Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hạ Kali máu nguy hiểm như thế nào?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hạ kali máu là tình trạng mà nồng độ kali trong máu thấp hơn so với mức bình thường. Thông thường, nồng độ kali trong máu là 3,5-5,0mmol/l. Hạ kali máu khi mức kali máu < 3,5mmol/L. Tuy nhiên, nếu mức kali máu dưới 2,5mmol/l có thể đe dọa tính mạng và cần được cấp cứu ngay lập tức.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hạ kali máu là gì? 

Hạ kali máu là một rối loạn điện giải thường gặp trong khoa hồi sức tích cực (ICU). Kali là cation chính trong nội bào. Bình thường mức kali huyết tương khoảng 3,5 – 5,0mmol/l, bên trong tế bào khoảng 150mmol/l. Mỗi ngày nhu cầu kali cho cơ thể khoảng 1mmol/kg/ngày.

Hạ kali máu xảy ra khi nồng độ kali máu < 3,5mmol/l, có thể gây ra triệu chứng bao gồm cơ mệt mỏi rã rời, thần kinh, táo bón dai dẳng và chướng bụng. Trường hợp nặng có thể gây rối loạn nhịp tim, cơn nhịp nhanh thất, rung thất dẫn tới tử vong. Phát hiện kali máu giảm bằng cách định lượng kali trong máu hay điện tâm đồ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hạ kali máu

Ở hệ thống thần kinh cơ bao gồm:

  • Yếu cơ.

  • Đau cơ.

  • Chuột rút.

  • Táo bón.

  • Mệt mỏi.

Ở hệ tim mạch bao gồm:

  • Rối loạn nhịp tim.

  • Mạch nảy.

  • Huyết áp tối thiểu giảm, hạ huyết áp tư thế.

  • Nghe tim có âm thổi tâm thu.

  • Đo điện tim thấy có sóng U, đoạn ST dẹt, ngoại tâm thu các loại, đặc biệt nguy hiểm khi kali máu giảm nặng thường có đoạn QT kéo dài và loạn nhịp kiểu xoắn đỉnh rất nguy hiểm cho tính mạng của bệnh nhân nếu không được bù đủ kali kịp thời.

Biến chứng có thể gặp khi mắc hạ kali máu

Hạ kali máu có thể gây ra biến chứng nhịp tim chậm, giảm sức bóp cơ tim hoặc nhịp nhanh xoắn đỉnh, là một trong những nguyên nhân rối loạn nhịp tim dẫn đến ngừng tim. Cấp cứu ngừng tuần hoàn những bệnh nhân này, nếu không phát hiện hạ kali máu sẽ dẫn tới suy hô hấp do liệt cơ hô hấp, thậm chí liệt tứ chi.

Hạ kali máu rất nguy hiểm, đặc biệt đối với những bệnh nhân sẵn có những bệnh lý mạn tính như suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn... Các biểu hiện của hạ kali máu chủ yếu ở hệ thống tim mạch và thần kinh cơ. Các biểu hiện ở tim mạch bao gồm mạch nảy, huyết áp tối thiểu giảm, tụt huyết áp tư thế, nghe tim có tiếng thổi tâm thu. Điện tim thấy có sóng U, đoạn ST dẹt, ngoại tâm thu các loại, đặc biệt khi có đoạn QT kéo dài và loạn nhịp kiểu xoắn đỉnh tức kali máu giảm nặng, vô cùng nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh nếu không được bù kali kịp thời.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hạ kali máu

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hạ kali máu bao gồm:

Tổn thương thận

  • Nhiễm toan ống thận gặp trong suy thận mạn và suy thận cấp.

  • Hẹp động mạch thận.

  • Bệnh Cushing và các rối loạn tuyến thượng thận khác.

Mất kali qua dạ dày và ruột do

  • Nôn ói nhiều.

  • Thụt tháo quá mức do sử dụng thuốc nhuận tràng.

  • Tiêu chảy nhiều.

  • Sau phẫu thuật cắt bỏ ruột non.

Ảnh hưởng của thuốc

  • Thuốc lợi tiểu thiazid như hydrochlorothiazide hoặc thuốc lợi tiểu quai như furosemide.

  • Thuốc trị bệnh hen suyễn hoặc bệnh khí phế thũng (thuốc gắn kết các thụ thể beta-adrenergic như thuốc giãn phế quản, steroid hoặc theophylline).

  • Kháng sinh thuộc nhóm Aminoglycosides.

  • Thuốc chống nấm amphotericin B.

Vận chuyển kali vào và ra khỏi tế bào bất thường có thể làm giảm nồng độ kali trong máu

  • Sử dụng insulin.

  • Nhiễm kiềm máu.

  • Giảm lượng thức ăn hoặc suy dinh dưỡng.

  • Biếng ăn.

  • Chứng cuồng ăn vô độ.

  • Phẫu thuật giảm béo.

  • Nghiện rượu.

Những nguyên nhân khác như

  • Vận động viên, người lao động quá sức bị đổ mồ hôi quá mức.

  • Thiếu hụt magie.

  • Bệnh bạch cầu.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ hạ kali máu?

Bệnh nhân mắc các bệnh bao gồm:

  • Tiêu chảy cấp hoặc nôn ói nhiều do tả, thương hàn, do ngộ độc thức ăn... 

  • Người bị thụt tháo nhiều lần.

  • Rò đường tiêu hóa.

  • Loét dạ dày do dùng bột cam thảo.

  • Hội chứng rối loạn hấp thu do khiếm khuyết vận chuyển ion của ruột non.

  • Người ăn kiêng, những bệnh nhân nặng, nằm lâu, phải nuôi dưỡng qua ống thông dạ dày.

  • Dùng một số thuốc như thuốc giãn phế quản gắn kết các thụ thể beta-adrenergic, nhóm xanthin; các thuốc steroid như prednisone, hydrocortisone, methylprednisolone.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hạ kali máu

Chẩn đoán xác định

Xét nghiệm kali máu.

Chẩn đoán mức độ 

  • Mức độ nhẹ: Không có triệu chứng lâm sàng và điện tâm đồ.

  • Mức độ vừa: Có thể có chướng bụng, chuột rút, điện tâm đồ có sóng T dẹt, đoạn ST chênh xuống nhưng không có các triệu chứng nặng như rối loạn nhịp tim nặng nề, liệt thần kinh cơ.

  • Mức độ nặng: Hạ kali máu có các triệu chứng nặng trên lâm sàng (rối loạn nhịp tim hoặc yếu cơ, liệt, hoặc hội chứng tiêu cơ vân cấp).

Phương pháp điều trị hạ kali máu

Nguyên tắc: Không có công thức chung để điều chỉnh hạ kali máu do kali là ion nội bào và bị ảnh hưởng bởi tình trạng toan kiềm.

  • Nhóm bệnh nhân có Kali máu > 2,5mmol/l, không có rối loạn nhịp trên ECG, không có triệu chứng lâm sàng nguy hiểm, và uống được: Bù Kali bằng đường uống. Bệnh nhân được cho uống Kali chlorua 1g/gói (1 gói x 4 lần/ngày) hoặc Kaleoride 0,6g/viên (2 viên x 3 lần/ngày). Theo dõi Kali máu mỗi ngày cho đến khi Kali máu > 3,5mmol/l.

  • Nhóm bệnh nhân có Kali máu 2,5mmol/l mà có triệu chứng lâm sàng nguy hiểm hay có rối loạn nhịp trên ECG hay bệnh nhân không thể uống được: Bù kali bằng đường truyền tĩnh mạch.

  • Nếu bệnh nhân có những biểu hiện của hạ Kali máu đe dọa tính mạng, thì bù Kali cấp cứu: Truyền với tốc độ 120 giọt/phút. Theo dõi sát ECG qua monitor, triệu chứng lâm sàng nguy hiểm và làm lại điện giải đồ sau 4 giờ. 

  • Khi đã hết các triệu chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng và Kali máu còn 2,5mmol/l, thì kali sẽ được bù với tốc độ chậm 20 giọt/phút. Theo dõi sát ECG qua monitor và làm lại điện giải đồ sau 12 giờ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Phương pháp phòng ngừa hạ kali máu hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tránh các hoạt động thể chất nặng và kéo dài.

  • Tránh dùng các thảo dược hoặc thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận tràng,... có thể gây hạ kali máu. Luôn dùng thuốc theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ cũng như có chế độ dự phòng và theo dõi kali máu khi điều trị các thuốc này.

  • Bù đủ lượng kali mất đi hàng ngày ở những bệnh nhân tiêu chảy hoặc tiểu nhiều do dùng thuốc lợi tiểu.

  • Sử dụng thực phẩm và hoa quả có nồng độ kali cao như: Khoai tây, chuối, cam và đào.

Nguồn tham khảo
  1. Nguyễn Quốc Anh, Ngô Quý Châu. (2011), “Hạ kali máu”, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa, Nhà xuất bản y học, Tr. 147-9.
  2. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa Bệnh Viện Bạch Mai 2011.
  3. Vũ Văn Đính (2006), “Hạ kali máu”, Cẩm nang cấp cứu, Nhà xuất bản y học, Tr 215-18.

Các bệnh liên quan

  1. Rối loạn lipid máu

  2. Dậy thì sớm

  3. Bướu giáp lan tỏa

  4. Xơ gan mất bù

  5. Suy giảm Testosterone

  6. Cường Aldosteron tiên phát

  7. Suy cận giáp

  8. Suy gan cấp

  9. Bướu cổ

  10. Rối loạn chuyển hóa bẩm sinh