nội soi.

Cần chuẩn bị gì trước khi nội soi đại tràng?

Hiện nay, có hai loại nội soi đại tràng: Nội soi gây mê và nội soi không gây mê. Nếu quyết định thực hiện nội soi gây mê, người nhà cần phải đi cùng để đưa bệnh nhân về sau khi quá trình nội soi hoàn thành.

noi-soi-dai-trang-la-gi-can-chuan-bi-gi-truoc-khi-noi-soi-dai-trang 2.jpg
Nếu nội soi gây mê, người nhà cần phải đi cùng để đưa bệnh nhân về

Để đảm bảo đại tràng được làm sạch trước khi nội soi, trong 3 - 4 ngày trước quá trình nội soi, bệnh nhân nên ăn thức ăn nhẹ và dễ tiêu hóa như bánh mì, rau củ trái cây không hạt, cơm, thịt nạc, và trứng. Tránh các thực phẩm giàu chất béo, ngũ cốc, bỏng ngô, trái cây có vỏ hoặc hạt, bông cải xanh, ngô và đậu Hà Lan.

Đồng thời, tạm ngưng sử dụng các loại vitamin hoặc bổ sung khác. Nếu đang sử dụng các loại thuốc điều trị, hãy thảo luận với bác sĩ xem liệu cần dừng sử dụng các loại thuốc này hay không.

Một ngày trước quá trình nội soi, bạn không nên ăn thức ăn cứng hoặc rắn, hãy uống nhiều nước lọc và tránh xa các loại nước ngọt có phẩm màu. Hai giờ trước khi thực hiện nội soi, không được ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì.

Trước khi thực hiện nội soi, bệnh nhân cần phải làm một số xét nghiệm máu và tiến hành uống thuốc nhuận tràng để làm sạch đại tràng nhằm đảm bảo quá trình nội soi đại tràng diễn ra một cách nhanh chóng, hiệu quả và thuận lợi cho bác sĩ quan sát.

Nội soi đại tràng được thực hiện như thế nào?

Quá trình nội soi đại tràng thường kéo dài khoảng 30 - 60 phút để hoàn thành. Khi bạn đến phòng nội soi, bạn sẽ được yêu cầu cởi trang phục và thay áo choàng bệnh viện. Sau đó, bạn sẽ nằm nghiêng đầu gối hướng về phía trước trên bàn kiểm tra trong phòng nội soi. Tư thế nằm thường là nghiêng về bên trái và chân gập cao lên gần tới bụng.

Y tá sẽ tiêm thuốc giảm đau/gây tê hoặc gây mê theo chỉ định của bác sĩ phẫu thuật (nếu là phương pháp nội soi có gây mê). Sau đó, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi vào đại tràng từ hậu môn và thổi khí vào đại tràng của bạn. Đại tràng sẽ phồng lên, giúp bác sĩ quan sát rõ hơn niêm mạc đại tràng và trực tràng thông qua màn hình kết nối với camera được gắn ở đầu ống nội soi.

Nếu bác sĩ phát hiện sự bất thường hoặc polyp trong đại tràng của bạn, bác sĩ sẽ sử dụng công cụ ở cuối ống nội soi để loại bỏ hoặc thực hiện sinh thiết. Thực hiện nội soi đại tràng còn cho phép bác sĩ kiểm tra các bệnh nhiễm trùng và viêm có thể xảy ra trong đại tràng nếu có.

noi-soi-dai-trang-la-gi-can-chuan-bi-gi-truoc-khi-noi-soi-dai-trang 3.jpg
Nội soi đại tràng cho phép bác sĩ kiểm tra các bệnh nhiễm trùng và viêm có thể xảy ra

Những rủi ro của nội soi đại tràng là gì?

Sau nội soi đại tràng, một số triệu chứng có thể bao gồm cảm giác đau âm ỉ ở bụng, chướng bụng, hoặc cảm giác muốn đi đại tiện nhưng không thể đi được do không khí được sử dụng để làm phồng đại tràng, nhưng điều này có xu hướng nhẹ và chỉ là tạm thời. Nếu có cắt polyp hoặc sinh thiết, có thể thấy dải máu nhỏ trong phân. Đây là những triệu chứng thông thường và sẽ nhanh chóng biến mất, vì vậy không cần phải quá lo lắng.

Sau khi hoàn thành nội soi đại tràng, bệnh nhân nên ở lại bệnh viện trong 2 giờ để đợi tác dụng của thuốc an thần hoặc thuốc gây mê biến mất hoàn toàn. Không nên lái xe sau quá trình này, hãy nhờ người thân đưa bạn về. Tuy nhiên, nếu bạn gặp các triệu chứng nghiêm trọng như sốt, chóng mặt, đau bụng dữ dội, hoặc đại tiện ra máu nhiều hơn bình thường, bạn nên ở lại bệnh viện để được theo dõi và điều trị.

Một số biến chứng có thể phát sinh nếu bệnh nhân đáp ứng kém với thuốc an thần, nhưng nhìn chung, nội soi là một thủ thuật an toàn.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, thành đại tràng có thể bị tổn thương trong quá trình nội soi và có thể dẫn đến chảy máu. Nếu bạn bị nôn mửa, đau bụng dữ dội, sốt hoặc chảy máu nhiều hãy liên hệ ngay với bác sĩ vì một số trường hợp có thể đe dọa đến tính mạng.

Khi nào cần nội soi đại tràng?

Đối với những người có tuổi từ 50 đến 75 tuổi, các tổ chức y tế thường khuyến nghị thực hiện sàng lọc ung thư đại tràng định kỳ, thường là mỗi 10 năm một lần. Điều này giúp phát hiện sớm và ngăn chặn sự phát triển của ung thư đại tràng.

noi-soi-dai-trang-la-gi-can-chuan-bi-gi-truoc-khi-noi-soi-dai-trang 4.jpg
Sàng lọc ung thư đại tràng định kỳ với những người có tuổi từ 50 đến 75 tuổi

Những người có tiền sử về polyp hoặc ung thư ruột kết có thể được khuyến nghị thực hiện kiểm tra thường xuyên hơn.

Ngoài ra, nếu bạn có các triệu chứng cho thấy có vấn đề tiềm ẩn ở đại tràng, bác sĩ có thể đề xuất thực hiện nội soi. Các dấu hiệu này có thể bao gồm máu trong phân, thay đổi thói quen đại tiện (táo bón hoặc tiêu chảy), sụt cân bất thường và đau bụng. Ngoài ra, kiểm tra nội soi cũng có thể được khuyến nghị để phát hiện các bệnh viêm nhiễm đường ruột như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng.

Hy vọng qua nội dung bài viết, bạn đã có thêm thông tin cần chuẩn bị gì trước khi nội soi đại tràng. Nếu bạn gặp các triệu chứng như máu trong phân, thay đổi trong thói quen đại tiện (táo bón hoặc tiêu chảy),.. hoặc độ tuổi của bạn rơi vào trung niên trên 45 tuổi trở lên, bạn nên sớm tới cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn về việc nội soi đại tràng, nhằm sớm phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề của đại tràng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Ngô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin