Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đứt dây chằng: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đứt dây chằng là một chấn thương nặng có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động của bạn. Tình trạng này thường xảy ra do chấn thương với lực tác động mạnh lên vị trí các khớp, nơi có hệ thống dây chằng đa dạng. Nhận biết sớm các dấu hiệu của đứt dây chằng và điều trị kịp thời giúp giảm thiểu rủi ro tổn thương tiến triển nặng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Đứt dây chằng là gì?

Dây chằng là những dải mô liên kết dạng sợi dày, được cấu tạo từ collagen và có tính đàn hồi cao. Vai trò chính của dây chằng là liên kết các xương với nhau, cố định khớp và bảo vệ các đầu của khớp xương. Cơ thể con người có hàng trăm dây chằng phân bố khắp các khớp, nhất là ở các khớp động như khuỷu, gối, giữa các đốt sống, cổ tay, cổ chân,... Dây chằng có độ dày hơn gân, khá chắc nhưng có thể bị kéo giãn, thậm chí là đứt.

Đứt dây chằng là một chấn thương tương đối phổ biến, đặc biệt ở các vận động viên, khi dây chằng chịu áp lực lớn dẫn đến kéo căng quá mức và đứt. Mức độ của đứt dây chằng được phân loại với các đặc điểm sau:

  • Độ 1: Chấn thương mức độ nhẹ làm tổn thương dây chằng, có thể khiến dây chằng rách nhẹ hoặc không rách.
  • Độ 2: Chấn thương mức độ vừa phải, dây chằng đứt không hoàn toàn, khiến khớp có biểu hiện lỏng lẻo.
  • Độ 3: Chấn thương mức độ nặng, dây chằng đứt hoàn toàn, mất chức năng liên kết của dây chằng và khiến khớp hầu như mất khả năng vận động.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của đứt dây chằng

Một số triệu chứng gợi ý bạn có thể đứt dây chằng sau chấn thương, bao gồm:

  • Đau và nhạy cảm khi chạm vào khớp tổn thương;
  • Sưng khớp và bầm tím khớp bị tổn thương;
  • Khó di chuyển khớp, thậm chí bất động khớp;
  • Lệch trục khớp;
  • Nghe thấy tiếng lạo xạo hoặc lục cục khi cố gắng di chuyển khớp tổn thương;
  • Co thắt cơ;
  • Triệu chứng nặng dần theo thời gian.

Biến chứng của đứt dây chằng

Khả năng phục hồi của dây chằng thường chậm hơn so với những bộ phận khác trên cơ thể do ít mạch máu nuôi và thường xuyên phối hợp với cử động của khớp. Đứt dây chằng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng, khó phục hồi như:

  • Hạn chế tầm vận động của khớp ở vị trí dây chằng tổn thương;
  • Lệch trục khớp;
  • Nguy cơ tiến triển viêm khớp hoặc thoái hóa khớp;
  • Tàn tật.
Đứt dây chằng: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 1
Đứt dây chằng khiến khớp tổn thương

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình càng sớm càng tốt nếu bạn bị chấn thương và xuất hiện các triệu chứng trên. Sau khi điều trị chấn thương, nếu bạn có những dấu hiệu mới hoặc cơn đau trầm trọng hơn, hãy tái khám để bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh và có hướng điều trị phù hợp.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến đứt dây chằng

Bất kì điều gì tác động lực mạnh lên các khớp đều có thể làm đứt dây chằng. Các nguyên nhân phổ biến nhất gây đứt dây chằng bao gồm:

  • Các chấn thương trong thể thao;
  • Tai nạn giao thông;
  • Té ngã;
  • Các động tác thay đổi vị trí khớp đột ngột.

Những vị trí thường xảy ra tình trạng đứt dây chằng, bao gồm:

  • Mắt cá chân: Phức hợp dây chằng tại đây là một trong những vị trí thường xảy ra hiện tượng đứt dây chằng cổ chân nhất do bàn chân dễ bị lật vào trong (lật sơ mi). Những dây chằng tại đây gồm dây chằng chày mác trước, dây chằng chày mác sau, dây chằng sên mác trước, dây chằng sên mác sau, dây chằng gót mác.
  • Gối: Đứt dây chằng đầu gối cũng là một tình trạng thường gặp khi bạn gặp chấn thương. Hệ thống dây chằng gối gồm dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, dây chằng bên ngoài, dây chằng bên trong.
  • Cổ tay: Có 20 dây chằng ở khớp cổ tay. Khi có lực tác động mạnh vùng khớp cổ tay, các dây chằng vùng tay rất dễ tổn thương, đặc biệt là phức hợp sụn sợi tam giác cổ tay.
  • Vai: Khớp vai cũng có hệ thống gân cơ và dây chằng phong phú, giúp khớp này có thể cử động linh hoạt ở nhiều tư thế. Nhóm dây chằng tại vai gồm dây chằng quạ - mỏm cùng vai, dây chằng quạ - cánh tay, dây chằng ngang cánh tay, dây chằng nón, dây chằng thang, dây chằng ngang vai trên, dây chằng bao khớp.
  • Cột sống: Quanh cột sống cũng có hệ thống dây chằng giúp cột sống vững chắc và các đốt sống linh động. Một số dây chằng quanh cột sống là dây chằng dọc trước, dây chằng dọc sau, dây chằng tia, dây chằng vàng.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải đứt dây chằng?

Một số đối tượng có nguy cơ cao đứt dây chằng bao gồm:

  • Vận động viên thể thao của các bộ môn bóng đá, bóng rổ, quần vợt, thể dục dụng cụ,...
  • Người bị tai nạn giao thông;
  • Người bị ngã chấn thương các khớp;
  • Nghề nghiệp khuân vác nặng hoặc di chuyển liên tục.
Đứt dây chằng: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 2
Vận động viên là đối tượng nguy cơ cao đứt dây chằng

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải đứt dây chằng

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải đứt dây chằng có thể kể đến như:

  • Xoay khớp đột ngột;
  • Thực hiện các động tác gây sức ép lên khớp;
  • Dừng đột ngột khi đang di chuyển với tốc độ cao;
  • Lực mạnh tác động trực tiếp vào khớp;
  • Suy dinh dưỡng;
  • Chơi các môn thể thao có nguy cơ chấn thương cao nhưng không sử dụng thiết bị bảo hộ;
  • Bề mặt tập luyện các môn thể thao không ổn định.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm chẩn đoán đứt dây chằng

Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình thông thường sẽ chẩn đoán đứt dây chằng thông qua khám thực thể, hỏi bệnh sử, cơ chế chấn thương và tiền sử bệnh lý liên quan. Một số xét nghiệm khác có thể được thực hiện bao gồm:

  • Chụp X-quang: Dây chằng bị rách sẽ không hiển thị trên phim X-quang, nhưng chụp X-quang có thể thấy được xương bị gãy hoặc các khớp bị lệch trục.
  • MRI: Chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể được thực hiện để quan sát tình trạng xương và mô mềm, xem liệu dây chằng có bị đứt một phần hay toàn bộ hay không.
  • Nội soi khớp: Thủ tục xâm lấn này đôi khi được thực hiện để chẩn đoán dây chằng bị đứt. Bác sĩ sẽ đưa một thiết bị gọi là máy nội soi khớp vào trong khớp để quan sát dây chằng, sụn khớp, đầu xương và các cấu trúc khác.

Phương pháp điều trị đứt dây chằng hiệu quả

Đứt dây chằng mức độ nhẹ có thể hồi phục chỉ với điều trị bảo tồn, nhưng chấn thương này phải luôn được các bác sĩ chuyên khoa theo dõi và đánh giá. Bạn có thể cần phẫu thuật để giúp tăng tốc độ chữa lành và cải thiện khả năng vận động hoàn toàn.

Khoảng thời gian để dây chằng bị đứt lành lại tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương và vị trí đứt dây chằng. Ví dụ, đứt dây chằng mắt cá chân độ 2 không hoàn toàn có thể mất khoảng 3 - 6 tuần để lành, trong khi đứt dây chằng hoàn toàn có thể mất vài tháng.

Thuốc

Bác sĩ có thể kê cho bạn một số loại thuốc giảm đau, kháng viêm giúp giảm tình trạng sưng tấy và đau. Nếu người bệnh đau nhiều, bác sĩ có thể tiêm corticosteroid vào khớp.

Vật lý trị liệu

Sau giai đoạn bất động để hồi phục khớp, bác sĩ có thể đề nghị bạn tập luyện vật lý trị liệu hoặc các bài tập cơ bản tại nhà để giúp phục hồi chức năng vận động của dây chằng và khớp. Thời gian hồi phục có thể kéo dài vài tuần hoặc có thể lên tới một năm, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đứt dây chằng.

Nẹp cố định

Trong trường hợp đứt dây chằng không hoàn toàn, bác sĩ có thể chỉ định bạn cần nẹp cố định. Phương pháp này giúp vết đứt dây chằng có thể nhanh phục hồi hơn. Khoảng thời gian bạn cần đeo nẹp sẽ thay đổi tùy theo chấn thương cụ thể.

Phẫu thuật

Một số trường hợp đứt dây chằng gây ảnh hưởng đến hoạt động của khớp, đặc biệt là đứt dây chằng hoàn toàn phải phẫu thuật để sửa chữa dây chằng. Phẫu thuật mở hoặc nội soi sẽ được bác sĩ cân nhắc lựa chọn phù hợp với tổn thương của bạn. 

Đứt dây chằng: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 3
Phẫu thuật thay dây chằng

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đứt dây chằng

Chế độ sinh hoạt:

Phương pháp RICE - nghỉ ngơi, chườm đá, cố định, nâng cao chân - là một trong những phương pháp sơ cứu bước đầu phổ biến nhất đối với chấn thương dây chằng.

  • Nghỉ ngơi: Đầu tiên, hãy dừng mọi hoạt động gây tăng áp lực cho dây chằng bị thương. Điều này giúp dây chằng có thời gian được phục hồi.
  • Chườm đá: Để giảm thiểu sưng và đau, hãy chườm túi nước đá lên vùng bị thương.
  • Cố định: Để giảm sưng hơn nữa, hãy quấn cố định vùng tổn thương bằng băng thun.
  • Nâng cao chân: Nâng vùng bị thương cao hơn mức tim để giúp kiểm soát lưu lượng máu và giảm thiểu sưng tấy.
Đứt dây chằng: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 4
Chườm lạnh

Chế độ dinh dưỡng:

Một chế độ dinh dưỡng hợp lý dành cho người bệnh đứt dây chằng:

  • Thực phẩm giàu collagen: Rau màu xanh đậm như cải xoăn, rau chân vịt, súp lơ, thịt gà, cà chua,...
  • Thực phẩm giàu calci: Sữa và các chế phẩm từ sữa, trứng, tôm, cua, cá nhỏ ăn luôn vỏ, các loại đậu, các loại rau lá xanh,...
  • Thực phẩm giàu vitamin D: Các loại cá béo như cá hồi, cá trích, cá ngừ, lòng đỏ trứng, nấm,...
  • Thực phẩm giàu magie: Sô cô la đen, quả bơ, các loại đậu, chuối, ngũ cốc nguyên cám,...

Phòng ngừa đứt dây chằng

Để phòng ngừa đứt dây chằng một cách hiệu quả, bạn nên thực hiện một số biện pháp như:

  • Tập luyện thể thao đều đặn, thường xuyên, cường độ tăng dần, tập vừa sức và có thời gian nghỉ ngơi hợp lý;
  • Khởi động kĩ cơ xương khớp trước khi tham gia các bài tập thể thao;
  • Trang bị các dụng cụ bảo hộ chuyên dụng cho các môn thể thao có nguy cơ chấn thương;
  • Tránh các tư thế sai làm ảnh hưởng xấu đến dây chằng như ngồi xổm, ngồi bắt chéo chân, bẻ các khớp xương,...
  • Không thay đổi đột ngột hướng vận động của khớp.
Đứt dây chằng: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 5
Bổ sung thực phẩm chứa collagen

Các câu hỏi thường gặp về đứt dây chằng

Dây chằng có chức năng gì?

Chức năng chính của dây chằng là liên kết các xương với nhau, cố định khớp và bảo vệ các đầu của khớp xương. Việc này giúp các khớp vững chắc và hoạt động một cách linh hoạt.

Dây chằng nào dễ bị đứt nhất?

Dây chằng chéo trước ở gối và các dây chằng ở mắt cá ngoài có tỉ lệ chấn thương dẫn đến đứt dây chằng nhiều nhất.

Vận động viên bị đứt dây chằng có phải kết thúc sự nghiệp không?

Hầu hết những vận động viên bị đứt dây chằng đều có thể tham gia lại môn thể thao mà không để lại hậu quả lâu dài. Phục hồi chức năng sau phẫu thuật là cách tốt nhất để khôi phục tính linh hoạt của dây chằng và các khớp. Hãy hỏi bác sĩ điều trị của bạn xem liệu tình trạng sức khỏe của bạn có an toàn để chơi lại môn thể thao đó hay không và khi nào bạn có thể tiếp tục luyện tập thể thao.

Làm thế nào để chữa đứt dây chằng nhanh hơn?

Quá trình phục hồi sau đứt dây chằng cần có thời gian, nhưng có một số điều bạn có thể làm để tăng tốc độ phục hồi. Điều quan trọng nhất là bạn phải đảm bảo để vùng dây chằng tổn thương được nghỉ ngơi, làm theo hướng dẫn của bác sĩ và tránh các hoạt động có thể làm tổn thương nặng hơn.

Đứt dây chằng có đi lại được không?

Bạn vẫn có thể đi lại khi bị chấn thương dây chằng ở chi dưới, tuy nhiên mức độ tổn thương phải ở độ 1 hoặc độ 2 và việc đi lại có thể gây đau, phạm vi chuyển động khớp của bạn có thể bị hạn chế. Nguyên tắc chung là bạn nên tránh đi bộ nếu việc đó gây đau, để dây chằng và khớp không tổn thương thêm.

Nguồn tham khảo
  1. Leong NL, Kator JL, Clemens TL, James A, Enamoto-Iwamoto M, Jiang J. Tendon and Ligament Healing and Current Approaches to Tendon and Ligament Regeneration. J Orthop Res. 2020 Jan;38(1):7-12. doi: 10.1002/jor.24475.
  2. Frank CB. Ligament structure, physiology and function. J Musculoskelet Neuronal Interact. 2004 Jun;4(2):199-201. PMID: 15615126.
  3. Ligament: https://my.clevelandclinic.org/health/body/21604-ligament
  4. Torn Ligaments Symptoms and Treatment: https://www.verywellhealth.com/what-is-a-ligament-3120393
  5. Torn Ligaments: https://ukhealthcare.uky.edu/orthopaedic-surgery-sports-medicine/conditions/general-orthopaedics/torn-ligament

Các bệnh liên quan

  1. Thoái hóa khớp ngón tay

  2. Viêm xương

  3. Viêm khớp bàn chân

  4. Viêm cân gan chân

  5. Xương thủy tinh

  6. Thoái hóa khớp gối

  7. Paget xương

  8. Viêm đa khớp

  9. Rách sụn viền khớp vai

  10. Đau bắp chân