Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Khô khớp: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Khô khớp là một tình trạng bất thường tại khớp khá phổ biến, thường gặp ở nhiều độ tuổi, đặc biệt là người cao tuổi và những người thường xuyên vận động các khớp. Đây là một tình trạng bệnh lý khiến khớp bị suy giảm chức năng, gây ra đau nhức các khớp khi vận động và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Thành phần của dịch khớp

Thành phần chính của dịch khớp là Hyaluronic Acid (HA). Hyaluronic Acid là một chất nhờn tự nhiên có trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự bôi trơn và giảm ma sát giữa các đầu xương ở khớp, giúp khớp hoạt động trơn tru​​. Ngoài Hyaluronic Acid, dịch khớp còn chứa một số thành phần quan trọng khác, bao gồm:

  • Protein: Các loại protein, bao gồm cả albumin và globulin, có trong dịch khớp giúp duy trì độ nhớt và cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho các mô khớp.
  • Chất điện giải: Dịch khớp chứa nước và các chất điện giải như natri và kali, giúp duy trì sự cân bằng ion bên trong dịch khớp.
  • Glucose: Glucose có mặt trong dịch khớp với nồng độ tương đương hoặc hơi thấp hơn so với máu, cung cấp năng lượng cho các tế bào ở khớp.
  • Chất béo và acid béo: Mặc dù chỉ có một lượng nhỏ, chất béo và acid béo trong dịch khớp giúp làm giảm ma sát và bảo vệ các bề mặt khớp.
  • Leukocytes (tế bào bạch cầu): Có mặt ở số lượng rất nhỏ, chúng đóng vai trò trong việc phản ứng miễn dịch và chống viêm nhiễm tại khớp.
  • Chất chống viêm tự nhiên: Dịch khớp cũng chứa các chất chống viêm tự nhiên giúp giảm viêm và đau ở khớp.

Các thành phần này kết hợp với nhau để tạo ra một môi trường lý tưởng cho hoạt động của khớp, giảm ma sát, cung cấp dinh dưỡng, và bảo vệ khớp khỏi tổn thương.

Khô khớp là gì?

Khô khớp không chỉ là tình trạng giảm sản xuất dịch khớp, mà còn bao gồm sự suy giảm chất lượng của dịch này, khiến khớp không còn được bảo vệ và bôi trơn hiệu quả. Khi các bề mặt xương trong khớp ma sát với nhau mà không có đủ dịch bôi trơn, khớp trở nên cứng và đau, gây khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của khô khớp

Những triệu chứng điển hình của khô khớp bạn cần lưu ý bao gồm:

  • Đau nhức ở khớp, thường tăng lên khi vận động và giảm nhẹ khi nghỉ ngơi.
  • Cảm giác cứng khớp, đặc biệt nổi bật vào buổi sáng hoặc sau thời gian nghỉ ngơi dài.
  • Tiếng kêu từ khớp khi cử động, có thể là tiếng lạo xạo hoặc lục cục.
  • Sưng và nóng ở khu vực xung quanh khớp.
  • Hạn chế độ linh hoạt và phạm vi hoạt động của khớp.
Khô khớp: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 2
Khô khớp có thể gây đau nhức khớp

Biến chứng của khô khớp

Khô khớp không phải là một tình trạng cấp tính nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không được cải thiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng như:

  • Teo cơ và mất đối trọng các cơ, do hạn chế hoạt động.
  • Biến dạng khớp, ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của khớp.
  • Cứng khớp hoàn toàn, dẫn đến hạn chế trong việc vận động và di chuyển.
  • Đau mạn tính, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tâm lý người bệnh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nên thăm bác sĩ nếu tình trạng khô khớp của bạn diễn tiến như sau:

  • Triệu chứng kéo dài và không thuyên giảm sau một tuần điều trị ngoại trú.
  • Đau nhức đến mức gây cản trở các hoạt động hàng ngày hoặc ảnh hưởng đến giấc ngủ.
  • Có dấu hiệu sưng, đỏ hoặc nóng rõ rệt ở khu vực khớp.
  • Bạn lo lắng nhiều về khả năng hoạt động của khớp và khả năng tàn tật.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến khô khớp

Các nguyên nhân phổ biến dẫn đến khô khớp bao gồm:

  • Tuổi tác và thoái hóa khớp: Quá trình lão hóa tự nhiên có thể khiến bao khớp không sản xuất đủ dịch khớp, từ đó gây khô khớp​​.
  • Thừa cân, béo phì: Thừa cân, béo phì khiến cho trọng lượng cơ thể càng tăng cao, các khớp càng phải chịu nhiều áp lực, dễ tổn thương và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý xương khớp​​.
  • Mất cân bằng dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng mất cân bằng, thiếu hụt protein, vitamin và khoáng chất, có thể làm giảm sản xuất dịch khớp, khiến xương khớp có nguy cơ tổn thương cao​​.
  • Thói quen sinh hoạt không lành mạnh: Lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, hút thuốc lá, lối sống lười vận động, hoặc lạm dụng khớp quá mức, thường xuyên vận động sai tư thế cũng là nguyên nhân gây khô khớp​​.

Những nguyên nhân này tác động trực tiếp đến khả năng sản xuất và duy trì chất lượng của dịch khớp, từ đó dẫn đến tình trạng khô khớp.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải khô khớp

Những đối tượng có nguy cơ cao bị khô khớp bao gồm:

  • Người cao tuổi: Do quá trình lão hóa tự nhiên, bao khớp ở người cao tuổi có thể không sản xuất đủ dịch khớp, dẫn đến khô dịch khớp​​.
  • Người trẻ có các thói quen sinh hoạt không lành mạnh: Tình trạng khô khớp cũng có thể xuất hiện ở người trẻ do ảnh hưởng của tính chất công việc, các chấn thương khớp, hoặc thói quen sinh hoạt không tốt như lạm dụng chất kích thích, sử dụng quá mức các khớp hoặc lối sống ít vận động.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải khô khớp

  • Chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất;
  • Sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá;
  • Làm việc quá sức, thường xuyên khiên vác vật nặng;
  • Lối sống thụ động, ít luyện tập thể dục thể thao.
Khô khớp: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 4
Làm việc quá sức có thể làm tăng nguy cơ bị khô khớp

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán khô khớp

Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra khả năng vận động và phạm vi mở rộng của khớp. Người bệnh cần cung cấp thông tin về tiền sử bệnh, các khớp bị ảnh hưởng, và mức độ đau của các khớp để bác sĩ đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Một số cận lâm sàng được bác sĩ chỉ định giúp hỗ trợ chẩn đoán khô khớp gồm:

  • Xét nghiệm máu: Được thực hiện để chẩn đoán nguyên nhân gây khô khớp và loại trừ các bệnh lý viêm khớp khác như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp gout (gút) và viêm xương khớp vô căn. Xét nghiệm này giúp kiểm tra có mặt vi khuẩn trong khớp, tốc độ lắng máu, protein phản ứng C, acid uric để xác định tình trạng viêm khớp​​.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Bao gồm chụp X-quang, chụp CT scan hoặc chụp MRI khớp. Các phương pháp này giúp kiểm tra sự có mặt của gai xương, tổn thương xương dưới sụn, đánh giá mức độ tổn thương các mô mềm, tình trạng hao mòn sụn và các bất thường khác​.

Phương pháp điều trị khô khớp

Tùy thuộc vào tình trạng khô khớp cũng như những hệ lụy theo sau của bệnh (sưng, đau các khớp do viêm), một số loại thuốc như sau có thể được bác sĩ chỉ định:

  • Thuốc giảm đau không kê toa: Nhóm thuốc này thường được sử dụng đầu tay đối với tình trạng đau nhức xương khớp ở mức độ nhẹ và trung bình. Người bệnh có tiền sử mẫn cảm với Acetaminophen, người thiếu hụt men G6PD chống chỉ định sử dụng nhóm thuốc này.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Nhóm thuốc này cần được bác sĩ kê toa, thường được dùng trong trường hợp sưng đau các khớp mức độ trung bình trở lên. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có nguy cơ ảnh hưởng đến gan, thận, dạ dày và nguy cơ bệnh tim mạch.
  • Corticosteroid dạng tiêm: Đây là nhóm thuốc kháng viêm mạnh, giúp giảm đau kháng viêm ngay tức thì, hiệu quả điều trị có thể kéo dài vài tháng. Tuy nhiên, việc sử dụng liệu pháp này là giải pháp ngắn hạn và cơn đau sẽ quay lại; nếu viêm khớp nặng, người bệnh có thể không thấy hiệu quả; và sử dụng corticosteroid có nhiều tác dụng phụ.
  • Chondroitin sulfate: Có vai trò phục hồi, tái tạo và chữa lành các tổn thương bên trong sụn khớp, cải thiện dịch khớp và khả năng vận động của người bệnh. Chống chỉ định với người có tiền sử dị ứng với thuốc, người bệnh trong giai đoạn tân tạo mạch máu như phụ nữ có thai và cho con bú, người vừa mới phẫu thuật hoặc tổn thương diện rộng,...
  • Glucosamine: Đây là một loại đường tự nhiên hiện diện trong mô đệm và dịch khớp, giúp kích thích sản sinh dịch khớp. Chống chỉ định với người có tiền sử dị ứng với thuốc.
  • Collagen type 2: Là một thành phần cấu tạo nên sụn khớp, giúp sụn khớp dẻo dai, chắc khỏe và linh hoạt. Tác dụng phụ có thể gây rối loạn tiêu hóa, chóng mặt, đau đầu,... Chống chỉ định với người có tiền sử dị ứng với thuốc, phụ nữ có thai và cho con bú.
  • Hyaluronic acid: Hoạt chất này gồm dạng uống và dạng tiêm. Đây là thành phần chính táo tạo nên dịch khớp, giúp bôi trơn và làm chậm quá trình lão hóa của khớp. Chống chỉ định với người có tiền sử dị ứng với thuốc, phụ nữ có thai và cho con bú.
Khô khớp: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 5
Thuốc chống viêm không steroid

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của khô khớp

Chế độ sinh hoạt:

Người bệnh lưu ý một số thói quen sinh hoạt sau giúp cải thiện tình trạng khô khớp như:

  • Hạn chế rượu, bia và các loại đồ uống có cồn;
  • Tránh khói thuốc lá và các chất kích thích khác;
  • Luyện tập thể dục thể thao giúp cơ thể dẻo dai;
  • Tránh các động tác sai tư thế làm tổn thương đến khớp như cúi đầu lâu, khiêng vác vật nặng, ngồi xổm,...

Chế độ dinh dưỡng:

Người bệnh có tình trạng khô khớp nên bổ sung những loại thực phẩm sau giúp hỗ trợ quá trình điều trị bệnh:

  • Cá biển: Các loại cá biển chứa hàm lượng chất béo omega-3 cao, có tác dụng giảm đau, chống viêm và chống khô khớp. Một số loại cá có thể thêm vào thực đơn như cá hồi, các trích, cá thu, cá mòi,...
  • Thực phẩm giàu canxi: Canxi là chất vô cơ cấu tạo nên xương khớp vì thế việc bổ sung canxi giúp xương chắc khỏe là điều cần thiết. Các thực phẩm giàu canxi gồm cá tôm nhỏ, sữa và các chế phẩm từ sữa như phô mai, váng sữa, sữa chua,...
  • Thực phẩm giàu vitamin C: Đây là một loại chất chống oxy hóa hiệu quả có vai trò chống viêm và tăng cường tổng hợp các loại protein. Bạn có thể bổ sung vitamin C bằng các loại thực phẩm hỗ trợ hoặc từ rau xanh, trái cây.
  • Hạn chế các loại thực phẩm lên mua, muối chua, nội tạng động vật, thức ăn chiên xào,...
  • Uống đủ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày, ưu tiên nước lọc.
Khô khớp: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 7
Thực phẩm giàu canxi giúp xương chắc khỏe

Phương pháp phòng ngừa khô khớp hiệu quả

Một số phương pháp giúp bạn phòng ngừa khô khớp, bao gồm:

  • Luyện tập thể dục thể thao với cường độ phù hợp, khởi động kĩ các khớp trước khi tập;
  • Tránh ngồi quá lâu một chỗ, tránh cố định khớp quá lâu tại một vị trí;
  • Duy trì cân nặng cơ thể hợp lý;
  • Thường xuyên tự xoa bóp tay chân và các khớp, giúp tăng cường tuần hoàn đến khớp;
  • Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ các nhóm chất. Bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất giúp xương khớp chắc khỏe.
  • Hạn chế lao động gắng sức, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hồi phục sức khỏe sau một ngày làm việc.
Nguồn tham khảo
  1. Vincent TL. OA synovial fluid: biological insights into a whole-joint disease. Osteoarthritis Cartilage. 2022 Jun;30(6):765-766. doi: 10.1016/j.joca.2022.02.618.
  2. Bolander J, Moviglia Brandolina MT, Poehling G, Jochl O, Parsons E, Vaughan W, Moviglia G, Atala A. The synovial environment steers cartilage deterioration and regeneration. Sci Adv. 2023 Apr 21;9(16):eade4645. doi: 10.1126/sciadv.ade4645.
  3. Why Are My Joints So Stiff? What Can I Do?: https://www.webmd.com/rheumatoid-arthritis/ss/slideshow-stiff-joints
  4. Synovial Fluid Analysis: https://www.healthline.com/health/synovial-fluid-analysis
  5. Improving and Increasing Synovial Fluid: https://www.verywellhealth.com/how-to-increase-synovial-fluid-5114374

Các bệnh liên quan

  1. U xương sụn

  2. Viêm khớp cùng chậu

  3. Gai xương

  4. Đau khớp

  5. Đau bắp chân

  6. Giãn dây chằng

  7. Viêm khớp bàn chân

  8. Viêm gân

  9. Bướu hoạt dịch cổ tay

  10. Tật nứt đốt sống