Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hẹp động mạch thận là gì? Những điều cần biết về hẹp động mạch thận

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hẹp động mạch thận là tình trạng mà một hoặc cả hai động mạch thận bị hẹp. Đây là nguyên nhân chính gây ra tăng huyết áp và theo một số báo cáo, hẹp động mạch thận là nguyên nhân gây tăng huyết áp ở 1 - 10% trong số 50 triệu người ở Hoa Kỳ. Xơ vữa động mạch hoặc loạn sản xơ cơ (fibromuscular dysplasia) thường gây ra bệnh lý này. Các biến chứng của hẹp động mạch thận là bệnh thận mạn và bệnh thận giai đoạn cuối.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hẹp động mạch thận là gì?

Hẹp động mạch thận là tình trạng mà động mạch cung cấp máu cho thận bị thu hẹp (một hoặc cả hai động mạch). Thường gặp nhất ở người lớn tuổi bị xơ vữa động mạch, hẹp động mạch thận có thể trầm trọng hơn theo thời gian và thường dẫn đến tăng huyết áp và tổn thương thận.

Khi động mạch thận bị hẹp, máu cung cấp đến thận sẽ ít hơn bình thường khiến hiểu nhầm rằng cơ thể đang bị huyết áp thấp. Điều này tạo tín hiệu giải phóng hormone từ thận dẫn đến tăng huyết áp. Theo thời gian, hẹp động mạch thận có thể dẫn đến suy thận.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hẹp động mạch thận

Hẹp động mạch thận thường không gây ra bất kỳ triệu chứng cụ thể nào. Đôi khi, dấu hiệu đầu tiên của hẹp động mạch thận là tăng huyết áp khó kiểm soát, cùng với tình trạng tăng huyết áp đã được điều trị và kiểm soát tốt trước đây đột nhiên trở nên khó kiểm soát, hoặc tăng huyết áp gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ để được tầm soát hẹp động mạch thận nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào nêu trên.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hẹp động mạch thận

Có hai nguyên nhân chính gây hẹp động mạch thận một bên là:

Xơ vữa động mạch (60% đến 90%): Xơ vữa động mạch chủ yếu ảnh hưởng đến người bệnh là nam giới trên 45 tuổi và thường liên quan đến van động mạch chủ hoặc đoạn gần 2 cm của động mạch thận. Hẹp động mạch thận thường gặp ở những người bệnh bị xơ vữa động mạch, tuy nhiên, cũng có thể xảy ra như một tổn thương thận đơn độc. Bất kỳ động mạch thận nào (xảy ra ở 14% đến 28%) đều có thể bị ảnh hưởng. Các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch bao gồm rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, nhiễm virus, tổn thương miễn dịch và tăng homocysteine.

Loạn sản xơ cơ (10% đến 30%): Ngược lại với xơ vữa động mạch, loạn sản xơ cơ thường ảnh hưởng đến phụ nữ dưới 50 tuổi và thường liên quan đến động mạch thận đoạn chính giữa và xa hoặc các nhánh trong thận.

Các nguyên nhân ít phổ biến khác (dưới 10%): Bao gồm bệnh huyết khối, bóc tách động mạch, phình động mạch chủ bụng dưới thận, viêm mạch máu (viêm động mạch Takayasu, bệnh Buerger, viêm nút quanh động mạch, sau xạ trị), u sợi thần kinh tuýp 1, xơ hóa sau phúc mạc.

Hẹp động mạch thận là gì? Những điều cần biết về hẹp động mạch thận 4.png
Xơ vữa động mạch là nguyên nhân thường gặp gây hẹp động mạch thận

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải hẹp động mạch thận?

Tỷ lệ hẹp động mạch thận ít hơn 1% ở những người bệnh tăng huyết áp nhẹ nhưng có thể tăng lên từ 10% đến 40% ở những người bệnh tăng huyết áp cấp tính (ngay cả khi có bệnh nền tăng huyết áp trước đó), nặng hoặc dai dẳng. Một số nghiên cứu báo cáo tỷ lệ hẹp một bên (so với hẹp hai bên) khoảng từ 53% đến 80%.

Các nghiên cứu cho thấy bệnh thận thiếu máu cục bộ có thể là nguyên nhân gây ra 5% đến 22% bệnh thận tiến triển ở tất cả người bệnh trên 50 tuổi. Người bệnh mắc chứng loạn sản xơ cơ có tổn thương động mạch thận trong khoảng 75% đến 80% trường hợp. Khoảng 2/3 số người bệnh có tổn thương nhiều động mạch thận. Chứng loạn sản xơ cơ phổ biến ở nữ giới hơn nam giới.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hẹp động mạch thận

Hẹp động mạch thận thường được phát hiện một cách tình cờ ở những người bệnh khi được làm các xét nghiệm vì một lý do khác. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Tuổi lớn;
  • Giới tính nữ;
  • Bệnh tăng huyết áp;
  • Có bệnh mạch máu khác (chẳng hạn như bệnh mạch vành và bệnh động mạch ngoại biên);
  • Bệnh thận mạn;
  • Bệnh đái tháo đường;
  • Hút thuốc lá;
  • Có mức cholesterol cao bất thường.
Hẹp động mạch thận là gì? Những điều cần biết về hẹp động mạch thận 5.png
Đái tháo đường là yếu tố nguy cơ của bệnh hẹp động mạch thận

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm hẹp động mạch thận

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị hẹp động mạch thận, họ có thể đề nghị các xét nghiệm để xác định chẩn đoán hoặc loại trừ. Bao gồm:

  • Xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu để đánh giá chức năng thận.
  • Siêu âm thận, để quan sát kích thước và cấu trúc của thận.
  • Siêu âm Doppler động mạch thận.
  • Chụp cộng hưởng từ mạch máu và chụp cắt lớp vi tính mạch máu.

Điều trị hẹp động mạch thận

Nội khoa

Điều trị ban đầu cho bệnh hẹp động mạch thận thường là dùng thuốc. Để kiểm soát huyết áp do hẹp động mạch thận, có thể cần phải dùng ba loại thuốc khác nhau trở lên. Người bệnh cũng có thể được đề nghị dùng một số loại thuốc khác, chẳng hạn như thuốc điều trị rối loạn mỡ máu và chống kết tập tiểu cầu.

Ngoại khoa

Đối với một số trường hợp, có thể được chỉ định can thiệp như nong mạch, thường bằng đặt stent hoặc phẫu thuật. Với nong mạch, một loại ống thông (catheter) được đưa vào cơ thể qua mạch máu và đi đến động mạch thận bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn. Một quả bóng trên ống thông được bơm căng lên để nông rộng phần bên trong động mạch. Sau đó có thể đặt stent để giữ cho khu vực này luôn thông.

Phẫu thuật để bắc cầu phần bị thu hẹp (hoặc tắc nghẽn) của động mạch và/hoặc cắt bỏ một quả thận không hoạt động có thể cần thiết đối với một số bệnh nhân. Nhưng phương pháp này thường ít được thực hiện.

Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh hẹp động mạch thận, điều quan trọng là phải thảo luận về những rủi ro của các phương pháp điều trị với bác sĩ. Tác dụng phụ của thuốc huyết áp có thể bao gồm chóng mặt, các vấn đề về tình dục, đau đầu và ho. Các biến chứng của nong mạch bao gồm bầm tím, chảy máu, tổn thương thêm ở thận...

Hẹp động mạch thận là gì? Những điều cần biết về hẹp động mạch thận 6.png
Đặt stent trong điều trị hẹp động mạch thận

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hẹp động mạch thận

Bác sĩ điều trị của bạn có thể sẽ đề xuất nhiều biện pháp thay đổi lối sống để giúp kiểm soát bệnh hẹp động mạch thận và giảm huyết áp, bao gồm:

Chế độ sinh hoạt:

  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Giảm cân nếu bạn thừa cân hoặc béo phì.
  • Không hút thuốc lá.
  • Kiểm soát căng thẳng.
  • Tuân thủ điều trị, tuân thủ đúng liều thuốc và lịch tái khám. Không ngừng hoặc thay đổi thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Hạn chế natri (muối), tránh thức ăn chứa nhiều muối như thức ăn chế biến sẵn, thực phẩm nhanh, gia vị có nồng độ muối cao và các loại mỳ ăn liền.
  • Giảm tiêu thụ chất béo bão hòa và cholesterol. Hạn chế thịt đỏ, đồ ngọt và thực phẩm chứa chất béo bão hòa và cholesterol cao.
  • Chất xơ có thể giúp kiểm soát huyết áp và cải thiện chức năng tiêu hóa. Tiêu thụ rau quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, đậu và hạt như đậu xanh, đậu đen, hạt chia và hạt lanh.
  • Kiểm soát lượng chất lỏng, hãy thảo luận với bác sĩ về lượng nước và các loại đồ uống bạn nên tiêu thụ.
  • Theo dõi lượng kali nhập vào, trong một số trường hợp, người bệnh hẹp động mạch thận có thể cần giới hạn lượng kali trong khẩu phần ăn. Hãy thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về mức kali phù hợp cho bạn.

Phòng ngừa hẹp động mạch thận

Bạn có thể phòng ngừa bệnh hẹp động mạch thận bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ, bao gồm:

  • Ăn một chế độ ăn uống cân bằng.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Quản lý huyết áp của bạn.
  • Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.
  • Không hút thuốc lá.
Hẹp động mạch thận là gì? Những điều cần biết về hẹp động mạch thận 7.png
Không hút thuốc lá để phòng ngừa bệnh hẹp động mạch thận

Các câu hỏi thường gặp về hẹp động mạch thận

Biến chứng của hẹp động mạch thận là gì?

Các biến chứng tiềm ẩn của bệnh hẹp động mạch thận, bao gồm:

  • Bệnh thận mạn.
  • Bệnh mạch vành.
  • Teo thận (giảm kích thước thận).
  • Suy thận.
  • Bệnh động mạch ngoại vi.

Các loại thuốc có thể giúp tôi kiểm soát bệnh hẹp động mạch thận như thế nào?

Dùng thuốc kết hợp với thay đổi lối sống có thể giúp điều chỉnh tình trạng tăng huyết áp và làm chậm hoặc ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh thận. Bác sĩ của bạn có thể đề nghị kết hợp các loại thuốc:

  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEi) và thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB) giúp kiểm soát huyết áp bằng cách ngăn chặn một số hormone, do đó có thể khiến mạch máu của bạn bị thu hẹp. Hai nhóm thuốc này chống chỉ định ở những người bệnh có hẹp động mạch thận hai bên nặng.
  • Aspirin (thuốc chống kết tập tiểu cầu) làm loãng máu để máu lưu thông dễ dàng hơn qua các động mạch.
  • Thuốc chẹn beta và thuốc chẹn kênh canxi giúp làm giảm tình trạng cao huyết áp.
  • Thuốc lợi tiểu giúp thận tăng thải lượng nước dư thừa ra khỏi cơ thể.
  • Nhóm thuốc statin làm giảm lượng mỡ máu cao.

Tôi được chẩn đoán bệnh hẹp động mạch thận, khi nào tôi nên liên hệ với bác sĩ của mình?

Hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu bạn gặp phải:

  • Xuất hiện vị lạ (vị kim loại) trong miệng của bạn.
  • Đau bụng.
  • Lú lẫn hoặc các vấn đề về sự tập trung.
  • Lượng nước tiểu trong ngày ít.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Co giật.
  • Phù ở chân, tay hoặc mặt.

Tiên lượng của người bị hẹp động mạch thận là gì?

Hẹp động mạch thận là một bệnh lý tiến triển và xấu đi theo thời gian. Triển vọng của người mắc bệnh hẹp động mạch thận phụ thuộc phần lớn vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sống sót sau 4 năm đối với những người bị tắc nghẽn động mạch thận nặng từ 95% trở lên là 48%. Vì vậy, chỉ có khoảng một nửa số người bị tắc gần như toàn bộ động mạch thận sống sót được bốn năm sau khi được chẩn đoán.

Nguồn tham khảo
  1. Renal Artery Stenosis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK430718/
  2. Renal Artery Stenosis: https://www.webmd.com/hypertension-high-blood-pressure/renal-artery-stenosis-symptoms-treatments
  3. Renal Artery Stenosis: https://emedicine.medscape.com/article/245023-overview?form=fpf
  4. Renal Artery Stenosis: https://www.healthline.com/health/renal-artery-stenosis
  5. Renal Artery Stenosis: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17422-renal-artery-disease

Các bệnh liên quan

  1. Viêm gan

  2. Áp-xe gan

  3. Ung thư gan di căn

  4. Khó tiêu

  5. Viêm gan thiếu máu cục bộ

  6. Đau bụng

  7. Lỵ amip

  8. Co thắt tâm vị

  9. Viêm xung huyết hang vị dạ dày

  10. Hội chứng Liddle