Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Dolasetron

Dolasetron - Thuốc điều trị chứng nôn và buồn nôn sau hoá trị

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Dolasetron

Loại thuốc

Thuốc chống nôn

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén: 50 mg, 100 mg.

Thuốc tiêm tĩnh mạch: 20 mg/ml.

Chỉ định

Dự phòng buồn nôn và nôn do hóa trị liệu.

Dự phòng và điều trị triệu chứng buồn nôn ở bệnh nhân sau phẫu thuật.

Dược lực học

Dolasetron là thuốc đối kháng thụ thể 5-HT3 chọn lọc. Các tác nhân hóa trị liệu tạo ra cảm giác buồn nôn và nôn bằng cách giải phóng serotonin từ các tế bào enterochromaffin của ruột non và sau đó serotonin được giải phóng sẽ kích hoạt các thụ thể 5-HT3 nằm trên phế vị để bắt đầu phản xạ nôn.

Do vậy, thuốc liên kết với các thụ thể 5-HT3 này nhằm ngăn chặn tín hiệu đến trung tâm nôn mửa trong não ngăn ngừa triệu chứng buồn nôn và nôn.

Động lực học

Hấp thu

Dolasetron hấp thu tốt qua đường uống với sinh khả dụng 59-80%.

Phân bố

Thuốc gắn kết 69-77 % với protein huyết tương.

Chuyển hóa và thải trừ

Thuốc được chuyển hóa thành hoạt chất có hoạt tính hydrodolasetron qua hệ thống cytochrome P-450 (CYP) 2D6, 3A và bài tiết qua nước tiểu dưới dạng không đổi (61,0% liều uống đã dùng).

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Chống chỉ định tuyệt đối sử dụng đồng thời dolasetron với apomorphine, có thể gây ra tình trạng hạ huyết áp nghiêm trọng và mất ý thức.

Tăng nguy cơ kéo dài khoảng QT khi dùng chung với:

Thuốc chống loạn nhịp tim (procainamide, disopyramide);

Thuốc chống loạn nhịp tim (amiodarone, sotalol, ibutilide);

Thuốc chống loạn nhịp tim loại 1C (propafenone);

Thuốc chống loạn thần (chlorpromazine, pimozide, haloperidol, droperidol, ziprasidone);

Thuốc chống trầm cảm (fluoxetine, citalopram, venlafaxine, thuốc chống trầm cảm ba vòng / bốn vòng, amitriptyline, imipramine, maprotiline); opioid (methadone);

Thuốc kháng sinh macrolide và các chất tương tự (erythromycin, clarithromycin, telithromycin, tacrolimus); kháng sinh quinolon (moxifloxacin, levofloxacin, ciprofloxacin); pentamidine;

Thuốc chống sốt rét (quinine,chloroquine);

Thuốc kháng nấm azole (ketoconazole, fluconazole, voriconazole); domperidone;

Thuốc đối kháng thụ thể 5-HT 3 (ondansetron); chất ức chế tyrosine kinase (sunitinib, nilotinib, lapatinib);

Chất ức chế histone deacetylase (vorinostat);

Chất chủ vận thụ thể adreno beta-2 (salmeterol, formoterol).

Chống chỉ định

Không dùng Dolasetron cho các trường hợp sau:

  • Quá mẫn với dolasetron hoặc với các thuốc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Dung dịch tiêm tĩnh mạch được chống chỉ định ở bệnh nhân người lớn và trẻ em để ngăn ngừa buồn nôn và nôn liên quan đến các đợt điều trị ung thư gây nôn ban đầu và lặp lại do kéo dài QT phụ thuộc vào liều lượng.
  • Điều trị cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi.
  • Sử dụng đồng thời với Apomorphine.

Liều lượng & cách dùng

Người lớn

Dự phòng buồn nôn và nôn do hóa trị liệu:

Liều uống thông thường là 100 mg Dolasetron trong vòng một giờ trước khi hóa trị.

Điều trị buồn nôn và nôn sau phẫu thuật:

Dùng 12,5 mg Dolasetron tiêm tĩnh mạch, một liều duy nhất khi bắt đầu buồn nôn hoặc nôn; lưu ý không được vượt quá liều khuyến cáo.

Dự phòng buồn nôn và nôn sau phẫu thuật:

Dùng 12,5 mg tiêm tĩnh mạch, một liều duy nhất khoảng 15 phút trước khi ngừng gây mê.

Khuyến cáo không được vượt quá liều tối đa, nếu sử dụng dự phòng thất bại, liều lặp lại để điều trị không được khuyến khích.

Trẻ em

Dự phòng buồn nôn và nôn do hóa trị liệu:

Trẻ em từ 2 - 16 tuổi là 1.8 mg/kg dùng đường uống trong vòng một giờ trước khi hóa trị, liều tối đa là 100 mg.

Đối với trẻ em không thích hợp sử dụng viên nén 100 mg dựa trên cân nặng hoặc khả năng nuốt có thể trộn dung dịch tiêm với nước ép táo để cho trẻ uống. Chế phẩm đã pha loãng có thể được giữ đến 2 giờ ở nhiệt độ phòng trước khi sử dụng.

Dự phòng và điều trị triệu buồn nôn và nôn sau phẫu thuật:

Trẻ em từ 2 đến 16 tuổi là 0.35 mg/kg tiêm tĩnh mạch, liều tối đa là 12.5 mg, dùng một liều duy nhất khoảng 15 phút trước khi ngừng gây mê (dự phòng) hoặc ngay khi có biểu hiện buồn nôn hoặc nôn (điều trị).

Có thể trộn dung dịch tiêm với nước ép táo để cho trẻ uống liều 1,2mg/kg trộn trong nước ép táo hoặc táo và nho, cho trẻ uống ngay khi có biểu hiện buồn nôn hoặc nôn (dự phòng) hoặc trong vòng 2 giờ trước khi phẫu thuật (điều trị).

Liều tối đa 100 mg. Khuyến cáo không được vượt quá liều tối đa, nếu sử dụng dự phòng thất bại, liều lặp lại để điều trị không được khuyến khích.

Đối tượng khác

Chưa có khuyến cáo về điều chỉnh liều lượng ở các bệnh nhân cao tuổi, suy gan, suy thận.

Tác dụng phụ

Thường gặp

Đau đầu, mệt mỏi, tiêu chảy, nhịp tim chậm, chóng mặt, đau, rối loạn tiêu hóa, thay đổi sóng T, ST, ớn lạnh, rùng mình.

Ít gặp

Hạ huyết áp, phù nề, phù ngoại vi, rối loạn nhịp tim, sốt, thay đổi vị giác, tăng men gan, khó thở, kích ứng mũi, hắt hơi, ngứa họng.

Phát ban, tăng tiết mồ hôi.

Hiếm gặp

Phản ứng phản vệ, phù mặt, mày đay.

Lưu ý

Lưu ý chung

Dolasetron nên được sử dụng thận trọng ở những bệnh nhân có hội chứng QT dài bẩm sinh, hạ kali máu, bệnh nhân dùng thuốc lợi tiểu có khả năng gây ra rối loạn điện giải và điều trị bằng anthracycline liều cao tích lũy do tăng nguy cơ kéo dài khoảng QT. Do đó, cần theo dõi điện tâm đồ (ECG) ở bệnh nhân suy tim sung huyết, nhịp tim chậm, bệnh tim tiềm ẩn, suy thận hoặc người cao tuổi.

Sử dụng thận trọng ở các bệnh nhân thiếu máu cục bộ hoặc nhồi máu cơ tim, suy tim sung huyết, phì đại thất trái, bệnh cơ tim, bệnh tim cấu trúc, block tim hoàn toàn không cấy máy tạo nhịp tim bị block tim hoàn toàn hoặc có nguy cơ bị block tim hoàn toàn, do có nguy cơ kéo dài khoảng PR và QRS.

Hạ kali máu phải được điều chỉnh trước khi dùng dolasetron mesylate.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Thuốc thuộc phân nhóm bảng B.

Có thể sử dụng cho PNCT trong trường hợp cần thiết và phải cân nhắc giữa lợi ích điều trị với ngu cơ gây hại.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Chưa có báo cáo về dolasetron có tiết vào sữa mẹ hay không. Do đó nhà sản xuất khuyến cáo không nên dùng dolasetron trong thời gian cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Không có báo cáo.

Quá liều

Quên liều Dolasetron và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Các triệu chứng về quá liều dolasetron gồm: Hạ huyết áp nghiêm trọng, chóng mặt và kéo dài khoảng PR, QRS, QTc đã được báo cáo sau khi truyền tĩnh mạch quá liều.

Cách xử lý khi quá liều

Hiện tại vẫn chưa có thuốc giải độc đặc hiệu khi quá liều dolasetron. Các biện pháp xử trí thường là điều trị triệu chứng và hỗ trợ.