Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Xẹp nhĩ là gì? Mức độ nguy hiểm và cách điều trị như thế nào?

Ngày 26/06/2022
Kích thước chữ

Xẹp nhĩ là một trong những bệnh lý về thính giác có thể làm ảnh hưởng đến khả năng nghe của người bị. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra như viêm tai giữa, rối loạn chức năng ống nghe, viêm đường hô hấp,... Bệnh không nguy hiểm nếu được điều trị sớm và dứt điểm.

Tình trạng bệnh xẹp nhĩ hầu hết không được nhận biết sớm vì triệu chứng bệnh âm thầm, chỉ khoảng 10 - 20% trường hợp xẹp nhĩ có triệu chứng. Bệnh tiến triển âm thầm qua nhiều giai đoạn, gây nghe kém và viêm tai giữa với tỷ lệ 30%. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy việc nắm rõ các biểu hiện và biết cách điều trị xẹp nhĩ là rất quan trọng.

Xẹp nhĩ là gì?

Xẹp nhĩ là tình trạng màng nhĩ bị lõm về phía thành trong của hòm nhĩ do giảm hoặc mất lớp sợi của màng nhĩ. Đây là hậu quả của viêm kéo dài trong hòm nhĩ và sự rối loạn chức năng của vòi nhĩ làm cho màng nhĩ bị suy yếu, bị phá hủy một phần hoặc hoàn toàn. Nhưng màng nhĩ không dính vào thành trong của hòm tai và lớp niêm mạc bọc tai vẫn còn nguyên vẹn.

Hậu quả của màng nhĩ bị xẹp có thể dẫn đến hình thành cholesteatoma, một lớp da phát triển bất thường trong tai giữa.

Màng nhĩ xẹp làm cản trở quá trình lột da bình thường. Da bình thường của cơ thể được đào thải ra môi trường. Còn bên trong tai, màng nhĩ bình thường bong da ra ống tai hay còn gọi là ráy tai. Màng nhĩ bị xẹp không thể làm bong lớp da chết này. Thay vào đó, nó tập trung vào khu vực bị co lại của màng nhĩ, da của màng nhĩ bị đẩy vào tai giữa dẫn đến phá hủy các cấu trúc của tai giữa. Xẹp nhĩ có thể xảy ra ở toàn bộ hoặc một phần của màng chùng, được gọi là xẹp nhĩ khu trú hoặc túi co kéo.

Xẹp nhĩ là gì? Mức độ nguy hiểm và cách điều trị như thế nào? 1 Xẹp nhĩ là tình trạng màng nhĩ bị lõm về phía thành trong của hòm nhĩ

Nguyên nhân gây xẹp nhĩ là gì?

Xẹp nhĩ có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến nhất là: 

  • Chức năng thông khí của hòm tai bị suy giảm do rối loạn chức năng của vòi nhĩ, gây áp lực trong hòm nhĩ âm tính. Do áp lực âm tính nên màng nhĩ luôn bị kéo căng vào trong. Quá trình này làm cho các sợi của màng nhĩ yếu đi, giảm độ đàn hồi.
  • Thay đổi cấu trúc hòm nhĩ có thể làm giảm sức căng của màng nhĩ.
  • Viêm tai giữa.
  • Nhiễm trùng do dị ứng, các bệnh về đường hô hấp dẫn đến mất cân bằng áp suất không khí ở cả hai tai. Khi ống vòi nhĩ không hoạt động bình thường, nó làm suy giảm khả năng co giãn màng nhĩ. 
  • Tiền sử thủng màng nhĩ.
  • Bệnh tăng tiết dịch nhầy.
  • Viêm nhiễm đường thở.
  • Xương chũm kém phát triển.

Phân loại xẹp nhĩ

Phân loại xẹp nhĩ sẽ dựa vào vị trí xẹp nhĩ xuất hiện. Cho dù xẹp nhĩ xuất hiện ở màng chùng hay toàn bộ màn nhĩ thì đều được chia thành 4 cấp độ khác nhau:

Xẹp nhĩ ở màng chùng

  • Cấp 1: Kích thước túi co kéo nhỏ, không có hiện tượng đáy túi dính vào xương búa. 
  • Cấp 2: Đáy của túi co kéo đã tiếp xúc với cổ xương búa.
  • Cấp 3: Túi co kéo đã xuyên qua thượng nhĩ trên và bắt đầu có biểu hiện tổn thương xương. 
  • Cấp 4: Túi co kéo đã ăn mòn tường thượng nhĩ và làm tổn xương búa.

Xẹp nhĩ xảy ra khắp màng nhĩ 

  • Cấp 1: Màng nhĩ bị đẩy vào trong, gờ vành tai không nhìn thấy rõ, đối với cấp độ này không có triệu chứng cơ năng nên không cần điều trị.
  • Cấp 2: Màng nhĩ lõm sâu chạm vào xương đê hoặc dính vào xương đe. Thông thường, sợi màng nhĩ bị mất đi và áp lực âm trong hòm nhĩ có thể phá hủy mô sợi của màng nhĩ.
  • Cấp 3: Màng nhĩ mới chỉ chạm vào u nhô mà chưa dính vào. Trong những trường hợp này, nếu quyết định đặt một ống thông khí có thể đẩy phần dính vào ụ nhô về bình thường.
  • Cấp 4: Màng nhĩ đã dính chặt vào ụ nhô và xâm nhập sâu vào hòm nhĩ. Phẫu thuật là bắt buộc đối với trường hợp này.
Xẹp nhĩ là gì? Mức độ nguy hiểm và cách điều trị như thế nào? 2 Xẹp nhĩ trường hợp nặng khiến suy giảm thính lực

Triệu chứng khi bị xẹp nhĩ

Tùy theo tác nhân gây bệnh, mức độ xẹp nhĩ và tốc độ phát triển mà các triệu chứng bệnh ở mỗi người sẽ khác nhau. Biểu hiện có thể là nghe kém hoặc chảy mủ tai, tai tiết ra chất lỏng có mùi hôi. Khi cholesteatoma phát triển có thể gây áp lực dư thừa trong tai. Đau tai thành từng cơn, có tiếng ồn trong tai.

Xẹp nhĩ có nguy hiểm không?

Xẹp nhĩ có thể gây ra các triệu chứng nhỏ nếu nó phát triển chậm. Khi tình trạng bệnh phát triển nhanh hoặc ảnh hưởng đến toàn bộ màng nhĩ, các triệu chứng có thể nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến thính giác, dẫn đến ù tai, giảm thính lực, đau từng cơn và viêm tai giữa. Tệ hơn nữa, áp lực âm trong tai giữa có thể dẫn đến các vấn đề khác bao gồm teo thành xương của tai giữa, xói mòn xương, có thể dẫn đến mất thính lực vĩnh viễn, cholesteatoma,… Tuy không quá nguy hiểm nhưng lại gây ra nhiều triệu chứng khó chịu làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh.

Cách điều trị xẹp nhĩ

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, loại xẹp nhĩ một phần hay toàn bộ và mức độ triệu chứng mà có những phương pháp điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân nhằm giảm áp lực âm trong màng nhĩ như:

  • Sử dụng thuốc thông mũi hoặc steroid để giảm viêm và nghẹt mũi khi bị viêm tai giữa.
  • Phẫu thuật đặt ống thông khí giúp cân bằng áp lực trong tai và thông khí hoàn toàn cho tai giữa. 
  • Phẫu thuật củng cố màng nhĩ, rút túi co kéo và đặt mảnh để đắp chỗ thiếu hụt của màng nhĩ.
Xẹp nhĩ là gì? Mức độ nguy hiểm và cách điều trị như thế nào? 3 Nếu thuốc không thể đáp ứng triệu chứng xẹp nhĩ thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật

Hy vọng với bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu được xẹp nhĩ là gì, nguyên nhân cũng như cách điều trị hiệu quả. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến tai mũi họng, bạn cần điều trị ngay khi bệnh mới khởi phát. Nếu không sẽ gây ra viêm tai dính nghiêm trọng.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin