Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Giun rồng là gì? Những vấn đề cần biết về Giun rồng

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Giun rồng là một ký sinh trùng gây bệnh truyền nhiễm trên người có tên khoa học là Dracunculus medinensis (thường được viết tắt là GWD). Người nhiễm Giun rồng hiếm khi gây tử vong, nhưng cũng nhiều gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người mắc trong một khoảng thời gian khá dài.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Giun rồng là gì?

Bệnh Giun rồng (Guinea worm disease - GWD) do loài giun ký sinh Dracunculus medinensis hay còn gọi là giun Guinea gây ra. Loại giun này là loại ký sinh trùng lớn nhất ảnh hưởng đến con người. Con cái trưởng thành có thể dài từ 600 đến 800 mm và đường kính 2 mm. 

Khi một người uống nước bị ô nhiễm từ ao hoặc giếng cạn, vỏ bọc của ấu trùng sẽ bị hòa tan bởi axit dạ dày của dạ dày và ấu trùng sẽ được giải phóng và di chuyển qua thành ruột. Sau khi con đực và con cái gặp nhau và giao phối khoảng 100 ngày thì con đực chết, trong khi con cái di chuyển lên cơ. Sau khoảng một năm bị nhiễm trùng, giun cái xuất hiện trên da (thường là từ bàn chân), giải phóng hàng nghìn ấu trùng và lặp lại vòng đời. 

Bệnh thường gặp ở những người dân nông thôn, tách biệt với xung quanh, thiếu thốn nguồn nước sinh hoạt, phải phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn nước tù đọng như ao, hồ, giếng dùng làm nước uống, sinh hoạt như khu vực Châu phi. Đây là một bệnh lý tương đối hiếm ở Việt Nam, tuy nhiên việc thêm về bệnh lý này góp phần nâng tinh thần cải thiện chất lượng cuộc sống và mở rộng vốn kiến thức về y tế trong cộng đồng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Giun rồng

Bệnh Giun rồng có xu hướng không có triệu chứng trong khoảng một năm. Các triệu chứng bắt đầu biểu hiện khi Giun rồng cái trưởng thành ra khỏi cơ thể qua vết phồng rộp. Trong thời gian này, người mắc bệnh có thể bị đau, sốt và sưng tấy. 

Trong hầu hết các trường hợp mắc bệnh, giun chui ra từ bàn chân hoặc cẳng chân của người bệnh, nhưng về mặc lý thuyết hiện tượng này có thể xảy ra trên bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Cụ thể như sau:

Tổn thương da: 

Giun xuất hiện trên da kèm theo phù nề, đau đớn, phồng rộp và loét ở vùng mà giun xuất hiện, thậm chí là ngứa toàn thân.

Mất khả năng vận động: 

Sự di cư và xuất hiện của giun đến các khoang khớp có thể dẫn đến mất khả năng vận động vĩnh viễn.

Nhiễm trùng vết thương da: 

Các vết loét do giun xuất hiện có thể nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn, làm trầm trọng thêm tình trạng viêm và đau.

Dị ứng: 

Sự vô tình làm đứt, vỡ giun trong các mô có thể dẫn đến phản ứng dị ứng nghiêm trọng.

Dịch tễ học của bệnh phần lớn liên quan đến việc sử dụng các nguồn nước tù đọng như ao hồ và đôi khi là giếng cạn hoặc giếng bậc thang,… trong đó các ao nuôi thường là nguồn lây truyền chính. 

Bệnh Giun rồng có tính chất theo mùa, tùy thuộc vào các yếu tố khí hậu. Ở vùng Sahelian, sự lây truyền thường xảy ra vào mùa mưa (tháng 5 đến tháng 8). Ở vùng thảo nguyên và rừng ẩm, đỉnh điểm xảy ra vào mùa khô (tháng 9 đến tháng 1).

GWD1.png
Tổn thương da hình giun hay gặp ở chân

Tác động của Giun rồng đối với sức khỏe

Nhiễm Giun rồng gây nhiều khó chịu cho người mắc. Đồng thời người mắc cũng trở thành nguồn lây lan bệnh cho những người xung quanh. 

Một điều đáng tiếc có thể kể đến là những người mắc bệnh Giun rồng không dễ dàng tiếp cận với y học hiện đại vì họ sống trong điều kiện nghèo khó. Có thể mất tới ba tháng để một cá nhân hồi phục sau đợt bùng phát của Giun rồng. Nếu điều này xảy ra trong mùa thu hoạch hoặc mùa trồng trọt, sẽ ảnh hưởng đến kinh tế gia đình của người bị nhiễm bệnh.

Biến chứng có thể gặp khi mắc Giun rồng

Bệnh Giun rồng hiếm khi gây tử vong cho người mắc, nhưng một số biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra như:

  • Áp xe: Áp xe có thể xảy ra khi giun di chuyển đến các vị trí mô khác như phổi, màng ngoài tim, tủy sống.
  • Nhiễm trùng huyết: Đôi khi nhiễm trùng huyết có thể xảy ra do nhiễm trùng toàn thân và viêm mô tế bào.
  • Dị ứng: Nếu giun bị đứt vỡ trước khi thoát ra khỏi da hoàn toàn có thể dẫn đến phản ứng viêm nghiêm trọng, đau, sưng và viêm mô tế bào.
  • Vôi hóa: Trong một số trường hợp, giun có thể chết trước khi chui ra khỏi da và có thể bị vôi hóa và  gây ra đau và sưng mạn tính.
  • Mất khả năng vận động: Khi giun đi qua các khớp có thể gây viêm, dính khớp.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kỳ dấu hiệu khó chịu nào kể trên, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất có thể.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Giun rồng

Mỗi năm một lần, con giun rồng cái trưởng thành chui ra ngoài qua da của người bị nhiễm bệnh (đây là lúc người bệnh biểu hiện triệu chứng ở da). 

Khi giun này thoát ra khỏi da và xâm nhập vào nguồn nước, giun cái thải ra nước nước những ấu trùng của chúng. Bọ chét nước được gọi là giáp xác ăn ấu trùng. Bên trong giáp xác, ấu trùng phát triển thành dạng truyền nhiễm trong khoảng hai tuần và lây nhiễm sang vật chủ mới là con người khi họ uống nước bị ô nhiễm và vô tình uống phải những loài giáp xác chứa ấu trùng Dracunculus medinensis truyền nhiễm. 

Bên trong cơ thể con người, axit dạ dày có thể tiêu hóa giáp xác nhưng giun ký sinh vẫn sống sót. Ấu trùng giun rồng di chuyển đến ruột non và xuyên qua thành ruột vào khoang cơ thể. Phải mất khoảng một năm để chúng phát triển đầy đủ. Giun cái trưởng thành có thể dài tới 2m với đường kính 4mm. Sau đó giun cái di chuyển đến da rồi thoát ra khỏi cơ thể để bắt đầu lại chu kỳ mới.

GWD2.jpg
Giun rồng cái trưởng thành chui ra ngoài qua da gây triệu chứng của bệnh

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Giun rồng?

Bất cứ ai uống nước từ ao hồ, giếng khoan,... bị nhiễm ấu trùng Giun rồng đều có nguy cơ bị nhiễm trùng. 

Những người sống ở các quốc gia đang xảy ra GWD và tiêu thụ toàn bộ (chẳng hạn như cá nguyên con nhỏ chưa bỏ ruột, ruột cá và ếch), một phần động vật thủy sản sống hoặc nấu chưa chín kỹ cũng có thể có nguy cơ mắc GWD. 

Những người sống ở những ngôi làng từng xảy ra trường hợp GWD ở người hoặc động vật trong thời gian gần đây có nguy cơ cao mắc bệnh này.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Giun rồng

Số ca bệnh bị nhiễm Giun rồng chủ yếu ở lứa tuổi từ 15 - 45 tuổi và làm nghề nông. Vì vậy những người thường lao động chăn nuôi gia súc, thủy hải sản, canh tác trồng trọt có nguy cơ bị mắc bệnh cao, do họ thường xuyên tiếp xúc với nguồn nước có ấu trùng giun rồng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Giun rồng

Chẩn đoán GWD chủ yếu dựa vào lâm sàng và bao gồm việc quan sát con giun nổi lên từ vết phồng rộp dạng đường thường xuất hiện ở chân. Yếu tố dịch tễ học có một vai trò quan trọng, vì thực tế là các vết rộp không thể phân biệt được với các tổn thương da thông thường khác, chẳng hạn như nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc các tình trạng liên quan đến bàn chân do tiểu đường. 

Việc chẩn đoán chỉ chính xác khi con giun cái xuất hiện. Mặc dù chẩn đoán đơn giản, GWD có thể bị chẩn đoán nhầm do các triệu chứng ban đầu không đặc hiệu (đặc biệt là bệnh giun chỉ onchocerciasis).

Công thức máu: 

Liên quan đến giá trị chẩn đoán của xét nghiệm, trong công thức máu số lượng bạch cầu ái toan thường tăng lên.

X quang:

Xquang cũng có thể phát hiện ra vôi hóa do bệnh Giun rồng gây ra khi xquang được chỉ định trong các bệnh lý khác (có một vài báo cáo ca lâm sàng về vị trí vôi hóa được mô tả trong quá trình sàng lọc tuyến vú). 

Dấu hiệu X quang điển hình của GWD là dấu hiệu vôi hóa. Thông thường, chụp X quang cho thấy một tổn thương vôi hóa dài, giống như sợi dây, ngoằn ngoèo trong các mô mềm. Sự vôi hóa xảy ra khi con cái mang thai và chết bên trong mô mềm. 

Xquang không có giá trị tầm soát bệnh. Tuy nhiên, chụp X quang và thấy vôi có thể gợi ý mối liên quan giữa các triệu chứng toàn thân và nhiễm giun Guinea trước đó như đau mạn tính khớp mà không rõ nguyên nhân. 

Điều quan trọng cần lưu ý là GWD không phải là bệnh giun sán duy nhất có dấu hiệu vôi trên X quang.

Phương pháp điều trị Giun rồng hiệu quả

Không có thuốc điều trị bệnh Giun rồng và cũng không có vắc xin để ngăn ngừa nhiễm chúng. Khi mắc bệnh Giun rồng bạn sẽ được điều trị như sau:

Chăm sóc vết thương

Chăm sóc vết thương sạch sẽ khô thoáng là quan trọng. Một số thuốc có thể giúp cải thiện các triệu chứng ở người mắc bệnh. Các chất chống viêm (như ibuprofen) có thể giúp giảm đau và sưng. Thuốc Diphenhydramine có thể điều trị ngứa. 

Thuốc kháng sinh bôi tại chỗ là một lựa chọn tối để ngăn ngừa nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn tại nơi giun xuất hiện gây ra. Thuốc kháng sinh toàn thân có thể được chỉ định nếu bệnh nhân có viêm mô tế bào, nhiễm trùng huyết hoặc áp xe,... 

Tất cả các thuốc và chăm sóc vết thương được thực hiện xuyên suốt trong quá trình lấy giun.

Lấy giun

Các bước lấy giun bao gồm: Cho vùng cơ thể bị nhiễm giun tiếp xúc với nước để tạo điều kiện cho giun di chuyển đến da. 

Cần phải kéo giun ra ngoài từ từ bằng cách dùng lực kéo nhẹ nhàng và đảm bảo không làm đứt (thân giun nhỏ hơn 2mm là yếu tố nguy cơ làm vỡ thân giun).

 Con giun được quấn quanh một cây gậy giống như que diêm hoặc một miếng gạc để tạo lực căng và ngăn nó quay trở lại bên trong da đến khi lấy hết con giun ra ngoài.

GWD3.jpg
Quá trình lấy giun cần thực hiện cẩn thận trong thời gian dài

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến Giun rồng

Chế độ sinh hoạt:

Bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc cho bệnh nhân. Tuy nhiên, việc phòng ngừa bệnh mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Để bệnh lý không diễn tiến nặng thêm bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Chăm sóc vết thương: Thường xuyên làm sạch và băng bó các vùng da bị ảnh hưởng cho đến khi loại bỏ hoàn toàn giun ra khỏi cơ thể.
  • Dùng thuốc hỗ trợ: Dùng thuốc kháng viêm giảm đau, kháng sinh để tránh nhiễm trùng thứ phát.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn chín uống sôi: Thức ăn nên được nấu chín hoàn toàn đặc biệt là thủy hải sản. Nên làm sạch ruột cá, ếch, tôm,... trước khi chế biến. 
  • Các loại rau ăn sống được trồng dưới nước nên trụng qua nước sôi trước khi ăn hoặc rửa dưới vòi nước sạch và mạnh.
  • Chỉ sử dụng nguồn nước sạch, đun sôi nước uống, nếu không thể sử dụng được nguồn nước sạch, cần có biện pháp xử lý nguồn nước như: Sử dụng thiết bị lọc nước, thuốc diệt côn trùng trong nguồn nước để diệt bọ chét nước.

Phương pháp phòng ngừa Giun rồng hiệu quả

Các chiến lược phòng ngừa bao gồm:

  • Xử lý nguồn nước: Phòng ngừa bệnh Giun rồng đòi hỏi phải vệ sinh nguồn nước uống. Ngay cả với một bộ lọc vải đơn giản để loại bỏ bọ chét hoặc xử lý nước bằng thuốc diệt ấu trùng cũng có thể giúp ích đáng kể cho việc giảm nguy cơ mắc bệnh. 
  • Cung cấp nguồn nước sạch: Đảm bảo khả năng tiếp cận với nguồn cung cấp nước uống sạch để giảm lây truyền bệnh.
  • Giáo dục cộng đồng: Tăng cường giáo dục sức khỏe cộng đồng và thay đổi hành vi sử dụng nước ở những vùng sâu, vùng xa.
GWD4.jpg
Sử dụng nguồn nước sạch giúp hạn chế các bệnh ký sinh trùng
Nguồn tham khảo
  1. Guinea Worm Disease Frequently Asked Questions (FAQs): https://www.cdc.gov/parasites/guineaworm/gen_info/faqs.html
  2. Dracunculiasis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK538231
  3. guinea worm disease: https://encyclopedia.pub/entry/36400
  4. Dracunculiasis (guinea-worm disease): https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/dracunculiasis-(guinea-worm-disease)
  5. Guinea worm disease | Definition, Infection, Treatment, & ...: https://www.britannica.com/science/guinea-worm-disease

Các bệnh liên quan

  1. Trúng gió

  2. Viêm khớp chậu

  3. Ung thư vú giai đoạn 4

  4. Ung thư nướu răng

  5. Sán dây bò

  6. Ung thư vú giai đoạn đầu

  7. Ung thư tụy

  8. Hoại tử ống thận cấp (ATN)

  9. Hôi nách

  10. Suy dinh dưỡng bào thai