Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Viêm mào tinh hoàn - Những điều cần biết

Ngày 25/11/2020
Kích thước chữ

Viêm mào tinh hoàn gây nên những cơn đau đớn khó chịu và có thể để lại di chứng khiến nam giới giảm hay thậm chí là mất khả năng sinh sản. Do đó, cần nhận biết và điều trị bệnh sớm nhất có thể.

Viêm mào tinh hoàn có những triệu chứng đặc trưng gây khó chịu và ảnh hưởng đến đời sống nam giới. Tuy nhiên, một số người vì chủ quan hay thiếu quan tâm mà không đi điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm hay thậm chí là dẫn đến mất chức năng sinh sản.

Viêm mào tinh hoàn - những điều cần biết 1

Viêm mào tinh hoàn gây khó chịu và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nam giới.

Viêm mào tinh hoàn là gì?

Mào tinh hoàn là ống cuộn tròn hình chữ C có hình dáng giống mào gà nằm phía trên mỗi tinh hoàn. Mào tinh hoàn bao gồm phần đầu lớn gắn với ống xuất cùng phần thân và đuôi nhỏ dần về phía sau.

Sau khi được sinh ra ở tinh hoàn, tinh trùng được chuyển đến mào tinh hoàn để phát triển và hoàn thiện. Khi nam giới lên đỉnh, tinh trùng từ mào tinh sẽ di chuyển qua ống dẫn tinh dài khoảng 4 - 6 mm để đi ra ngoài.

Viêm mào tinh hoàn là tình trạng mào tinh hoàn bị đau, viêm và sưng to, có hai dạng:

  • Viêm mào tinh hoàn hoàn cấp: Cơn đau đến bất chợt và tình trạng sưng, viêm diễn biến rất nhanh. Tình trạng này kéo dài ngắn hơn 6 tuần.
  • Viêm mào tinh hoàn mạn: Tình trạng viêm tiến triển chậm hơn và cơn đau nhẹ hơn. Tình trạng này thường kéo dài hơn 6 tuần.

Viêm mào tinh hoàn thường đi cùng với viêm tinh hoàn. Nam giới độ tuổi nào cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng này.

Nguyên nhân gây bệnh

Nhiễm trùng lan từ niệu đạo, tuyến tiền liệt hoặc bàng quang thường dẫn đến viêm mào tinh hoàn. Hai loại nhiễm trùng thường gặp là nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI) và nhiễm trùng đường niệu (UTI).

Nhiễm trùng đường tình dục gây nên bởi những bệnh lây qua đường tình dục như lậu hay chlamydia, rất dễ mắc phải ở những người quan hệ bừa bãi mà không dùng bao cao su. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến viêm mào tinh hoàn.

Viêm mào tinh hoàn - những điều cần biết 2

Bệnh chlamydia có thể dẫn đến viêm mào tinh hoàn.

Nhiễm trùng đường niệu thường gặp ở trẻ em, người cao tuổi và nam giới quan hệ đồng tính. Viêm nhiễm thường tiến triển từ các tình trạng sau:

  • Chấn thương tinh hoàn
  • Xoắn mào tinh hoàn
  • Nước tiểu chảy ngược vào mào tinh hoàn
  • Tiền liệt tuyến to chèn ép bàng quang
  • Đưa ống vào dương vật
  • Phẫu thuật vùng bạn, bàng quang hay tiền liệt tuyến

Ngoài hai lý do trên, những nguyên nhân khác gây viêm mào tinh hoàn bao gồm:

  • Bệnh lao
  • Bệnh quai bị
  • Sử dụng amiodarone liều cao
  • Bất thường cấu trúc đường tiết niệu
  • Chấn thương vùng háng
  • Bệnh Behcet
  • Các vấn đề bẩm sinh của thận và bàng quang

Triệu chứng của viêm mào tinh hoàn

Viêm mào tinh hoàn gây đau nhức ở một hoặc cả hai bên tinh hoàn. Đồng thời, bên bị viêm khi chạm vào cảm thấy ấm và đau nhiều hơn. Ngoài ra, những triệu chứng khác bao gồm:

  • Cảm giác nặng nề bên tinh hoàn bị viêm
  • Tinh hoàn to và trở nên nhạy cảm
  • Đau vùng hạ vị
  • Thường xuyên buồn tiểu và cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Tiểu ra máu
  • Đau khi quan hệ tình dục hoặc khi xuất tinh
  • Đầu dương vật có dịch tiết ra
  • Sốt, lạnh run

Viêm mào tinh hoàn - những điều cần biết 3

Viêm tinh hoàn có thể dẫn đến đau vùng hạ vị.

Triệu chứng rất đa dạng và phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Ví dụ, nếu có dịch tiết đầu dương vật thì khả năng cao viêm mào tinh hoàn là do bị nhiễm STI. Ngoài ra, một số triệu chứng của viêm mào tinh hoàn khá giống với xoắn tinh hoàn. Tình trạng tinh hoàn bị vặn xoắn rất nguy hiểm vì cản trở máu lưu thông gây hoại tử và buộc phải cắt bỏ tinh hoàn.

Đối tượng nguy cơ

Nam giới mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh viêm mào tinh hoàn, trong đó phổ biến nhất là những người trong độ tử 20 - 39 tuổi. Nam giới trung niên và người già rất ít khi mắc bệnh.

Hành vi quan hệ cùng lúc nhiều người hoặc không dùng bao cao su làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Những ai đã hoặc đang mắc STI đều có nguy cơ cao mắc viêm mào tinh hoàn.

Ngoài các bệnh đường tình dục, bệnh đường tiết niệu và chấn thương tinh hoàn cũng làm tăng nguy cơ mắc viêm mào tinh hoàn. Ngoài ra, những yếu tố nguy cơ khác có thể kể đến là: đường tiết niệu bất thường và thủ thuật tác động đến đường tiết niệu như đặt ống thông tiểu.

Cách điều trị bệnh

Quá trình điều trị viêm mào tinh hoàn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu bị nhiễm trùng thì bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh. Nếu mắc bệnh STI thì bệnh nhân cần kiêng quan hệ tình dục trong quá trình điều trị. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể được chỉ định sử dụng thêm thuốc kháng viêm và thuốc giảm đau như ibuprofen.

Viêm mào tinh hoàn - những điều cần biết 4

Thuốc giảm đau có thể được kê đơn để điều trị triệu chứng viêm mào tinh hoàn.

Bệnh nhân có thể đeo dụng cụ nâng đỡ tinh hoàn hoặc chườm đá lên vùng đau để giảm bớt cảm giác khó chịu. Thông thường, sau khi bắt đầu điều trị khoảng 1 - 3 ngày thì cơn đau sẽ bắt đầu giảm. Tuy nhiên, điều trị những triệu chứng khác có thể kéo dài trong vài tháng.

Đa phần trường hợp viêm nhẹ sẽ khỏi khi bệnh nhân dùng thuốc. Người bệnh cần tái khám để được bác sĩ kiểm tra và xác định rằng tình trạng nhiễm trùng đã khỏi. Nếu bệnh quá nặng, bác sĩ có thể sẽ chỉ định  phẫu thuật can thiệp.

Cách phòng tránh bệnh

Viêm mào tinh hoàn là bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản của nam giới. Do đó, những ai chưa mắc bệnh thì cần chú ý việc vệ sinh cá nhân hàng ngày và áp dụng những biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục. Ngoài ra, nếu phát hiện dấu hiệu bệnh, đừng bỏ qua mà hãy đến khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Uyên

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin