Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Homatropine Methylbromid: Trị loét dạ dày và các vấn đề về ruột

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Homatropin methylbromide

Loại thuốc

Thuốc kháng cholinergic, thuốc kháng muscarinic

Thành phần

Luôn dùng phối hợp với hydrocodone bitartrate

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén uống chứa 1,5 mg homatropin

Dung dịch uống chưa 1,5 mg/5 ml homatropin

Siro uống chứa 1,5 mg/ 5 ml homatropin

Chỉ định

Điều trị loét dạ dày tá tràng, giảm tiết axit dạ dày và làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày.

Dược lực học

Homatropine methylbromide là một dẫn chất amine bậc bốn, có tác dụng đối kháng acetylcholine tại thụ thể muscarine. Thuốc có khả năng ức chế tác động của acetylcholine trên các thụ thể này.

Tuỳ thuộc vào liều, tác dụng kháng cholinergic của homatropine có thể làm giảm nhu động ruột và khả năng tiết dịch của đường tiêu hoá, giảm co thắt bàng quang và niệu quản...

Homatropine cũng là một loại thuốc kháng cholinergic, tạo ra các tác dụng kháng cholinergic điển hình gây giãn đồng tử và thư giãn cơ mắt.

Các tác dụng khác của atropine liên quan đến cấu trúc cũng có thể áp dụng cho homatropine bao gồm ức chế bài tiết, nhịp tim nhanh, thư giãn cơ trơn và bao gồm các hiệu ứng kích thích thần kinh trung ương.

Trong phối hợp với hydrocodone, homatropine có vai trò chính là làm giảm sự lạm dụng thuốc của bệnh nhân với các thuốc opioid như hydrocodone.

Động lực học

Hấp thu

Homatropine được hấp thu kém qua đường uống (10 - 25%).

Thời gian tác động của homatropine kéo dài khoảng 6 giờ.

Chuyển hóa

Homatropine có thể được chuyển hoá qua gan bởi các enzym thuỷ phân.

Thải trừ

Homatropine chủ yếu được thải trừ qua thận.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Các nhóm thuốc ức chế thần kinh khi sử dụng chung với các chế phẩm có chứa homatropine methylbromide có thể làm gia tăng tác động ức chế trên thần kinh trung ương.

Homatropine methylbromide có thể tương tác với một số thuốc sau làm tăng nguy cơ tăng nhịp tim nghiêm trọng: amphetamine, dobutamine, dopamine, dopexamine, ephedrine, etilefrine, formoterol, isoprenaline, methoxamine, phenylephrine, pseudoephedrine,...

Ngừng sử dụng đồng thời chất cảm ứng CYP450 3A4  vì có thể làm tăng nồng độ hydrocodone trong huyết tương.

Sử dụng đồng thời với các chất ức chế CYP450 3A4 có thể làm tăng nồng độ hydrocortisone trong huyết tương, có khả năng làm tăng hoặc kéo dài tác dụng phụ của thuốc và có thể dẫn đến ức chế hô hấp gây tử vong.

Có thể xảy ra suy hô hấp nghiêm trọng, đe dọa tính mạng hoặc tử vong khi sử dụng. Theo dõi ức chế hô hấp, đặc biệt khi bắt đầu điều trị hoặc ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.

Vô tình uống phải dù chỉ một liều thuốc này, đặc biệt là đối với trẻ em, có thể gây ra quá liều hydrocodone gây tử vong.

Tương tác với thực phẩm

Không uống rượu hoặc sử dụng các sản phẩm có chứa cồn khi đang điều trị bằng thuốc này. Uống chung với rượu có thể làm tăng nồng độ trong huyết tương và quá liều hydrocodone có thể gây tử vong.

Chống chỉ định

  • Trẻ em dưới 6 tuổi.
  • Có tình trạng suy hô hấp.
  • Hen phế quản cấp hoặc nghiêm trọng không được theo dõi hoặc thiếu dụng cụ hồi sức.
  • Tình trạng tắc nghẽn đường tiêu hoá nghi ngờ hoặc xác định, bao gồm liệt ruột.
  • Tiền sử quá mẫn với homatropine methylbromide, hydrocodone hoặc bất kỳ thành phần nào khác của thuốc.

Liều lượng & cách dùng

Người lớn

Điều trị ho: 

  • Uống 1 viên hoặc 5 ml dung dịch/siro (hydrocodone 5 mg/ homatropine 1,5 mg) mỗi 4 - 6 giờ. Không tăng liều nếu tình trạng ho không được cải thiện. Nếu kém hoặc không đáp ứng sau 5 ngày, cần đánh giá lại tình trạng bệnh của bệnh nhân. 
  • Liều tối đa là 6 viên/24 giờ hoặc 30 ml/24 giờ. Ở những bệnh nhân có nguy cơ lệ thuộc thuốc, không ngưng thuốc một cách đột ngột mà giảm liều từ 25 - 50% mỗi 2 - 4 ngày. Nếu có triệu chứng cai thuốc, sử dụng lại liều trước đó và giảm liều chậm hơn.

Trẻ em

Không khuyến cáo sử dụng cho trẻ em dưới 18 tuổi.

Trong trường hợp cần phải sử dụng, liều cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên là ½ viên hoặc 2,5 ml dung dịch/siro uống mỗi 4 - 6 giờ. Liều tối đa là 3 viên/24 giờ hoặc 15 ml/24 giờ.

Đối tượng khác

Người suy gan, suy thận, cao tuổi: Thận trọng khi dùng liều khuyến cáo cho người trưởng thành.

Tác dụng phụ

Thường gặp

Chóng mặt, ngất xỉu; buồn ngủ bất thường, đờ đẫn, mệt mỏi, suy nhược hoặc cảm giác uể oải; khô miệng; suy giảm hoạt động tinh thần và thể chất, choáng váng, nhức đầu, buồn nôn, nôn và táo bón

Không xác định tần suất

Phù, tắc nghẽn mạch máu, viêm da tương tự eczema, rỉ dịch, tăng nhãn áp, viêm kết mạc dạng nang; Hội chứng serotonin; hôn mê, buồn ngủ, rối loạn vận động cơ mặt, run, mất ngủ, đau nửa đầu, tăng áp lực nội sọ, co giật; viêm phế quản, ho, khó thở, nghẹt mũi, viêm mũi họng, suy hô hấp bao gồm suy hô hấp gây tử vong, viêm xoang, nhiễm trùng đường hô hấp trên; kích động, lo lắng , nhầm lẫn, sợ hãi, khó chịu, trầm cảm.

Tăng huyết áp, giảm huyết áp, nhịp tim nhanh, đau ngực, hạ huyết áp thế đứng, đánh trống ngực, ngất, khoảng QT kéo dài, bốc hỏa, rung nhĩ, nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim bao gồm cả co bóp thất sớm, đỏ bừng; đau bụng, tắc ruột , tiêu chảy, khó nuốt, GERD, khó tiêu, viêm tụy, liệt ruột, rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ.

Lưu ý

Lưu ý chung

Với các chế phẩm chứa homatropine, cần sử dụng thận trọng trên trẻ em.

FDA của Mỹ khuyến cáo không nên sử dụng thuốc ho có chứa hydrocodone và thuốc trị cảm lạnh ở những bệnh nhân dưới 18 tuổi vì nó đã cho thấy những rủi ro lớn hơn những lợi ích. Hydrocodone là thành phần tích cực của sản phẩm kết hợp này; homatropine được phối hợp với một lượng dưới liệu pháp để ngăn ngừa quá liều có chủ ý.

Ngưng thuốc nếu có dấu hiệu hoặc triệu chứng quá mẫn trong quá trình dùng thuốc hoặc nếu các triệu chứng kích ứng không giảm hay tăng lên.

Đánh giá rủi ro của từng bệnh nhân trước khi kê đơn; kê đơn trong thời gian ngắn nhất phù hợp với mục tiêu điều trị cá nhân, và theo dõi tất cả bệnh nhân thường xuyên để phát triển nghiện hoặc lạm dụng; chỉ dùng lại sau khi đánh giá nhu cầu cần thiết phải tiếp tục điều trị.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Chưa có đủ bằng chứng để xác định nguy cơ đối với thai nhi khi sử dụng ở phụ nữ có thai hoặc có ý định mang thai. Cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ trước khi sử dụng thuốc trên những bệnh nhân này.

Phụ nữ có dự định sinh con nên hiểu rằng việc sử dụng opioid kéo dài trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến hội chứng cai opioid ở trẻ sơ sinh và cần phải nhận biết và điều trị kịp thời.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Chưa có bằng chứng về khả năng phân bố của thuốc vào sữa mẹ. Cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ trước khi sử dụng thuốc trên phụ nữ cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Hydrocodone trong dạng phối hợp với homatropine methylbromide có thể gây buồn ngủ và ảnh hưởng đến các hoạt động thể chất và tinh thần. Chưa có bằng chứng về ảnh hưởng của homatropine methylbromide đến khả năng lái xe và vận hành máy móc. 

Chóng mặt hoặc buồn ngủ nghiêm trọng có thể gây ngã hoặc các tai nạn khác. Bệnh nhân nên tránh lái xe hoặc vận hành máy móc trong khi dùng thuốc này.

Quá liều

Quên liều và xử trí

Vì thuốc này được sử dụng khi cần thiết, người bệnh có thể không theo lịch trình dùng thuốc. Bỏ qua bất kỳ liều nào đã quên nếu gần đến lúc dùng liều tiếp theo. Không sử dụng hai liều cùng một lúc. 

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Các triệu chứng do quá liều homatropine methylbromide từ nhẹ đến trung bình bao gồm mơ màng, các triệu chứng do tác dụng kháng cholinergic (giãn đồng tử, đỏ bừng mặt, khô miệng, giảm nhu động ruột, táo bón, bí tiểu...), nhịp tim nhanh, tăng huyết áp nhẹ, buồn nôn, nôn mửa, lú lẫn, ảo giác.

Các triệu chứng nặng có thể bao gồm kích động, mê sảng, rối loạn tâm thần, co giật, tăng thân nhiệt, hôn mê, khó thở, thở không đều, nhanh hoặc chậm; môi, móng tay hoặc da nhợt nhạt hoặc xanh

Cách xử lý khi quá liều

Biện pháp xử trí trong phần lớn các trường hợp ngộ độc thuốc kháng cholinergic nhẹ đến trung bình là chăm sóc hỗ trợ. Có thể sử dụng than hoạt tính nếu bệnh nhân được cấp cứu sớm.

Trong trường hợp ngộ độc nặng, cần sớm đặt nội khí quản và đảm bảo thông khí cho bệnh nhân. Sử dụng thuốc an thần nhóm benzodiazepine nếu bệnh nhân có các triệu chứng như mê sảng, co giật, tăng thân nhiệt. 

Physostigmine có thể được chỉ định để đảo ngược tác động ức chế thần kinh do tác dụng kháng cholinergic, tuy nhiên tác dụng đảo ngược này thường không kéo dài do thời gian tác động ngắn của physostigmine.

Nguồn tham khảo

  1. Drugs.com: https://www.drugs.com/dosage/homatropine-hydrocodone.html 

  2. FDA: https://www.accessdata.fda.gov/drugsatfda_docs/label/2017/005213s038lbl.pdf 

  3. Drugbank: https://go.drugbank.com/drugs/DB00725 

  4. Medscape: https://reference.medscape.com/drug/tussigon-hydromet-hydrocodone-homatropine-999468 

  5. Micromedex: Hrdrocodone bitartrate/Homatropine methylbromide.

PDR (FDA): https://www.pdr.net/drug-summary/Hydromet-homatropine-methylbromide-hydrocodone-bitartrate-1667