Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Dược chất/
  3. Phenindione

Phenindione - Chất chống đông máu

09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Phenindione

Loại thuốc

Thuốc chống đông kháng vitamin K

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén: 10 mg, 25 mg

Chỉ định

Thuốc Phenindione được dùng trong các trường hợp:

  • Liệu pháp chống đông máu có thể được bắt đầu bằng heparin và phenidione cùng với nhau.
  • Liệu pháp chống đông máu trong dự phòng thuyên tắc hệ thống ở bệnh nhân bệnh thấp tim và rung nhĩ.
  • Dự phòng sau khi đặt van tim giả.
  • Dự phòng và điều trị huyết khối tĩnh mạch và thuyên tắc phổi.

Dược lực học

Phenindione là một chất chống đông máu tổng hợp, hoạt động bằng cách can thiệp vào sự hình thành các yếu tố đông máu nhất định. Nó tạo ra tác dụng trong 36-48 giờ sau liều ban đầu. Hiệu quả sẽ giảm sau khoảng thời gian 48-72 giờ sau khi ngừng phenindione.

Động lực học

Hấp thu

Hấp thu chậm qua đường tiêu hóa.

Phân bố

Liên kết protein 88%.

Chuyển hóa

Qua gan mật.

Thải trừ

Chu kỳ bán thải 5-10 giờ.

Trao đổi chất

Gan.

Độc tính

Uống, chuột: LD50 = 175 mg / kg; Uống, chuột: LD50 = 163 mg / kg.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Chống chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết như streptokinase và alteplase ở bệnh nhân dùng phenidione.

Nên tránh hoặc sử dụng một cách thận trọng, tăng cường theo dõi lâm sàng và chỉ số xét nghiệm khi dùng đồng thời với các thuốc: clopidogrel, kháng viêm không steroid (NSAID), sulfinpyrazone, thuốc chống đông, dipyridamole, các loại heparin, fondaparinux, rivaroxaban, thuốc đối kháng thụ thể glycoprotein IIb/IIIa, prostacyclin, thuốc chống trầm cảm SSRI và SNRI, clofibrate, miconazole., thuốc trị ung thư, các loại thuốc khác ức chế quá trình cầm máu, đông máu hoặc hoạt động của tiểu cầu.

Thuốc làm giảm tác dụng của phenidione: thuốc an thần, carbamazepine, griseofulvin, phenytoin.

Một số thuốc có thể làm tăng tác dụng của phenidione: Kháng sinh phổ rộng, orlistat, cholestyramine, sucralfate, glucosamine, ACTH, allopurinol, amitriptyline/nortriptyline, cimetidine, dextropropoxyphene, glucagon, thuốc độc gan, phenformin, hợp chất tuyến giáp, tolbutamide, disulfiram, amiodarone, propafenone, steroid đồng hóa, corticosteroid, thuốc tránh thai, zafirlukast.

Aspirin liều thấp phối hợp có thể có vai trò ở một số bệnh nhân nhưng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa tăng lên.

Bệnh nhân nói chung nên tránh dùng bất kỳ loại thuốc thảo dược hoặc thực phẩm bổ sung nào trong khi dùng phenidione và nên thông báo cho bác sĩ của họ nếu họ đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, vì nên theo dõi thường xuyên hơn.

Tương tác với thực phẩm

Có thể xảy ra tương tác với nước ép cam, việt quất. Tăng cường giám sát và theo dõi INR nên được xem xét đối với bất kỳ bệnh nhân nào dùng phenidione và nước ép nam việt quất thường xuyên.

Một số loại thực phẩm như gan, bông cải xanh, cải bruxen và các loại rau lá xanh có chứa một lượng lớn vitamin K. Những thay đổi đột ngột trong chế độ ăn có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát chống đông máu.

Bệnh nhân cần được thông báo về sự cần thiết phải đi khám trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào trong chế độ ăn uống.

Chống chỉ định

Quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Đột quỵ do xuất huyết.

Chảy máu đáng kể về mặt lâm sàng.

Trong vòng 72 giờ kể từ khi phẫu thuật lớn có nguy cơ chảy máu nghiêm trọng.

Trong vòng 48 giờ sau khi sinh.

Thời kỳ mang thai hoặc cho con bú.

Dùng chung Phenindione các thuốc gây tương tác có thể dẫn đến nguy cơ chảy máu tăng đáng kể.

Bệnh gan hoặc thận nặng, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, tình trạng xuất huyết thực sự hoặc tiềm ẩn hoặc bệnh nhân tăng huyết áp không kiểm soát được.

Bệnh nhân có vấn đề di truyền hiếm gặp về không dung nạp galactose, thiếu men lactase hoặc kém hấp thu glucose-galactose.

Liều lượng & cách dùng

Người lớn:

Liều nạp đầu tiền: 200 mg Phenindione.

Ngày thứ hai: 100 mg.

Liều dùng điều chỉnh từ ngày thứ ba, phụ thuộc vào kết quả của các xét nghiệm đông máu như thời gian prothrombin, theo tỷ lệ chuẩn hóa quốc tế (INR).

Lưu ý: Điều trị đồng thời với heparin ảnh hưởng đến kết quả của các xét nghiệm kiểm soát INR, nên ngừng heparin ít nhất 6 giờ trước khi thực hiện xét nghiệm kiểm soát INR đầu tiên.

Liều duy trì: 50 - 150 mg/ngày, ở một số bệnh nhân “kháng thuốc” có thể cần 200 mg/ngày hoặc hơn. Hoặc với một số bệnh nhân "nhạy cảm" có thể cần ít hơn 50mg Phenindione/ngày.

Tác dụng phụ

Không xác định tần suất:

  • Nhiễm trùng, nhiễm độc, sốt.
  • Rối loạn hệ thống bạch huyết và máu (giảm/tăng bạch cầu, mất bạch cầu hạt, nổi hạch, tăng bạch cầu ái toan, hội chứng dạng bệnh bạch cầu (Leukemoid)).
  • Quá mẫn.
  • Xuất huyết não, tụ máu dưới màng cứng não.
  • Xuất huyết.
  • Xuất huyết khoang phổi, chảy máu cam.
  • Xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết trực tràng, rong huyết, viêm tụy, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, phân đen, rối loạn vị giác.
  • Viêm gan, vàng da.
  • Phát ban, ban xuất huyết, hội chứng ngón chân cái màu xanh, bầm máu, rụng tóc, hoại tử da, viêm da tróc vảy, ngoại ban.
  • Tiểu máu, tổn thương thận (hoại tử ống thận), albumin niệu.
  • Giảm hematocrit, hemoglobin.

Lưu ý

Lưu ý chung

Cần đánh giá tính cần thiết của liệu pháp thường xuyên. Bệnh nhân nên được cung cấp thẻ chứng minh đang dùng thuốc chống đông máu.

Bệnh nhân cần được biết rõ về các dấu hiệu dị ứng hoặc các triệu chứng gợi ý không dung nạp thuốc để báo ngay với bác sĩ

Các trường hợp có thể tăng tác dụng của thuốc (cân nhắc giảm liều):

  • Giảm cân.
  • Người cao tuổi.
  • Bệnh cấp tính.
  • Suy giảm chức năng thận.
  • Chế độ ăn uống ít vitamin K.
  • Dùng chung một số thuốc (Xem phần tương tác).

Các trường hợp có thể giảm tác dụng của thuốc (cân nhắc tăng liều):

  • Tăng cân.
  • Tiêu chảy, nôn mửa.
  • Tăng lượng Vitamin K, chất béo hoặc dầu.
  • Dùng chung một số thuốc (Xem phần tương tác).

Hội chứng calci hóa mạch máu và hoại tử da (Calciphylaxis) – có tỷ lệ tử vong cao, một số trường hợp hiếm gặp có thể xảy ra ở bệnh nhân dùng thuốc đối kháng vitamin K. Nếu được chẩn đoán là calciphylaxis, nên bắt đầu điều trị thích hợp và cân nhắc ngừng dùng phenidione.

INR nên được xác định hàng ngày hoặc cách ngày trong những ngày đầu điều trị. Khi INR đã ổn định ở mức mục tiêu, có thể làm xét nghiệm INR không thường xuyên.

Cần theo dõi thường xuyên khi dùng phenindione ở bệnh nhân đang bị loét dạ dày-tá tràng, rối loạn chức năng tuyến giáp, có vấn đề về di truyền (liên quan đến VKORC1), có các yếu tố nguy cơ tăng đông máu, bệnh nhân tuân thủ điều trị kém, bệnh thận nhẹ - trung bình, có nguy cơ xuất huyết nghiêm trọng, có các yếu tố nguy cơ gây chảy máu.

Nếu INR quá cao/thấp có thể cân nhắc giảm hoặc bỏ liều thuốc, dùng thuốc hỗ trợ. INR nên được kiểm tra trong vòng 2-3 ngày để đảm bảo kết quả đáng tin cậy.

Hội chứng tăng đông máu

Thiếu protein C, S có nguy cơ bị hoại tử da khi điều trị bằng Phenidione, cân nhắc áp dụng liệu pháp mà không dùng liều nạp của Phenidione ngay cả khi đã dùng heparin.

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ

Các biện pháp chống đông máu khi dùng sau đột quỵ do thiếu máu cục bộ có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết thứ phát, cần tạm ngưng phenidione. Thời gian bắt đầu dùng lại phenidione là 2–14 ngày sau đột quỵ do thiếu máu cục bộ, tùy thuộc vào kích thước của ổ nhồi máu và huyết áp.

Phẫu thuật

Đối với phẫu thuật mà không có nguy cơ chảy máu nghiêm trọng, có thể được thực hiện với INR < 2,5. Đối với phẫu thuật có nguy cơ chảy máu nghiêm trọng, nên ngừng phenidione 3 ngày trước khi phẫu thuật.

Khi cần tiếp tục chống đông, INR nên giảm xuống <2,5 và nên bắt đầu điều trị bằng heparin trước.

Nếu cần phải phẫu thuật và không thể ngừng trước 3 ngày, nên điều trị bằng vitamin K liều thấp. Thời gian dùng lại liệu pháp chống đông phụ thuộc vào nguy cơ xuất huyết sau phẫu thuật.

Sử dụng Vitamin K có thể dẫn đến kháng lại tác dụng của phenidione trong một số ngày, do đó, huyết tương tươi đông lạnh nên được dùng cho bệnh nhân có van tim giả khi xuất huyết đã xảy ra.

Phẫu thuật nha khoa

Không cần phải ngừng trước khi phẫu thuật nha khoa thông thường.

Các chất chuyển hóa của phenindione thường làm nước tiểu có màu hồng hoặc cam, phân biệt với tiểu máu bằng cách nhỏ acid acetic loãng vào nước tiểu. Nếu sự đổi màu là do thuốc, sự đổi màu sẽ biến mất ngay lập tức.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Điều trị chống đông máu đường uống được chống chỉ định trong thai kỳ vì có thể gây quái thai và nguy cơ xuất huyết thai nhi gần đủ tháng.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản được điều trị bằng phenidione nên được cảnh báo về các biến chứng có thể xảy ra khi mang thai.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Thuốc có thể phân bố vào sữa mẹ, trẻ sơ sinh không nên được nuôi bằng sữa mẹ từ các bà mẹ đang điều trị bằng phenidione

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Không có hoặc ảnh hưởng không đáng kể đến khả năng lái xe hoặc vận hành máy móc..

Quá liều

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Thuốc thường cần 48-72 giờ để khởi phát tác động, do đó các triệu chứng có thể xuất hiện sau vài ngày. Có thể xảy ra bầm tím tự phát, tụ máu, tiểu ra máu, chảy máu trực tràng và xuất huyết ở bất kỳ cơ quan nội tạng nào.

Cách xử lý khi quá liều thuốc Phenindione

Trong vòng một giờ sau khi uống nhiều hơn 0,25mg/kg hoặc nhiều hơn liều điều trị của bệnh nhân, hãy cân nhắc sử dụng than hoạt (50 g cho người lớn).

Đo thời gian prothrombin lúc nhập viện và tuần tự sau mỗi 24 -48 giờ sau khi uống tùy thuộc vào liều ban đầu và INR ban đầu.

Đối với bệnh nhân đang dùng liệu pháp phenindione dài hạn:

Theo dõi INR nhất 48 giờ.

Nếu không có chảy máu nhiều nhưng thời gian prothrombin kéo dài một cách nguy hiểm (INR> 6), truyền 0,5-1 mg vitamin K bằng cách truyền tĩnh mạch chậm, điều trị sau đó tùy theo lâm sàng, INR.

Nếu có chảy máu nặng, truyền huyết tương tươi đông lạnh và vitamin K 1 mg bằng cách truyền tĩnh mạch chậm, điều trị sau đó tùy theo lâm sàng, INR.

Trong trường hợp xuất huyết đe dọa tính mạng, hãy sử dụng huyết tương tươi đông lạnh hoặc thuốc đông máu.

Theo dõi INR để xem xét bắt đầu lại liệu pháp bình thường.

Đối với những bệnh nhân không sử dụng liệu pháp phenindione dài hạn:

Nếu INR bình thường 24-48 giờ và không có bằng chứng chảy máu, thì không cần theo dõi thêm.

Nếu không có chảy máu nhiều và bệnh nhân dùng quá 0,25 mg/kg hoặc thời gian prothrombin đã kéo dài đáng kể (INR > 6), đợi ít nhất 4 giờ sau khi cho uống than hoạt có thể dùng vitamin K. Liều người lớn là 10-20 mg uống hoặc truyền tĩnh mạch, lặp lại hàng ngày cho đến khi thời gian prothrombin trở lại mức bình thường.

Khi đang chảy máu, tiêm huyết tương tươi đông lạnh và vitamin K 10-20 mg cho người lớn bằng cách tiêm tĩnh mạch chậm.

Nếu xuất huyết đe dọa tính mạng, sử dụng huyết tương tươi đông lạnh hoặc chất đông máu.

Theo dõi chỉ số INR để quyết định ngừng vitamin K.

Nguồn tham khảo