Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Viêm nướu chân răng: Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 18/09/2022
Kích thước chữ

Viêm nướu chân răng là bệnh lý răng miệng phổ biến, xảy ra khi vùng mô và tổ chức trong khoang miệng bị viêm nhiễm. Vậy nguyên nhân gây nên viêm nướu chân răng là gì? Điều trị viêm nướu chân răng như thế nào? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về chủ đề này trong bài viết dưới đây nhé!

Viêm nướu chân răng có thể mắc phải tại bất kỳ vị trí trên hàm răng. Bạn có thể gặp phải triệu chứng như đau buốt chân răng, sưng nóng nướu và lợi, hôi miệng… Điều này không chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày mà còn làm suy giảm sức khỏe răng miệng. Hẳn bạn thắc mắc rằng nguyên nhân gì dẫn tới viêm nướu chân răng? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới viêm nướu, phổ biến là do việc vệ sinh răng miệng không đúng cách, do thói quen sinh hoạt không lành mạnh hay biến chứng của bệnh đái tháo đường…

Viêm nướu chân răng là gì?

Viêm nướu chân răng là bệnh lý của răng miệng, khi tổ chức và vùng mô mềm quanh răng bị viêm nhiễm và sưng tấy đỏ. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, vùng bị tổn thương sẽ tiến triển nặng hơn và dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như yếu chân răng khiến răng lung lay, rụng răng, viêm nha chu

Bệnh viêm nướu chân răng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt phổ biến ở trẻ em độ tuổi 1 - 2 nếu ba mẹ không chú ý tới việc vệ sinh răng miệng hàng ngày của bé.

Triệu chứng của viêm nướu chân răng

Khởi phát của bệnh viêm nướu chân răng là những cơn đau nhức nhẹ ở vùng viêm nhiễm, chân răng bị sưng và tấy đỏ. Ngoài ra, người bệnh xuất hiện triệu chứng hôi miệng. Sau đó, bệnh có thể tiến triển thành hai nhóm phổ biến bao gồm:

  • Viêm nướu chân răng cấp tính: Nổi bật bởi các cơn đau tăng dần, đau dữ dội trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này có thể khiến bệnh nhân lầm tưởng bệnh đã thuyên giảm nhưng trên thực tế thì bệnh đang diễn biến phức tạp hơn.
  • Viêm nướu chân răng mãn tính: Cơn đau quanh chân răng sẽ lặp đi lặp lại, dai dẳng và âm ỉ trong khoảng thời gian dài. Cơn đau có thể lan sang vùng lân cận khiến việc xác định vị trí tổn thương trở nên khó khăn.
Viêm nướu chân răng: Nguyên nhân và điều trị 1 Đau nhức và hôi miệng là triệu chứng điển hình của viêm nướu chân răng

Nếu người bệnh chủ quan không đi khám và điều trị kịp thời, viêm nướu chân răng có thể chuyển sang giai đoạn muộn khi các biến chứng xuất hiện. Người bệnh có thể bị mưng mủ, hình thành áp xe quanh chân răng. Chân răng bị yếu, khiến răng lung lay dễ rụng và bị tụt lợi. Chưa kể tới tình trạng chảy máu chân răng thường xuyên có thể gây thiếu máu. Vì vậy, nếu bạn thấy răng bị đau nhức không có dấu hiệu thuyên giảm hay xuất hiện triệu chứng hôi miệng thì cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt để được thăm khám và chữa trị.

Nguyên nhân gây viêm nướu

Nhiều nguyên nhân có thể gây viêm nướu chân răng. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:

Vệ sinh răng miệng sai cách

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm nướu do vệ sinh răng miệng sai cách. Cụ thể như chải răng không đúng, không làm sạch các mảng bám, cao răng tại các vùng trong khoang miệng khiến cặn bã, thức ăn dính lại. Chính điều này sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh, vi khuẩn và vi rút xâm nhập và phát triển. Kết quả gây ra viêm nướu chân răng.

Viêm nướu chân răng: Nguyên nhân và điều trị 2 Vệ sinh răng miệng sai cách là nguyên nhân phổ biến gây viêm nướu

Chế độ dinh dưỡng mất cân bằng

Chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong sức khỏe răng miệng nói riêng và sức khỏe cơ thể nói chung. Khi thiếu dưỡng chất không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi, không đủ năng lượng mà còn gây suy giảm sức đề kháng chống lại vi khuẩn gây bệnh. Từ đó, kháng nguyên dễ dàng xâm nhập và gây viêm chân răng.

Ngoài ra, thói quen ăn nhiều đồ ngọt hay sử dụng đồ ăn khi còn quá nóng hoặc quá lạnh cũng góp phần làm giảm sức khỏe răng miệng, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm chân răng tiến triển nặng hơn.

Thuốc điều trị gây khô miệng

Một số loại thuốc điều trị có thể gây tác dụng không mong muốn là giảm tiết nước bọt gây khô miệng. Thuốc điều trị phổ biến như:

  • Nhóm thuốc chống trầm cảm.
  • Thuốc chống dị ứng nhóm kháng histamin.
  • Thuốc chống nghẹt mũi.
  • Thuốc điều trị ung thư.

Nước bọt có tác dụng tránh để miệng bị khô, đồng thời thường xuyên gội rửa khoang miệng giúp đánh trôi các mảng bám thức ăn, cao răng. Nước bọt tiết ra không đủ để rửa khoang miệng sẽ khiến chất cặn bã tích tụ, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây viêm nướu.

Viêm nướu chân răng: Nguyên nhân và điều trị 3 Thuốc gây tác dụng phụ khô miệng làm giảm sức đề kháng răng miệng

Bệnh tiểu đường

Phần lớn người mắc bệnh tiểu đường dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn, trong đó có bệnh viêm nướu chân răng. Vì lượng đường trong máu cao gây tăng áp lực lên thành mạch máu, giảm khả năng trung chuyển chất dinh dưỡng tới nướu. Điều này khiến mô nướu dần yếu đi và dễ bị nhiễm khuẩn. Đồng thời, đường huyết cao gây suy giảm hệ miễn dịch chung của toàn bộ cơ thể.

Thói quen không lành mạnh

Một số nguyên nhân khác cũng góp phần gây bệnh viêm nướu chân răng hoặc khiến viêm răng ngày càng nặng hơn, đó là:

  • Không lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần.
  • Lạm dụng các loại thuốc lá, thuốc lào, nước chè khiến răng bị xỉn màu ố vàng, hơi thở có mùi và hệ răng miệng dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.

Điều trị viêm nướu chân răng

Điều trị viêm nướu chân răng tại nhà

Với những trường hợp viêm chân răng giai đoạn sớm, khi bệnh nhẹ, người bệnh có thể tự khắc phục tại nhà bằng cách:

  • Giảm tần suất tiêu thụ các loại thực phẩm, chế phẩm, đồ uống chứa chất kích thích, gây hại cho sức khỏe răng miệng như thuốc lá, thuốc lào, rượu bia, cà phê, nước chè…
  • Vệ sinh răng miệng kỹ càng và đúng cách, tránh để lại mảng bám thức ăn qua đêm trong miệng. Đặc biệt ở đối tượng mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, nhiễm khuẩn mạn.
  • Súc miệng bằng nước muối pha loãng hoặc nước súc miệng chuyên dụng có chứa thành phần kháng khuẩn như chlorhexidine, hexetidin, chlorine dioxide, zinc gluconate… sau mỗi bữa ăn, sáng sớm thức dậy và buổi tối.
  • Lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần.
  • Nếu đang trong giai đoạn sử dụng các thuốc điều trị có tác dụng phụ gây khô miệng, cần uống nước thường xuyên.
  • Khi sử dụng thuốc giảm đau hoặc kháng sinh cần có sự tư vấn từ dược sĩ, bác sĩ tránh gặp phải tác dụng phụ gây hại cho sức khỏe.
Viêm nướu chân răng: Nguyên nhân và điều trị 4 Bước vệ sinh răng miệng giúp ngăn ngừa viêm nướu chân răng

Điều trị nhờ can thiệp của bác sĩ

Nếu tình trạng viêm nướu kéo dài và tiến triển nặng, bạn cần tìm tới bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt để được thăm khám và điều trị. Tùy theo thể trạng người bệnh và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Nếu viêm chân răng nhẹ, nha sĩ sẽ thực hiện vệ sinh răng miệng và lấy cao răng. Nếu tình trạng viêm nướu chân răng nặng, bên cạnh việc vệ sinh khoang miệng thì nha sĩ cần kết hợp các thủ thuật phức tạp hơn như mở nướu nạo túi nha chu, cấy ghép phục hồi nướu…

Trên đây là bài viết của nhà thuốc Long Châu về nguyên nhân, triệu chứng và hướng điều trị bệnh viêm nướu chân răng. Hy vọng với bài viết, bạn có thể biết được những thông tin cơ bản về chủ đề này. Viêm nướu chân răng là bệnh lý răng miệng thường gặp với các triệu chứng điển hình như đau nhức chân răng và hôi miệng. Nếu viêm nhiễm mức độ nhẹ, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát triệu chứng tại nhà. Tuy nhiên, nếu viêm nhiễm nặng dần và không có dấu hiệu khỏi, bạn cần tới gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị nguyên nhân.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin