Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Hydroclorothiazid

Hydroclorothiazid là gì? Công dụng, cách dùng và các tác dụng phụ cần lưu ý

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Hydroclorothiazid là thuốc lợi tiểu thiazid, thường được sử dụng để điều trị tăng huyết áp. Thuốc cũng được sử dụng để điều trị các tình trạng phù (ứ nước) ở người bệnh suy tim sung huyết, xơ gan hoặc các bệnh lý thận, phù nề do dùng steroid hoặc estrogen.

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (hoạt chất)

Hydrochlorothiazide

Loại thuốc

Thuốc lợi tiểu thiazide.

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nang uống hàm lượng 12,5 mg hay viên uống hàm lượng 12,5 mg, 25 mg, 50 mg.

Chỉ định

Trong việc điều trị tăng huyết áp bằng thuốc, hydroclorothiazid là thuốc được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để điều trị tăng huyết áp và phù ngoại biên.

Hydroclorothiazid được chỉ định đơn độc hoặc kết hợp để kiểm soát các tình trạng phù liên quan đến suy tim sung huyết, xơ gan, hội chứng thận hư, viêm cầu thận cấp, suy thận mạn và liệu pháp corticosteroid, estrogen.

Hydroclorothiazid cũng được chỉ định đơn trị liệu hoặc trị liệu kết hợp với thuốc khác trong điều trị tăng huyết áp.

Hydroclorothiazid là gì? Công dụng, cách dùng và các tác dụng phụ cần lưu ý 1
Hydroclorothiazid là thuốc lợi tiểu thiazid

Dược lực học

Hydroclorothiazid ức chế trực tiếp chất đồng vận chuyển natri clorua, nằm ở ống lượn xa của thận. Ống lượn xa ở thận bình thường có nhiệm vụ tái hấp thu khoảng 5% đến 10% natri. Sự ức chế này sẽ dẫn đến làm tăng lượng natri di chuyển đến các ống góp (do bị ngăn tái hấp thu tại ống lượn xa).

Hydroclorothiazid làm giảm hoạt động của bơm Na-K ATPase, kết quả là ngăn chặn sự di chuyển của natri và nước vào mô kẽ. Nồng độ natri tăng cao ở ống góp sẽ thúc đẩy aldosterone liên kết với thụ thể mineralocorticoid, cuối cùng dẫn đến kết quả bài tiết natri niệu và lợi tiểu (thải muối và nước ra ngoài thông qua đường tiểu).

Tác dụng bài tiết natri niệu và lợi tiểu ban đầu gây ra sự giảm huyết áp thông qua mất thể tích. Theo thời gian, hydroclorothiazid đã chứng minh việc duy trì tác dụng hạ huyết áp bằng cách gây giãn mạch và giảm sức cản máu ngoại biên. Mặc dù có nhiều cơ chế liên quan khác nhau được đề xuất, nhưng cơ chế chính xác mà hydroclorothiazid gây giãn mạch ngoại biên.

Động lực học

Hấp thu

Một liều hydroclorothiazid uống có sinh khả dụng là 65 - 75% với Tmax là 1 - 5 giờ và Cmax là 70 - 490 ng/ml với liều thuốc từ 12,5 - 100 mg. Khi dùng cùng bữa ăn, sinh khả dụng thấp hơn 10%, Cmax thấp hơn 20% và Tmax tăng từ 1,6 lên 1,9 giờ.

Phân bố

Thể tích phân bố rất khác nhau giữa các nghiên cứu, với giá trị nằm trong khoảng từ 0,83 - 4,19 L/kg.

Chuyển hóa

Hydroclorothiazid không được chuyển hoác trước khi thải trừ.

Thải trừ

Hydroclorothiazid được thải trừ qua nước tiểu dưới dạng hydroclorothiazid không thay đổi. Với thời gian bán hủy trong huyết tương của hydroclorothiazid là 5,6 đến 14,8 giờ. Độ thanh thải qua thận của hydroclorothiazid ở người bệnh có chức năng thận bình thường là 285 ml/phút.

Hydroclorothiazid là gì? Công dụng, cách dùng và các tác dụng phụ cần lưu ý 2
Hydroclorothiazid ức chế trực tiếp chất đồng vận chuyển natri clorua nằm ở ống lượn xa của thận

Tương tác thuốc

Tương tác với thực phẩm

Rượu khi dùng với hydroclorothiazid có thể làm tăng nguy cơ hạ huyết áp tư thế đứng. Bên cạnh đó, nên dùng hydroclorothiazid trước 2 giờ, hoặc sau khi dùng thuốc kháng acid, thuốc bổ sung canxi hay thuốc bổ sung sắt để tránh giảm hấp thụ hydroclorothiazid. Tránh cam thảo tự nhiên, vì cam thảo có thể làm tăng tác dụng phụ hạ kali máu. Bạn cũng nên tăng cường sử dụng thực phẩm giàu kali như chuối và nước cam. Đồng thời, hạn chế lượng muối, tránh ăn quá nhiều muối trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

Tương tác với thuốc khác

Hydroclorothiazid có thể tương tác với nhiều loại thuốc khác nhau, bao gồm:

  • Thuốc hạ áp khác;
  • Thuốc điều trị đái tháo đường;
  • Lithium;
  • Thuốc chống viêm không steroid;
  • Corticosteroid;
  • Cholestyramine, colestipol.

Đây không phải là danh sách đầy đủ các thuốc có tương tác với hydroclorothiazid. Bạn hãy báo cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc, vitamin, thảo dược mà bạn đang sử dụng trước khi được kê đơn hydroclorothiazid.

Hydroclorothiazid là gì? Công dụng, cách dùng và các tác dụng phụ cần lưu ý 3
Hydroclorothiazid có tác dụng hạ huyết áp

Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng hydroclorothiazid trong trường hợp quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc, hoặc trong trường hợp vô niệu (không đi tiểu được).

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng

Người lớn

Việc điều trị nên được cá nhân hoá theo đáp ứng của từng người bệnh, sử dụng liều tối thiểu đạt được hiệu quả điều trị. Liều dùng thông thường ở người lớn như sau:

  • Đối với phù ngoại biên: Liều thường là 25 mg đến 100 mg mỗi ngày, dùng một lần hoặc chia làm nhiều lần. Nhiều người bệnh bị phù nề đáp ứng với điều trị ngắt quãng (nghĩa là dùng thuốc cách ngày hoặc 3 đến 5 ngày mỗi tuần). Việc điều trị ngắt quãng sẽ làm giảm các tác dụng phụ như mất cân bằng điện giải.
  • Đối với tăng huyết áp: Liều ban đầu thông thường ở người lớn là 25 mg mỗi ngày, uống một lần duy nhất. Có thể tăng lên liều 50 mg mỗi ngày, chia làm một hoặc hai lần. Liều trên 50 mg thường gây hạ kali máu rõ rệt, người bệnh thường không cần dùng liều vượt quá 50 mg hydroclorothiazid mỗi ngày khi dùng đồng thời với các thuốc hạ áp khác.

Trẻ em

Để lợi tiểu và kiểm soát huyết áp, liều trẻ em thông thường là 1 đến 2 mg/kg mỗi ngày, chia làm một hoặc hai lần. Liều dùng không vượt quá 37,5 mg mỗi ngày ở trẻ sơ sinh đến 2 tuổi, hoặc không quá 100 mg mỗi ngày ở trẻ từ 2 đến 12 tuổi. Ở trẻ sơ sinh cho đến 6 tháng tuổi, liều có thể tăng đến 3 mg/kg mỗi ngày, chia làm hai lần.

Cách dùng

Hydroclorothiazid có sẵn ở dạng viên nén hoặc viên nang, với hàm lượng từ 12,5 mg, 25 mg đến 50 mg. Liều dùng khởi đầu khác nhau, tùy thuộc vào mỗi người bệnh mà bác sĩ sẽ kê toa phù hợp. Hãy sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và theo hướng dẫn sử dụng thuốc. Các cách sử dụng hydroclorothiazid bao gồm:

  • Bác sĩ sẽ khuyên bạn sử dụng hydroclorothiazid sớm trong ngày để ngăn ngừa tiểu đêm.
  • Đối với tăng huyết áp mạn tính, liều khởi đầu khuyến cáo là 12,5 mg đến 25 mg mỗi ngày, sau đó tăng đến liều tối đa 50 mg, mỗi lần một ngày sau 2 đến 4 tuần.
  • Đối với kiểm soát phù ngoại biên, liều khởi đầu có thể từ 25 mg đến 50 mg, dùng một đến hai lần mỗi ngày, liều tối đa có thể đến 200 mg mỗi ngày.
  • Với điều trị tăng huyết áp, tiếp tục dùng thuốc hydroclorothiazid theo chỉ dẫn của bác sĩ, ngay cả khi bạn cảm thấy khoẻ (vì tăng huyết áp có thể không có triệu chứng gì).
Hydroclorothiazid là gì? Công dụng, cách dùng và các tác dụng phụ cần lưu ý 4
Nhóm thuốc lợi tiểu thiazid đã được chứng minh giúp giảm các biến cố tim mạch nghiêm trọng

Tác dụng phụ

Thường gặp

Bên cạnh đó, khi sử dụng thuốc, bạn có thể gặp một số tác dụng phụ khác nhau, hãy báo cho bác sĩ nếu các triệu chứng của bạn nặng lên hoặc không biến mất, bao gồm:

  • Đi tiểu thường xuyên;
  • Tiêu chảy;
  • Ăn không ngon miệng;
  • Đau đầu;
  • Rụng tóc.

Ít gặp

Việc điều trị với hydroclorothiazid có thể liên quan đến nguy cơ ung thư da không melanoma (Non-melanoma skin cancer). Trong một nghiên cứu được thực hiện cho thấy, nguy cơ gia tăng chủ yếu là ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC) ở người bệnh da trắng dùng hydroclorothiazid với liều tích lũy lớn. Nguy cơ gia tăng mắc SCC trong dân số là khoảng 1/16.000 người bệnh mỗi năm. Đối với người bệnh da trắng dùng liều tích lũy hơn ≥50.000 mg, nguy cơ là khoảng 1/6.700 người bệnh mỗi năm. Bất cứ khi nào phản ứng bất lợi ở mức độ trung bình hoặc nặng, nên giảm liều thiazid hoặc ngừng điều trị.

Hiếm gặp

Quan trọng hơn, khi bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào sau đây, bạn cần gọi cho bác sĩ ngay lập tức hoặc tìm kiếm sự trợ giúp y tế khẩn cấp, bao gồm:

  • Khô miệng, khát nước;
  • Buồn nôn, nôn;
  • Suy nhược, mệt mỏi;
  • Buồn ngủ, bồn chồn, lú lẫn;
  • Yếu cơ, đau cơ hoặc chuột rút;
  • Nhịp tim nhanh, các dấu hiệu mất nước và mất cân bằng điện giải;
  • Nổi mụn nước hoặc bong tróc da;
  • Ngứa, phát ban;
  • Khó thở;
  • Sốt, đau họng, ớn lạnh hay các dấu hiệu nhiễm trùng khác;
  • Chảy máu hoặc bầm tím bất thường;
  • Đau liên tục ở thượng vị, có thể lan ra sau lưng;
  • Đau hoặc sưng khớp;
  • Thay đổi thị lực, đau mắt, sưng hoặc đỏ mắt.
Hydroclorothiazid là gì? Công dụng, cách dùng và các tác dụng phụ cần lưu ý 5
Hydroclorothiazid được sử dụng sớm trong ngày để hạn chế việc tiểu đêm

Lưu ý

Lưu ý chung

Một số lưu ý khi sử dụng hydroclorothiazid bao gồm:

  • Trước khi dùng thuốc, bạn hãy báo với bác sĩ nếu mắc bệnh gan, bệnh thận, bệnh tăng nhãn áp, hen suyễn hoặc dị ứng, bệnh gout, đái tháo đường hoặc bạn có dị ứng với thuốc.
  • Tránh uống rượu vì có thể làm tăng một số tác dụng phụ của hydroclorothiazid.
  • Tránh bị quá nóng hoặc mất nước khi tập thể dục và trong thời tiết nắng nóng. Làm theo hướng dẫn của bác sĩ về loại nước bạn nên uống cũng như lượng nước uống trong ngày.
  • Hãy cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc mà bạn đang sử dụng, vì một số thuốc có thể có tương tác với hydroclorothiazid.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Các nghiên cứu trong đó có hydroclorothiazid đường uống trên chuột mang thai cho thấy không có bằng chứng tác hại nào đối với thai. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu đầy đủ và được kiểm soát tốt trên phụ nữ mang thai. Thiazid có thể qua hàng rào nhau thai và xuất hiện trong máu cuống rốn. Trẻ sơ sinh sẽ có nguy cơ vàng da, giảm tiểu cầu và các phản ứng bất lợi khác. Do đó, hãy báo cho bác sĩ biết nếu bạn có dự định mang thai, hoặc mang thai trong quá trình điều trị với hydroclorothiazid.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Thiazid được bài tiết qua sữa mẹ và có khả năng xảy ra các phản ứng bất lợi nghiêm trọng ở trẻ bú mẹ. Do đó, hãy báo cho bác sĩ nếu bạn đang cho con bú, bác sĩ có thể cân nhắc quyết định ngừng cho con bú hoặc ngừng sử dụng hydroclorothiazid.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Bạn cần tránh thay đổi tư thế đột ngột khi làm việc, như đột ngột đứng dậy, vì có thể bị chóng mặt (do tác dụng phụ hạ huyết áp tư thế). Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu các tác dụng phụ của thuốc gây ảnh hưởng đến công việc hằng ngày của bạn.

Hydroclorothiazid là gì? Công dụng, cách dùng và các tác dụng phụ cần lưu ý 6
Hydroclorothiazid được cho là có hiệu quả phòng ngừa sỏi thận

Quá liều

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Người bệnh dùng quá liều hydroclorothiazid có thể bị hạ kali máu, hạ clo máu và hạ natri máu.

Cách xử lý khi quá liều

Trong trường hợp có quá liều thuốc hydroclorothiazid, điều trị hỗ trợ cho người bệnh bao gồm truyền dịch và điều chỉnh rối loạn điện giải. Thuốc co mạch có thể được dùng trong trường hợp hạ huyết áp, cung cấp oxy cho các trường hợp có suy hô hấp.

Quên liều và xử trí

Khi bạn quên một liều thuốc, hãy dùng liều đã quên ngay khi bạn nhớ ra. Tuy nhiên, nếu đã đến gần giờ dùng liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục uống thuốc như thường lệ. Không dùng gấp đôi liều để bù cho liều thuốc đã quên.

Hydroclorothiazid là gì? Công dụng, cách dùng và các tác dụng phụ cần lưu ý 7
Báo với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế nếu bạn gặp các tác dụng phụ khi uống hydroclorothiazid
Nguồn tham khảo

Tên thuốc gốc: Hydroclorothiazid

  1. Hydrochlorothiazide: https://www.drugs.com/hydrochlorothiazide.html
  2. Hydrochlorothiazide: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK430766/
  3. Hydrochlorothiazide: https://go.drugbank.com/drugs/DB00999
  4. Hydrochlorothiazide - Uses, Side Effects, and More: https://www.webmd.com/drugs/2/drug-5310/hydrochlorothiazide-oral/details
  5. Hydrochlorothiazide: https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a682571.html
  6. Hydrochlorothiazide: https://pubchem.ncbi.nlm.nih.gov/compound/Hydrochlorothiazide
  7. Hydrochlorothiazide Capsules or Tablets: https://my.clevelandclinic.org/health/drugs/20057-hydrochlorothiazide-capsules-or-tablets
  8. Production method of hydrochlorothiazide: https://patents.google.com/patent/CN105272937A/en
  9. Effect of adding hydrochlorothiazide to usual treatment of patients with acute decompensated heart failure: a randomized clinical trial: https://www.nature.com/articles/s41598-021-96002-6
  10. Hydrochlorothiazide and Prevention of Kidney-Stone Recurrence: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/36856614/
  11. HCTZ: https://www.drugs.com/hctz.html
  12. Hydrochlorothiazide Prescribing Information: https://www.drugs.com/pro/hydrochlorothiazide.html

Ngày cập nhật: 13/03/2024