Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Vì sao thai lưu vẫn nghén? Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng thai chết lưu?

Ngày 05/08/2024
Kích thước chữ

Thai chết lưu là tình trạng mà không thai phụ nào muốn xảy ra. Tuy nhiên, nếu thai chết lưu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với sức khỏe của người mẹ. Vậy vì sao thai lưu vẫn nghén? Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng thai chết lưu?

Hiện nay, thai chết lưu là một tình trạng thai kỳ không quá hiếm gặp. Vậy tại sao thai lưu vẫn nghén? Nguyên nhân của hiện tượng thai chết lưu là gì? Phương pháp xử lý khi xảy ra hiện tượng thai lưu như thế nào? Nhà thuốc Long Châu sẽ giải đáp các thắc mắc trên trong bài viết dưới đây nhé!

Thai lưu là gì?

Trước khi giải đáp cho vấn đề “vì sao thai lưu vẫn nghén?”, bạn đọc cần hiểu được thai lưu là gì? Theo đó, thai lưu hay còn gọi là thai chết lưu, là tình trạng thai nhi đã hình thành và chết trong bụng mẹ trước khi được đào thải ra bên ngoài hoàn toàn. Thai chết lưu thường có trọng lượng trên 500g.

Theo các chuyên gia, thai lưu được chia thành 2 nhóm, bao gồm:

  • Thai lưu dưới 20 tuần: Trường hợp này xảy ra do sự bất thường về cấu trúc nhiễm sắc thể hoặc nhiễm trùng bào thai.
  • Thai lưu sau 20 tuần: Trường hợp này được chia thành các giai đoạn là thai lưu sớm xảy ra từ tuần thai thai thứ 20 - 27, thai lưu muộn xảy ra từ tuần thai thứ 28 - 36 và thai lưu đã đủ tháng xảy ra từ sau tuần thai thứ 37.

Hiện tượng thai chết lưu cần được phát hiện sớm và xử lý kịp thời để không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như tính mạng của người mẹ. Vậy vì sao thai lưu vẫn nghén?

Vì sao thai lưu vẫn nghén? Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng thai chết lưu? 1
Thai lưu là tình trạng thai nhi đã hình thành nhưng ngừng phát triển trong bụng mẹ

Vì sao thai lưu vẫn nghén?

Mặc dù tỷ lệ thai lưu chỉ chiếm số ít nhưng hiện tượng thai chết lưu có thể xảy ra với bất kỳ thai phụ nào. Khi thai phụ bị thai lưu, bên cạnh những biểu hiện như ra máu âm đạo, đau bụng, tim thai ngừng đập… mẹ bầu cũng có thể thấy các dấu hiệu của thai kỳ, trong đó có ốm nghén. Vậy vì sao thai lưu vẫn nghén?

Không phải mẹ bầu nào cũng gặp phải hiện tượng thai lưu vẫn nghén. Thông thường, khi thai bị chết lưu thì mẹ bầu sẽ cảm thấy các cơn ốm nghén khi mang thai đang giảm dần hoặc biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên, một số trường hợp thai chết lưu thì thai phụ vẫn còn xuất hiện các triệu chứng của ốm nghén như bình thường. 

Điều này xảy ra do hormone của thai kỳ trong cơ thể mẹ vẫn còn hoạt động. Dựa vào điều này nên nhiều mẹ bầu cảm thấy vẫn còn chút hy vọng rằng em bé không gặp vấn đề. Tuy nhiên, các triệu chứng ốm nghén sẽ biến mất dần. Khi được chẩn đoán thai chết lưu, mẹ bầu cần phải được xử lý sớm để bảo vệ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tổng thể.

Vì sao thai lưu vẫn nghén? Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng thai chết lưu? 2
Vì sao thai lưu vẫn nghén là thắc mắc của nhiều phụ nữ

Dấu hiệu thai lưu

Ở trong giai đoạn đầu của thai kỳ, mẹ bầu thường rất khó nhận biết về dấu hiệu của tình trạng thai chết lưu. Như đã nói ở trên, trong một số trường hợp thai lưu thì cơ thể của thai phụ vẫn xuất hiện các biểu hiện thai nghén như bình thường. Tuy nhiên, khi thai chết lưu được một khoảng thời gian thì mẹ bầu bắt đầu xuất hiện một số triệu chứng như:

  • Đau vùng bụng dưới rốn.
  • Thai nhi không còn cử động, đạp: Mẹ bầu sẽ không còn cảm nhận được thai nhi cử động hoặc đạp nữa. Thai phụ sẽ cảm thấy tức bụng, nặng bụng và kích thước nhỏ dần đi.
  • Một số thai phụ sẽ cảm thấy đau bụng và đi ngoài nhiều hơn.
  • Không nghén: Các triệu chứng thai nghén biến mất.
  • Ra máu âm đạo màu nâu hoặc màu đen.
  • Bầu vú đột nhiên căng to ra, đầu vú tiết ra sữa non.
  • Vỡ ối.
  • Không còn nghe thấy tiếng tim thai khi siêu âm.

Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng thai chết lưu?

Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thai chết lưu. Nguyên nhân có thể đến từ thai nhi hoặc thai phụ. Tuy nhiên, theo thống kê có khoảng từ 20 - 50% trường hợp thai lưu không rõ nguyên nhân. Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thai chết lưu có thể kể đến như:

Nguyên nhân do thai phụ

Thai chết lưu xảy ra có nguyên nhân đến từ phía thai phụ, bao gồm:

  • Thai phụ mắc phải một số bệnh lý liên quan đến ký sinh trùng như viêm gan, sốt rét, quai bị, cảm cúm, giang mai, bệnh lậu…
  • Thai phụ có tiền sử mắc một số bệnh lý mãn tính như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, suy gan, viêm thận, lao phổi
  • Thai phụ mắc một số bệnh lý về nội tiết như đái tháo đường, thiểu năng giáp trạng, bệnh basedow…
  • Thai phụ bị nhiễm độc thai nghén khiến cho thai nhi cũng bị nhiễm độc thai nghén.
  • Tử cung của mẹ bầu bị dị dạng, kém phát triển.
  • Người phụ nữ mang thai khi đã trên 40 tuổi, lao động nặng hoặc dinh dưỡng kém.
vi-sao-thai-luu-van-nghen-nguyen-nhan-nao-dan-den-hien-tuong-thai-chet-luu 3.png
Thai phụ bị cảm cúm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thai lưu

Nguyên nhân do thai nhi

Một số nguyên nhân dẫn đến thai chết lưu bắt nguồn từ thai nhi có thể kể đến như:

  • Dị tật thai nhi: Trong quá trình thai nhi phát triển có xuất hiện sự bất thường dẫn đến dị dạng như phù nhau thai, não úng thuỷ
  • Bất thường nhiễm sắc thể (NST): Xảy ra do sự di truyền từ bố hoặc mẹ. Sự rối loạn trong quá trình phân chia NST hoặc xảy ra đột biến trong quá trình thụ tinh.
  • Dây rốn quấn quanh thân, quanh cổ và các chi hoặc dây rốn bị xoắn, chèn ép, thắt nút…
  • Xảy ra bất đồng nhóm máu giữa thai phụ và thai nhi.

Ngoài ra, hiện tượng thai chết lưu xảy ra có thể đến từ các phần phụ như nước ối, bánh rau, dây rốn và tử cung bị bất thường. Vậy biện pháp xử trí thai chết lưu như thế nào?

Biện pháp xử trí khi thai lưu

Theo các chuyên gia, trong trường hợp thai chết lưu khi còn quá nhỏ thì bào thai có thể tự động tiêu biến trong bụng mẹ mà không cần can thiệp y khoa. Tuy nhiên, nếu thai chết lưu lớn hơn, bác sĩ sẽ chỉ định đình chỉ thai kỳ bằng một trong số các biện pháp sau:

  • Sử dụng thuốc: Biện pháp xử trí này rất nhanh chóng, an toàn và tránh gây ra các tổn thương cho tử cung của người mẹ.
  • Nạo hút thai: Đây là một biện pháp được áp dụng để lấy thai lưu ra ngoài nhanh nhất. Bởi nếu thai lưu nằm lâu trong bụng mẹ có thể làm xuất hiện các loại vi khuẩn gây hại và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ bầu.
  • Phẫu thuật lấy thai: Phương pháp này thường được áp dụng khi thai nhi đã lớn, thường là thai lưu ở những tuần cuối của thai kỳ. Lúc này, các cơ quan của thai nhi đã phát triển tương đối đầy đủ và kích thước của thai nhi đã lớn nên cần can thiệp ngoại khoa để lấy thai lưu ra khỏi bụng mẹ.
Vì sao thai lưu vẫn nghén? Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng thai chết lưu? 4
Sử dụng thuốc là một biện pháp được áp dụng để xử trí thai chết lưu

Bên cạnh đó, việc chăm sóc cho sản phụ sau khi thai chết lưu là rất quan trọng và cần thiết, cụ thể:

  • Về tâm lý: Lúc này sản phụ sẽ thường có những suy nghĩ tiêu cực, buồn chán, thất vọng, cảm thấy tội lỗi… Chính vì thế, người chồng cần phải chăm sóc, quan tâm, động viên, tâm sự với người vợ để giúp sản phụ vượt qua chấn thương tâm lý này và lấy lại được trạng thái cân bằng. Đồng thời, sản phụ cũng cần chủ động nghỉ ngơi, thư giãn bằng cách nghe nhạc, đọc sách, xem phim… để tâm trạng và đầu óc được thoải mái.
  • Chế độ dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng của thai phụ bị thai lưu đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi sức khỏe. Bởi, thai chết lưu không những gây mất máu ở người mẹ mà còn làm tăng áp lực đến các cơ quan khác trong cơ thể. Chế độ dinh dưỡng cần được chú ý đặc biệt, bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, sắt, protein… để phòng ngừa thiếu máu.
  • Lên kế hoạch mang thai lại: Sau khi đình chỉ thai do thai chết lưu, người phụ nữ cần có thời gian để ổn định lại sức khỏe cũng như tinh thần. Vì thế, khoảng thời gian được khuyến nghị cho lần mang thai lại là ít nhất sau 6 - 12 tháng.

Trên đây là những thông tin giải đáp cho thắc mắc “Vì sao thai lưu vẫn nghén?” mà nhiều thai phụ quan tâm. Để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý và kiểm tra thai kỳ đều đặn theo đúng lịch hẹn để sớm phát hiện ra những bất thường.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin