Long Châu

Trật khớp vai: Đầu trên của xương cánh tay lệch ra khỏi ổ chảo

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Vai là khớp hoạt động nhiều nhất của cơ thể nên rất dễ bị trật khớp. Khi bị trật khớp vai, cần cố định tay của bệnh nhân, tránh cử động quá mạnh hoặc tự nắn khớp vì có thể ảnh hưởng xấu đến dây chằng, mạch máu và các dây thần kinh xung quanh. Sau đó, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế ngay lập tức để được điều trị thích hợp.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Trật khớp vai là gì?

Trật khớp vai là một chấn thương trong đó đầu trên của xương cánh tay lệch ra khỏi ổ chảo của xương bả vai. Xương cánh tay có thể bị lệch hẳn ra khỏi ổ chảo hoặc chỉ lệch một phần. 

Nếu nghi ngờ trật khớp vai, hãy đi khám ngay. Chấn thương sẽ hồi phục trong vòng vài tuần ở hầu hết mọi người. Tuy nhiên, một khi đã bị trật khớp vai, khớp của bạn có thể mất ổn định và dễ bị tái lại.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của trật khớp vai

Khi bị trật khớp vai, có thể thấy rất rõ các triệu chứng sau:

Bên vai trật khớp bị biến dạng rõ ràng hoặc lệch khỏi vị trí;

Sưng hoặc bầm tím;

Đau dữ dội;

Không có khả năng di chuyển khớp, khó cử động cánh tay;

Trật khớp vai cũng có thể gây tê, yếu hoặc đau dây thần kinh gần vùng chấn thương (như ở cổ hoặc cánh tay). Các cơ ở vai có thể bị co thắt và làm nơi bị thương đau hơn.

Tác động của trật khớp vai đối với sức khỏe 

Trật khớp vai gây đau dữ dội ở nơi bị chấn thương và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tay. Bệnh nhân có thể gặp khó khăn hoặc thậm chí không thể cử động cánh tay.

Biến chứng có thể gặp khi mắc trật khớp vai

Nếu trật khớp vai nghiêm trọng hoặc không được điều trị đúng cách, có thể dẫn đến:

Rách cơ, dây chằng và gân ở vùng khớp vai.

Tổn thương dây thần kinh hoặc mạch máu bên trong hoặc xung quanh khớp vai.

Khớp vai không ổn định (đặc biệt nếu bạn trật khớp nặng hoặc trật khớp nhiều lần), khiến bạn dễ tái phát chấn thương.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Giữ cố định vai ở vị trí bị thương, không di chuyển cánh tay hoặc cố gắng chỉnh khớp vì có thể làm ảnh hưởng đến khớp, các cơ, dây chằng, dây thần kinh, mạch máu xung quanh và làm tình hình trở nên tệ hơn. Có thể chườm đá lên phần tổn thương để giảm bớt đau và sưng và ngay lập tức đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ có chuyên môn. 

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến trật khớp vai

Khi có một lực mạnh tác động vào vai hoặc xoay khớp vai quá mức sẽ dẫn đến việc xương bị lệch khỏi vị trí vốn có. Trật khớp vai có thể do:

Chấn thương khi chơi thể thao;

Tai nạn giao thông;

Té ngã;

Động kinh hoặc điện giật (do gây các cơn co thắt cơ).

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải trật khớp vai?

Vận động viên thể dục thể thao;

Người thường vận động nhiều, mang vác nặng;

Người lớn tuổi dễ té ngã;

Người bị động kinh hoặc bị điện giật.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc trật khớp vai

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Trật khớp vai, bao gồm:

  • Thiếu niên hoặc nam giới trong độ tuổi 20 có nguy cơ trật khớp vai cao do có xu hướng hoạt động thể chất nhiều. Bên cạnh đó, người lớn tuổi cũng có nguy cơ cao trật khớp vai do dễ bị té ngã.

  • Các tai nạn bất ngờ khiến phần vai bị va đập mạnh.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán trật khớp vai

Bác sĩ sẽ kiểm tra vùng bị ảnh hưởng xem có bị đau, sưng hoặc biến dạng không. 

Chụp X quang khớp vai để xem xét tình trạng trật khớp và các tổn thương khác (như gãy xương…).

Phương pháp điều trị trật khớp vai hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp. 

Nắn xương vai: Thủ thuật này được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn và tùy thuộc vào mức độ sưng đau của tổn thương, bạn có thể được chỉ định thuốc giãn cơ hoặc giảm đau an thần trước khi nắn xương. Khi xương trở về vị trí cũ, cơn đau dữ dội sẽ được cải thiện gần như ngay lập tức.

Tùy tình trạng trật khớp vai mà bác sĩ có thể yêu cầu bạn đeo nẹp hoặc đai chuyên dụng để cố định vai trong khoảng vài ngày đến vài tuần.

Nếu bị căng/đứt dây chằng hoặc gân ở vai hay khi bị tổn thương các dây thần kinh, mạch máu xung quanh khớp vai, có thể cần phẫu thuật.

Thuốc: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giãn cơ (eperisone, tolperisone) và giảm đau (paracetamol, ibuprofen, naproxen…) cho bệnh nhân.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của trật khớp vai

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. 

  • Không nên vận động mạnh trong khi đeo nẹp và lúc vừa khỏi trật khớp vai. Thay vào đó, có thể cử động nhẹ nhàng để tránh tình trạng cứng khớp.

  • Bắt đầu thực hiện các bài tập phục hồi theo chỉ dẫn của bác sĩ sau khi tháo nẹp vai.

  • Trong 1 – 2 ngày đầu bị trật khớp, chườm đá trong khoảng 15 – 20 phút sau mỗi vài giờ. Những ngày sau, khi tình trạng đau và viêm đã cải thiện, chườm nóng trong khoảng 20 phút/lần để thư giãn các cơ bị căng và đau.

Chế độ dinh dưỡng:

Có thể bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu calci, tốt cho xương khớp như hải sản, xương sụn, sữa, ngũ cốc, rau xanh, trái cây…

Phương pháp phòng ngừa trật khớp vai hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Đi đứng cẩn thận, tránh bị vấp ngã.

  • Mặc đồ bảo hộ khi chơi các môn thể thao có thể có sự va chạm.

  • Tập thể dục thường xuyên để duy trì sự dẻo dai và linh hoạt ở các khớp và cơ.

  • Nếu đã từng bị trật khớp vai, cần hỏi bác sĩ về những bài tập để tránh bị tái phát.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dislocated-shoulder/symptoms-causes/
  2. https://medlineplus.gov/dislocatedshoulder.html
  3. https://www.nhs.uk/conditions/dislocated-shoulder/
  4. https://www.webmd.com/fitness-exercise/dislocated-separated-shoulder

Các bệnh liên quan

  1. Hội chứng rung giật cơ lành tính

  2. Bệnh Still ở người lớn

  3. Gai cột sống

  4. Thoái hóa cột sống

  5. Thoát vị đùi

  6. Gai khớp gối

  7. Đau khớp khuỷu tay

  8. Co rút Dupuytren

  9. Thoái hóa khớp vai

  10. Chấn thương