Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh Dirofilariasis là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh Dirofilariasis ở người

Ngày 28/02/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh giun chỉ Dirofilaria là một bệnh nhiễm ký sinh trùng do giun chỉ thuộc chi Dirofilaria gây ra. Những con giun này thường liên quan đến vật chủ là động vật ăn thịt và một số loài có thể lây nhiễm sang người như chó mèo. Giun chỉ Dirofilaria thường gây bệnh ở phổi và da với 2 thể là bệnh giun chỉ phổi (Pulmonary Dirofilariasis) và bệnh giun chỉ dưới da (Subcutaneous Dirofilariasis).

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh Dirofilariasis là gì?

Bệnh Dirofilariasis là một nhóm bệnh gây ra do nhiễm ký sinh trùng Dirofilaria gây ra. Dirofilaria là loài giun tròn ký sinh dài và mỏng, ký sinh ở nhiều loại động vật có vú. Bệnh lây truyền qua vết muỗi đốt và người là ký chủ tình cờ. 

Có nhiều loài Dirofilaria, nhưng loài ký sinh ở người phổ biến nhất do ba loài là D.immitis, D.repens và D.tenuis. Vật chủ tự nhiên chính của ba loài này là chó và các loài động vật hoang dã như cáo, chó sói (D. immitis và D. repens) và gấu mèo (D. tenuis). Loài D.immitis còn được gọi là “giun tim” ở chó do thường ký sinh trong tim chó. Giun trưởng thành có thể gây tắc nghẽn động mạch phổi, dẫn đến các triệu chứng hư ho, mệt khi tập thể dục, ngất xỉu, ho ra máu và sụt cân nghiêm trọng.

Triệu chứng

Những triệu chứng của Bệnh Dirofilariasis

Giống như chó, con người bị nhiễm Dirofilaria qua vết muỗi đốt. Ở những người bị nhiễm D. immitis, giun chết trong các nhánh động mạch phổi có thể tạo ra u hạt (các nốt nhỏ hình thành do phản ứng viêm) - một tình trạng gọi là “bệnh giun chỉ phổi”. Các u hạt xuất hiện dưới dạng tổn thương hình đồng xu trên phim chụp X-quang ngực. 

Hầu hết những người mắc bệnh giun chỉ phổi không có triệu chứng. Những người có triệu chứng có thể bị ho, ho ra máu, đau ngực, sốt và tràn dịch màng phổi,... Tổn thương hình đồng xu trên X-quang ngực không đặc hiệu về mặt chẩn đoán đối với bệnh Dirofilariasis phổi. Do đó, việc phát hiện ra những tổn thương này đã dẫn đến các biện pháp chẩn đoán xâm lấn để loại trừ các nguyên nhân khác nghiêm trọng hơn như ung thư. 

Hiếm khi, giun D. immitis được tìm thấy bên ngoài phổi bao gồm cả trong não, mắt và tinh hoàn. Khi nhiễm trùng D. repens và D. tenuis được báo cáo ở người, chúng là nguyên nhân gây ra các nốt dưới da, đôi khi chúng cũng được tìm thấy trong kết mạc.

Nhiễm số lượng nhiều giun Dirofilaria làm động mạch phổi và tim ký chủ phì đại tăng kích thước lên, nội mô bị dày lên do kích thước giun rất dài. Khi nhiễm nhiều giun, chất chuyển hóa của giun sẽ sinh ra độc tố và chất gây dị ứng. Hậu quả của hiện tượng này là gây phù, tràn dịch màng phổi, màng bụng, sung huyết nội tạng. Ho nhiều cũng có thể là một triệu chứng cảnh báo sớm bệnh lý này. 

Ngược lại, khi nhiễm số lượng ít giun thì thường không thấy triệu chứng. Tuy nhiên, đôi khi những giun già hoặc yếu do thuốc điều trị giun cũng có thể dính chặt vào van ba lá dễ làm cho ký chủ chết vì bệnh lý trụy tim cấp tính. Thậm chí, giun cũng có thể đi lạc chỗ lên não, phá hủy nhu mô não hoặc vào mắt cư trú ở tiền phòng. Đa số vật chủ không có triệu chứng gì, nhưng đôi khi một số trường hợp lại có biểu hiện bệnh nặng như đau tức ngực, ho, khó thở, sốt và khạc đàm có máu. 

Ngoài ra bướu giun có thể phát triển ở mô dưới da hay ở xoang bụng rất dễ nhầm lẫn với bệnh khác như u mỡ lành tính.

Bệnh Dirofilariasis là gì? Những vấn đề cần biết về Bệnh Dirofilariasis ở người1.jpg
Giun chỉ Dirofilaria ký sinh ở người có thể gây nhiều triệu chứng ở phổi, da và tim

Tác động của Bệnh Dirofilariasis với sức khỏe

Nhiễm giun Dirofilariasis có thể ảnh hưởng da, phổi, tim khiến người mắc khó chịu, ảnh hưởng sức khỏe khả năng làm việc, thậm chí ảnh hưởng tính mạng nếu giun chỉ ký sinh ở tim, não, phổi,... gây những biến chứng nghiêm trọng.

Biến chứng có thể gặp Bệnh Dirofilariasis

Biến chứng của bệnh Dirofilariasis tùy theo vị trí ký sinh trùng định cư:

  • Nếu ở phổi: Tràn dịch màng phổi, thuyên tắc động mạch phổi,...
  • Nếu ở mắt: Mù mắt, giảm thị lực,...
  • Nếu ở tim: Đau tim, trụy tim,...
  • Nếu ở não: Đột quỵ, phù não, yếu liệt mất cảm giác,...

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bất cứ khi nào có các triệu chứng kể trên, đặc biệt đối với người dân sinh sống trong khu vực dịch tễ của bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây Bệnh Dirofilariasis

Nguyên nhân gây bệnh Dirofilariasis là do nhiễm giun Dirofilaria. Ấu trùng xâm nhập vào cơ thể qua vết muỗi đốt thường không sống sót khi đi qua mô dưới da và khi chúng sống sót, giun trưởng thành vẫn chưa trưởng thành về mặt giới tính. Do đó ở người, nhiễm Dirofilaria không tạo ra ấu trùng truyền bệnh và con người không có khả năng truyền bệnh sang vật chủ khác.

Bệnh Dirofilariasis là gì? Những vấn đề cần biết về Bệnh Dirofilariasis ở người2.jpg
Người chỉ là ký chủ ngẫu nhiên của giun chỉ Dirofilaria

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Bệnh Dirofilariasis?

Tất cả những người sinh sống trong vùng dịch tễ hoặc vùng phân bố của Dirofilariasis hoặc vùng sinh sống của véc tơ truyền bệnh Dirofilariasis đều có nguy cơ mắc bệnh.

Véc tơ truyền bệnh Dirofilariasis là muỗi, có hơn 60 loài muỗi có thể truyền bệnh. Một số loại muỗi có khả năng truyền nhiễm Dirofilariasis như Culex, Mansonia, Aedes, Anopheles… Các loài giun Dirofilaria có trung gian truyền bệnh như sau:

  • D.immitis: Các loài muỗi thuộc giống Aedes(Ae.albopictus, Ae.aegypti, Ae.togoi). Ngoài ra, còn có do bọ chét, chấy, rận, ve,...
  • D.repens: Thường do muỗi Culex pipiens truyền nhiễm.
  • D.tenuis: Muỗi Ae.taeniorhynchus và An.quadrimaculatus truyền bệnh.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Bệnh Dirofilariasis

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh Dirofilariasis có thể kể đến chẳng hạn như:

  • Nhà có nuôi chó mèo;
  • Chó mèo không được tiêm chủng, xét nghiệm ký sinh trùng;
  • Khu vực sinh sống có nhiều muỗi;
  • Con người chủ quan không phòng tránh muỗi đốt;
  • Môi trường mất vệ sinh, ao tù nước đọng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Bệnh Dirofilariasis

Ở người bệnh thường phát hiện ngẫu nhiên do tình cờ chụp X-quang. Chẩn đoán xác định nhờ kiểm tra giải phẫu bệnh từ mô các tổn thương đồng xu trên chụp X-quang ngực hoặc mô trong các nốt dưới làn da. Có thể chẩn đoán bệnh bằng phương pháp miễn dịch ELISA nhưng độ nhạy và độ đặc hiệu không cao. 

Để chẩn đoán genotype giữa các loài Dirofilaria khác nhau, người ta dùng phương pháp sinh học phân tử với chất chỉ thị di truyền đặc hiệu cho giun Dirofilaria là gen ITS1 (internal transcribed spacer 1), ITS2 (internal transcribed spacer 2) và gen ty thể cox1 (cytochrome oxidase subunit 1) có độ chính xác cao.

Bệnh Dirofilariasis là gì? Những vấn đề cần biết về Bệnh Dirofilariasis ở người3.1.png
Có nhiều phương pháp chẩn đoán giun chỉ Dirofilariasis

Tóm lại, bệnh Dirofilariasis có thể được chẩn đoán dựa trên kết quả sinh hóa, hình ảnh và thăm dò chức năng như sau:

Công thức máu toàn phần: Bạch cầu ái toan có thể được phát hiện trong tối đa 20% trường hợp bệnh

Tế bào học đờm: Sự hiện diện của bạch cầu ái toan có thể hỗ trợ chẩn đoán ở những bệnh nhân có tổn thương đồng xu quan sát thấy trên X-quang.

ELISA: Nghiên cứu huyết thanh học có thể mang lại kết quả tích cực ở 75% bệnh nhân bị bệnh Dirofilariasis.

Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR): Đã thành công trong chẩn đoán nhiễm trùng D. immitis và D. repens.

Nghiên cứu hình ảnh: Bao gồm chụp X-quang ngực, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) và siêu âm.

Phương pháp điều trị Bệnh Dirofilariasis

Nội khoa

Trong nhiều trường hợp, không cần điều trị bằng thuốc. Trong một vài trường hợp khác, thuốc chống giun chỉ không được dùng trước khi phẫu thuật cắt bỏ các tổn thương. Tuy nhiên, một nhóm các tác giả đã khuyến cáo một liều ivermectin duy nhất sau đó là 3 liều diethylcarbamazine (DEC) trước khi phẫu thuật.

Ngoài ra, điều trị kết hợp Ivermectin và Doxycycline nhằm diệt ấu trùng giun chỉ và giun trưởng thành Dirofilaria immitis ở chó bị nhiễm bệnh cũng được thực nghiệm. Kết quả cho thấy rằng sự kết hợp Ivermectin và Doxycycline (IVM/DOXY) có hoạt tính diệt giun chỉ vi mô và vĩ mô đáng kể chống lại D. immitis và không thấy tác dụng phụ nào. Bệnh giun chỉ trong máu cũng giảm đáng kể (P < 0,05) ở chó được điều trị bằng IVM hoặc DOXY đơn thuần sau 12 tuần.

Bệnh Dirofilariasis là gì? Những vấn đề cần biết về Bệnh Dirofilariasis ở người4.jpg
Xổ giun định kỳ giúp ngăn ngừa bệnh Dirofilariasis

Ngoại khoa

Phẫu thuật cắt bỏ tổn thương là phương pháp điều trị dứt điểm bệnh giun Dirofilaria dưới da. 

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến Bệnh Dirofilariasis

Bạn có thể hạn chế diễn tiến bệnh bằng cách khám sức khỏe định kỳ, xổ giun định kỳ, đến khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường, tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ,...

Phương pháp phòng ngừa Bệnh Dirofilariasis hiệu quả

Bệnh giun chỉ dưới da ở người là một bệnh nhiễm ký sinh trùng ngày càng được báo cáo nhiều hơn, đặc biệt là ở vùng nhiệt đới. Cần phải chẩn đoán kịp thời vì việc không chẩn đoán trễ có thể dẫn đến các thủ tục và thăm dò xâm lấn không cần thiết.

Bệnh giun chỉ Dirofilaria có thể được ngăn ngừa bằng cách tránh muỗi đốt, đặc biệt ở những khu vực mà muỗi có thể bị nhiễm ấu trùng Dirofilaria. Có thể giảm nguy cơ bị muỗi đốt bằng cách sử dụng thuốc chống côn trùng đốt, ngủ dưới màn tẩm thuốc diệt côn trùng.

Các câu hỏi thường gặp về Bệnh Dirofilariasis

Bệnh này có phổ biến không?

Bệnh giun chỉ Dirofilaria được tìm thấy trên khắp thế giới. Tại Hoa Kỳ, bệnh giun chỉ ở chó đã được báo cáo ở tất cả các bang và bệnh D. tenuis ở gấu trúc thường gặp ở nhiều khu vực có gấu mèo. D. immitis là loài Dirofilaria được báo cáo phổ biến nhất là gây bệnh giun chỉ ở người tại Hoa Kỳ. D. repens là loài Dirofilaria được báo cáo phổ biến nhất là gây bệnh giun chỉ ở người ở châu Âu.

Uống thuốc xổ giun ở người thế nào?

Xổ giun tùy thuộc độ tuổi và vùng dịch tễ. Nhìn chung có thể tẩy xổ giun 2 năm/lần hoặc 1 năm/lần. Nhưng không cần tẩy giun <6 tháng vì không mang lại hiệu quả.

Uống thuốc xổ giun ở chó thế nào?

Chó mèo rất hay nhiễm giun sán vì thế cần xổ giun định kỳ cho chó mèo. Lịch tẩy giun cho chó mèo tùy thuộc vào độ tuổi cũng như tình trạng mang thai. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ thú y trước khi thực hiện để đảm bảo an toàn cho thú cưng của bạn.

Nguồn tham khảo
  1. CDC - Dirofliariasis - Frequently Asked Questions (FAQs): https://www.cdc.gov/parasites/dirofilariasis/faqs.html
  2. DPDx - Dirofilariasis: https://www.cdc.gov/dpdx/dirofilariasis/index.html
  3. Dirofilariasis - Infectious Diseases: https://www.msdmanuals.com/professional/infectious-diseases/nematodes-roundworms/dirofilariasis
  4. Dirofilariasis - Medscape Reference: https://emedicine.medscape.com/article/236698-overview
  5. Human Subcutaneous Dirofilariasis - PMC: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC10079807/

Các bệnh liên quan

  1. Giun rồng

  2. Cúm

  3. Liệt dây thần kinh số 7

  4. Ebola

  5. Đau mắt đỏ

  6. Cúm A H3N2

  7. Bệnh do nhiễm leishmania

  8. Sốt xuất huyết Dengue

  9. Đậu mùa khỉ

  10. Bệnh tay, chân, miệng