Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bế sản dịch sau sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bế sản dịch là tình trạng rất thường gặp ở phụ nữ sau sanh. Các dấu hiệu thường gặp của bế sản dịch như đau bụng, bụng căng tức, sản dịch ra ít, sản dịch có mùi hôi thối. Nếu tình trạng này không được chẩn đoán và xử trí kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sản phụ.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bế sản dịch là gì?

Sau khi người mẹ sinh con dù là sinh mổ hay sinh thường, nhau thai sẽ được bác sĩ sản khoa cắt bỏ, ngay lúc này tử cung của người mẹ sẽ co bóp thành một quả cầu để đề phòng trường hợp tử cung co bóp. Quá trình này sẽ giúp cầm máu sinh lý và hạn chế hiện tượng mất máu sau sinh.

Mỗi ngày tử cung co lại khoảng 1 – 2 cm cho đến khi nằm hoàn toàn trong xương chậu của người mẹ. Song song với quá trình co bóp tử cung, chất dịch từ tử cung sẽ chảy ra ngoài qua âm đạo.

Bế sản dịch (còn được gọi là tắc sản dịch) là hiện tượng sản dịch ứ đọng lại trong tử cung, không thoát ra ngoài được trong thời kỳ hậu sản. Bế sản dịch nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn sau sinh, rối loạn đông cầm máu. Đây là những biến chứng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản sau này của sản phụ.

Sản dịch bao gồm nước ối còn sót lại, mảnh vụn của lớp nội mạc tử cung, máu cục, máu loãng, dịch tiết cổ tử cung, tất cả sẽ thoát ra ngoài qua đường âm đạo. Dù là sinh mổ hay sinh thường, bạn cũng sẽ thoát sản dịch sau khi sinh. Trong 1 - 2 ngày đầu, sản dịch có màu đỏ sẫm. Trong 4 - 8 ngày sau, sản dịch loãng hơn, lơ lơ giống như máu cá. Ngày 8 - 12, sản dịch có chất nhầy và trong. Sản dịch có mùi tanh nồng. Nếu có mùi hôi, sản dịch của bạn có nguy cơ nhiễm khuẩn.

Quá trình thoát sản dịch kéo dài bao lâu tùy thuộc vào cơ địa mỗi người, trung bình khoảng 2 – 6 tuần. Nếu như sau 6 tuần mà sản dịch vẫn còn trong tử cung thì bạn sẽ được chẩn đoán bế sản dịch sau sinh và sẽ được bác sĩ sản khoa tư vấn các phương pháp giúp thoát sản dịch ra ngoài hoàn toàn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bế sản dịch

Những ngày đầu hậu sản, người mẹ sẽ thoát ra một lượng lớn sản dịch, sản dịch có màu đỏ tươi giống kinh nguyệt kèm theo các cục máu đông. Sau khoảng 1 tuần đến 2 tuần, lượng sản dịch giảm dần, loãng hơn. Lượng sản dịch ngày càng ít và có thể hết sạch sau 2 – 4 tuần. Tuy nhiên, một số sản phụ thời gian hết sản dịch có thể kéo dài nhưng tối đa sẽ là 45 ngày sau khi sinh. Đó là biểu hiện ra sản dịch bình thường.

Một số triệu chứng thường gặp của bế sản dịch sau sinh bao gồm:

  • Sản dịch ra ít dù chỉ mới trong 1 tuần đầu hậu sản;
  • Sản dịch có mùi hôi thối;
  • Sốt;
  • Đau tức vùng bụng dưới;.
  • Bụng căng cứng;
  • Cổ tử cung đóng kín;
  • Đau khi khám tử cung.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của bế sản dịch trong giai đoạn hậu sản. Việc phát hiện tình trạng bất thường này sớm sẽ giúp bạn kiểm soát các triệu chứng khó chịu gây ra bởi bế sản dịch và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bế sản dịch

Nguyên nhân bế sản dịch bao gồm:

  • Mổ lấy thai;
  • Chuyển dạ kéo dài;
  • Chế độ chăm sóc hậu sản không đúng.
Bế sản dịch sau sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 4
Các trường hợp mổ lấy thai có thể dẫn đến bế sản dịch

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bế sản dịch

Những đối tượng có nguy cơ mắc bế sản dịch bao gồm:

  • Thai nhi nặng hơn 3,5kg;
  • Đa thai;
  • Đa ối;
  • Di truyền.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bế sản dịch

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bế sản dịch bao gồm:

  • Trương lực cơ tử cung yếu;
  • Mẹ suy kiệt;
  • Mẹ mất máu trong lúc sanh quá nhiều.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bế sản dịch

Bác sĩ có thể biết liệu bạn có tình trạng bế sản dịch không bằng cách khám tổng quát, khám bụng, khám âm đạo và kiểm tra cổ tử cung của bạn xem có đóng kín hay không. Ngoài ra, cần đánh giá kỹ lưỡng để tìm nguyên nhân gây bế sản dịch để có phương pháp can thiệp hợp lý.

Việc chẩn đoán bế sản dịch thường dựa vào khám bệnh và hỏi bệnh sử. Khi bế sản dịch có biến chứng, sản phụ sẽ được bác sĩ chỉ định làm thêm các xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng nhiễm khuẩn cũng như có các rối loạn đông cầm máu kèm theo hay không.

Bế sản dịch sau sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 5
Một số xét nghiệm máu sẽ được thực hiện để kiểm tra tình trạng nhiễm khuẩn

Phương pháp điều trị bế sản dịch

Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng của bế dịch sản sau sinh, bạn cần tới bệnh viện để được bác sĩ sản khoa thăm khám và chỉ định can thiệp phù hợp. Các phương pháp phổ biến mà các bác sĩ sản khoa thường áp dụng để điều trị là:

  • Nong cổ tử cung: Đây là phương pháp đầu tiên để xử trí tình trạng bế sản dịch sau sinh. Bác sĩ sản khoa thực hiện nong cổ tử cung bằng cách đưa dụng cụ chuyên khoa vào tử cung để lấy hết phần dịch ứ đọng bên trong ra ngoài. Việc cần lưu ý là thủ thuật này cần nên được tiến hành tại các cơ sở y tế đảm bảo điều kiện vệ sinh để tránh biến chứng nhiễm trùng về sau.
  • Hút dịch tử cung: Trong phương pháp hút dịch tử cung, bác sĩ cũng sử dụng một dụng cụ chuyên khoa để hút hết sản dịch trong tử cung ra ngoài. Ống hút này cần phải được vô trùng tuyệt đối. Nếu không được vô trùng tuyệt đối, sản phụ sẽ mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này.
  • Dùng thuốc kích thích co bóp tử cung: Vì do tử cung co bóp kém nên gây ra tình trạng bế sản dịch, sản dịch không được thoát ra ngoài. Vì vậy, bác sĩ sản khoa có thể cho can thiệp bằng thuốc giúp kích thích tử cung co bóp mạnh, từ đó tống hết các chất còn sót lại trong tử cung ra ngoài.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bế sản dịch

Chế độ sinh hoạt:

  • Tránh hút thuốc lá.
  • Tránh uống rượu bia.
  • Không được nhịn tiểu.
  • Tập đi tiểu mỗi 2 - 3 giờ.
  • Thay băng vệ sinh mỗi 2 - 3 giờ.
  • Không thụt rửa âm đạo.
  • Tắm bằng vòi sen, không tắm bồn.
  • Không dùng các loại khăn ướt có hóa chất để lau vùng kín.
  • Vệ sinh bộ phận sinh dục bằng nước sạch, hoặc dung dịch vệ sinh phụ nữ, lau khô, sau mỗi lần thay băng.
  • Tránh nằm nhiều, đi lại nhẹ nhàng: Nếu không gặp các vấn đề sức khỏe thì sản phụ chỉ nên nằm nghỉ khoảng 6 – 7 giờ đầu. Vận động nhẹ nhàng là cách giúp thoát sản dịch ra nhanh vô cùng hiệu quả.
  • Cho bé bú sớm: Cho trẻ bú sớm giúp kích thích tử cung co bóp để tống sản dịch ra ngoài.
  • Giảm căng thẳng, chẳng hạn như tập thư giãn, tập thiền, tập hít thở.
  • Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu bế sản dịch hoặc bạn đang lo lắng về bất kỳ triệu chứng của bản thân và em bé.
Bế sản dịch sau sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 6
Cho trẻ bú sớm giúp kích thích cổ tử cung co bóp để tống sản dịch ra ngoài

Chế độ dinh dưỡng:

Hãy liên hệ với chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn thực phẩm nên dùng và nên tránh trong thời kỳ hậu sản của bạn.

Các thực phẩm nên ăn giúp hỗ trợ sản phụ mau phục hồi sức khỏe sau sinh:

  • Ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch, quinoa;
  • Các loại rau lá như rau dền, rau bina và rau cải;
  • Tỏi giúp thúc đẩy sản xuất sữa mẹ;
  • Bột gừng khô giúp ngăn ngừa viêm nhiễm và giảm đầy hơi;
  • Các loại trái cây như cam và đu đủ có hàm lượng Vitamin C cao, giúp chống nhiễm trùng và cải thiện sản xuất sữa mẹ;
  • Các loại rau dễ tiêu hóa và có hàm lượng nước cao như bầu, mướp đắng, bí đỏ;
  • Các loại hạt như hạnh nhân, hạt điều và quả óc chó có nhiều chất dinh dưỡng và là nguồn cung cấp axit béo tốt.

Một số thực phẩm mà các bà mẹ mới sinh nên tránh cho đến khi bình phục hoàn toàn và ngừng cho con bú:

  • Tránh ăn đồ chua, cay trong vài tháng đầu sau sinh;
  • Tránh những đồ ăn vặt như gà rán, pizza, thực phẩm chế biến sẵn, nước ngọt và đồ chiên rán;
  • Đồ uống có chứa caffein như cà phê và trà nên được sử dụng ở mức độ vừa phải.

Phương pháp phòng ngừa bế sản dịch hiệu quả

Để phòng ngừa bế sản dịch hiệu quả bạn cần phải:

  • Cho trẻ bú mẹ sớm;
  • Vệ sinh đúng cách;
  • Mặc trang phục rộng rãi, dễ chịu;
  • Chế độ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng;
  • Vận động nhẹ nhàng, tránh nằm lâu trên giường giúp hỗ trợ tống sản dịch ra ngoài dễ hơn;
  • Gặp ngay bác sĩ nếu bạn phát hiện các dấu hiệu bất thường hoặc bạn đang lo lắng bất cứ điều gì trong quá trình hậu sản và nuôi con.
Bế sản dịch sau sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 7
Cần có chế độ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để phòng ngừa bế sản dịch
Nguồn tham khảo
  1. Labor and delivery, postpartum care: https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/labor-and-delivery/in-depth/postpartum-complications/art-20446702
  2. Overview of Postpartum Care: https://www.msdmanuals.com/home/women-s-health-issues/postpartum-care/overview-of-the-postdelivery-postpartum-period
  3. Postpartum Care of the New Mother: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK565875/
  4. What to Eat After C-Section For Fast Recovery?: https://mylofamily.com/article/what-to-eat-after-c-section-for-fast-recovery-191057
  5. Caring for Your Health After Delivery: https://my.clevelandclinic.org/health/articles/9679-postpartum-care

Các bệnh liên quan

  1. Cơn gò chuyển dạ giả

  2. Loạn sản sợi cơ

  3. Ung thư buồng trứng

  4. Tắc vòi trứng

  5. Lạc nội mạc ở âm hộ

  6. suy thai

  7. Lạc nội mạc tử cung

  8. Nhiễm khuẩn sau sinh

  9. Đa ối

  10. Viêm âm đạo