Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm khớp gối ở trẻ em? Tìm hiểu các nguyên nhân gây viêm khớp thường gặp ở trẻ

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm khớp ở trẻ em được gọi là viêm khớp trẻ em hoặc viêm khớp vị thành niên. Viêm khớp ở trẻ có thể gây tổn thương vật lý vĩnh viễn cho khớp. Các tổn thương này sẽ khiến trẻ khó thực hiện các công việc hàng ngày như đi lại, mặc quần áo hoặc có thể dẫn đến tàn tật.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm khớp gối ở trẻ em là gì?

Viêm khớp ở trẻ em có thể ảnh hưởng đến nhiều khớp khác nhau, trong đó có khớp gối. Tình trạng viêm khớp gối ở trẻ em do nhiều nguyên nhân, có thể kể đến như:

  • Viêm khớp tự phát thiếu niên (JIA): Hay còn gọi là viêm khớp dạng thấp ở trẻ vị thành niên.
  • Viêm khớp nhiễm khuẩn: Tình trạng viêm khớp nhiễm khuẩn ở đầu gối là phổ biến nhất ở trẻ em và có thể dẫn đến các tổn thương khớp không hồi phục.
  • Chấn thương: Các chấn thương ở đầu gối có thể dẫn đến tổn thương sụn, xương bánh chè, dây chằng hay các mô mềm khác gây viêm khớp gối ở trẻ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp gối ở trẻ em

Các triệu chứng chung ở viêm khớp gối ở trẻ em có thể bao gồm:

  • Đau khớp gối;
  • Sưng đỏ khớp gối;
  • Cứng khớp.

Ngoài ra, tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm khớp gối mà trẻ có thể có các triệu chứng khác nhau như sau:

  • Đối với viêm khớp tự phát thiếu niên (JIA): Cơn đau của viêm khớp gối có thể kéo dài, đau và cứng khớp nặng hơn sau khi thức dậy hoặc khi không hoạt động trong một thời gian. Đau kèm với sưng nóng đỏ ở khớp, có thể kèm các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, phát ban, chán ăn, khô cộm mắt.
  • Đối với viêm khớp nhiễm khuẩn: Trẻ thường đau kèm sưng khớp gối, đi khập khiễng hoặc không thể đi lại. Tình trạng này có thể sau một chấn thương nhẹ nên dễ bị mất tập trung vào nguyên nhân nhiễm trùng. Bên cạnh đó trẻ có thể có các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi toàn thân.
Viêm khớp gối ở trẻ em? Tìm hiểu các nguyên nhân gây viêm khớp thường gặp ở trẻ 4
Viêm khớp tự phát thiếu niên có thể có triệu chứng khác như khô cộm mắt

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm khớp gối ở trẻ em

Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, đặc biệt là viêm khớp gối ở trẻ em do nguyên nhân nhiễm khuẩn, trẻ có thể gặp các biến chứng ở khớp không thể hồi phục. Các biến chứng có thể gặp do viêm khớp gối ở trẻ bao gồm:

  • Đau mãn tính: Hầu hết các trường hợp viêm khớp gối do viêm khớp tự phát thiếu niên (JIA) đều nhẹ, tuy nhiên những trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tổn thương khớp và đau mãn tính.
  • Hạn chế sinh hoạt: Tình trạng sưng đau, cứng khớp gối ở trẻ có thể khiến trẻ đi lại khập khiễng, khó khăn trong các sinh hoạt hàng ngày.
  • Phá hủy sụn và yếu khớp gối: Viêm khớp nhiễm khuẩn có thể gây phá hủy sụn một cách nhanh chóng nếu không điều trị, từ đó dẫn đến sự suy yếu vĩnh viễn của khớp gối.
  • Phá hủy xương: Tương tự, nhiễm khuẩn có thể lan rộng đến các khu vực lân cận, gây phá hủy xương hay viêm tủy xương.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi:

  • Nếu cơn đau của trẻ kéo dài hơn 2 tuần.
  • Cơn đau ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của trẻ.
  • Cơn đau khiến trẻ đi khập khiễng.
  • Đau khi hoạt động thể thao hay sau chấn thương đầu gối.

Ngoài ra, khi có các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, chán ăn… Hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được kiểm tra tìm nguyên nhân gây viêm khớp gối và được điều trị kịp thời.

Viêm khớp gối ở trẻ em? Tìm hiểu các nguyên nhân gây viêm khớp thường gặp ở trẻ 5
Ngoài triệu chứng tại khớp gối, trẻ có thể có các triệu chứng như sốt, mệt mỏi

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp gối ở trẻ em

Như đã đề cập ở trên, có nhiều nguyên nhân gây viêm khớp gối ở trẻ. Trong đó có thể kể đến 2 nguyên nhân thường gặp như viêm khớp tự phát thiếu niên và viêm khớp nhiễm khuẩn.

Viêm khớp tự phát thiếu niên

Viêm khớp tự phát thiếu niên (JIA) hay còn gọi là viêm khớp dạng thấp ở trẻ vị thành niên, đây là loại viêm khớp phổ biến nhất ở trẻ em. Viêm khớp tự phát thiếu niên có thể ảnh hưởng 1 hoặc nhiều khớp, thường là các khớp lớn như khớp cổ chân hay khớp gối.

Nguyên nhân chính xác của viêm khớp tự phát thiếu niên không được biết đến. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu tin rằng đây chủ yếu là một bệnh tự miễn. Đó là một tình trạng hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các tế bào của cơ thể vì nhầm lẫn, từ đó dẫn đến tổn thương khớp hay cả toàn thân.

Hầu hết các trường hợp viêm khớp tự phát đều nhẹ, nhưng có thể dẫn đến các biến chứng như tổn thương khớp, các vấn đề về tim mạch, đường tiêu hóa nếu tình trạng bệnh nặng lên. Do đó, nhận biết sớm các triệu chứng ở trẻ để điều trị trước khi tình trạng bệnh tiến triển là cần thiết.

Viêm khớp nhiễm khuẩn ở trẻ em

Viêm khớp nhiễm khuẩn ở trẻ em thường phát triển từ nhiễm trùng huyết. Tình trạng này thường gặp ở trẻ trai hơn trẻ gái. Viêm khớp nhiễm khuẩn cũng thường ảnh hưởng đến các khớp lớn ở chi dưới như khớp háng, cổ chân, hay khớp gối ở trẻ.

Tác nhân gây viêm khớp nhiễm khuẩn ở trẻ có thể khác nhau tùy thuộc và độ tuổi. Trong đó, Staphylococcus aureus và các mầm bệnh đường hô hấp là tác nhân phổ biến nhất. Kingella kingae hiện cũng là một tác nhân gây bệnh phổ biến, đặc biệt ở trẻ em từ 6 - 36 tháng tuổi. Ở trẻ sơ sinh, vi khuẩn như Escherichia coli là tác nhân thường gặp.

Viêm khớp nhiễm khuẩn ở trẻ em nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Thất bại trong chẩn đoán hay điều trị có thể dẫn đến sự phá hủy nhanh chóng của sụn và yếu khớp gối. Sự tiến triển của nhiễm trùng có thể gây tổn thương xương, tủy xương hay ảnh hưởng toàn thân và có thể đe dọa tính mạng ở trẻ. 

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc viêm khớp gối ở trẻ em?

Mọi trẻ em đều có thể gặp phải tình trạng viêm khớp gối, nên theo dõi và phát hiện sớm các triệu chứng viêm khớp gối hay triệu chứng toàn thân ở trẻ để không làm chậm trễ chẩn đoán hay điều trị.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp gối ở trẻ em

Các yếu tố nguy cơ sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm khớp gối ở trẻ.

Đối với viêm khớp tự phát thiếu niên (JIA), các yếu tố nguy cơ có thể bao gồm:

  • Trẻ em từ 2 đến 3 tuổi có nguy cơ mắc JIA cao nhất.
  • Phơi nhiễm với khói thuốc lá trong thời kỳ mang thai.
  • Trẻ gái có xu hướng bị ảnh hưởng nhiều hơn.
  • Các yếu tố di truyền hay từ yếu tố môi trường như nhiễm trùng có liên quan đến phát triển JIA.

Đối với viêm khớp nhiễm khuẩn ở trẻ, các yếu tố nguy cơ có thể kể đến như:

  • Tuổi nhỏ (<4 tuổi);
  • Giới tính nam;
  • Tình trạng suy giảm miễn dịch (đái tháo đường, bệnh ác tính, HIV, điều trị với corticosteroid, suy dinh dưỡng);
  • Bệnh lý huyết học (ví dụ như bệnh hồng cầu hình liềm);
  • Sinh non hay sinh nhẹ cân;
  • Tình trạng kinh tế xã hội thấp.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm khớp gối ở trẻ em

Viêm khớp gối ở trẻ em được chẩn đoán thông qua khám sức khỏe, xem xét các triệu chứng, chụp X-quang khớp gối và các xét nghiệm khác để đưa ra chẩn đoán xác định:

  • Chụp X-quang hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) khớp gối: Đây là các xét nghiệm hình ảnh học nhằm đánh giá các tổn thương ở xương, sụn hay các phần mềm ở khớp gối.
  • Siêu âm khớp gối: Siêu âm giúp đánh giá tình trạng sưng hay tràn dịch khớp, giúp hướng dẫn chọc dịch khớp.
  • Chọc dịch khớp gối: Trong trường hợp viêm khớp nhiễm khuẩn ở trẻ, khớp bị tràn dịch, bác sĩ có thể cho chọc dịch khớp để làm xét nghiệm để chẩn đoán.
  • Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể cho xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng nhiễm trùng. Hoặc tìm các kháng thể, yếu tố dạng thấp để chẩn đoán nguyên nhân do bệnh lý tự miễn (ví dụ như viêm khớp tự phát thiếu niên).

Phương pháp điều trị viêm khớp gối ở trẻ em

Điều trị viêm khớp gối ở trẻ em sẽ khác nhau tùy nguyên nhân. Nên tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ để mang lại hiệu quả tốt nhất cho trẻ.

Viêm khớp tự phát thiếu niên

Điều trị chủ yếu kết hợp giúp giảm các triệu chứng đau và sưng, đồng thời duy trì cử động và sức mạnh ở khớp gối. Các điều trị có thể bao gồm:

  • Thuốc: Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) chẳng hạn như ibuprofen, naproxen thường được sử dụng để giảm sưng và viêm. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể kê đơn các thuốc mạnh hơn như thuốc chống thấp khớp (DMARD) để ức chế hệ thống miễn dịch hay thuốc sinh học giúp giảm viêm và giảm tổn thương khớp.
  • Tập thể dục: Các bài tập thể dục thường xuyên hay vật lý trị liệu phù hợp với tình trạng khớp gối của trẻ có thể giúp giảm đau cũng như ngăn ngừa các biến chứng tại khớp.
  • Thiết bị hỗ trợ: Các thiết bị hỗ trợ cho khớp gối có thể có ích, nên tham khảo ý kiến của chuyên gia để có thể tìm các thiết bị hỗ trợ phù hợp cho trẻ.
  • Phẫu thuật: Trong trường hợp nghiêm trọng, phẫu thuật có thể được sử dụng để thay thế khớp hoàn toàn.
Viêm khớp gối ở trẻ em? Tìm hiểu các nguyên nhân gây viêm khớp thường gặp ở trẻ 6
Phẫu thuật khớp gối có thể được chỉ định trong trường hợp nặng

Viêm khớp nhiễm khuẩn ở trẻ em

Tình trạng viêm khớp nhiễm khuẩn ở trẻ nên được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị không phù hợp có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng cho khớp, hậu quả là tàn tật suốt đời. Các điều trị có thể bao gồm:

  • Kháng sinh: Điều trị kháng sinh phải được bắt đầu không chậm trễ sau khi lấy được mẫu máu và dịch khớp để xét nghiệm. Điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm chủ yếu nhắm vào tác nhân Staphylococcus aureus. Bác sĩ có thể cho các thuốc kháng sinh và thời gian điều trị khác nhau tùy thuộc vào tác nhân và tình trạng đáp ứng của trẻ.
  • Chọc dịch khớp: Nếu có dịch mủ tại khớp gối, có thể sẽ dẫn đến sự phá hủy nhanh chóng của sụn khớp. Do đó, bác sĩ có thể cho chọc dẫn lưu dịch khớp, nội soi khớp hay phẫu thuật để điều trị.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến viêm khớp gối ở trẻ em

Chế độ sinh hoạt

Duy trì thói quen sinh hoạt tốt có thể giúp trẻ hạn chế diễn tiến bệnh, các biện pháp bao gồm:

  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Liên hệ với bác sĩ khi trẻ có những bất thường trong quá trình điều trị và tái khám định kỳ để bác sĩ có thể đưa ra các điều trị phù hợp trong từng giai đoạn.
  • Tập thể dục thường xuyên có thể giúp trẻ tăng cường cơ bắp và cải thiện sự linh hoạt của khớp, các hoạt động như bơi lội và đi bộ có thể giúp ích. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có bài tập phù hợp với tình trạng của trẻ.
  • Tránh các chấn thương cho trẻ để hạn chế phát triển viêm khớp gối ở trẻ.

Chế độ dinh dưỡng

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh rất quan trọng đối với mọi người, đặc biệt là có lợi với trẻ em. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để trẻ có một chế độ ăn phù hợp. Việc ăn uống lành mạnh để duy trì cân nặng ở trẻ sẽ giúp hạn chế các triệu chứng viêm khớp gối cũng như các biến chứng của nó.

Viêm khớp gối ở trẻ em? Tìm hiểu các nguyên nhân gây viêm khớp thường gặp ở trẻ 7
Duy trì chế độ ăn lành mạnh đặc biệt có lợi đối với trẻ

Phương pháp phòng ngừa viêm khớp gối ở trẻ em hiệu quả

Để phòng ngừa viêm khớp gối ở trẻ em một cách hiệu quả, việc duy trì chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh là rất quan trọng. Đồng thời, hãy theo dõi các triệu chứng viêm khớp gối ở trẻ để phát hiện sớm, kịp thời điều trị giúp tránh các biến chứng cho trẻ.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.cdc.gov/arthritis/basics/childhood.htm
  2. https://www.healthline.com/health/juvenile-rheumatoid-arthritis
  3. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29142039/ 

Các bệnh liên quan