Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Oxycodone

Oxycodone: Thuốc giảm đau gây nghiện nhóm opioid

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Oxycodone

Loại thuốc

Thuốc giảm đau gây nghiện nhóm opioid.

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Viên nén phóng thích kéo dài: 5 mg, 10 mg, 15 mg, 20 mg, 30 mg, 40 mg, 60 mg, 80 mg, 120 mg.
  • Viên nang cứng: 5 mg, 10 mg, 20 mg.
  • Dung dịch tiêm truyền Oxycodone 10 mg/ml.

Chỉ định

Thuốc Oxycodone chỉ định điều trị trong các trường hợp sau:

  • Cơn đau dữ dội chỉ có thể được kiểm soát bởi thuốc giảm đau opioid.
  • Cơn đau mạn tính trung bình đến nặng cần dùng thuốc giảm đau opioid dạng phóng thích kéo dài trong thời gian dài.

Dược lực học

Oxycodone có ái lực với các thụ thể opioid κ, μ và δ trong não và tủy sống. Nó hoạt động tại các thụ thể này như một chất chủ vận opioid mà không có tác dụng đối kháng. Tác dụng điều trị chủ yếu là giảm đau, an thần.

So với Oxycodone giải phóng nhanh (dùng một mình hoặc phối hợp với các thuốc khác), viên nén giải phóng kéo dài giúp giảm đau trong thời gian dài hơn rõ rệt mà không làm tăng tác dụng không mong muốn.

Động lực học

Hấp thu

Khoảng 60 - 87% liều uống của Oxycodone vào được khoang trung tâm so với một liều tiêm. Sinh khả dụng cao theo đường uống này là do chuyển hóa trước khi vào hệ thống và/hoặc chuyển hóa lần đầu thấp.

Phân bố

Sinh khả dụng tuyệt đối của Oxycodone bằng khoảng 2/3 so với đường tiêm. Ở trạng thái ổn định, thể tích phân bố của thuốc lên tới 2,6 lit/ kg. Thuốc gắn kết với protein huyết tương đến 38 - 45%.

Chuyển hóa

Oxycodone được chuyển hóa tại ruột và gan qua hệ thống cytochrome P450 thành noroxycodone, oxymorphone và sau đó liên hợp với glucuronide.

Thải trừ

Thời gian bán thải từ 4 - 6 giờ và độ thanh thải trong huyết tương là 0,8 lit/phút. Với viên nén phóng thích kéo dài, thời gian bán thải từ 4 – 5 giờ và đạt trạng thái ổn định trung bình khoảng 1 ngày.

Oxycodone và các chất chuyển hóa của nó được bài tiết qua nước tiểu và phân. Oxycodone có thể qua được nhau thai và sữa mẹ.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

  • Dùng chung thuốc ức chế thần kinh trung ương (thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc gây mê, thuốc chống trầm cảm, thuốc giãn cơ) có thể làm tăng phản ứng có hại của Oxycodone, đặc biệt là ức chế hô hấp.
  • Thận trọng khi dùng chung Oxycodone với những bệnh nhân đã và đang sử dụng thuốc ức chế MAO trong vòng 2 tuần do có thể gây ra các kích thích lên thần kinh, gây trầm cảm hoặc hạ huyết áp.
  • Dùng chung với các thuốc ức chế CYP 2D6 (paroxetine, quinidine) hoặc thuốc ức chế CYP 3A4 (kháng sinh macrolid, kháng nấm azol, kháng virus ức chế protease, cimetidine) có thể làm giảm độ thanh thải Oxycodone, dẫn đến làm tăng nồng độ thuốc này trong huyết tương.
  • Các thuốc cảm ứng CYP 3A4 (rifampicin, carbamazepine, phenytoin) dùng chung với Oxycodone làm tăng độ thanh thải của thuốc, từ đó làm giảm nồng độ Oxycodone trong huyết tương dẫn đến giảm hiệu quả điều trị.
  • Thận trọng khi sử dụng đồng thời Oxycodone với thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI) hoặc thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI) do có thể gây ngộ độc serotonin (gây kích động, nhịp tim nhanh, bất thường thần kinh cơ…).
  • Không uống rượu khi đang điều trị với Oxycodone do làm tăng tác động của thuốc.
  • Opioid làm giảm hiệu quả thuốc lợi tiểu nếu dùng chung.
  • Sử dụng kết hợp Oxycodone và thuốc kháng cholinergic có thể tăng nguy cơ bí tiểu, táo bón, có thể dẫn đến liệt ruột.

Tương tác với thực phẩm

  • Nước bưởi chùm có thể làm giảm độ thanh thải Oxycodone và tăng nồng độ thuốc trong huyết tương.

Chống chỉ định

Thuốc Oxycodone chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Quá mẫn với hoạt chất hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Suy hô hấp nghiêm trọng với tình trạng thiếu oxy và / hoặc tăng nồng độ CO2 máu.
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nặng.
  • Bệnh tim phổi.
  • Bệnh hen phế quản nặng.
  • Liệt ruột, tắc nghẽn đường tiêu hóa.
  • Hội chứng bụng cấp, chậm làm rỗng dạ dày.

Liều lượng & cách dùng

Người lớn

Mục tiêu điều trị: Chỉnh liều tùy thuộc từng bệnh nhân, đảm bảo đủ liều để giảm đau và các tác dụng không mong muốn ở mức chấp nhận được.

Thuốc có thể được uống trong hoặc sau bữa ăn với lượng nước vừa đủ. Khi uống nuốt nguyên viên, không nhai, không bẻ, không nghiền. Không uống thuốc với đồ uống có cồn.

Liều ban đầu ở người chưa từng dùng qua opioid là 10 mg Oxycodone mỗi 12 giờ. Ở một số bệnh nhân có thể dùng liều 5mg để giảm nguy cơ các phản ứng có hại.

Ở bệnh nhân đã từng dùng opioid trước đây, có thể bắt đầu bằng liều cao hơn.

Ở dạng phóng thích kéo dài, 10 – 13 mg Oxycodone hydroclorid tương đương với khoảng 20 mg morphin sulfate.

Do sự khác biệt về độ nhạy cảm của từng cá nhân với các opioid khác nhau, cần thận trọng khi chuyển từ các opioid khác sang dùng Oxycodone, nên tính toán chuyển đổi khoảng 50 - 75% liều.

Oxycodone không được chỉ định để điều trị cơn đau cấp tính hoặc cơn đau đột ngột.

Sau khi tăng liều từ 10 – 20 mg mỗi 12 giờ, mỗi lần chỉnh liều bằng khoảng 1/3 liều hàng ngày.

Để điều trị cơn đau không ác tính, liều khuyến cáo hàng ngày là 40 mg, có thể dùng liều cao hơn nếu cần thiết. Bệnh nhân bị đau liên quan đến ung thư có thể dùng liều từ 80 - 120 mg, tùy từng cá nhân có thể tăng đến 400 mg. Nếu cần dùng liều cao hơn nữa, liều dùng nên được tính toán thận trọng để cân bằng giữa hiệu quả với khả năng dung nạp và nguy cơ tác dụng không mong muốn.

Trẻ em

Không sử dụng cho trẻ dưới 12 tuổi.

Đối tượng khác

Người cao tuổi chức năng gan, thận bình thường: Liều và cách dùng như với người lớn.

Bệnh nhân nguy cơ cao (người có trọng lượng cơ thể nhẹ, bệnh nhân chuyển hóa thuốc chậm) nếu chưa từng dùng opioid: 1/2 liều khuyến cáo của người lớn.

Bệnh nhân suy giảm chức năng gan, thận: Liều khởi đầu bằng 1/2 liều người lớn, điều chỉnh liều tùy tình trạng bệnh nhân.

Tác dụng phụ

Khi sử dụng thuốc Oxycodone, bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ADR).

Thường gặp

Chán ăn, khó nuốt; chóng mặt, đau đầu; suy nhược, lo lắng, trầm cảm, căng thẳng, mất ngủ, suy nghĩ bất thường, lú lẫn, rối loạn ngôn ngữ; khó thở, co thắt phế quản; khô miệng, rối loạn dạ dày – ruột, khó tiêu; táo bón, buồn nôn, nôn; phát ban, viêm da tróc vảy, mề đay, nhạy cảm ánh sáng; đổ mồ hôi.

Ít gặp

Quá mẫn, dị cảm; thay đổi nhận thức, ảo giác, hay quên, hưng phấn, kích động; giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương; lệ thuộc thuốc; co giật, tăng/giảm trương lực cơ; chóng mặt, ù tai, bất thường thị lực; đánh trống ngực; suy hô hấp, viêm mũi, viêm họng; loét miệng, viêm lợi; tăng men gan; bí tiểu; phù nề; hội chứng cai thuốc, dung nạp thuốc; đau nửa đầu.

Hiếm gặp

Viêm mô tế bào; chảy máu lợi, hư răng; hạ huyết áp thế đứng; động kinh; nổi hạch.

Không xác định tần suất

Ứ mật, cơn đau quặn mật, tăng cảm giác đau, phản ứng phản vệ.

Lưu ý

Lưu ý chung

  • Oxycodone không nên dùng lâu hơn mức cần thiết. Nếu cần thiết phải điều trị lâu dài, phải theo dõi cẩn thận và thường xuyên để xác định có nên tiếp tục điều trị không và ở mức độ nào. Nếu liệu pháp opioid không còn được chỉ định, giảm liều hàng ngày dần dần để ngăn ngừa các triệu chứng của hội chứng cai nghiện, không ngưng thuốc đột ngột.
  • Suy hô hấp là nguy cơ thường gặp nhất do opioid gây ra, đặc biệt ở bệnh nhân cao tuổi và suy nhược. Tác dụng ức chế hô hấp của Oxycodone có thể dẫn đến tăng nồng độ CO2 trong máu và trong dịch não tủy đồng thời có thể gây hạ huyết áp nghiêm trọng.
  • Thuốc có khả năng gây nghiện khi sử dụng dài ngày ở tất cả bệnh nhân, kể cả ở liều điều trị. Nguy cơ này cao hơn ở những người có tiền sử lạm dụng chất gây nghiện hoặc rối loạn sức khỏe tâm thần. Cần đặc biệt thận trọng khi kê đơn cho bệnh nhân có nguy cơ lạm dụng opioid và theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu lạm dụng hoặc nghiện thuốc.
  • Thận trọng ở các đối tượng bệnh nhân: Người cao tuổi, suy nhược; suy giảm chức năng phổi, gan, thận nặng; phù nề, suy giáp, bệnh Addison, rối loạn tâm thần do nhiễm độc rượu, suy vỏ thượng thận, viêm tụy, bệnh đường mật, động kinh, co giật, bệnh nhân dùng thuốc ức chế MAO trong vòng 2 tuần.
  • Opioid chỉ nên sử dụng cho bệnh nhân sau phẫu thuật ruột khi chức năng ruột đã phục hồi.
  • Không khuyến cáo dùng Oxycodone trước và trong vòng 12 – 24 giờ sau phẫu thuật.
  • Các thuốc opioid có thể ảnh hưởng đến trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận hoặc tuyến sinh dục.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Sử dụng thường xuyên Oxycodone trong thời kỳ mang thai có thể gây hội chứng cai nghiện ở trẻ sơ sinh. Sử dụng thuốc trong khi chuyển dạ có thể làm giảm hô hấp ở trẻ sơ sinh, nên có sẵn thuốc giải độc cho trẻ.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Không nên dùng cho phụ nữ cho con bú vì Oxycodone có thể tiết qua sữa mẹ và có thể gây ức chế hô hấp ở trẻ sơ sinh.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Thuốc có thể làm suy giảm chức năng nhận thức, chóng mặt, buồn ngủ và có thể ảnh hưởng khả năng lái xe, vận hành máy móc của bệnh nhân.

Quá liều

Quá liều Oxycodone và xử trí

Quá liều và độc tính

Triệu chứng: Buồn ngủ nghiêm trọng, co đồng tử, thở chậm hoặc ngưng thở.

Quá liều Oxycodone thậm chí có thể gây tử vong, đặc biệt ở trẻ em hoặc khi tự ý dùng thuốc.

Cách xử lý khi quá liều

Dùng thuốc giải độc đặc hiệu là naloxone. Tiêm naloxone (0,4 – 2 mg naloxone tiêm tĩnh mạch hoặc truyền tĩnh mạch 2 mg naloxone trong 500 ml nước muối đẳng trương hay dung dịch dextrose 5%, tốc độ tiêm truyền tùy đáp ứng của bệnh nhân).

Rửa dạ dày hoặc sử dụng than hoạt (người lớn 50 g, trẻ em 10 – 15g), bảo vệ đường thở nếu ngộ độc Oxycodone trong vòng 1 giờ.

Các biện pháp hỗ trợ (hô hấp nhân tạo, thuốc vận mạch…). Xoa bóp, khử rung tim nếu ngừng tim.

Quên liều và xử trí

Nếu liều đã quên gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đó và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Nguồn tham khảo

Tên thuốc: Oxycodone

1) EMC: https://www.medicines.org.uk/emc/product/9577

2) Drugs.com: https://www.drugs.com/oxycodone.html

3) Drugbank: https://drugbank.vn/thuoc/OxyContin-10mg&VN2-416-15

4) Drugbank: https://go.drugbank.com/drugs/DB00497

Ngày cập nhật: 24/7/2021