Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm bàng quang mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm bàng quang mạn tính (hay còn gọi là viêm bàng quang kẽ) có thể mang đến cảm giác đau đớn, nóng rát và khó chịu vùng bàng quang, khiến người bệnh phải thường xuyên đi tiểu. Đây là một trong những bệnh lý khá khó chẩn đoán và cần phối hợp đa mô thức trong việc điều trị.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm bàng quang mạn tính là gì?

Viêm bàng quang mạn tính (hay còn gọi là viêm bàng quang kẽ, hội chứng đau bàng quang) là một bệnh lý phức tạp, với nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng. Viêm bàng quang mạn tính dẫn đến đau vùng bụng chậu và các vấn đề rối loạn tiểu tiện.

Trong khi nhiễm trùng đường tiết niệu thường do vi khuẩn gây ra và có thể điều trị với kháng sinh, thì viêm bàng quang mạn tính lại khác ở chỗ khó chẩn đoán và điều trị hơn. Bệnh lý này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. 

Các nghiên cứu cho thấy rằng chất lượng cuộc sống của người bệnh mắc bệnh viêm bàng quang mạn tính có thể so sánh với việc phải chạy thận nhân tạo hoặc bị những cơn đau mạn tính do ung thư. Bệnh lý này có thể khiến một người đi tiểu hơn 50 lần mỗi ngày, điều này có thể gây đau đớn, khó chịu và làm thay đổi đáng kể các hoạt động hàng ngày của một người.

Triệu chứng

Dấu hiệu và triệu chứng của viêm bàng quang mạn tính

Các triệu chứng của viêm bàng quang mạn tính thường khác nhau ở từng cá nhân. Tình trạng bệnh có thể diễn tiến theo thời gian, khởi phát có tính chu kỳ, trầm trọng hơn khi người bệnh có các tác nhân khác cộng gộp như hành kinh, ngồi lâu, tâm lý căng thẳng, hoạt động tình dục, ăn uống một số loại thực phẩm gây kích ứng bàng quang,... Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Đau vùng hạ vị (vùng bụng dưới), vùng khung chậu hoặc vùng giữa âm đạo và hậu môn ở phụ nữ;
  • Đau vùng hạ vị hoặc giữa bìu và hậu môn ở nam giới;
  • Cảm giác căng tức nặng bàng quang như có vật gì đè ép;
  • Đi tiểu nhiều lần, suốt cả ngày lẫn đêm;
  • Đau rát niệu đạo khi đi tiểu;
  • Sốt nhẹ;
  • Nước tiểu có thể đục hoặc có máu;
  • Đau khi quan hệ tình dục.
Viêm bàng quang mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa 2
Đau hạ vị trong viêm bàng quang mạn tính

Biến chứng của viêm bàng quang mạn tính

Viêm bàng quang mạn tính có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

  • Tăng hoạt động bàng quang quá mức;
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng bàng quang cấp tính;
  • Xơ cứng bàng quang;
  • Giảm khả năng lưu trữ nước tiểu của bàng quang;
  • Ảnh hưởng đến công việc, giấc ngủ và các mối quan hệ xã hội. Có thể dẫn đến nguy cơ rối loạn lo âu, trầm cảm.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn đang có những triệu chứng của viêm bàng quang mạn tính, bạn hãy đến khám tại các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chẩn đoán sớm tình trạng bệnh. Trong trường hợp bạn đang điều trị bệnh và theo dõi thấy các triệu chứng nghiêm trọng hơn và quá trình điều trị không đáp ứng, hãy tái khám để được bác sĩ điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm bàng quang mạn tính

Cho đến hiện nay, các chuyên gia y tế vẫn chưa tìm ra chính xác nguyên nhân gây viêm bàng quang mạn tính. Một số nguyên nhân có thể bao gồm:

  • Một khiếm khuyết trong cấu tạo của mô bàng quang: Khiếm khuyết này có thể khiến các chất có trong nước tiểu làm kích thích và suy yếu mô, có thể gây loét niêm mạc bàng quang.
  • Quá trình bài tiết nước tiểu của một số người bệnh có chất gì đó trong nước tiểu làm tổn thương bàng quang.
  • Một loại tế bào viêm được gọi là tế bào mast, có thể được phát hiện trong bàng quang bị viêm. Tế bào này sẽ gây ra phản ứng dị ứng có thể dẫn đến các triệu chứng của viêm bàng quang mạn tính.
  • Những tổn thương dây thần kinh chi phối cho vận động và cảm giác của bàng quang xảy ra. Điều này có thể gây đau đối với những sự việc sinh lý thông thường không gây đau (ví dụ như bàng quang đầy khi chứa nước tiểu).
  • Hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công bàng quang trong các bệnh lý tự miễn dịch. Điều này tương tự như các tình trạng tự miễn dịch khác.

Một số loại thực phẩm có khả năng kích thích bàng quang khiến triệu chứng bệnh trở nên trầm trọng hơn như:

  • Trái cây họ cam quýt;
  • Cà chua;
  • Sô cô la;
  • Cà phê;
  • Thực phẩm giàu kali;
  • Đồ uống có cồn;
  • Đồ uống có gas;
  • Thức ăn cay nóng.
Viêm bàng quang mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa 3
Thực phẩm nhiều acid có thể làm trầm trọng hơn triệu chứng viêm bàng quang mạn tính

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm bàng quang mạn tính?

Một số đối tượng có nguy cơ mắc phải viêm bàng quang mạn tính có thể kể đến như:

  • Phụ nữ có tỉ lệ mắc viêm bàng quang mạn tính cao hơn nam giới. Khoảng 3-6% phụ nữ ở Mỹ mắc bệnh này, tương đương với khoảng 3 đến 8 triệu phụ nữ.
  • Hầu hết người bệnh viêm bàng quang mạn tính thường được chẩn đoán trong độ tuổi từ 30 tuổi trở lên.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm bàng quang mạn tính

Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm bàng quang mạn tính:

  • Tiền căn gia đình có người mắc viêm bàng quang mạn tính làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.
  • Tiền căn bản thân có bệnh lý tự miễn dịch, nhiễm trùng bàng quang, dị ứng hoặc chấn thương bàng quang trước đó.
Viêm bàng quang mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa 4
Phụ nữ có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm bàng quang mạn tính

Phương pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán viêm bàng quang mạn tính, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn mô tả các triệu chứng bất thường mà bạn hiện có và cảm giác đau vùng bàng quang của bạn. Việc ghi nhận lại lượng nước xuất nhập trong một ngày cũng rất quan trọng. Ngoài ra, bác sĩ sẽ thăm khám vùng bụng và vùng tầng sinh môn, việc này giúp chẩn đoán bệnh và loại trừ một số nguyên nhân khác gây tình trạng đau và rối loạn tiểu tiện tương tự.

Các xét nghiệm chẩn đoán

Một số xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh bao gồm:

  • Tổng phân tích nước tiểu để theo dõi các chất trong nước tiểu và các tế bào (nếu có), soi cặn lắng.
  • Cấy nước tiểu để tìm kiếm sự hiện diện của vi khuẩn.
  • Nội soi bàng quang: Sử dụng một ống mỏng có camera đưa qua niệu đạo để kiểm tra cấu trúc của bàng quang và các bộ phận khác của đường niệu. Bác sĩ có thể bơm chất lỏng vào bàng quang để đo dung tích bàng quang của bạn.
  • Sinh thiết bàng quang: Bác sĩ có thể lấy một mẫu mô từ bàng quang và tiến hành làm giải phẫu bệnh để kiểm tra các bất thường như ung thư bàng quang hoặc các nguyên nhân khác gây đau bàng quang.
  • Kiểm tra dịch tiết tuyến tiền liệt (ở nam giới): Kiểm tra tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng tuyến tiền liệt.
Viêm bàng quang mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa 5
Hình ảnh nội soi bàng quang trong viêm bàng quang mạn tính

Điều trị viêm bàng quang mạn tính

Hiện nay, không có phương pháp đơn trị liệu nào giúp điều trị hoàn toàn viêm bàng quang mạn tính. Bác sĩ có thể phối hợp đa mô thức cho từng cá nhân để tìm ra chiến lược điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh.

Vật lý trị liệu

Bác sĩ Vật lý trị liệu sẽ tiến hành xây dựng bài tập giúp giãn cơ vùng chậu, từ đó giảm các cơn đau bàng quang do viêm bàng quang mạn tính.

Liệu pháp tăng dung tích bàng quang cũng giúp ngăn chặn các tín hiệu đau từ bàng quang về thần kinh trung ương, giúp bạn cải thiện tình trạng đau bàng quang.

Kích thích thần kinh

Kích thích thần kinh với dòng điện qua da (TENS): Các xung điện nhẹ được dẫn truyền qua da trong vài phút đến vài giờ, có thể áp dụng 2 lần/ngày, làm giảm đau vùng chậu và làm giảm tần suất đi tiểu, làm tăng lưu lượng máu đến bàng quang.

Thuốc tiêm vào bàng quang

Bác sĩ có thể điều trị bằng dimethyl sulfoxide hàng tuần bằng cách tiêm thuốc này vào bàng quang. Phương pháp này giúp luyện tập khả năng chứa đầy và giữ nước tiểu trong bàng quang của bạn.

Tiêm botox

Tiêm Botox vào mô bàng quang được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng. Với liều nhỏ, Botox sẽ làm tê liệt cơ. Khi tiêm vào cơ bàng quang, nó có thể làm giảm cơn đau do viêm bàng quang mạn tính. Bác sĩ sẽ theo dõi sau tiêm để đảm bảo bàng quang vẫn hoạt động tốt. Một tác dụng phụ có thể mắc phải là bí tiểu. Botox có thể hết tác dụng sau một khoảng thời gian và bạn có thể cần điều trị lại từ sáu đến chín tháng sau lần tiêm đầu tiên.

Phẫu thuật

Phẫu thuật hiếm khi được lựa chọn để điều trị viêm bàng quang mạn tính. Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần bàng quang có thể được thực hiện trong những trường hợp nặng nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.

Thuốc uống

Một số loại thuốc uống có thể cải thiện tình trạng viêm bàng quang mạn tính, bao gồm:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), chẳng hạn như ibuprofen hoặc naproxen.
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng giúp bàng quang cũng như tinh thần người bệnh thư giãn hơn.
  • Thuốc kháng histamine làm giảm tình trạng tiểu nhiều lần cũng như làm giảm các triệu chứng khác của bệnh.
  • Pentosan polysulfate natri giúp phục hồi niêm mạc bàng quang, giúp bảo vệ thành bàng quang với các chất kích ứng có trong nước tiểu. Thuốc này đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để điều trị viêm bàng quang mạn tính.
Viêm bàng quang mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa 6
Thuốc chống viêm không steroid giúp điều trị triệu chứng viêm bàng quang mạn tính

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm bàng quang mạn tính

Chế độ sinh hoạt:

Một số thói quen sinh hoạt cần lưu ý nếu bạn đang gặp phải bệnh lý viêm bàng quang kẽ:

  • Không hút thuốc lá (chủ động và thụ động): Nhiều người bệnh viêm bàng quang mạn tính cho thấy rằng hút thuốc làm cho các triệu chứng của họ trở nên tồi tệ hơn.
  • Luyện tập thể dục: Tập thể dục giúp bạn giảm tần suất của các triệu chứng viêm bàng quang mạn tính. Yoga là một trong những phương pháp được chứng minh có hiệu quả thư giãn bàng quang và giảm tần suất đau hạ vị.
  • Giảm căng thẳng tâm lý: Cơn đau do viêm bàng quang mạn tính có thể nặng hơn nếu bạn căng thẳng.
  • Rèn luyện sức chứa của bàng quang: Phương pháp này có thể cải thiện được tần suất đi tiểu của bạn.
  • Mặc các loại quần áo thoáng mát, mỏng nhẹ.
  • Tắm nước ấm giúp vùng bụng chậu được thư giãn.
Viêm bàng quang mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa 7
Luyện tập thể dục giúp hỗ trợ điều trị viêm bàng quang mạn tính

Chế độ dinh dưỡng:

Điều chỉnh chế độ ăn uống cũng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh viêm bàng quang mạn tính. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có tới 90% số người bị viêm bàng quang mạn tính nhạy cảm với nhiều loại thức ăn và đồ uống.

Thông thường, các bác sĩ khuyên bạn nên tránh tiêu thụ một số loại thực phẩm có tính acid (ví dụ như trái cây họ cam quýt, cà chua), thực phẩm cay, nóng, cà phê, trà, rượu, đồ uống có gas, chất làm ngọt nhân tạo và vitamin C. Điều này đã được chứng minh là làm giảm các triệu chứng của viêm bàng quang mạn tính.

Phương pháp phòng ngừa viêm bàng quang mạn tính hiệu quả

Phòng ngừa viêm bàng quang mạn tính vẫn còn là một thách thức trong y khoa. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng một số phương pháp sau giúp bạn có một bàng quang khỏe mạnh:

  • Tránh khói thuốc lá;
  • Tăng cường luyện tập thể dục thể thao, đặc biệt là các bài tập vùng tầng sinh môn.
  • Giảm tiêu thụ các loại thực phẩm kích thích bàng quang như đồ uống có cồn, đồ uống có gas, thực phẩm nhiều acid,...
  • Lựa chọn các loại quần áo thoải mái, tránh ôm sát vùng bụng.
  • Điều trị triệt để các bệnh lý nhiễm trùng đường niệu dục.
Nguồn tham khảo
  1. What is Chronic Cystitis?: https://www.news-medical.net/health/What-is-Chronic-Cystitis.aspx
  2. What Is Chronic Cystitis and What Can Be Done About It?: https://www.healthline.com/health/chronic-cystitis
  3. Abdel Magied MH, Badreldin AM, Leslie SW. Cystitis Cystica. 2023 Jul 4. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2023 Jan–. PMID: 35881730.
  4. Bosch PC, Bosch DC. Treating interstitial cystitis/bladder pain syndrome as a chronic disease. Rev Urol. 2014;16(2):83-7. PMID: 25009448; PMCID: PMC4080853
  5. Jhang JF, Jiang YH, Kuo HC. Current Understanding of the Pathophysiology and Novel Treatments of Interstitial Cystitis/Bladder Pain Syndrome. Biomedicines. 2022 Sep 23;10(10):2380. doi: 10.3390/biomedicines10102380.

Các bệnh liên quan

  1. Viêm đài bể thận

  2. Bệnh cầu thận

  3. Hội chứng thận hư bẩm sinh

  4. Chấn thương niệu đạo

  5. Bệnh thận do HIV

  6. Bệnh nang tủy thận

  7. Đạm niệu

  8. Viêm cầu thận cấp

  9. Viêm tuyến tiền liệt

  10. Nước tiểu vàng