Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh thoái hóa khớp cổ chân là gì? Dấu hiệu nhận biết, điều trị và phương pháp phòng ngừa

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thoái hóa khớp cổ chân xảy ra khi sụn giữa các đầu xương bắt đầu mòn đi. Điều này có thể gây cứng khớp, sưng và đau khớp, khiến việc đi lại trở nên khó khăn. Chẩn đoán bao gồm kiểm tra thể chất, phân tích dáng đi, chụp X-quang và xét nghiệm máu. Sau khi chẩn đoán, các bác sĩ có thể đề nghị giảm cân, tập thể dục và thay đổi các hoạt động để giảm hoặc kiểm soát các triệu chứng. Nếu cần điều trị, lựa chọn hàng đầu là acetaminophen (Tylenol), nhưng cũng có những loại thuốc khác, bao gồm cả thuốc bôi tại chỗ. Khi điều trị nội khoa không kiểm soát được cơn đau, các bác sĩ sẽ xem xét phẫu thuật.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh thoái hóa khớp cổ chân là gì?

Ở vùng cổ chân chân khỏe mạnh, sụn bao phủ các bề mặt xương nơi chúng gặp nhau, đóng vai trò là lớp đệm bảo vệ. Trong thoái hóa khớp cổ chân, không gian bảo vệ này từ từ giảm đi vì sụn dần dần bị hao mòn. Kết quả là, các xương cọ xát vào nhau, dẫn đến sự hình thành các gai xương gây đau đớn.

Thoái hóa khớp cổ chân ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số. Nghiên cứu từ năm 2018 cho thấy nguyên nhân chính là chấn thương, thường là do chấn thương ở tư thế xoay dẫn đến bong gân và gãy xương. Điều này có xu hướng xảy ra ở những người trẻ tuổi.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của thoái hóa khớp cổ chân

Thông thường nhìn chung, các triệu chứng phổ biến nhất của thoái hóa khớp cổ chân tiến triển chậm theo thời gian và bao gồm:

  • Cứng khớp và đau dữ dội hơn vào buổi sáng và sau khi ngồi yên trong một thời gian dài.
  • Nhức mỏi bàn chân, khi vận động mạnh hoặc mang giày cao gót. Một số người thường bị đau nhức vào ban đêm.
  • Sưng khớp có thể xảy ra ở một bên mắt cá chân hoặc toàn bộ khớp.
  • Khớp thoái hóa phát ra tiếng kêu lắc rắc và lạo xạo khi cử động bàn chân, mắt cá chân.
  • Giảm và hạn chế phạm vi chuyển động như gấp, duỗi, xoay vùng cổ chân.
  • Đau khi chạm vào hoặc bóp chặt khớp cổ chân, mắt cá chân.
  • Khó khăn khi vận động trong sinh hoạt.
Bệnh thoái hóa khớp cổ chân là gì? Dấu hiệu nhận biết, điều trị và phòng ngừa thoái hóa khớp cổ chân 4
Triệu chứng sưng, nóng đỏ có thể xảy ra ở người bệnh thoái hóa khớp cổ chân

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh thoái hóa khớp cổ chân

Thoái hóa khớp đôi khi có thể gây ra các vấn đề khác cho bàn chân của bạn, tình trạng này có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không được điều trị.

  • Hội chứng cứng khớp Hallux: Nếu không được điều trị sớm, tình trạng sụn có thể bị mòn dần hoàn toàn. Điều này có thể khiến xương bàn chân của bạn dính vào nhau vả làm cho ngón chân cái bị tê cứng, nó được gọi là hội chứng cứng khớp. Điều này có thể khiến ngón chân cái cử động khó khăn hơn và bạn có thể gặp khó khăn khi đi lại. Đôi khi xuất hiện gai xương ở đầu ngón chân.
  • Viêm khớp biến dạng ngón chân cái Bunions: Chứng cứng khớp Hallux có thể khiến ngón chân cái lệch trục ngả phía các ngón chân khác. Khi điều này xảy ra vùng da đỏ hoặc sưng tấy trên đó và nó cũng có thể khiến da cứng. Bạn có thể cảm thấy không ổn định khi đứng và đi bộ. Nó được gọi là Bunion hoặc Hallux valgus.
  • Hình thành các vết chai ở bàn chân: Vết chai có thể hình thành trên bàn chân ở những nơi chúng phải chịu áp lực hoặc da bị cọ xát nhiều lần. Điều này khiến cho người bệnh cảm thấy không thoải mái khi mang giày dép hay đi lại.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra thăm khám và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm thoái hoá khớp cổ chân sẽ giúp giảm nguy cơ tăng nặng và biến chứng của bệnh, giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe. 

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp cổ chân

Nguyên nhân thoái hóa khớp cổ chân là tình trạng sụn khớp của mắt cá chân bị bào mòn, gây đau và xuất hiện các triệu chứng khác. Biết được nguyên nhân gốc rễ của thoái hóa khớp cổ chân có thể giúp các bác sĩ kê đơn điều trị hiệu quả.

Khoảng 90% những người bị thoái hóa khớp cổ chân thường là chấn thương khớp trước đó hoặc tình trạng bệnh lý tiềm ẩn. Những người còn lại thường có các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như tiền sử gia đình bị thoái hóa khớp, viêm xương khớp cổ chân.

Chấn thương

Trong hầu hết 70 - 80% các trường hợp, thoái hóa khớp cổ chân là kết quả của một chấn thương sụn, xương hoặc dây chằng. Mắt cá chân đặc biệt dễ bị bong gân, gãy xương và các chấn thương khác trong quá trình sinh hoạt, làm việc, hoạt động thể thao,… Khớp bị thương có khả năng bị viêm khớp và bị thoái hóa cao gấp 7 lần so với các khớp khác.

Tuổi tác

Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở những người trẻ tuổi, nhưng thường gặp nhất ở người lớn tuổi > 40 tuổi. Thời gian làm các sụn khớp dần bị bào mòn, mỏng đi và trở nên kém linh hoạt hơn, khiến nó dễ bị thoái hóa.

Các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn

Các bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng thoái hóa khớp bao gồm:

  • Viêm khớp dạng thấp và viêm nhiễm nhiều khớp;
  • Bệnh huyết học như bệnh máu khó đông, bệnh huyết sắc tố;
  • Bàn chân khoèo hoặc các khuyết tật bẩm sinh ở chân khác dẫn đến sự liên kết khớp mắt cá chân kém;
  • Bệnh hoại tử vô mạch và chứng thoái hóa xương khiến cho xương và sụn của khớp cổ chân dễ bị tổn thương gãy từ bên trong, do nguồn cung cấp máu tới xương lưu thông kém.

Không rõ nguyên nhân

Khoảng ít một số trường hợp mà cổ chân bị thoái hóa không do chấn thương hoặc tình trạng bệnh lý trước đó được gọi là thoái hóa cổ chân nguyên phát. Tình trạng và xu hướng ít bị đau hơn và phạm vi vận động tốt hơn những trường hợp khác.

Nguy cơ

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải thoái hóa khớp cổ chân

Những yếu tố này có thể khiến bạn làm tăng khả năng bị thoái hóa khớp cổ chân:

  • Tuổi tác, đặc biệt là trên 40 tuổi;
  • Thừa cân/béo phì;
  • Tiền sử gia đình bị thoái hóa khớp;
  • Các khiếm khuyết di truyền ở sụn hoặc mắt cá chân;
  • Sinh hoạt, vận động lặp đi lặp lại vùng bàn chân, cổ chân như chạy marathon;
  • Bàn chân bị bẹt hoặc có vòm cao;
  • Phụ nữ thường bị nhiều thoái hóa khớp hơn nam giới.
Bệnh thoái hóa khớp cổ chân là gì? Dấu hiệu nhận biết, điều trị và phòng ngừa thoái hóa khớp cổ chân 5
Bàn chân bị bẹt là một yếu tố nguy cơ dẫn đến thoái hóa khớp cổ chân

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán thoái hóa khớp cổ chân

Thông thường bác sĩ có thể đánh giá tình trạng triệu chứng của một người có phải do thoái hóa khớp cổ chân hay không sau khi hỏi bệnh sử, thăm khám lâm sàng và có thể chỉ định xét nghiệm hình ảnh học để xác định đặc điểm, mức độ thoái hóa và loại trừ các nguyên nhân khác gây đau cổ chân.

X-quang

Hình ảnh học x-quang cho thấy sự mất sụn, tình trạng thu hẹp giữa các khớp cổ chân, x-quang cho hình ảnh gai xương, dấu hiệu cho thấy xương bù đắp cho lượng sụn bị mất bằng sự phát triển thêm của xương.

Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Chụp cộng hưởng từ cung cấp hình ảnh của mô mềm (dây chằng, gân và cơ) cũng như xương, cho hình ảnh chi tiết hơn về khớp cổ chân so với chụp x-quang. Nhờ vậy mà bác sĩ có thể loại trừ một số nguyên nhân khác như tổn thương dây chằng hoặc gân mắt cá chân.

Bệnh thoái hóa khớp cổ chân là gì? Dấu hiệu nhận biết, điều trị và phòng ngừa thoái hóa khớp cổ chân 6
 Thiết bị chụp cộng hưởng từ (MRI) là một trong những phương tiện giúp chẩn đoán và đánh giá thoái hóa khớp

Xét nghiệm máu

Trong một số trường hợp bác sĩ cũng có thể chỉ định làm các xét nghiệm máu nhằm loại trừ các vấn đề khác, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh gút, cũng có thể gây đau mắt cá chân.

Phương pháp điều trị thoái hóa khớp cổ chân hiệu quả

Trên thực tế, không có phương pháp nào có thể đẩy lùi tình trạng thoái hóa khớp cổ chân, nhưng có một số phương pháp điều trị mà bạn có thể làm theo để giúp kiểm soát được các triệu chứng, giúp giảm cơn đau, giảm các biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Điều trị không dùng thuốc

  • Thay đổi thói quen sinh hoạt vận động cường độ tránh tổn thương khớp;
  • Các bài tập tăng cường sức mạnh, sức bền và thăng bằng;
  • Sử dụng các thiết bị hỗ trợ chỉnh hình như nẹp, băng, gậy hoặc giày chuyên dụng;
  • Tập vật lý trị liệu xoa bóp, siêu âm trị liệu, điện trị liệu,… theo hướng dẫn của chuyên gia trị liệu.
Bệnh thoái hóa khớp cổ chân là gì? Dấu hiệu nhận biết, điều trị và phòng ngừa thoái hóa khớp cổ chân 7
Băng ép cổ chân cố định trong điều trị

Thuốc

Thuốc uống giảm đau không kê toa, chẳng hạn như acetaminophen. Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), chẳng hạn như aspirin, ibuprofen,… có thể làm giảm đau, sưng và viêm do thoái hóa khớp cổ chân.

Thuốc bôi tại chỗ bao gồm dạng kem, thuốc xịt, gel và miếng dán và được bôi trực tiếp lên da trên khớp bị đau.

Tiêm steroid có thể được bác sĩ kê toa và quản lý để giảm sưng và đau ở mắt cá chân.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là hình thức xâm lấn nhất để điều trị thoái hóa khớp cổ chân và chỉ được bác sĩ xem xét nếu các phương pháp điều trị bảo tồn nội khoa như thuốc, vật lý trị liệu và băng ép không mang lại hiệu quả giảm đau.

  • Phẫu thuật nội soi khớp: Thủ thuật xâm lấn tối thiểu này bao gồm việc sử dụng một camera nhỏ và dụng cụ phẫu thuật được đưa vào khớp qua các vết rạch nhỏ để loại bỏ sụn và gai xương bị hư hỏng.
  • Cắt xương: Trong thủ thuật này, bác sĩ phẫu thuật cắt và sắp xếp lại các xương của khớp mắt cá chân để phân bổ lại trọng lượng và giảm áp lực lên vùng bị tổn thương.
  • Phẫu thuật hợp nhất khớp: Phẫu thuật này bao gồm việc loại bỏ phần sụn bị hư hỏng và nối vĩnh viễn các xương của khớp mắt cá chân lại với nhau làm tăng độ ổn định của khớp và làm giảm cơn đau do sụn mòn, xương cọ xát vào nhau.
  • Phẫu thuật tạo hình khớp: Là phương pháp thay toàn bộ hoặc một phần khớp cổ chân, mô sụn và xương bị hư hỏng được loại bỏ và thay thế bằng khớp nhân tạo.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của thoái hóa khớp cổ chân

Chế độ sinh hoạt:

  • Các bài tập tăng cường sức mạnh, sức bền và thăng bằng cho mắt cá chân của bạn và tăng tính linh hoạt cũng như phạm vi chuyển động với thói quen tập thể dục phù hợp với tình trạng sức khỏe.
  • Chuyển sang các hoạt động có tác động thấp, chẳng hạn như đi bộ thay vì chạy bộ hoặc bơi lội thay vì chơi quần vợt.
  • Giảm hoạt động mạnh gây tổn thương cho khớp cổ chân của bạn, như leo cầu thang.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh và hợp lý.
  • Chườm lạnh để giảm đau và giảm viêm.
  • Lựa chọn giày dép phù hợp, mềm, tránh mang dép xỏ ngón và giày cao gót quá lâu.

Chế độ dinh dưỡng:

Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung các khoáng chất và vitamin cần thiết cho cơ thể.

Phương pháp phòng ngừa thoái hóa khớp cổ chân hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh thoái hoá khớp cổ chân hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tập luyện các bài giúp tăng cường sức mạnh, sức bền và thăng bằng.
  • Giảm hoạt động mạnh gây tổn thương cho khớp cổ chân của bạn, như leo cầu thang, chạy nhảy với cường độ cao.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh và hợp lý.
  • Lựa chọn giày dép phù hợp, mềm, tránh mang giày cao gót quá lâu.
  • Tránh mang vác nặng quá sức.
Nguồn tham khảo
  1. Ankle osteoarthritis: Comprehensive review and treatment algorithm proposal: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9297055/
  2. Treating Ankle Osteoarthritis: https://www.arthritis-health.com/types/osteoarthritis/treating-ankle-osteoarthritis
  3. Treating Ankle Osteoarthritis: https://www.pthealth.ca/conditions/osteoarthritis/ankle-osteoarthritis/?fbclid=IwAR0NPN7wtT5zx-jtrC6AdyPd7XJz5SXEzNnmoIC-fhh46DtW8NxXGfykYzk
  4. What to know about osteoarthritis of the ankle: https://www.medicalnewstoday.com/articles/osteoarthritis-ankle?fbclid=IwAR1AunQGZ3YW7e_PKKW1VXFIzR96JwtRBpYnF5aDKZgU5o1PYWPpNaPN6M0
  5. Osteoarthritis of the Ankle: https://www.arthritis.org/health-wellness/about-arthritis/understanding-arthritis/osteoarthritis-of-the-ankle

Các bệnh liên quan