Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đái dầm: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đái dầm là tình trạng vô tình đi tiểu trong khi đang ngủ. Đây là một tình trạng phổ biến ở trẻ em. Tuy nhiên, đối với thanh thiếu niên và người lớn, đái dầm sẽ trở thành một mối lo ngại, phản ánh một vấn đề sức khỏe mà bạn cần tìm hiểu nguyên nhân. 

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Đái dầm là gì?

Tiểu không tự chủ (hay còn gọi là đái dầm) là tình trạng đi tiểu có thể do vô tình hoặc cố ý ở trẻ em đang ở độ tuổi phát triển khả năng tự kiểm soát vấn đề tiểu tiện của mình. Tình trạng này thường xảy ra ở bé trai hơn bé gái.

Tình trạng tiểu không tự chủ này có thể được chẩn đoán là một rối loạn bệnh lý ở những bé gái trên 5 tuổi và ở những bé trai trên 6 tuổi vẫn đang gặp vấn đề về kiểm soát việc bài tiết nước tiểu. Có nhiều loại đái dầm khác nhau có thể xảy ra, bao gồm:

  • Đái dầm ban ngày (khoảng thời gian hoạt động học tập, vui chơi).
  • Đái dầm về đêm (khoảng thời gian đi ngủ).
  • Đái dầm sơ cấp (xảy ra khi trẻ chưa hoàn toàn thành thạo việc tập đi vệ sinh).
  • Đái dầm thứ phát (xảy ra khi trẻ đã không còn tình trạng đái dầm nhưng sau đó xuất hiện trở lại).

Khoảng 1 trong 10 trẻ em ở Hoa Kỳ mắc chứng đái dầm về đêm. Nó xảy ra thường xuyên ở khoảng 30% trẻ em từ 7 tuổi trở xuống và khoảng 5% trẻ em 10 tuổi. Đối với thanh thiếu niên, ước tính có khoảng 1% đến 2% trẻ 15 tuổi ở Mỹ mắc chứng đái dầm về đêm. Khoảng 2% đến 3% người lớn trên 18 tuổi mắc chứng đái dầm về đêm nguyên phát.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của đái dầm

Tình trạng đái dầm có thể được xác định với các đặc điểm sau:

  • Thức dậy với bộ đồ ngủ hoặc ga trải giường ướt do đi tiểu là triệu chứng chính;
  • Trên cơ thể có mùi của nước tiểu;
  • Cảm thấy bối rối hoặc xấu hổ sau khi thức dậy;
  • Gặp các vấn đề trong giao tiếp xã hội (với người thân, bạn bè, giáo viên, đồng nghiệp,...).
Đái dầm: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 1
Đái dầm

Biến chứng của đái dầm

Đái dầm có thể là triệu chứng của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nếu nó xảy ra ở người đã có khả năng kiểm soát việc đi vệ sinh và thường xuyên bị đái dầm mà không kèm theo các bệnh lý căn nguyên nào trong ít nhất sáu tháng. Một số dấu hiệu cho thấy có thể có vấn đề y tế tiềm ẩn gây ra đái dầm bao gồm:

  • Thay đổi tần suất và số lượng bạn đi tiểu vào ban ngày;
  • Đau khi đi tiểu;
  • Dòng nước tiểu nhỏ, lắt nhắt;
  • Thay đổi màu sắc trong nước tiểu;
  • Thay đổi tâm lý của bạn.
  • Thiếu nhu động ruột trong ngày.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đái dầm là hiện tượng rất bình thường và phổ biến vào ban đêm ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, tình trạng đái dầm ban ngày thường không bình thường. Con bạn có thể đái dầm vào ban ngày nếu bé quá bận chơi và không muốn đi vệ sinh. Tuy nhiên, tình trạng này không phổ biến nên bạn cần phải luôn đánh giá tình trạng này.

Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia về tiết niệu nếu:

  • Con bạn vẫn đái dầm sau 7 tuổi.
  • Con bạn bắt đầu đái dầm trở lại sau vài tháng đã ngừng tình trạng này.
  • Ngoài việc đái dầm, con bạn còn bị đau khi đi tiểu, thường xuyên khát nước, nước tiểu có màu hồng hoặc đỏ, phân cứng khô hoặc ngáy khi ngủ.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây đái dầm có thể khác nhau tùy theo độ tuổi.

Nguyên nhân đái dầm ở trẻ em

Nguyên nhân phổ biến nhất gây đái dầm ở trẻ em là do thiếu kiểm soát bàng quang. Trẻ em thường học cách kiểm soát bàng quang trong độ tuổi từ 2 đến 4. Việc trẻ tè dầm trong độ tuổi từ 4 đến 6 là điều bình thường khi chúng lớn lên và thích nghi với cơ thể theo nhịp độ riêng của mình. Phần lớn trẻ em có thể kiểm soát được bàng quang khi lên 7 tuổi.

Trong một số trường hợp, đái dầm thường xuyên hoặc tái phát có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, như:

Đái dầm: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 2
Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nguyên nhân đái dầm ở người lớn

Người trên 18 tuổi có thể mắc chứng đái dầm về đêm. Nguyên nhân tiềm ẩn gây đái dầm ở người lớn có thể bao gồm:

  • Di truyền: Một số người bệnh có khuynh hướng di truyền chứng đái dầm. Có nghĩa là nếu cha mẹ ruột mắc chứng đái dầm về đêm thì con cái của họ có nhiều khả năng mắc bệnh tương tự.
  • Táo bón: Áp lực từ phân dư thừa bên trong trực tràng có thể cản trở các tín hiệu thần kinh mà bàng quang khi chứa đầy nước tiểu gửi đến não. Trực tràng đầy cũng có thể làm giảm lượng nước tiểu mà bàng quang có thể chứa hoặc ngăn không cho bàng quang đi tiểu hết hoàn toàn.
  • Nội tiết tố: Một loại hormone gọi là vasopressin hạn chế lượng nước tiểu mà cơ thể bạn sản xuất trong đêm. Vasopressin hoạt động bằng cách khiến nước trong nước tiểu được tái hấp thu vào máu, khiến cho lượng nước tiểu đi vào bàng quang của bạn ít hơn. Những người không sản xuất đủ vasopressin có thể dễ bị đái dầm hơn.
  • Dung tích bàng quang chức năng nhỏ: Những người có dung tích bàng quang chức năng nhỏ mặc dù bàng quang có kích thước bình thường, họ thường cảm thấy bàng quang đã đầy ngay cả khi bàng quang vẫn có thể chứa thêm nước tiểu. Họ có xu hướng đi tiểu thường xuyên hơn trong ngày và khó kiềm chế cơn buồn tiểu. Điều này cũng khiến họ có nhiều khả năng đái dầm vào ban đêm.
  • Gián đoạn tín hiệu não - bàng quang: Khi bàng quang chứa đầy nước tiểu, nó sẽ gửi tín hiệu đến não. Não sẽ gửi tín hiệu trở lại bàng quang để giãn các cơ tại bàng quang, giúp chứa thêm nước tiểu. Bàng quang đầy tiếp tục gửi tín hiệu đến não để bạn thức dậy. Đôi khi, một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn có thể làm gián đoạn các tín hiệu này, khiến bạn không thể thức dậy vào giữa đêm và xảy ra hiện tượng đái dầm.
  • Các vấn đề về tâm lý hoặc cảm xúc: Căng thẳng về cảm xúc do các sự kiện đau thương hoặc sự gián đoạn trong thói quen bình thường của bạn có thể gây ra chứng đái dầm. Ví dụ, việc chuyển đến nhà mới, đăng ký vào một trường học mới, mất người thân hoặc lạm dụng tình dục có thể gây ra tình trạng đái dầm. Những điều này có thể trở nên ít thường xuyên hơn theo thời gian và cải thiện sau khi có sự tư vấn và điều trị từ bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý.
  • Tình trạng bệnh lý: Một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn có thể là nguyên nhân gây đái dầm ở người lớn, ví dụ như bệnh hồng cầu hình liềm, những thay đổi về thần kinh và các bất thường ở thận hoặc bàng quang. Nếu chứng đái dầm tái diễn sau khi bạn đã hết hẳn tình trạng này trong 6 tháng trở lên thì có thể nguyên nhân là do tình trạng bệnh lý nào đó.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải đái dầm?

Một số đối tượng có khả năng cao mắc tình trạng đái dầm gồm:

  • Bé trai cao gấp 2 lần so với bé gái;
  • Tiền sử gia đình có ba mẹ hoặc anh chị em ruột mắc chứng đái dầm.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải đái dầm

Một số yếu tố có liên quan đến việc tăng nguy cơ đái dầm, bao gồm:

  • Căng thẳng và lo lắng: Các sự kiện căng thẳng có thể gây ra tình trạng đái dầm. Ví dụ như việc sống ở môi trường mới, đi học ở trường mới, gia đình có em bé mới, ngủ xa nhà,...
  • Mắc một số bệnh lý như đái tháo đường, táo bón, tâm lý - tâm thần, rối loạn nội tiết tố liên quan đến tiết niệu,...
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD): Đái dầm phổ biến hơn ở trẻ mắc hội chứng này.
Đái dầm: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 3
Trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm đái dầm

Tùy thuộc vào tình trạng của trẻ, bác sĩ có thể kiểm tra bất kỳ nguyên nhân cơ bản nào gây ra chứng đái dầm. Một kế hoạch điều trị có thể được thực hiện dựa trên:

  • Bài kiểm tra thể chất.
  • Thảo luận về các triệu chứng, lượng nước uống vào, lượng nước tiểu, tiền sử gia đình, thói quen đại tiện, các bệnh lý bẩm sinh có liên quan đến thận và bàng quang.
  • Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc đái tháo đường.
  • Chụp X-quang hoặc các xét nghiệm hình ảnh khác để xem cấu trúc của đường tiết niệu.
  • Các loại xét nghiệm hoặc đánh giá chức năng đường tiết niệu khác nếu cần.
Đái dầm: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 4
Xét nghiệm nước tiểu

Điều trị đái dầm

Việc điều trị chứng đái dầm về đêm khác nhau tùy theo nguyên nhân. Các lựa chọn điều trị có thể bao gồm:

  • Thay đổi hành vi trước hoặc trong khi đi ngủ như sử dụng đồng hồ báo thức.
  • Điều trị hoặc kiểm soát bất kỳ tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nào.
  • Dùng thuốc có thể làm giảm lượng nước tiểu vào ban đêm.
  • Nhờ sự tư vấn từ các chuyên gia sức khỏe tâm thần, nhà tâm lý học hoặc nhà trị liệu để kiểm soát căng thẳng, chấn thương tâm lý hoặc những thách thức về cảm xúc.

Thay đổi hành vi

Liệu pháp hành vi nhận thức là những điều có thể thực hiện đối với thói quen ban đêm mà không liên quan đến thuốc. Những kỹ thuật này có thể bao gồm:

  • Hạn chế uống nước trước khi đi ngủ;
  • Đi vệ sinh trước khi đi ngủ;
  • Thiết bị báo thức khi ướt: Đây là một thiết bị phát ra tiếng động lớn hoặc rung để đánh thức bạn hoặc con bạn khi phát hiện thấy ướt. Nó có một cảm biến kích hoạt báo thức để bạn có thể thức dậy và đi tiểu. Theo thời gian, con bạn sẽ học cách thức dậy khi cảm thấy bàng quang đầy và cuối cùng có thể ngủ qua đêm mà không cần phải đi tiểu. Kỹ thuật này có thể mất vài tháng để thành công.
  • Điều trị bàng quang: Phương pháp này tăng dần khả năng hoạt động của bàng quang bằng cách khiến bạn có thể nhịn tiểu được lâu hơn vào ban ngày. Việc tăng khoảng thời gian giữa các lần đi vệ sinh sẽ giúp bàng quang của bạn to ra để có thể chứa được nhiều nước tiểu hơn.
Đái dầm: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 5
Ưu tiên uống đủ nước vào ban ngày

Thuốc

Các loại thuốc sau đây có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với các kỹ thuật hành vi để điều trị chứng đái dầm:

  • Desmopressin: Đây là hormone vasopressin ngoại sinh, khiến thận sản xuất ít nước tiểu hơn. Nó có hiệu quả trong khoảng 50% số trường hợp, kết quả tốt hơn ở trẻ lớn hơn có dung tích bàng quang chức năng thấp. Thuốc có thể làm giảm nồng độ natri ở trẻ dùng thuốc, vì vậy bạn nên hạn chế lượng nước cho trẻ uống sau bữa tối.
  • Oxybutynin hoặc tolterodine: Thuốc này điều trị bàng quang tăng hoạt bằng cách giảm các cơn co thắt bàng quang. Bạn có thể dùng thuốc này với desmopressin hoặc phương pháp báo động đái dầm. Nó có thể có hiệu quả đối với những trẻ đái dầm nhiều lần mỗi đêm và những trẻ cũng bị đái dầm vào ban ngày.
  • Imipramine: Thuốc này ngăn ngừa đái dầm trong khoảng 40% trường hợp bằng cách tăng tín hiệu não đến bàng quang. Tuy nhiên, bạn cần hỏi rõ bác sĩ điều trị về tương tác thuốc hoặc tác dụng phụ liên quan đến loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến bạn.
  • Solifenacin: Một loại thuốc kháng cholinergic kiểm soát các xung thần kinh để ngăn ngừa bàng quang hoạt động quá mức. Thuốc này có ít tác dụng phụ hơn thuốc kháng cholinergic truyền thống.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đái dầm

Chế độ sinh hoạt:

Dưới đây là những thay đổi bạn có thể thực hiện tại nhà có thể giúp cải thiện tình trạng đái dầm:

  • Hướng dẫn con bạn đi tiểu từ 1 đến 2 lần trước khi đi ngủ.
  • Hướng dẫn con bạn đi tiểu thường xuyên trong ngày, không nhịn tiểu quá lâu.
  • Ngăn ngừa phát ban: Để ngăn ngừa phát ban do quần áo ướt, hãy giúp con bạn rửa sạch vùng mông và bộ phận sinh dục vào mỗi buổi sáng. Nếu có tình trạng nổi ban ngứa, bạn có thể sử dụng thuốc mỡ hoặc phấn rôm chống ẩm trước khi đi ngủ.

Chế độ dinh dưỡng:

Thói quen uống nước rất quan trọng trong việc cải thiện tình trạng đái dầm:

  • Hạn chế uống nước vào buổi tối: Bạn cần phải cung cấp đủ nước trong một ngày nhưng khuyến khích uống nước vào buổi sáng và đầu giờ chiều. Điều này có thể làm giảm cơn khát và giúp hạn chế uống nước vào buổi tối. Tuy nhiên, đừng hạn chế uống nước nếu con bạn tập luyện thể thao vào buổi tối.
  • Tránh đồ uống và thực phẩm có chứa caffeine: Caffeine không phải là một thức uống tốt cho trẻ em vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Vì caffeine có thể kích thích bàng quang nên đặc biệt nên tránh dùng vào buổi tối.
Đái dầm: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 6
Tránh dùng caffeine để hạn chế kích thích bàng quang

Phòng ngừa đái dầm

Mặc dù bạn không thể ngăn chặn tất cả các trường hợp đái dầm nhưng bạn có thể giảm thiểu nguy cơ bằng cách:

  • Không uống nhiều trong hai giờ trước khi đi ngủ và tránh đồ uống có chứa caffeine.
  • Đi tiểu trước khi đi ngủ.
  • Mặc quần thoáng mát và thấm nước vào ban đêm.
  • Đảm bảo phòng tắm hoặc nhà vệ sinh có thể dễ tiếp cận (có đèn, gần vị trí phòng ngủ).
  • Tránh xấu hổ hoặc chế nhạo một người nào đó trong gia đình nếu họ mắc chứng đái dầm về đêm.
Đái dầm: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 7
Tránh chế nhạo hoặc kì thị người mắc chứng đái dầm

Các câu hỏi thường gặp về đái dầm

Đái dầm kéo dài bao lâu?

Đái dầm là tình trạng phổ biến và thường không kéo dài mãi mãi. Trẻ em thường tự khỏi tình trạng này khi chúng học cách kiểm soát bàng quang, thường là sau 5 tuổi. Nếu một tình trạng bệnh tiềm ẩn gây ra đái dầm, việc điều trị tình trạng đó sẽ chấm dứt hoặc giảm bớt tình trạng đái dầm. Có thể mất thời gian để kiểm soát chứng đái dầm về đêm, nhưng đó là một tình trạng có thể điều trị được.

Đái dầm có thể di truyền không?

Một số người bệnh có khuynh hướng di truyền chứng đái dầm. Có nghĩa là nếu cha mẹ ruột mắc chứng đái dầm về đêm thì con cái của họ có nhiều khả năng mắc bệnh tương tự.

Đái dầm có phải là biểu hiện của một bệnh lý nào đó nghiêm trọng không?

Đái dầm nếu xảy ra ở tuổi thanh thiếu niên hoặc người lớn có thể là biểu hiện của một số bệnh lý nghiêm trọng như nhiễm trùng đường tiết niệu, táo bón, bệnh nứt đốt sống hoặc các vấn đề về thần kinh, đái tháo đường, tắc nghẽn đường tiết niệu hoặc hẹp niệu đạo, hội chứng ngưng thở khi ngủ, rối loạn tăng động, giảm chú ý - ADHD,...

Nguồn tham khảo
  1. Enuresis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560565/
  2. Bed-wetting: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bed-wetting/symptoms-causes/syc-20366685
  3. Bedwetting (Enuresis): https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/bedwetting-enuresis
  4. Bed-wetting: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15075-bedwetting
  5. Haid B, Tekgül S. Primary and Secondary Enuresis: Pathophysiology, Diagnosis, and Treatment. Eur Urol Focus. 2017 Apr;3(2-3):198-206. doi: 10.1016/j.euf.2017.08.010. 
Chủ đề:đái dầm

Các bệnh liên quan

  1. Parkinson thứ phát

  2. Nhồi máu cơ tim type 2

  3. Són tiểu

  4. Alzheimer

  5. Liệt trên nhân tiến triển

  6. Ngủ ngáy

  7. Tăng huyết áp

  8. Hội chứng Abercrombie

  9. Giãn dây chằng

  10. Lão thị