Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh cầu thận màng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 30/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh cầu thận màng (Membranous nephropathy - MN) là một trong những bệnh lý gây ra hội chứng thận hư. Biểu hiện của bệnh đặc trưng bởi protein niệu, lâm sàng thể hiện với phù ngoại biên và nước tiểu có bọt. Bệnh cầu thận màng có thể do nguyên nhân nguyên phát hoặc thứ phát, chẩn đoán bằng sinh thiết thận, và liệu pháp ức chế miễn dịch đóng vai trò chính trong điều trị bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh cầu thận màng là gì?

Bệnh cầu thận màng (Membranous nephropathy - MN) là một trong nhiều bệnh cầu thận gây nên hội chứng thận hư. Bệnh đặc trưng bởi lượng protein niệu lớn (>3,5g/ngày) với biểu hiện lâm sàng là tiểu có bọt và phù ngoại biên và các triệu chứng khác.

Bệnh cầu thận màng có thể phát triển đột ngột hoặc từ từ trở nên trầm trọng trong thời gian dài. Bệnh cầu thận màng có thể được phân loại thành nguyên phát hoặc thứ phát:

  • Bệnh cầu thận màng nguyên phát: Thường do nguyên nhân tự miễn dịch, gây ảnh hưởng trực tiếp lên thận, chiếm khoảng 75% - 80%.
  • Bệnh cầu thận màng thứ phát: Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến bệnh cầu thận màng thứ phát như nhiễm trùng hoặc do thuốc, chiếm khoảng 20% đến 25%.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cầu thận màng

Các triệu chứng chính của bệnh cầu thận màng là tình trạng tiểu protein (tiểu đạm), điều này dẫn đến việc cơ thể giữ nước và hàng loạt các triệu chứng khác như:

  • Protein niệu (đạm niệu với biểu hiện tiểu bọt);
  • Phù;
  • Tăng cholesterol;
  • Tăng cân;
  • Mệt mỏi;
  • Tăng huyết áp;
  • Khó thở (có thể do tràn dịch màng phổi).

Người bệnh mắc bệnh cầu thận màng cũng có thể bị tổn thương thận cấp (AKI) với biểu hiện lâm sàng là giảm lượng nước tiểu.

Bên cạnh đó, tình trạng tăng đông máu có thể xuất hiện, các triệu chứng phổ biến của huyết khối sẽ bao gồm:

  • Khó thở (thuyên tắc phổi);
  • Đau sườn kèm tiểu máu (huyết khối tĩnh mạch thận);
  • Đau bắp chân (huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới).
Bệnh cầu thận màng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Trong trường hợp có biến chứng huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, người bệnh có thể bị đau bắp chân

Trong trường hợp bệnh cầu thận màng thứ phát, các triệu chứng liên quan cũng có thể xuất hiện, ví dụ như phát ban và đau khớp trong lupus ban đỏ hệ thống.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh cầu thận màng

Các biến chứng của bệnh cầu thận màng có thể liên quan đến huyết khối như thuyên tắc phổi, huyết khối tĩnh mạch thận, huyết khối tĩnh mạch sâu hay huyết khối các hệ thống khác.

Bệnh cầu thận màng dẫn đến tăng lipid máu, tăng huyết áp, bệnh thận mạn, dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe tim mạch.

Sự tiến triển của bệnh cầu thận màng thành bệnh thận mạn tính cũng có các biến chứng liên quan như thiếu máu, rối loạn khoáng chất xương và thiếu vitamin D.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn gặp các triệu chứng như tiểu có bọt, phù tay chân không rõ nguyên nhân. Đây thường là một trong các dấu hiệu đầu tiên của bệnh cầu thận màng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Bệnh cầu thận màng

Bệnh cầu thận màng được chia thành nguyên phát hoặc thứ phát:

Bệnh cầu thận màng nguyên phát (75% đến 80%)

Bệnh cầu thận màng nguyên phát, hay còn gọi là vô căn (không rõ nguyên nhân), nhưng được cho là sự hiện diện của một trong các tự kháng thể sau đây và không có nguyên nhân thứ phát khác:

  • Kháng thể kháng kháng nguyên thụ thể phospholipase A2 (PLA2R), liên quan với HLA DQA1;
  • Kháng thể NELL-1;
  • Kháng thể THSD7A;
  • Kháng thể NEP và EXT1/EXT2.

Bệnh cầu thận màng thứ phát (20% đến 25%)

Các nguyên nhân thứ phát dẫn đến bệnh cầu thận màng bao gồm:

  • Nhiễm trùng: Viêm gan virus B, viêm gan virus C, giang mai, sốt rét, HIV, bệnh sán máng.
  • Khối u: Ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô tế bào vảy của phổi và đường tiêu hóa, ung thư huyết học.
  • Thuốc: Các thuốc như NSAIDs, penicillamine, thuốc ức chế hoại tử chống khối u alpha, probenecid.
  • Ngộ độc: Ngộ độc kim loại nặng như vàng, thủy ngân.
  • Bệnh lý miễn dịch: Các bệnh lý miễn dịch như lupus ban đỏ, hội chứng Sjogren, viêm khớp dạng thấp, bệnh cầu thận liên quan IgG4.
  • Khác: Các bệnh khác như đái tháo đường, ghép tế bào gốc, bệnh mảnh ghép chống ký chủ. 
Bệnh cầu thận màng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Bệnh cầu thận màng có thể xảy ra thứ phát sau khi mắc các bệnh nhiễm trùng

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh cầu thận màng?

Bệnh cầu thận màng (MN) là bệnh cầu thận phổ biến thứ hai ở người lớn sau xơ cứng cầu thận khu trú từng vùng (FSGS). Bệnh hiếm khi gặp ở trẻ em, thường xảy ra ở độ tuổi trên 40 và tỷ lệ mắc cao nhất ở độ tuổi từ 50 đến 60 tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh cầu thận màng

Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh cầu thận màng bao gồm:

  • Giới tính: Nam giới có tỷ lệ mắc cao hơn ở nữ.
  • Tuổi: Trẻ em hiếm khi gặp tình trạng bệnh cầu thận màng, bệnh thường phát triển ở độ tuổi trên 40.
  • Bệnh lý: Mắc các bệnh lý nhiễm trùng, bệnh tự miễn, hoặc sử dụng một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cầu thận màng.

Bên cạnh đó, có các yếu tố nguy cơ dẫn đến tiên lượng bệnh xấu hơn như:

  • Giới tính nam, người da trắng;
  • Tuổi già;
  • Tăng huyết áp;
  • Protein niệu lượng lớn (hơn 8g/ngày) trong 6 tháng;
  • Tăng creatinin hoặc tổn thương thận cấp tại thời điểm xuất hiện bệnh;
  • Xơ hóa ống thận kẽ lan rộng trên sinh thiết.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh cầu thận màng

Việc hỏi bệnh và thăm khám sẽ giúp bác sĩ định hướng chẩn đoán và theo dõi diễn tiến bệnh. Sau khi thực hiện hỏi và khám bệnh, bác sĩ sẽ đề nghị các xét nghiệm phù hợp, bao gồm:

Xét nghiệm máu

Các xét nghiệm máu có thể được thực hiện bao gồm:

  • Creatinin, ure máu và độ lọc cầu thận (eGFR) để đánh giá chức năng thận;
  • Các chất điện giải (Na, K, Cl) để đánh giá rối loạn điện giải;
  • Albumin huyết thanh và protein toàn phần để đánh giá tình trạng hạ albumin và protein máu;
  • Bilan lipid để đánh giá rối loạn mỡ máu;
  • Các xét nghiệm tương ứng với từng loại nhiễm trùng (ví dụ như viêm gan siêu vi B, HIV);
  • Tìm kháng thể kháng PLA2R trong máu.
Bệnh cầu thận màng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Xét nghiệm albumin và protein để đánh giá tình trạng hạ albumin và protein máu

Xét nghiệm nước tiểu

Tổng phân tích nước tiểu để đánh giá protein niệu, tiểu máu và soi cặn lắng nước tiểu. Xác định tỷ lệ protein trong nước tiểu hoặc albumin nước tiểu với creatinin sẽ được thực hiện. Xét nghiệm đạm niệu 24 giờ cũng có thể được thực hiện, tùy theo chỉ định của bác sĩ.

Hình ảnh học

Các xét nghiệm hình ảnh học có thể được thực hiện để đánh giá tình trạng thận, bao gồm:

  • Siêu âm thận đánh giá bệnh thận , bằng chứng tắc nghẽn và huyết khối tĩnh mạch thận;
  • Chụp doppler tĩnh mạch thận và chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp mạch cộng hưởng từ để loại trừ huyết khối tĩnh mạch thận;
  • Chụp CT ngực loại trừ tắc mạch phổi;
  • Doppler động tĩnh mạch chi dưới đánh giá huyết khối tĩnh mạch sâu.

Sinh thiết thận

Sinh thiết thận là xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định bệnh cầu thận màng. Bác sĩ sẽ cho chỉ định thực hiện và kiểm tra các tình trạng của bạn trước khi thực hiện bao gồm rối loạn đông máu.

Phương pháp điều trị Bệnh cầu thận màng

Điều trị chung của bệnh cầu thận màng bao gồm sử dụng các thuốc:

  • Lợi tiểu;
  • Statin;
  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEi) hoặc thuốc chẹn thụ thể (ARB);
  • Liệu pháp chống đông máu (NOAC hoặc thuốc kháng vitamin K);
  • Thuốc hạ áp.

Các biện pháp điều trị khác cũng có thể được áp dụng như:

  • Liệu pháp ức chế miễn dịch;
  • Điều trị nguyên nhân của bệnh cầu thận màng thứ phát;
  • Điều trị thay thế thận ở các trường hợp tổn thương thận thiểu niệu, vô niệu tiến triển;
  • Bổ sung vitamin D và canxi nếu có điều trị steroid;
  • Ghép thận ở những người bệnh thận mạn giai đoạn cuối.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Bệnh cầu thận màng

Chế độ sinh hoạt:

Bệnh cầu thận màng là một bệnh mạn tính có tiên lượng thay đổi. Bạn cần tuân thủ điều trị để có một kết quả tốt nhất. Đặc biệt nếu có điều trị với liệu pháp ức chế miễn dịch, bạn cần biết về các biến chứng và nguy cơ nhiễm trùng do hệ miễn dịch bị ức chế.

Nhận biết các triệu chứng, biến chứng để báo với bác sĩ của bạn kịp thời, tuân thủ điều trị và tái khám đúng hẹn là chìa khóa của việc kiểm soát và giúp hạn chế diễn tiến của bệnh cầu thận màng.

Chế độ dinh dưỡng:

Đối với chế độ dinh dưỡng cho người bệnh mắc bệnh cầu thận màng, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn giảm lượng muối ăn vào và duy trì lượng protein ở mức vừa phải. Hãy tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ để có thể kiểm soát tốt triệu chứng của bệnh cầu thận màng.

Bệnh cầu thận màng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Bạn cần giảm lượng muối ăn vào nếu mắc bệnh cầu thận màng

Phương pháp phòng ngừa bệnh cầu thận màng hiệu quả

Khoảng 80% bệnh cầu thận màng là quá trình tự miễn dịch (vô căn), do đó rất khó để có thể ngăn ngừa tình trạng này. Bạn có thể ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh cầu thận màng bằng cách điều trị và kiểm soát các bệnh lý có thể dẫn đến bệnh cầu thận màng như đã đề cập ở phần nguyên nhân.

Câu hỏi thường gặp về bệnh cầu thận màng

Có cách điều trị khỏi bệnh cầu thận màng không?

Không có cách điều trị khỏi hoàn toàn bệnh cầu thận màng, việc điều trị sẽ giúp kiểm soát triệu chứng và ngăn chặn bệnh tiến triển. Một số trường hợp bệnh sẽ thuyên giảm, như bệnh cầu thận màng thứ phát do thuốc khi giải quyết nguyên nhân (ngưng thuốc) có tiên lượng tốt về lâu dài.

Bệnh cầu thận màng có gây tử vong không?

Bệnh cầu thận màng có thể dẫn đến tử vong do các biến chứng của bệnh. Khoảng 13% người bệnh mắc bệnh cầu thận màng có thể dẫn đến suy chức năng thận, phải điều trị thay thế thận hoặc ghép thận.

Bị bệnh cầu thận màng có được ăn các thực phẩm đóng hộp không?

Không nên. Vì các thực phẩm đóng hộp thường có hàm lượng muối cao, mắc bệnh cầu thận màng bạn cần giảm lượng muối ăn vào.

Người bệnh cầu thận màng có được ăn dưa muối, cà muối không?

Tương tự như các thực phẩm đóng hộp, dưa muối, cà muối chứa hàm lượng muối (Natri) cao. Do đó, người bệnh mắc bệnh cầu thận màng không nên ăn các thực phẩm này.

Người bệnh cầu thận màng nên ăn nhiều thịt không?

Khi mắc bệnh cầu thận màng, bạn cũng cần hạn chế lượng protein nhập vào. Hãy giảm lượng đạm động vật và thay vào đó bằng đạm thực vật (ví dụ như đậu nành) để tốt cho thận của bạn. Đồng thời tham khảo ý kiến của bác sĩ về các thực phẩm nên sử dụng khi mắc bệnh cầu thận màng.

Nguồn tham khảo
  1. Membranous Nephropathy: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK559169/
  2. Membranous nephropathy: Treatment and prognosis: https://www.uptodate.com/contents/membranous-nephropathy-treatment-and-prognosis
  3. Membranous Nephropathy: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21154-membranous-nephropathy
  4. Membranous Nephropathy (MN): https://www.kidney.org/atoz/content/membranous-nephropathy-mn
  5. Membranous Glomerulonephritis: https://emedicine.medscape.com/article/239799-overview