Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sa tử cung sau sinh là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa sa tử cung sau sinh

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Khi các cơ và dây chằng sàn chậu bị giãn và yếu đến mức không thể hỗ trợ cho tử cung nữa thì có thể dẫn đến sa tử cung. Hậu quả là tử cung tụt xuống âm đạo hoặc nhô ra ngoài. Trong hầu hết các trường hợp sa tử cung sau sinh nhẹ không nhất thiết phải điều trị. Tuy nhiên, việc điều trị có thể có lợi cho những trường hợp sa tử cung gây khó chịu hoặc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Sa tử cung sau sinh là một trong những bệnh thuộc nhóm bệnh sa cơ quan vùng chậu.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Sa tử cung sau sinh là gì?

Sa tử cung xảy ra khi các cơ và dây chằng sàn chậu yếu đi và không thể nâng đỡ cho tử cung được nữa. Điều này khiến cho tử cung tụt xuống âm đạo hoặc nhô ra ngoài âm đạo. Tính nghiêm trọng của bệnh có thể khác nhau từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào mức độ sa xuống của tử cung.

Sa cơ quan vùng chậu thường được phân loại theo các giai đoạn, từ 0 đến 4:

  • Giai đoạn 0: Không có tình trạng sa tử cung, các cơ quan vùng chậu được hỗ trợ tốt.
  • Giai đoạn 1: Cơ quan vùng chậu (ví dụ cổ tử cung) bắt đầu tụt xuống âm đạo.
  • Giai đoạn 2: Cơ quan vùng chậu đã tụt xuống ngay bên trong lỗ âm đạo.
  • Giai đoạn 3: Cơ quan vùng chậu nằm ngoài cửa âm đạo.
  • Giai đoạn 4: Toàn bộ cơ quan nằm ngoài âm đạo, còn được gọi là chứng Procidentia, nguyên nhân là do tất cả các cơ nâng đỡ của sàn chậu bị yếu.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của sa tử cung sau sinh

Sa tử cung nhẹ có thể không gây ra triệu chứng. Trên thực tế, trong nhiều trường hợp bác sĩ có thể phát hiện ra sa tử cung khi bạn đến khám phụ khoa định kỳ. Nếu bạn có các triệu chứng, chúng có thể bao gồm:

  • Cảm giác căng tức hoặc căng phồng lên ở vùng chậu (nhiều phụ nữ mô tả cảm giác như ngồi trên một quả bóng nhỏ);
  • Cảm thấy có thứ gì đó rơi ra khỏi âm đạo của bạn;
  • Khó khăn khi đi tiểu hoặc đại tiện;
  • Táo bón mạn tính;
  • Đau thắt lưng;
  • Đau khi quan hệ tình dục và/hoặc chảy máu khi giao hợp;
  • Khó chịu khi bước đi.

Các triệu chứng thường trở nên nặng hơn khi đứng, nhảy hoặc nâng vật nặng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Các trường hợp sa tử cung sau sinh nặng có thể gây tổn hại nặng nề cho phụ nữ. Sa tử cung có thể khiến việc giao hợp trở nên khó khăn hoặc không thể thực hiện được và có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, đau đớn, bao gồm cả cảm giác xấu hổ.

Nếu bạn đã sinh con qua đường âm đạo một hoặc nhiều lần và cảm thấy các triệu chứng như trên, bạn nên đến gặp bác sĩ phụ khoa để được thăm khám và tư vấn ngay lập tức.

Sa TC sau sinh 2.jpeg
Cảm thấy có thứ gì đó rơi ra khỏi âm đạo là triệu chứng của sa tử cung

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến sa tử cung sau sinh

Các tình trạng sau đây có thể gây ra sa tử cung:

  • Mang thai và sinh con qua đường âm đạo;
  • Mất trương lực cơ và/hoặc suy giảm estrogen tự nhiên sau mãn kinh;
  • Ho mạn tính (ví dụ do hen suyễn hoặc viêm phế quản), dẫn đến tăng áp lực ổ bụng;
  • Thừa cân hoặc béo phì, tạo thêm áp lực cho cơ vùng chậu;
  • Phẫu thuật lớn ở vùng xương chậu, có thể gây suy yếu cho các mô cơ ở vùng này;
  • Hút thuốc lá có thể làm tổn thương các mô và dẫn đến ho mạn tính;
  • Khiêng vác vật nặng quá mức/không đúng cách, tạo ra áp lực trong ổ bụng.
Sa TC sau sinh 4.jpeg
Ho mạn tính có thể là nguyên nhân gây sa tử cung sau sinh

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải sa tử cung sau sinh?

Một số yếu tố nguy cơ gây sa tử cung, bao gồm:

  • Sinh con to;
  • Béo phì;
  • Là người gốc Tây Ban Nha hoặc người da trắng;
  • Thường xuyên rặn khi đi đại tiện;
  • Tiền sử gia đình có người thân bị yếu mô liên kết.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải sa tử cung sau sinh

  • Phụ nữ mang thai và sinh con qua đường âm đạo.
  • Người thừa cân béo phì.
  • Khiêng vác vật nặng quá mức/không đúng cách, tạo ra áp lực trong ổ bụng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sa tử cung sau sinh

Bác sĩ có thể chẩn đoán sa tử cung sau sinh bằng cách khai thác tiền căn, bệnh sử và thăm khám thực thể vùng chậu.

  • Bác sĩ có thể thăm khám bạn ở tư thế đứng và nằm, đồng thời yêu cầu bạn ho hoặc rặn để tăng áp lực trong ổ bụng.
  • Tuỳ vào tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể đề nghị thêm một số cận lâm sàng như chụp thận tĩnh mạch (IVP) hoặc siêu âm bụng.
  • Siêu âm phụ khoa có thể được sử dụng để loại trừ các vấn đề khác ở vùng chậu.
  • Chụp cộng hưởng từ vùng chậu (MRI) đôi khi được thực hiện nếu bạn có nhiều hơn một cơ quan bị sa hoặc để giúp lập kế hoạch điều trị phẫu thuật.
Sa TC sau sinh 5.jpeg
Siêu âm phụ khoa giúp hỗ trợ chẩn đoán sa tử cung sau sinh

Phương pháp điều trị sa tử cung sau sinh hiệu quả

Những trường hợp sa tử cung nhẹ sau khi sinh con thường có thể được phục hồi bằng cách tập vật lý trị liệu và rèn luyện thể chất thường xuyên. Khi các biện pháp bảo tồn này không hiệu quả, việc sử dụng các thiết bị hỗ trợ hoặc phẫu thuật có thể được đề nghị.

Các phương pháp điều trị không phẫu thuật có thể bao gồm:

  • Bài tập Kegel giúp tăng cường sức cơ sàn chậu;
  • Liệu pháp thay thế estrogen;
  • Đeo vòng nâng, một thiết bị được đưa vào âm đạo giúp đẩy tử cung lên và cố định chúng;
  • Tránh nâng vác vật nặng;
  • Kiểm soát cơn ho mạn tính.

Phương pháp điều trị phẫu thuật có thể bao gồm:

  • Cắt tử cung, việc lựa chọn phương pháp điều trị này sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng sa tử cung, tiền căn của bạn và liệu bạn có dự định sinh con trong tương lai hay không. Ngoài ra còn có những cân nhắc khác, bao gồm những thay đổi nội tiết tố có thể xảy ra sau khi cắt bỏ tử cung. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn về những ưu và nhược điểm của việc điều trị bằng phương pháp cắt bỏ tử cung.
  • Cố định tử cung, bác sĩ phẫu thuật sẽ di chuyển tử cung trở lại vị trí ban đầu bằng cách sử dụng các thiết bị cố định hoặc sửa chữa dây chằng.
Sa TC sau sinh 6.jpeg
Phẫu thuật cắt bỏ tử cung có thể được chỉ định khi các phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của sa tử cung sau sinh

Cho dù bạn có gặp các triệu chứng của sa tử cung hay không, điều quan trọng là phải bảo vệ cơ sàn chậu để đảm bảo trường hợp sa nhẹ không trở nên tồi tệ hơn. Sau đây là những gì bạn có thể làm:

Chế độ sinh hoạt:

Tập bài tập Kegel:

Đây là một trong những cách quan trọng nhất để tăng cường sức cơ sàn chậu của bạn. Cách thực hiện bài tập Kegel:

Bước 1: Tìm nhóm cơ phù hợp. Xác định các cơ sàn chậu của bạn bằng cách co cơ để ngừng dòng nước tiểu giữa dòng và siết chặt cơ hậu môn. Nếu bạn có thể thực hiện thành công điều này thì bạn đã xác định đúng nhóm cơ.

Bước 2: Chuẩn bị tư thế. Bạn có thể thực hiện các bài tập Kegel khi đứng, ngồi hoặc nằm. Nhiều người cảm thấy tư thế để thực hiện dễ nhất là nằm xuống.

Bước 3: Tập trung. Siết chặt, chỉ siết chặt các cơ sàn chậu và tránh co cơ bụng, đùi hoặc mông. Khi thực hiện đừng nín thở, hãy thở tự nhiên.

Bước 4: Lặp lại. Mục tiêu là lặp lại các động tác như trên 10 lần, một ngày tập 3 cử. Hãy thử tập Kegel khi bạn mới thức dậy, trong giờ nghỉ hoặc bữa trưa tại nơi làm việc và khi đang nằm trên giường vào ban đêm.

Kiểm soát táo bón:

Căng cơ nhiều lần hoặc thậm chí chỉ một lần căng cơ quá mức cũng có thể làm tổn thương cơ sàn chậu. Kiểm soát tình trạng táo bón bằng cách bổ sung nhiều chất xơ vào chế độ ăn uống và sử dụng thuốc nhuận tràng nhẹ hoặc thuốc xổ khi cần thiết. 

Nếu bạn đã thử mọi cách mà vẫn gặp vấn đề với táo bón mạn tính, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị sớm.

Thực hiện đúng kỹ thuật và tư thế khi đi đại tiện: 

Ngồi xổm, mở đại tràng để cho phép việc thải phân dễ dàng hơn. Một chiếc ghế đẩu đơn giản mà bạn kê chân lên khi ngồi trên bồn cầu có thể giúp bạn vào tư thế lý tưởng để đi đại tiện dễ dàng hơn.

Quản lý cân nặng của bạn: 

Thừa cân sẽ gây tăng áp lực cho cơ sàn chậu, điều này có thể làm suy yếu các cơ theo thời gian.

Tập thể dục thường xuyên: 

Mặc dù điều quan trọng là tránh các bài tập gây căng quá mức cho sàn chậu, chẳng hạn như các bài tập cường độ cao, rèn luyện sức mạnh với tạ nặng và chạy nhanh, nhưng việc tập thể dục rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể nói chung. 

Tập thể dục vừa phải giúp trương lực cơ tốt và hỗ trợ sức khoẻ cốt lõi có thể làm giảm nguy cơ mắc chứng sa tử cung sau sinh. Hãy trao đổi với bác sĩ về những bài tập an toàn cho cơ sàn chậu của bạn.

Sa TC sau sinh 7.jpeg
Tư thế đúng khi đi đại tiện

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ ăn an toàn, thực phẩm lành mạnh với nhiều chất xơ có thể giúp bạn khỏe mạnh và ngăn ngừa táo bón.

Phương pháp phòng ngừa sa tử cung sau sinh hiệu quả

Mặc dù không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa được tình trạng sa tử cung sau sinh nhưng có một số điều phụ nữ có thể làm để kiểm soát nguy cơ phát triển tình trạng này, bao gồm:

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh;
  • Thực hiện các bài tập tăng cường sức cơ sàn chậu thường xuyên;
  • Tránh khiêng vác vật nặng;
  • Điều trị bệnh gây ho mạn tính;
  • Uống đủ nước mỗi ngày;
  • Tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ, bao gồm trái cây, rau và ngũ cốc;
  • Giảm cân nếu thừa cân;
  • Không hút thuốc lá.
Nguồn tham khảo
  1. Prolapsed Uterus After Childbirth: What You Need to Know: https://www.crystalrunhealthcare.com/articles/prolapsed-uterus-after-childbirth-what-you-need-know
  2. How common is uterine prolapse after pregnancy?: https://www.heterohealthcare.com/blog/how-common-is-uterine-prolapse-after-pregnancy
  3. Prolapsed Uterus: https://www.webmd.com/women/prolapsed-uterus
  4. Is Uterine Prolapse Common After Giving Birth?: https://www.lasvegasgynsurgery.com/blog/is-uterine-prolapse-common-after-giving-birth
  5. Your experiences: pelvic organ prolapse after birth: https://www.nct.org.uk/life-parent/your-body-after-birth/your-experiences-pelvic-organ-prolapse-after-birth

Các bệnh liên quan

  1. Mãn kinh nữ

  2. Sa tử cung khi mang thai

  3. Ung thư buồng trứng

  4. Ứ dịch vòi trứng

  5. Mất kinh

  6. Nang vú

  7. Nhiễm khuẩn sau sinh

  8. Rối loạn phóng noãn

  9. Nhiễm trùng ối

  10. Viêm cổ tử cung