Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Dược liệu/
  3. bạch sâm

Bạch sâm: Vị thuốc hiệu quả bồi bổ cơ thể

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Bạch sâm (nhân sâm trắng), hay còn gọi là Korean white ginseng, là một loại nhân sâm phổ biến trong y học cổ truyền Hàn Quốc. Bạch sâm, có chứa nhiều thành phần sinh học có hoạt tính, trong đó nổi bật là ginsenoside. Dược liệu này được sử dụng rộng rãi để tăng cường sức khỏe và duy trì sự cân bằng cơ thể.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt: Bạch sâm.

Tên khoa học: Panax ginseng C.A. Meyer

Chi Panax, họ Araliaceae, bộ Apiales.

Đặc điểm tự nhiên

Nhân sâm là loại cây thân thảo sống lâu năm có rễ cọc cứng cáp. Cây thường chết vào mùa thu và mọc lại từ hệ thống rễ vào mùa xuân. Lá kép chân vịt với 3 - 5 lá chét, mép lá có thể nguyên, có răng cưa hoặc có thùy, tùy thuộc vào loài. Cụm hoa là tán đơn độc (một cụm hoa có đỉnh phẳng) với cả hoa lưỡng tính và hoa đực. Quả là quả hạch. Cây nhân sâm trồng thường mất 5 - 7 năm để trưởng thành từ hạt.

Bạch sâm - vị thuốc hiệu quả bồi bổ cơ thể 1
Củ nhân sâm

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố

Bạch sâm, còn được gọi là nhân sâm châu Á, có nguồn gốc từ Đông Á, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Siberia. Khu vực Geumsan của Hàn Quốc là nơi sản xuất nhân sâm Hàn Quốc chính.

Thu hái

Tại nước ta, người ta chủ yếu thu hoạch gỗ để làm đồ dùng. Quả và vỏ cây sau khi thu hoạch tiến hành rửa sạch, phơi khô ráo để tích trữ. Có thể dùng tươi.

Chế biến và bảo quản

Chế biến: Bạch sâm là một loại nhân sâm, được chế biến bằng cách phơi khô nhân sâm tươi dưới ánh nắng mặt trời mà không qua xử lý hấp như hồng sâm (red ginseng). Nhân sâm được lột vỏ và phơi khô để giảm hàm lượng nước xuống còn 12% hoặc ít hơn. Phơi khô dưới ánh nắng mặt trời sẽ làm trắng rễ thành màu trắng hơi vàng.

Quá trình phơi khô này giúp giữ lại các thành phần dưỡng chất tự nhiên nhưng so với hồng sâm, bạch sâm có thể có hoạt tính sinh học thấp hơn do không trải qua quá trình hấp, vốn có thể làm tăng một số hoạt tính dược lý của sâm.

Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm mốc, tránh sâu mọt.

Bạch sâm - vị thuốc hiệu quả bồi bổ cơ thể 2
Bạch sâm là nhân sâm được phơi khô

Bộ phận sử dụng

Thân rễ và rễ của cây Panax ginseng.

Thành phần hoá học

Ginsenosides: Đây là nhóm saponin có hoạt tính sinh học cao, là hợp chất chính và quan trọng nhất trong nhân sâm, với hơn 30 loại ginsenosides khác nhau đã được xác định, ví dụ như Rb1, Rb2, Rc, Rd, Re, Rg1, và Rh1.

Polysaccharides: Các polysaccharides trong nhân sâm gồm pectin, heteropolysaccharides, arabinogalactan và các polysaccharides có tính acid như l-arabinose, d-galactose, l-rhamnose, d-galacturonic acid and d-glucuronic acid.

Polyacetylenes: Đây là nhóm chất có khả năng chống lại tế bào ung thư và vi khuẩn như panaxydiol, panaxytriol, 1,8-heptadecadiene-4,6-diyne-3,10-diol.

Acid amin và peptide: Nhân sâm chứa nhiều acid amin thiết yếu như arginine, glutamic acid, aspartic acid, glycine, leucine, alanine, proline, lysine, serine, threonine, phenylalanine, isoleucine, and tyrosine và peptide bao gồm ginsentides, rất giàu glycine và cysteine.

Dầu bay hơi: Các hợp chất dễ bay hơi từ nhân sâm như carbonyls, alcohols, sesquiterpenes, miscellaneous các acids và esters.

Vitamin và khoáng chất: Nhân sâm cung cấp một số loại vitamin (B1, B2, C) và khoáng chất (như kali, canxi, magie), hỗ trợ tăng cường sức khỏe tổng thể.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Tính vị, quy kinh

Tính vị: Vị cam (ngọt), khổ (đắng), tính bình.

Quy kinh: Tỳ, Phế Tâm.

Công năng, chủ trị

Công năng: Đại bổ nguyên khí, ích huyết, kiện Tỳ ích Phế, sinh tân, an thần ích trí.

Chủ trị: Khí hư, Tỳ Vị hư nhược ăn uống kém ngon, Phế hư ho suyễn, tân dịch thương tổn, miệng khát, bệnh lâu ngày gầy yếu, kiệt sức, tâm quý, hay choáng ngất.

Bạch sâm - vị thuốc hiệu quả bồi bổ cơ thể 3
Bạch sâm hỗ trợ bồi bổ Tỳ khí, cải thiện ăn uống

Theo y học hiện đại

Tăng cường hệ miễn dịch

Nhân sâm trắng chứa các ginsenosides (cụ thể là Rb1, Rg1 và Rg3) và polysaccharides, hai nhóm chất này có khả năng kích thích hoạt động của các tế bào miễn dịch như tế bào T, đại thực bào và tế bào sát thủ tự nhiên (NK). Ginsenosides giúp tăng cường đáp ứng miễn dịch bẩm sinh và thích ứng, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng vi khuẩn và virus. Đồng thời, chúng còn có khả năng điều hòa cytokine, từ đó giúp giảm viêm và điều hòa hệ miễn dịch.

Chống oxy hóa

Các ginsenosides và flavonoids trong nhân sâm trắng có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ. Chúng giúp trung hòa các gốc tự do - các phân tử không ổn định gây hại cho tế bào và mô - qua đó bảo vệ các tế bào khỏi tổn thương và lão hóa. Nhờ hoạt động chống oxy hóa này, nhân sâm trắng giúp duy trì sức khỏe tổng thể và giảm thiểu các dấu hiệu lão hóa, bao gồm cả việc làm chậm quá trình lão hóa da và tế bào thần kinh.

Chống viêm

Các ginsenosides trong nhân sâm trắng, đặc biệt là ginsenoside Rg3 và Rh1, có đặc tính chống viêm thông qua việc ức chế các yếu tố tiền viêm như NF-kB và giảm sản sinh các cytokine gây viêm (như IL-6, TNF-α). Điều này giúp giảm các phản ứng viêm trong cơ thể, làm dịu tình trạng viêm mãn tính, và có tác dụng đặc biệt tốt trong điều trị các bệnh viêm nhiễm như viêm khớp và viêm phổi.

Cải thiện chức năng thần kinh và chống stress

Ginsenoside Rg1 trong nhân sâm trắng đã được chứng minh là có khả năng tăng cường khả năng nhận thức, cải thiện trí nhớ và tăng sự tập trung. Nó có tác dụng kích thích sự phát triển của các tế bào thần kinh và bảo vệ não khỏi tổn thương do stress oxy hóa. Ngoài ra, các ginsenosides còn có khả năng điều hòa hệ thần kinh trung ương, giúp làm giảm căng thẳng, lo âu và trầm cảm thông qua việc cân bằng nồng độ serotonin và dopamine - các chất dẫn truyền thần kinh quan trọng liên quan đến tâm trạng và cảm xúc.

Bạch sâm - vị thuốc hiệu quả bồi bổ cơ thể 4
Bạch sâm giúp tăng cường miễn dịch

Điều hòa đường huyết

Ginsenoside Rb1, Re và Rg3 trong nhân sâm trắng có tác dụng điều chỉnh sự hấp thu glucose trong tế bào và tăng độ nhạy của insulin. Những hoạt chất này giúp cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết, giảm mức đường huyết sau bữa ăn và ngăn ngừa tình trạng kháng insulin - một trong những yếu tố dẫn đến tiểu đường tuýp 2. Nhờ đó, nhân sâm trắng được coi là một phương pháp hỗ trợ trong điều trị tiểu đường và ngăn ngừa các biến chứng liên quan.

Hỗ trợ tim mạch

Ginsenosides Rb1 và Rg3 có tác dụng bảo vệ tim mạch bằng cách giảm cholesterol LDL (cholesterol xấu) và tăng cholesterol HDL (cholesterol tốt). Chúng cũng giúp làm giảm huyết áp thông qua việc giãn mạch máu và cải thiện tuần hoàn máu. Điều này giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Ngoài ra, các flavonoid trong nhân sâm cũng góp phần làm giảm stress oxy hóa, bảo vệ mạch máu khỏi tổn thương.

Bạch sâm - vị thuốc hiệu quả bồi bổ cơ thể 5
Bạch sâm hỗ trợ tim mạch

Chống ung thư

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ginsenosides Rh2 và Rg3 Và các polyacetylenes có khả năng chống lại tế bào ung thư, ức chế sự phát triển và lan rộng của các tế bào ung thư. Những hoạt chất này có thể kích hoạt quá trình apoptosis (chết theo chương trình) của tế bào ung thư, ngăn chặn sự phân chia và xâm lấn của chúng. Nhân sâm trắng có thể đặc biệt hiệu quả trong việc ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư gan, phổi, dạ dày và ung thư vú.

Cải thiện chức năng tình dục

Ginsenoside Rg1 và Rb1 trong nhân sâm trắng có tác dụng tăng cường tuần hoàn máu và giãn mạch, từ đó cải thiện lưu lượng máu đến các cơ quan sinh dục, giúp tăng cường khả năng cương dương ở nam giới. Ngoài ra, nhân sâm còn có khả năng điều hòa hormone sinh dục, tăng ham muốn tình dục và cải thiện hiệu suất tình dục, đặc biệt là ở những người gặp vấn đề về sinh lý do stress hoặc tuổi tác.

Bảo vệ gan

Ginsenoside Rg1 và Rb1 cũng có tác dụng bảo vệ gan bằng cách giảm tổn thương gan do các chất độc, bao gồm cả rượu và thuốc. Chúng kích thích quá trình tái tạo tế bào gan và giảm viêm gan. Ngoài ra, hoạt chất này còn giúp làm giảm mức men gan ALT và AST - các dấu hiệu của tổn thương gan - nhờ đó hỗ trợ trong việc điều trị các bệnh gan mãn tính như viêm gan và xơ gan.

Hỗ trợ sức khỏe hô hấp

Nhân sâm trắng có tác dụng làm giảm viêm và tăng cường sức khỏe phổi. Ginsenoside Rg3 và polysaccharides giúp cải thiện chức năng phổi, giảm triệu chứng của các bệnh hô hấp mãn tính như hen suyễn và viêm phế quản. Các hoạt chất này giúp làm giảm sự co thắt của đường hô hấp và tăng cường khả năng hô hấp, đồng thời tăng cường phản ứng miễn dịch để ngăn ngừa các bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng phổi, như lao phổi.

Liều dùng & cách dùng

Ngày dùng từ 4 g đến 10 g.

Dạng thuốc hãm hoặc lấy dịch chiết bằng cách thái lát mỏng cho vào chén sứ, thêm ít nước, đậy nắp, đun cách thủy đến khi chiết hết mùi vị.

Bạch sâm - vị thuốc hiệu quả bồi bổ cơ thể 6
Hãm trà Bạch sâm

Bài thuốc kinh nghiệm

Bài thuốc 1: Bạch sâm giúp bồi bổ cơ thể, tăng cường sức đề kháng

Thành phần:

  • Nhân sâm trắng: 10g
  • Hạt sen: 20g
  • Táo đỏ: 10 quả
  • Kỷ tử: 10g
  • Đường phèn hoặc mật ong: 20g

Cách làm:

  • Rửa sạch tất cả các nguyên liệu.
  • Nhân sâm trắng thái lát mỏng.
  • Cho tất cả nguyên liệu vào nồi, đun với 1 lít nước trong khoảng 30 phút.
  • Khi thấy nước sôi và các nguyên liệu đã mềm, thêm đường phèn hoặc mật ong vào, khuấy đều và tắt bếp.
  • Uống hàng ngày để bồi bổ sức khỏe, tăng cường đề kháng, chống mệt mỏi.

Bài thuốc 2: Bạch sâm tăng cường trí nhớ và giảm stress

Thành phần:

Cách làm:

  • Rửa sạch tất cả các nguyên liệu.
  • Nhân sâm thái mỏng, cho cùng với đông trùng hạ thảo, kỷ tử và lạc tiên vào ấm.
  • Đun với 700ml nước, đun nhỏ lửa cho đến khi còn khoảng 300ml nước.
  • Uống 1 - 2 lần/ngày, giúp giảm căng thẳng, tăng cường trí nhớ và tập trung.

Món ăn: Gà hầm Bạch sâm

Thành phần:

  • Gà ta: 1 con (khoảng 1kg)
  • Nhân sâm trắng: 10g
  • Táo tàu: 10 quả
  • Hạt sen: 30g
  • Kỷ tử: 10g
  • Gừng, tỏi, hành lá, muối, tiêu.

Cách làm:

  • Gà làm sạch, nhồi nhân sâm, hạt sen, táo tàu và kỷ tử vào bên trong bụng gà.
  • Cho gà vào nồi cùng với nước, đun sôi rồi hạ lửa nhỏ, hầm khoảng 1 - 2 giờ đến khi gà chín mềm.
  • Thêm gia vị gừng, tỏi, hành lá, muối và tiêu.
  • Món gà hầm nhân sâm trắng rất bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe, giúp hồi phục sức lực, tăng cường miễn dịch.
Bạch sâm - vị thuốc hiệu quả bồi bổ cơ thể 7
Gà hầm Bạch sâm

Lưu ý

Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng Bạch sâm:

  • Bạch sâm nói riêng và Nhân sâm nói chung không được dùng phối hợp với vị thuốc Lê lô, Ngũ linh chi.
  • Bất kỳ dược liệu nào trước khi sử dụng cần có sự tham vấn ý kiến từ các bác sĩ chuyên khoa Y học cổ truyền.
  • Đối tượng trẻ em, người lớn tuổi, người có các bệnh lý nền, phụ nữ có thai và cho con bú, cần cẩn trọng trong việc sử dụng các dược liệu khi chưa có sự hướng dẫn từ bác sĩ.
Nguồn tham khảo