Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Xoắn xương đùi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 30/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Xoắn xương đùi là hiện tượng xương đùi bị xoắn vào trong hoặc ra ngoài. Đây là tình trạng không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên nên điều trị sớm để trẻ có hình dạng chân bình thường và thực hiện được các hoạt động sinh hoạt hằng ngày. 

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Xoắn xương đùi là gì?

Xương đùi là xương khỏe nhất và dài nhất trong cơ thể. Xương đùi nằm ở chi dưới, nằm giữa đầu gối và xương chậu hông. Vì xương đùi là xương duy nhất ở đùi nên nó đóng vai trò là điểm gắn kết cho tất cả các cơ tác dụng lực lên khớp hông và khớp gối.

Xoắn xương đùi thường gặp ở trẻ sơ sinh và có thể bao gồm các tình trạng sau:

  • Xoắn xương đùi vào bên trong: 2 đầu gối hướng vào nhau với các ngón chân hướng vào trong.
  • Xoắn xương đùi vào bên ngoài: Đầu gối hướng ngược nhau, các ngón chân hướng ra ngoài.

Trẻ bị xoắn xương đùi vào trong có thể thường xuyên ngồi ở tư thế W (tức là đầu gối khép vào nhau và bàn chân dang rộng) hoặc nằm sấp khi ngủ với hai chân duỗi hoặc gập và xoay vào trong. Những đứa trẻ này có tư thế này vì nó thoải mái hơn. Đến tuổi thiếu niên, xoắn xương đùi vào trong có xu hướng giảm dần xuống khoảng 15° mà không cần can thiệp.

Trẻ bị xoắn xương đùi ra ngoài làm 2 đầu gối của trẻ hướng ngược ra ngoài, các ngón chân cũng ngược ra ngoài. Cần đánh giá kỹ lưỡng (bao gồm chụp X-quang hoặc siêu âm) để tìm trật khớp háng kèm theo. Xoắn xương đùi ra ngoài thường tự khỏi, đặc biệt là sau khi trẻ bắt đầu tập đứng và đi, nhưng cần gặp bác sĩ chỉnh hình khi tình trạng xoắn quá mức vẫn tồn tại sau 8 tuổi.

Xoắn xương đùi xảy ra ở khoảng 10% trẻ em. Tình trạng này có phần phổ biến ở bé gái hơn bé trai. Nó thường ảnh hưởng đến cả hai chân, tuy nhiên cũng có trường hợp chỉ ảnh hưởng đến 1 chân.

Xoắn xương đùi thường không dẫn đến viêm khớp hoặc bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác trong tương lai.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của xoắn xương đùi

Các dấu hiệu xoắn xương đùi thường xuất hiện lần đầu tiên khi trẻ từ 2 đến 4 tuổi, thời điểm mà khả năng xoay vào trong ở chậu hông có xu hướng tăng lên. Tình trạng này trở nên rõ ràng nhất khi trẻ được 5 đến 6 tuổi.

Nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng nào sau đây của bệnh xoắn xương đùi, bạn nên gặp ngay bác sĩ:

  • Bước đi bằng ngón chân;
  • Không thể đi lại với hai chân sát nhau;
  • Chân không thẳng;
  • Vấp ngã thường xuyên;
Xoắn xương đùi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị4
Xoắn xương đùi có thể khiến trẻ dễ vấp ngã

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh xoắn xương đùi

Xoắn xương đùi thường không dẫn đến viêm khớp hoặc bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác trong tương lai. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nặng, xoắn xương đùi gây ra những bất tiện trong sinh hoạt, khó khăn trong đi lại, chân vòng kiềng, dễ té ngã.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng của xoắn xương đùi đặc biệt là bất thường về hình dáng chân, đi lại khó khăn, thường xuyên vấp ngã, hãy liên hệ với bác sĩ để được theo dõi và điều trị phù hợp.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến xoắn xương đùi

Nguyên nhân dẫn đến xoắn xương đùi thường do vị trí của em bé trong tử cung của mẹ. Khi trẻ lớn lên và không gian trong tử cung chật hẹp hơn, xương đùi của trẻ có thể bị xoắn vào trong hoặc ra ngoài. Bệnh này cũng có xu hướng di truyền trong gia đình.

Xoắn xương đùi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Xoắn xương đùi thường do vị trí của em bé trong tử cung của mẹ

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải xoắn xương đùi?

Xoắn xương đùi xảy ra ở khoảng 10% trẻ em. Tình trạng này có phần phổ biến ở bé gái hơn bé trai.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải xoắn xương đùi

Xoắn xương đùi vào trong chủ yếu là do tư thế của trẻ trong tử cung của mẹ, không rõ các yếu tố nguy cơ của tình trạng này. Xoắn xương đùi có thể liên quan đến các tình trạng bệnh lý khác nhau, gồm:

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm xoắn xương đùi

Bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe, khám sức cơ, khám trục chi để chẩn đoán tình trạng xoắn xương đùi. Ngoài ra, bác sĩ sẽ hỏi tiền căn sức khỏe trước khi sinh, khi sinh của mẹ và người thân gia đình bạn.

Bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm để có được hình ảnh chi tiết về xương đùi và khớp háng của trẻ, các xét nghiệm bao gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Chụp CT là xét nghiệm hình ảnh chính được sử dụng để xác nhận chẩn đoán xoắn xương đùi.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI để tạo ra hình ảnh chi tiết về các cơ quan và cấu trúc bên trong cơ thể trẻ.
  • Chụp X-quang: Chụp X-quang để tạo ra hình ảnh của xương. X-quang thường sẽ cho hình ảnh không chi tiết như chụp CT và MRI.

Điều trị xoắn xương đùi

Nội khoa

Các bác sĩ điều trị hầu hết trẻ em bị xoắn xương đùi bằng cách theo dõi chặt chẽ trong vài năm. Đối với hầu hết trẻ em, tình trạng xoắn xương đùi thường tự khỏi theo thời gian. Hầu hết trẻ em đạt được kiểu đi bình thường hoặc gần như bình thường khi chúng được 8 đến 10 tuổi.

Giày chỉnh hình và các bài tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng giúp ích cho cơ chế tự điều chỉnh của xương đùi.

Xoắn xương đùi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị6
Tập vật lý trị liệu với bác sĩ có thể giúp trẻ điều chỉnh xương đùi về bình thường

Ngoại khoa

Trong một số rất ít trường hợp, tình trạng xoắn xương đùi có thể nghiêm trọng và không thể tự điều chỉnh khi trẻ được 8 hoặc 9 tuổi. Đối với trẻ bị xoắn xương đùi nặng, chưa hồi phục ở độ tuổi đó, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật để định vị lại xương đùi trở về bình thường.

Trong quá trình phẫu thuật (được gọi là phẫu thuật cắt bỏ xương đùi), bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt xương đùi, xoay đầu xương đùi trong hốc chậu hông đến vị trí bình thường và gắn lại xương.

Xoắn xương đùi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Xoắn xương đùi nặng gây ảnh hưởng đến vận động của trẻ có thể cần phẫu thuật để điều trị.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của xoắn xương đùi

Chế độ sinh hoạt

Để hạn chế diễn tiến của xoắn xương đùi, các việc bạn có thể làm bao gồm:

  • Theo dõi triệu chứng của trẻ khi đã được chẩn đoán xoắn xương đùi, bao gồm tình trạng trở nên nặng hơn, không cải thiện để có thể đưa trẻ đến gặp bác sĩ kịp thời.
  • Đưa trẻ tái khám đúng hẹn để bác sĩ theo dõi diễn tiến bệnh.
  • Nếu trẻ được điều trị phẫu thuật, tập vật lý trị liệu sau khi phẫu thuật để trẻ có thể đi lại một cách bình thường.

Chế độ dinh dưỡng

Không có chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho trẻ mắc xoắn xương đùi. Nên duy trì một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng đầy đủ sẽ duy trì sức khỏe tốt cho trẻ. Tránh các trường hợp béo phì hoặc suy dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển ở trẻ.

Phòng ngừa xoắn xương đùi

Không có cách để phòng ngừa hiệu quả xoắn xương đùi, vì các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân thường do bẩm sinh hoặc di truyền không thể kiểm soát.

Các câu hỏi thường gặp về xoắn xương đùi

Xoắn xương đùi có phải bệnh di truyền không?

Nguyên nhân dẫn đến xoắn xương đùi thường do vị trí của em bé trong tử cung mẹ. Khi trẻ lớn lên và không gian chật hẹp hơn, xương đùi của trẻ có thể bị xoắn vào trong hoặc ra ngoài. Bệnh này cũng có xu hướng di truyền trong gia đình.

Xoắn xương đùi nghiêm trọng đến mức nào?

Đối với đại đa số trẻ em, tư thế lệch xương đùi là một tình trạng nhỏ có thể tự điều chỉnh ở tuổi thiếu niên. Rất ít trường hợp đau đớn hoặc nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến tính mạng.

Sau khi phẫu thuật xoắn xương đùi, tôi cần làm gì cho con của mình?

Sau khi trẻ được phẫu thuật xoắn xương đùi, bạn cần cho trẻ nghỉ ngơi theo đúng chỉ định của bác sĩ. Việc tập vật lý trị liệu sau phẫu thuật cũng cần thiết để dáng đi của trẻ trở về bình thường. Hãy đưa trẻ đến tập theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và kỹ thuật viên.

Quá trình phục hồi sau phẫu thuật xoắn xương đùi là gì?

Sau phẫu thuật, trẻ có thể sẽ ở lại bệnh viện vài ngày và được cho dùng thuốc giảm đau. Khi về nhà, trẻ sẽ cần hạn chế các hoạt động chịu sức nặng và có thể sử dụng nạng hoặc xe tập đi trong vài tuần. Vật lý trị liệu sẽ giúp phục hồi sức mạnh cơ bắp của trẻ. Họ có thể sẽ tiếp tục các hoạt động thể chất, bao gồm cả thể thao, sau ba hoặc bốn tháng.

Nếu trẻ bị xoắn xương đùi thì sau này trẻ có gặp khó khăn gì không?

Sự tự điều chỉnh của xương đùi có khả năng tự điều chỉnh lên tới 99% các trường hợp. Xoắn xương đùi thường không dẫn đến viêm khớp hoặc bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác trong tương lai.

Tiên lượng cũng rất tốt vời đối với trẻ em mắc bệnh ở dạng nặng cần phẫu thuật. Bản thân cuộc phẫu thuật khá an toàn. Ngoài ra, xương của trẻ em thường lành nhanh hơn và chắc chắn hơn so với người lớn.

Nguồn tham khảo
  1. What is femoral anteversion?: https://www.childrenshospital.org/conditions/femoral-anteversion
  2. Femoral Torsion (Twisting): https://www.msdmanuals.com/professional/pediatrics/congenital-craniofacial-and-musculoskeletal-abnormalities/femoral-torsion-twisting
  3. Femoral Torsion: https://www.msdmanuals.com/home/children-s-health-issues/birth-defects-of-the-face,-bones,-joints,-and-muscles/femoral-torsion
  4. Femoral anteversion: https://radiopaedia.org/articles/femoral-anteversion
  5. Medial Femoral Torsion: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0030589820314954 

Các bệnh liên quan

  1. Hẹp khe khớp háng

  2. Chuột rút co cứng

  3. Bàn chân khoèo

  4. Vẹo xương sống tự phát

  5. Đau bả vai

  6. Thoái hóa khớp ngón tay

  7. U xương sụn

  8. Viêm khớp nhiễm khuẩn sinh mủ

  9. Đau cơ mông

  10. Bướu hoạt dịch cổ tay