Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hội chứng kẹp hạt dẻ là gì? Bạn có cần điều trị hay không?

Ngày 19/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hội chứng kẹp hạt dẻ (nutcracker syndrome) là tình trạng tĩnh mạch thận trái bị chèn ép, thường là giữa hai động mạch là động mạch mạc treo tràng trên và động mạch chủ bụng gây cản trở lưu lượng máu ra khỏi thận trái. Triệu chứng chủ yếu là đau hông sườn trái, tiểu máu, tuy nhiên không phải lúc nào bệnh cũng gây ra triệu chứng. Đa số trẻ mắc hội chứng kẹp hạt dẻ có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Nếu các triệu chứng không biến mất bạn có thể phải điều trị với phẫu thuật nhằm cải thiện tình trạng chèn ép tránh gây biến chứng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hội chứng kẹp hạt dẻ là gì?

Thận là một cơ quan có hình hạt đậu nằm ở hai bên hông. Chúng có chức năng lọc chất thải từ máu, cân bằng dịch cơ thể, hình thành nước tiểu và điều hòa huyết áp cơ thể. Mỗi thận có một tĩnh mạch thận mang máu đã được lọc vào hệ thống tuần hoàn. Tĩnh mạch thận trái mang máu từ thận trái đến tĩnh mạch chủ dưới từ đó đến tim. Trước khi đổ về tĩnh mạch chủ dưới, tĩnh mạch thận trái đi qua giữa hai động mạch chính ở bụng là động mạch chủ bụng và động mạch mạc treo tràng trên.

Hội chứng kẹp hạt dẻ còn gọi là hội chứng chèn ép tĩnh mạch thận trái đặc trưng bởi sự chèn ép tĩnh mạch thận trái. Có hai loại hội chứng kẹp hạt dẻ chính gồm hội chứng kẹp hạt dẻ trước và hội chứng kẹp hạt dẻ sau. Hội chứng kẹp hạt dẻ trước phổ biến hơn, xảy ra do chèn ép tĩnh mạch thận trái giữa động mạch chủ bụng và động mạch mạc treo tràng trên. Hội chứng kẹp hạt dẻ sau ít gặp hơn do chèn ép tĩnh mạch thận trái giữa động mạch chủ bụng với cột sống. Ngoài ra có một số trường hợp không thuộc hai nhóm kể trên và được xếp vào hội chứng kẹp hạt dẻ hỗn hợp.

Nếu bạn mắc hội chứng kẹp hạt dẻ việc chèn ép tĩnh mạch thận trái khiến tăng áp lực tĩnh mạch thận khiến máu có thể chảy ngược lại đến các tĩnh mạch khác. Điều này dẫn đến các tĩnh mạch xung quan bị phình ra gây ra các triệu chứng và biến chứng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng kẹp hạt dẻ

Khi không gây triệu chứng nó thường được gọi là hiện tượng kẹp hạt dẻ, khi gây triệu chứng nó sẽ được gọi là hội chứng kẹp hạt dẻ. Các triệu chứng của hội chứng kẹp hạt dẻ có thể khác nhau tùy thuộc mức độ chèn ép của tĩnh mạch thận trái. Một số trường hợp có thể không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Các triệu chứng của hội chứng hạt dẻ có thể xảy ra:

  • Đau hông sườn trái;
  • Đau bụng liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc thai kỳ, đau vùng chậu;
  • Có máu trong nước tiểu (tiểu máu): Đây là triệu chứng phổ biến nhất;
  • Cảm thấy chóng mặt khi đứng dậy do hạ huyết áp tư thế đứng.

Các triệu chứng cũng có thể khác nhau ở nam giới và nữ giới. Nam giới có thể bị giãn tĩnh mạch thừng tinh. Nữ giới có thể gặp hội chứng tắc nghẽn vùng chậu: Đau khi quan hệ tình dục, đau khi đi tiểu, đau vùng chậu. 

Hội chứng kẹp hạt dẻ là gì? Bạn có cần điều trị hay không? 4
Đau hông sườn

Biến chứng có thể gặp khi mắc phải hội chứng kẹp hạt dẻ (nếu có)

Hội chứng kẹp hạt dẻ không gây nguy hiểm đến tính mạng và có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt nếu không điều trị bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng bao gồm:

  • Tổn thương thận do tăng áp lực tĩnh mạch thận trong thời gian dài;
  • Huyết khối tĩnh mạch thận trái;
  • Thiếu máu do tiểu máu có thể cần phải truyền máu;
  • Giãn tĩnh mạch thừng tinh ở nam giới;
  • Hội chứng tắc nghẽn vùng chậu;
  • Vô sinh do giãn tĩnh mạch thừng tinh ở nam và hội chứng tắc nghẽn vùng chậu ở nữ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây bạn cần đi khám bác sĩ ngay:

  • Tiểu máu;
  • Đau hông sườn trái;
  • Hạ huyết áp khi thay đổi tư thế;
  • Ngất;
  • Nhịp tim nhanh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng kẹp hạt dẻ

Hội chứng kẹp hạt dẻ có thể xảy ra nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân phổ biến nhất là do bất thường mạch máu trong quá trình phát triển thai kỳ và những thay đổi trong ổ bụng. Một số bệnh lý cũng có thể gây ra hội chứng hạt dẻ:

  • Bất thường giải phẫu như xương chậu nhỏ hoặc động mạch chủ có hình dạng bất thường;
  • Chấn thương;
  • Khối u;
  • Phình động mạch chủ bụng;
  • Có thai.
Hội chứng kẹp hạt dẻ là gì? Bạn có cần điều trị hay không? 5
Mang thai là một trong những nguyên nhân dẫn đến hội chứng kẹp hạt dẻ

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc hội chứng kẹp hạt dẻ?

Hội chứng kẹp hạt dẻ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi giới tính nhưng thường phổ biến ở phụ nữ từ 30 đến 40 tuổi. Trẻ em có thể mắc bệnh sau khi tăng trưởng nhanh ở tuổi dậy thì. Tuy nhiên, hội chứng kẹp hạt dẻ thường chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ và thường tự khỏi mà không cần điều trị.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng kẹp hạt dẻ

  • Giới tính: Bệnh thường xảy ra ở nữ giới hơn nam giới.
  • Chỉ số khối cơ thể: Hội chứng kẹp hạt dẻ phổ biến hơn ở những người có BMI thấp.
  • Khối u tụy.
  • Phình động mạch chủ bụng.
  • Có thai.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hội chứng kẹp hạt dẻ

Để chẩn đoán hội chứng kẹp hạt dẻ, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, tiền sử bệnh và tiến hành thăm khám cho bạn. Bác sĩ có thể cần mất khá nhiều thời gian để có thể chẩn đoán chính xác hội chứng này do phải loại trừ các tình trạng bệnh lý khác trước khi nghĩ đến bệnh. Các xét nghiệm cần thiết cho chẩn đoán:

  • Xét nghiệm máu đánh giá số lượng tế bào máu.
  • Xét nghiệm nước tiểu để tìm máu và protein hay vi khuẩn trong nước tiểu.
  • Xét nghiệm đánh giá chức năng thận.
  • Siêu âm Doppler mạch máu thận: Đánh giá tình trạng lưu thông máu qua tĩnh mạch và động mạch thận.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan) hoặc Chụp cộng hưởng từ (MRI): Đánh giá tình trạng tổn thương thận nếu có và hệ thống mạch máu thận cũng như các cơ quan khác.
Hội chứng kẹp hạt dẻ là gì? Bạn có cần điều trị hay không? 6
Xét nghiệm hình ảnh giúp phát hiện tình trạng bệnh trên những người không có triệu chứng

Phương pháp điều trị hội chứng kẹp hạt dẻ

Nếu hội chứng kẹp hạt dẻ chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ, bác sĩ có thể đề nghị bạn không điều trị mà tiếp tục theo dõi xem liệu bệnh có tự khỏi hay không. Điều trị bảo tồn kéo dài ở trẻ em được khuyến khích do khả năng tự khỏi sau khi phát triển mô mỡ. Một số nghiên cứu thấy rằng khoảng 75% trẻ mắc hội chứng hạt dẻ có thể tự khỏi trước 18 tuổi.

Nếu các triệu chứng không cải thiện sau 6 tháng hoặc các triệu chứng tiến triển nặng nề hơn, bác sĩ sẽ kê đơn aspirin liều thấp và thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEi) giúp cải thiện tình trạng tiểu protein.

Phẫu thuật

Nếu các triệu chứng vẫn tồn tại sau khi điều trị bảo tồn như tiểu máu nhiều, đau dữ dội hoặc rối loạn chức năng thận, bạn có thể phải được phẫu thuật để giảm áp lực lên tĩnh mạch thận trái. Các phương pháp phẫu thuật hiện nay:

  • Đặt stent tĩnh mạch: Bằng cách đặt stent vào trong tĩnh mạch thận trái để mở tĩnh mạch của bạn cho máu đi qua.
  • Phẫu thuật mạch máu: Nhằm di chuyển tĩnh mạch thận trái để nó gắn vào tĩnh mạch chủ dưới ở một vị trí khác. Điều này cho phép tĩnh mạch thận tránh di chuyển giữa động mạch mạc treo tràng trên và động mạch chủ.
  • Cắt thận: Nhằm loại bỏ thận bị ảnh hưởng, chỉ được chỉ định khi các phương pháp điều trị ở trên không thành công và có bằng chứng cho thấy thận bị tổn thương.

Bạn có thể gặp một số biến chứng xảy ra do phẫu thuật hội chứng kẹp hạt dẻ như:

  • Huyết khối tĩnh mạch;
  • Nhiễm trùng;
  • Tổn thương thận;
  • Trật stent chặn dòng chảy của máu.

Hồi phục

Khi trải qua phẫu thuật, bạn có thể sẽ cần vài tuần để hồi phục. Thời gian hồi phục tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh và loại phẫu thuật mà bạn thực hiện. Nếu bạn được phẫu thuật đặt stent bạn sẽ hồi phục nhanh hơn so với những người trải qua phẫu thuật phức tạp hơn như phẫu thuật cắt thận.

Sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi chức năng thận, xét nghiệm nước tiểu và kiểm tra hình ảnh tĩnh mạch thận trái xem có còn tắc nghẽn hay bất thường nào xảy ra không. Nếu bạn phẫu thuật cắt bỏ thận bạn cần được theo dõi sát chức năng thận còn lại.

Tiên lượng

Trẻ mắc hội chứng kẹp hạt dẻ thường có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Ở người lớn, tiên lượng phụ thuộc vào mức độ biểu hiện của triệu chứng tại thời điểm phát hiện bệnh. Hãy nói chuyện với bác sĩ điều trị về tiên lượng bệnh của bạn và sự hồi phục của bạn đối với việc điều trị phẫu thuật.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng kẹp hạt dẻ

Chế độ sinh hoạt:

Những cách sinh hoạt cần lưu ý:

  • Tái khám đánh giá chức năng thận đúng hẹn;
  • Không hút thuốc lá;
  • Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, đồ uống có cồn;
  • Giữ tâm trạng vui vẻ, thoải mái;
  • Tập thể dục tránh ngồi một chỗ trong thời gian dài;
  • Ngủ đủ giấc, không thức khuya.

Đối với những người bệnh điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, bạn cần chú ý những điều sau đây:

  • Thay băng vết mổ đúng cách và vô khuẩn;
  • Giữ cho vết mổ sạch, khô, tránh nhiễm trùng;
  • Vận động nhẹ nhàng trong thời gian đầu;
  • Vận động càng sớm càng tốt sau phẫu thuật tránh táo bón;
  • Theo dõi tình trạng nước tiểu của bạn;
  • Theo dõi tình trạng lành vết mổ, đi khám ngay nếu phát hiện tình trạng sưng đỏ hay chảy dịch ở vết thương;
  • Khi thấy có bất thường nào sau phẫu thuật hãy báo ngay với bác sĩ điều trị.
Hội chứng kẹp hạt dẻ là gì? Bạn có cần điều trị hay không? 7
Vết mỗ cần được chăm sóc cẩn thận, tránh nhiễm trùng

Chế độ dinh dưỡng:

Những điều bạn cần chú ý trong chế độ ăn:

  • Ăn các thức ăn dễ tiêu hóa sau phẫu thuật;
  • Ăn đầy đủ các chất, không nên ăn nghiêng về một chất nào;
  • Uống ít nhất 2 lít nước, càng nhiều càng tốt;
  • Ưu tiên các thực phẩm sạch, tránh đồ ăn dầu mỡ, béo ngọt, chiên xào.

Phương pháp phòng ngừa hội chứng kẹp hạt dẻ hiệu quả

Hội chứng kẹp hạt dẻ không thể đoán trước và không di truyền trong gia đình do đó không thể phòng ngừa được. Cần chú ý đến những triệu chứng bệnh và khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm.

Nguồn tham khảo
  1. What to know about nutcracker syndrome: https://www.medicalnewstoday.com/articles/nutcracker-syndrome
  2. Nutcracker Syndrome: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/23494-nutcracker-syndrome
  3. Nutcracker Syndrome: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK559189/
  4. Nutcracker Syndrome: https://www.umms.org/ummc/health-services/heart-vascular/services/vascular-disease/conditions/vascular-compressions/nutcracker-syndrome
  5. Nutcracker syndrome: A rare cause of chronic pelvic pain and left back pain: https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1930043321002995

Các bệnh liên quan

  1. Tiểu đêm

  2. Bí tiểu

  3. Đa niệu

  4. Hội chứng Liddle

  5. Nang niệu quản

  6. Hoại tử ống thận cấp (ATN)

  7. Trào ngược bàng quang niệu quản (VUR)

  8. Đái dầm

  9. Són tiểu

  10. Hội chứng thận hư