Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Viêm loét dạ dày do khuẩn HP và những biến chứng nguy hiểm

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ

H. pylori là một loại xoắn khuẩn làm tổn thương mô dạ dày – tá tràng, gây viêm và loét dạ dày. Hiện nay, tỷ lệ mắc căn bệnh này ở trẻ em ngày càng cao, nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến những biến chứng khó lường.

Tình trạng trẻ em bị nhiễm khuẩn HP dạ dày đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Đáng nói, việc tầm soát và điều trị bệnh ở trẻ khó khăn hơn rất nhiều so với người lớn. Mới đây, một cơ sở y tế đã ghi nhận một ca bệnh 14 tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) bị ói ra máu do viêm loét hành tá tràng, nhiễm khuẩn HP phải nhập viện cấp cứu. Kết quả siêu âm, chụp X-quang cho thấy trong ổ bụng có chứa nhiều hơi tự do, dịch dạ dày thoát vào ổ bụng gây biến chứng viêm phúc mạc dạ dày.

Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn HP dạ dày ở trẻ em

Nhiễm khuẩn vi khuẩn HP dạ dày ở trẻ em có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau. Theo các chuyên gia đầu ngành, một số nguyên nhân gây nhiễm khuẩn HP dạ dày bao gồm cơ địa của trẻ, nguy cơ lây truyền. Hoặc cũng có thể do tiếp xúc với các tác nhân gây nhiễm khuẩn từ khi còn nhỏ dẫn đến bùng phát thành bệnh sau này. 

Viêm loét dạ dày do khuẩn HP và những biến chứng nguy hiểm 3
Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn HP dạ dày ở trẻ em có thể do cơ địa hoặc bị lây truyền

Bên cạnh đó, còn có một số yếu tố khác đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bệnh viêm dạ dày HP này, như:

  • Sức đề kháng của trẻ còn yếu, không có khả năng chống lại các tác nhân gây nhiễm khuẩn;
  • Sử dụng thực phẩm chưa nấu chín hoặc chứa vi khuẩn gây bệnh;
  • Trẻ chưa tự ý thức được các tác nhân gây bệnh để chủ động phòng ngừa;
  • Sử dụng nước bị nhiễm khuẩn HP;
  • Không rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;
  • Truyền nhiễm vi khuẩn HP thông qua tiếp xúc trực tiếp như hôn, sử dụng chung bát đũa hoặc bàn chải đánh răng với người mắc bệnh.

Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể nào chứng minh rằng vi khuẩn HP có di truyền hay không. Vì vậy, nguyên nhân này không được đưa vào danh sách những nguyên nhân trên.

Dấu hiệu nhận biết viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP

Tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng do nhiễm khuẩn HP thường khá hiếm gặp ở trẻ em. Theo thông tin tổng hợp, có khoảng 8.1% trong những trẻ em được tiến hành nội soi đường tiêu hóa với triệu chứng đau bụng, phần lớn là nam giới trong độ tuổi từ 10 đến 20. Trong đó, tỷ lệ thủng dạ dày ở trẻ em bị viêm dạ dày có loét tá tràng là rất ít, chỉ khoảng 0 - 9% và chủ yếu là trẻ trên 7 tuổi.

Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày ở trẻ em như dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) trong thời gian dài (aspirin ibuprofen), chế độ ăn uống không cân đối (đồ ăn quá cay hoặc quá chua, nóng), ăn uống không đúng giờ, căng thẳng kéo dài, lo lắng do áp lực học tập, thức khuya, xem TV hoặc chơi game quá nhiều.

Viêm loét dạ dày do khuẩn HP và những biến chứng nguy hiểm 2
Chán ăn và đầy hơi là dấu hiệu nhận biết viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP

Trẻ bị viêm dạ dày thường xuất hiện các triệu chứng như chán ăn, đầy hơi, ợ chua, khó tiêu, ợ hơi, đau bụng, da xanh xao, tim đập nhanh, chân tay run và khó tập trung học do mất máu vào ruột qua ổ loét. Có hai tình trạng cấp là mất máu ồ ạt (biểu hiện qua ói máu hoặc đi cầu máu đen) hoặc mất máu không rõ ràng (có máu ẩn trong phân của trẻ).

Biến chứng nguy hiểm sau viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP

Theo các chuyên gia, phúc mạc là một lớp màng bao phủ các cơ quan trong bụng. Viêm phúc mạc là một biến chứng nguy hiểm và có do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nhóm viêm phúc mạc hóa học là phổ biến nhất.

Vi khuẩn HP tồn tại trong dạ dày sẽ sản sinh ra độc tố urease làm bào mòn lớp niêm mạc dạ dày và gây tổn thương dẫn đến viêm loét. Trong thời gian điều trị nhiễm khuẩn HP, nếu tình trạng viêm loét không được kiểm soát tốt có thể làm tăng tiết dạ dày. Điều này khiến cho ổ viêm loét tái phát và nặng hơn, có thể dẫn đến thủng dạ dày khiến dịch tiết và axit dạ dày tràn vào ổ bụng gây viêm, nhiễm độc, bội nhiễm dẫn đến nhiễm trùng phúc mạc.

Trước đây, tỷ lệ tử vong do viêm phúc mạc cao đến 60 - 70% nếu không được can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ này đang giảm đi nhờ việc phát hiện và điều trị sớm.

Điều trị viêm loét dạ dày do nhiễm khuẩn HP ở trẻ em

Để điều trị nhiễm khuẩn HP ở trẻ, bác sĩ chuyên khoa sẽ đánh giá dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như tình trạng nhiễm khuẩn, độ tuổi, tình trạng sức khỏe tổng thể và nhu cầu của phụ huynh để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Thông thường, phác đồ thường sẽ được chỉ định kết hợp ít nhất 2 loại thuốc kháng sinh, cùng với thuốc kháng hoặc ức chế axit dạ dày. Mỗi liệu trình có thể kéo dài từ 2 tuần trở lên, tùy thuộc vào hiệu quả.

Viêm loét dạ dày do khuẩn HP và những biến chứng nguy hiểm 1
Phác đồ điều trị nhiễm khuẩn HP sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau

Ngoài việc điều trị bằng thuốc, phụ huynh cũng cần quan tâm đến chăm sóc trẻ trong quá trình điều trị, bao gồm:

  • Tập cho trẻ thói quen vệ sinh rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với chất bẩn;
  • Bổ sung thực phẩm giàu lợi khuẩn, chất xơ và vitamin vào chế độ ăn uống của trẻ;
  • Nên cho trẻ ăn thức ăn được chế biến và nấu chín kỹ càng, uống nước đã đun sôi;
  • Quy trình từ việc lựa chọn nguyên liệu đến chế biến và ăn uống cũng cần tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh;
  • Nên cho trẻ dùng đũa và thìa riêng để tránh thói quen nêm nếm và đút thức ăn cho trẻ.

Trên thực tế, việc điều trị viêm dạ dày HP ở trẻ thường khá khó khăn vì trẻ khó tuân thủ liệu trình và khả năng tái phát cao, vi khuẩn HP cũng có khả năng kháng thuốc kháng sinh khiến hiệu quả điều trị giảm đi. Vì vậy, ngoài việc chọn địa chỉ khám và điều trị uy tín, phụ huynh cũng cần đảm bảo rằng trẻ tuân thủ đầy đủ liệu trình điều trị.

Hy vọng những chia sẻ từ bài viết trên đây sẽ giúp bố mẹ có thêm nhiều thông tin hữu ích và hiểu rõ hơn về mức độ ảnh hưởng của vi khuẩn HP đối với sức khỏe của trẻ. Từ đó có biện pháp khắc phục an toàn để bảo vệ trẻ khỏi những tác nhân gây bệnh

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin