Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Viêm kết mạc có nguy hiểm không? Làm gì để tránh lây nhiễm

Ngày 27/03/2022
Kích thước chữ

Viêm kết mạc là một bệnh lý về mắt thường gặp. Bệnh thường lành tính và tự khỏi sau khoảng 1 tuần đến 10 ngày. Tuy nhiên, bệnh viêm kết mạc có thể lây lan. Do đó bạn nên biết cách chăm sóc mắt để chúng nhanh lành và không lây nhiễm sang người khác.

Kết mạc là một màng mỏng chứa nhiều mạch máu bao phủ bên ngoài lòng trắng và lót mặt trong của mí mắt. Viêm kết mạc xảy ra khi có tác nhân gây tổn thương hay viêm nhiễm cho các mạch máu này. Vậy viêm kết mạc có nguy hiểm không và làm gì để ngăn ngừa biến chứng?

Những con đường lây nhiễm viêm kết 

Bệnh viêm kết mạc có lây không? Một người bình thường có thể bị viêm kết mạc nếu tiếp xúc trực tiếp với người bệnh trong một số trường hợp:

  • Qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, cầm, nắm vào các vật dính dịch tiết của người bệnh (nắm cửa, điều khiển tivi, cầu thang, nút bấm,…).
  • Dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh như khăn tắm, chậu rửa, gối,…
  • Sử dụng nguồn nước bẩn của ao, bể bơi. Có thói quen dụi mắt, sờ vào mũi, miệng.
  • Ở những nơi công cộng như bệnh viện, trường học, nơi làm việc, những nơi đông người như bến xe, chợ rất dễ lây truyền bệnh viêm kết mạc.

Sau khi khỏi bệnh, bệnh nhân vẫn có thể lây nhiễm cho người khác trong 1 tuần. Vì vậy, để phòng bệnh mọi người nên giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. Rửa mắt hàng ngày, không dụi mắt, nhất là khi tay không sạch. 

Viêm kết mạc có nguy hiểm không? Làm gì để tránh lây nhiễm 1 Vi khuẩn và virus là những nguyên nhân khiến bệnh viêm kết mạc có thể lây nhiễm

Viêm kết mạc có nguy hiểm không?

Hầu hết các trường hợp bị mắc viêm kết mạc đều lành tính. Bệnh chỉ gây ra một số khó chịu cho bệnh nhân do các triệu chứng như sưng mí mắt, dính mí mắt vì chảy ghèn. Tuy nhiên điều trị và chăm sóc tích cực bệnh sẽ khỏi trong thời gian ngắn trong vòng 7 - 10 ngày. Nhưng không nên vì vậy mà chủ quan và cần giữ vệ sinh mắt thật tốt để tránh bội nhiễm. Một số biến chứng khi điều trị muộn hoặc sai cách có thể dẫn đến loét giác mạc, mù lòa.

Dù lành tính nhưng cần theo dõi trong suốt quá trình chữa trị viêm kết mạc, nếu có các dấu hiệu lạ như bệnh kéo dài mấy tháng không khỏi, các triệu chứng ngày càng nặng hơn, mắt mờ dần thì đến gặp bác sĩ ngay.

Điều trị viêm kết mạc bằng cách nào?

Điều trị viêm kết mạc do virus

Hầu hết các trường hợp viêm kết mạc do virus nhẹ sẽ dễ dàng điều trị khỏi trong vòng 7 - 14 ngày mà không để lại hậu quả lâu dài. Tuy nhiên, trong một số trường hợp viêm kết mạc do virus có thể mất từ ​​hai tuần trở lên để giải quyết đặc biệt khi có thêm biến chứng.

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus để điều trị với trường hợp nghiêm trọng hơn do virus herpes simplex hoặc virus varicella-zoster gây ra. 

Điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn

Nếu bị viêm kết mạc do vi khuẩn thể nhẹ có thể tự khỏi mà không cần điều trị kháng sinh mà sẽ không gây ra các biến chứng nghiêm trọng nào. Thuốc kháng sinh giúp giảm thời gian chữa bệnh và sự lây lan của bệnh.

Điều trị viêm kết mạc do dị ứng

Viêm kết mạc dị ứng chỉ được cải thiện bằng cách loại bỏ các yếu tố gây dị ứng như phấn hoa thường được gọi viêm kết mạc mùa xuân hoặc lông động vật. khói bụi, bụi bẩn,... Thuốc trị dị ứng và thuốc nhỏ mắt cũng có thể giúp giảm các triệu chứng.

Viêm kết mạc có nguy hiểm không? Làm gì để tránh lây nhiễm 2 Triệu chứng phổ biến khi bị viêm kết mạc là mắt đỏ

Cách vệ sinh mắt khi bị viêm kết mạc

Một số cách vệ sinh đôi mắt khi bị viêm kết mạc:

  • Dùng khăn bông hoặc bông gòn thấm nước ấm lau sạch ghèn mắt, dịch từ mắt 2 lần/ngày. Sau khi lau sạch, hãy vứt khăn đi và không sử dụng lại. 
  • Người bệnh phải nghỉ ngơi, cách ly và uống thuốc theo đơn của bác sĩ. 
  • Không dùng thuốc nhỏ của mắt bị bệnh cho mắt lành. Vì vi khuẩn có thể dính vào lọ thuốc và gây nhiễm bệnh cho mắt khoẻ. 
  • Rửa tay sạch sẽ với nước sát khuẩn trước và sau khi nhỏ mắt.
  • Trẻ em bị viêm kết mạc nên cho nghỉ học ở nhà tránh lây lan cho bạn bè.

Những điều không nên làm khi đang bị viêm kết mạc

Người bệnh không nên tự ý mua và uống thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt là những loại có chứa corticoid để không xảy ra các biến chứng nguy hiểm như mất thị lực. 

Không nên bắt mắt phải làm việc quá sức, nhất là khi làm việc với máy tính, các thiết bị điện tử vì mắt đang rất yếu cần được nghỉ ngơi.

Không nên dùng các phương pháp dân gian truyền miệng như lá trầu không hoặc các loại lá khác để chữa viêm kết mạc. Các phương pháp điều trị này chưa được kiểm chứng và có thể gây kích ứng thêm cho mắt và khó chữa lành. 

Tránh một số thức ăn cay. 

Ngoài ra để tránh lây nhiễm cho người khác bạn cần chú ý: Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh. Không đi học, đi làm khi mắc bệnh. Các vật dụng cá nhân nên được giặt sạch và phơi nắng để loại bỏ vi khuẩn trú ngụ.

Viêm kết mạc có nguy hiểm không? Làm gì để tránh lây nhiễm 3 Đeo kính bảo hộ khi ra ngoài tránh các tác nhân ảnh hưởng nặng thêm cho mắt

Với những thông tin được chia sẻ ở trên chắc hẳn bạn đã có câu trả lời cho bệnh viêm kết mạc có nguy hiểm không? Bệnh không nguy hiểm nhưng rất dễ lây lan trong cộng đồng và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, học tập và công việc.

Khi gặp các triệu chứng đau mắt đỏ như ngứa, rát mắt, đỏ mắt… cần đi khám ngay để được điều trị dứt điểm. Việc điều trị không cẩn thận có thể gây ra các biến chứng về mắt rất nguy hiểm.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin