Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Da - Tóc - Móng/
  4. Vàng da

Vàng da: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin

Vàng da không phải là một tình trạng bệnh lý cụ thể mà đó là chỉ dấu cho một tình trạng bệnh khác làm tăng bilirubin dẫn đến biểu hiện vàng da. Do đó, cần xác định sớm nguyên nhân gây vàng da và có hướng điều trị đúng đắn kịp thời để không dẫn đến các hậu quả và biến chứng nghiêm trọng ngoài ý muốn. Vậy thế nào được gọi là vàng da? Vàng da có thể do các nguyên nhân bệnh lý nào gây ra? Khi nào cần tìm đến sự hỗ trợ của bác sỹ để kịp thời điều trị bệnh lý căn nguyên?

Nội dung chính

Tìm hiểu chung vàng da

Vàng da: Là bệnh biểu hiện bởi sự chuyển màu vàng ở da và niêm mạc do tăng bilirubin máu. Chứng vàng da nhìn thấy được khi nồng độ bilirubin là khoảng 2 - 3 mg/dl (34 - 51 μmol/l).

Vàng da sơ sinh: Ở hầu hết trẻ sơ sinh, vàng da là hiện tượng sinh lý do tăng phá hủy hồng cầu phôi thai, sự giảm chức năng của các men chuyển hóa do tế bào gan sản xuất và tăng chu trình ruột gan. Tuy nhiên ở một số trường hợp, nếu lượng bilirubin gián tiếp trong máu tăng quá cao dẫn đến vàng da nhân sơ sinh, bệnh này khá nghiêm trọng, có thể làm tử vong hoặc gây ra biến chứng thần kinh suốt đời.

Triệu chứng vàng da

Những dấu hiệu và triệu chứng của vàng da

Tăng bilirubin máu có thể làm cho nước tiểu sẫm màu trước khi có biểu hiện vàng da.
Những triệu chứng quan trọng có liên quan bao gồm: Sốt, các tiền triệu chứng (như sốt, mệt mỏi, đau mỏi cơ) trước vàng da, thay đổi màu sắc phân, ngứa, phân mỡ, đau bụng.

Đối với trường hợp vàng da nghiêm trọng, thường có các triệu chứng gợi ý như: Buồn nôn và nôn, giảm cân và các triệu chứng của rối loạn đông máu (như: Da hay có các vết bầm tím hoặc xuất huyết, đi tiêu phân đen hoặc phân máu).

Vàng da sơ sinh: Cần quan sát da trẻ hàng ngày, đặc biệt trong vòng hai tuần đầu sau sinh. Cần quan sát tình trạng vàng da dưới môi trường ánh sáng tự nhiên để phân biệt rõ tình trạng vàng da của trẻ. Khi dùng tay ấn nhẹ lên da từ 2 - 5 giây, tại vùng ngực, bụng, đùi, cẳng chân, bàn chân của trẻ, lúc thả tay ra thì vùng đó có màu vàng khả năng cao trẻ bị vàng da.

Biến chứng có thể gặp khi mắc vàng da

Một số biến chứng nặng nếu vàng da sơ sinh không được phát hiện và chữa trị kịp thời:

Bệnh não cấp do tăng bilirubin

Giai đoạn sớm: Hiện tượng vàng da nhiều, trẻ hay ngủ gà, giảm trương lực cơ, bú kém.

Giai đoạn trung gian: Trẻ lờ đờ, dễ bị kích thích và tăng trương lực cơ, có thể sốt, khóc the thé và giảm trương lực cơ, có thể có cả tăng trương lực cơ biểu hiện bằng hành vi ưỡn cổ và thân. Việc thay máu trong giai đoạn này có thể cải thiện được các biểu hiện thần kinh ở một số trường hợp.

Giai đoạn nặng: Hệ thần kinh bị tổn thương nặng và không thể hồi phục được, biểu hiện bằng tư thế ưỡn cổ và thân, khóc the thé, không bú được, có cơn ngưng thở, dẫn đến hôn mê, và cuối cùng là co giật và tử vong ở một số trường hợp.

Bệnh não mạn do tăng bilirunin (vàng da nhân): Trẻ có biểu hiện của bại não thể múa vờn, rối loạn thính lực, loạn sản răng, hiếm gặp thiểu năng trí tuệ và các tàn tật khác.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có những dấu hiệu cảnh báo sau đây cần đến gặp bác sỹ ngay lập tức:

  • Đau bụng rõ và ấn đau.
  • Thay đổi ý thức.
  • Xuất huyết tiêu hóa.
  • Xuất hiện các mảng xuất huyết, chấm xuất huyết, hoặc ban xuất huyết.

Những người không có dấu hiệu cảnh báo nêu trên, nên đến gặp bác sỹ trong vòng vài ngày sau khi khởi phát vàng da bất thường (không rõ nguyên nhân).

Vàng da sơ sinh: Khi có các dấu hiệu sau cần gặp bác sỹ thăm khám ngay:

  • Vàng da xuất hiện trong 3 ngày đầu sau sinh, đặc biệt trong vòng 24 giờ đầu.
  • Vàng da kéo dài trên 14 ngày đối với trẻ đủ tháng và kéo dài trên 21 ngày đối với trẻ sinh thiếu tháng.
  • Vàng da với biểu hiện lan nhanh đến đùi hoặc cẳng chân, bàn chân trong những ngày đầu sau khi sinh.
  • Da vàng nhiều hơn (màu vàng xạm, không tươi hoặc vàng chanh), hoặc xuất hiện màu vàng ở vùng kết mạc mắt.
  • Vàng da đi kèm với bỏ bú, bú kém hoặc nôn trớ.
  • Khó đánh thức trẻ khi ngủ, trẻ bứt rứt hoặc kích thích, biểu hiện gồng cứng hoặc co giật.
  • Nồng độ bilirubin trong máu tăng, cao hơn mức độ sinh lý bilirubin gián tiếp > 12 mg/dl (đối với trẻ đủ tháng) và > 15 mg/dl (đối với trẻ non tháng).

Nguyên nhân vàng da

Các nguyên nhân thông thường nhất gây ra vàng da gồm: Viêm gan (viêm gan virus, viêm gan tự miễn, tổn thương gan do độc), bệnh gan do rượu, tắc mật.

Ngoài ra, nhiều bệnh lý khác hoặc việc sử dụng 1 số loại thuốc và chất độc cũng có thể dẫn đến vàng da.

Cơ chế và một số nguyên nhân gây ra bệnh vàng da ở người lớn:

Tăng bilirubin không liên hợp trong máu:

  • Tăng sản xuất bilirubin:
    • Phổ biến: Tan máu;
    • Ít phổ biến hơn: Tái hấp thu khối máu tụ lớn, tạo hồng cầu không hiệu quả.
  • Giảm hấp thu bilirubin tại gan:
    • Phổ biến: Suy tim;
    • Ít phổ biến hơn: Do thuốc, nhịn ăn, các shunt cửa chủ.
  • Giảm liên hợp bilirubin tại gan:
    • Phổ biến: Hội chứng Gilbert;
    • Ít phổ biến hơn: Ethinyl estradiol, hội chứng Crigler-Najjar, cường giáp.

Tăng bilirubin liên hợp máu:

  • Rối loạn chức năng tế bào gan:
    • Phổ biến: Thuốc, chất độc, virus viêm gan.
    • Ít phổ biến hơn: Bệnh gan do rượu, bệnh ứ sắt, ứ mật tiên phát, viêm gan mỡ,...
  • Ứ mật tại gan:
    • Phổ biến: Bệnh gan do rượu, thuốc, độc chất, viêm gan virus.
    • Ít gặp hơn: Các bệnh lý thâm nhiễm (như bệnh amyloid, u lympho, bệnh sarcoid, lao), mang thai, viêm đường mật tiên phát, viêm gan mỡ.
  • Bệnh ứ mật ngoài gan:
    • Phổ biến: Sỏi ống mật chủ, ung thư tuyến tụy.
    • Ít gặp hơn: Viêm đường mật cấp, nang giả tụy, viêm xơ đường mật tiên phát, hẹp ống mật chủ do phẫu thuật trước đó, các khối u khác.

Các cơ chế khác, ít phổ biến hơn: Rối loạn di truyền (chủ yếu Hội chứng Dubin-Johnson và Hội chứng Rotor).

Một số thuốc và chất độc có thể gây vàng da thông qua các cơ chế dưới đây:

  • Tăng bilirubin sản xuất: Các thuốc gây giảm bạch cầu (thường gặp ở những bệnh nhân thiếu hụt G6PD), như thuốc sulfa và nitrofurantoin.
  • Giảm hấp thu bilirubin tại gan: Chloramphenicol, probenecid, rifampin.
  • Giảm liên hợp: Ethinyl estradiol.
  • Rối loạn chức năng tế bào gan: Acetaminophen (liều cao hoặc quá liều), amiodaron, isoniazid, NSAIDs, statin, nhiều thuốc khác, nhiều thuốc phối hợp, nấm Amanita phalloides, cacbon tetrachlorua, phốt pho.
  • Ứ mật trong gan: Amoxicillin/clavulanate, steroid đồng hoá, chlorpromazine, alkaloids pyrrolizidin (ví dụ như trong chế phẩm thảo dược), thuốc tránh thai đường uống, phenothiazines.
Chia sẻ:
Nguồn tham khảo