Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Giới tính

Vôi hóa tinh hoàn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Thanh Hương

21/03/2025
Kích thước chữ

Vôi hóa tinh hoàn không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị giúp người bệnh phòng ngừa biến chứng hiệu quả.

Vôi hóa tinh hoàn mặc dù không trực tiếp gây vô sinh nhưng có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Việc phát hiện dấu hiệu, thăm khám sớm và điều trị kịp thời giúp tránh các biến chứng nguy hiểm. Trong bài viết này, Long Châu sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị vôi hóa tinh hoàn.

Vôi hóa tinh hoàn là gì? Nguyên nhân gây vôi hóa tinh hoàn

Vôi hóa tinh hoàn là tình trạng lắng đọng canxi bất thường trong mô tinh hoàn, tạo thành những nốt nhỏ có thể phát hiện qua siêu âm. Đây không phải là bệnh lý riêng biệt nhưng nó có thể liên quan đến viêm nhiễm, chấn thương hoặc rối loạn chuyển hóa. Trong hầu hết các trường hợp, vôi hóa tinh hoàn không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu đi kèm với các bệnh lý nền, nó có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và sức khỏe nam giới.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ vôi hóa tinh hoàn ở nam giới trưởng thành có thể lên đến 5 - 10%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bao gồm:

  • Nhiễm khuẩn kéo dài làm mô tinh hoàn bị tổn thương, hình thành lắng đọng canxi.
  • Tác động mạnh vào tinh hoàn do tai nạn, chơi thể thao có thể dẫn đến tổn thương mô, gây vôi hóa. Vôi hóa hình thành sau quá trình hồi phục, có thể ảnh hưởng đến lưu thông máu và chức năng sinh tinh.
  • Một số bệnh lý về thận, tuyến giáp hoặc mất cân bằng khoáng chất có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa canxi - phốt pho, gây vôi hóa tinh hoàn.
  • Một số khối u lành tính hoặc ác tính có thể kèm theo nốt vôi hóa.
  • Các bệnh lây qua đường tình dục như Chlamydia, lậu, giang mai có thể gây viêm tinh hoàn, hình thành mô vôi hóa.
Vôi hóa tinh hoàn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 1
Vôi hóa tinh hoàn có thể hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau

Triệu chứng của vôi hóa tinh hoàn

Trong đa số trường hợp, bệnh không gây triệu chứng. Vôi hóa tinh hoàn được phát hiện tình cờ khi kiểm tra sức khỏe sinh sản hoặc khám nam khoa định kỳ. Tuy nhiên, nếu vôi hóa liên quan đến viêm nhiễm hoặc các rối loạn khác, người bệnh có thể gặp một số biểu hiện đáng chú ý như:

  • Một số người có thể cảm thấy đau âm ỉ hoặc tức nhẹ ở tinh hoàn, đặc biệt khi đứng lâu hoặc vận động mạnh.
  • Cảm giác nặng bìu, khó chịu, nhất là khi khối vôi hóa lớn hoặc xuất hiện nhiều nốt vôi hóa. Triệu chứng có thể xảy ra từng đợt hoặc kéo dài, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.
  • Ở một số trường hợp, vôi hóa có thể kèm theo viêm tinh hoàn hoặc viêm mào tinh hoàn, khiến tinh hoàn bị sưng nhẹ. Khi chạm vào vùng bìu có thể có cảm giác cứng hoặc nhạy cảm hơn bình thường.
  • Nếu có nhiễm trùng đi kèm, bìu có thể bị đỏ, nóng hoặc cảm giác đau tinh hoàn rõ rệt.

Vôi hóa tinh hoàn có nguy hiểm không?

Vôi hóa tinh hoàn có nguy hiểm không? Trong phần lớn các trường hợp, vôi hóa tinh hoàn là lành tính, không gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe chung. Nếu vôi hóa hình thành do viêm tinh hoàn hoặc viêm mào tinh hoàn kéo dài, mô tinh hoàn có thể bị tổn thương. Viêm nhiễm làm suy giảm chất lượng và số lượng tinh trùng, ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Một số trường hợp có thể gây tắc ống dẫn tinh hoặc giảm hoạt động sinh tinh.

Vôi hóa tinh hoàn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 2
Mức độ nguy hiểm của vôi hóa tinh hoàn tùy theo từng nguyên nhân

Theo Hiệp hội Tiết niệu Hoa Kỳ (AUA), khoảng 15 - 20% bệnh nhân ung thư tinh hoàn có dấu hiệu vôi hóa tinh hoàn. Vôi hóa có thể xuất hiện xung quanh một khối u ác tính trong tinh hoàn. Nếu vôi hóa đi kèm sưng bìu, đau tức, khối u bất thường, cần tầm soát ung thư sớm.

Vôi hóa tinh hoàn cần theo dõi y tế khi:

  • Tinh hoàn có khối u, sưng to bất thường;
  • Cảm thấy đau tức bìu kéo dài, không rõ nguyên nhân;
  • Tinh dịch bất thường, khó thụ thai sau 6 - 12 tháng quan hệ không dùng biện pháp tránh thai;
  • Siêu âm phát hiện nhiều nốt vôi hóa dày đặc hoặc lan rộng.

Chẩn đoán và điều trị vôi hóa tinh hoàn

Để chẩn đoán vôi hóa tinh hoàn, bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm tinh hoàn để phát hiện các nốt vôi hóa, xét nghiệm máu để kiểm tra dấu hiệu viêm nhiễm, xét nghiệm nội tiết tố nam (FSH, LH, Testosterone) để đánh giá chức năng sinh tinh và sự cân bằng hormone. Trong một số trường hợp, xét nghiệm máu cũng giúp tầm soát ung thư tinh hoàn bằng các chỉ số AFP, hCG và LDH. Nếu vôi hóa tinh hoàn ảnh hưởng đến chức năng sinh tinh, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện tinh dịch đồ.

Vôi hóa tinh hoàn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 2
Nam giới cần siêu âm tinh hoàn định kỳ để theo dõi sự phát triển của vôi hóa

Vôi hóa tinh hoàn thường không cần điều trị nếu không có triệu chứng hoặc không ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, điều trị có thể cần thiết để giảm đau, kiểm soát viêm nhiễm hoặc loại bỏ khối vôi hóa lớn. Phương pháp điều trị sẽ tập trung vào nguyên nhân gốc rễ. Cụ thể là:

  • Nếu vôi hóa liên quan đến viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, bệnh nhân cần dùng kháng sinh theo chỉ định.
  • Nếu có triệu chứng đau tức bìu, bệnh nhân sẽ được cho dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs) để giảm triệu chứng.
  • Nếu khối vôi hóa lớn, ảnh hưởng đến ống sinh tinh hoặc nghi ngờ ung thư tinh hoàn, bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết hoặc phẫu thuật loại bỏ.

Cách phòng ngừa vôi hóa tinh hoàn

Để giảm nguy cơ hình thành vôi hóa, nam giới cần chú ý các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Tắm rửa hàng ngày, vệ sinh vùng kín đúng cách để tránh vi khuẩn phát triển;
  • Mặc đồ lót thoáng khí, tránh ẩm ướt để giảm nguy cơ viêm nhiễm;
  • Điều trị sớm các bệnh lý viêm nhiễm nam khoa để ngăn ngừa biến chứng vôi hóa;
  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ để giảm nguy cơ mắc bệnh lây qua đường tình dục;
  • Thăm khám nam khoa định kỳ nếu có nguy cơ nhiễm trùng để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe;
  • Tránh va đập mạnh vào tinh hoàn, đặc biệt khi chơi thể thao hoặc làm việc nặng;
  • Mang đồ bảo hộ phù hợp khi tham gia các môn thể thao có nguy cơ chấn thương tinh hoàn như bóng đá, đạp xe, võ thuật;
  • Khám nam khoa ít nhất 6 tháng/lần để kiểm tra sức khỏe sinh sản.
Vôi hóa tinh hoàn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 4
Khám nam khoa định kỳ là việc mọi nam giới nên làm

Vôi hóa tinh hoàn thường không nguy hiểm nhưng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản nếu không kiểm soát tốt. Nếu xuất hiện triệu chứng đau tức tinh hoàn hoặc tinh trùng yếu, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn hướng điều trị phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin