Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rung nhĩ là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rung nhĩ là một rối loạn nhịp nhĩ nhanh và không đều. Khi rung nhĩ, bệnh nhân có nguy cơ cao hình thành huyết khối trong tâm nhĩ, dẫn đến biến chứng đột quỵ khi huyết khối di chuyển trong tuần hoàn. Rung nhĩ gây ra triệu chứng rất khác nhau trên các bệnh nhân: Từ không triệu chứng đến mệt mỏi, hồi hộp, khó thở hoặc các triệu chứng nặng như tụt huyết áp, ngất hoặc suy tim.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Rung nhĩ là gì? 

Rung nhĩ là một rối loạn nhịp trên thất với đặc trưng bởi tình trạng mất đồng bộ điện học và sự co bóp cơ tâm nhĩ với các đặc điểm điện tâm đồ. Rung nhĩ gây ảnh hưởng huyết động liên quan đến tần số đáp ứng thất bất thường (quá nhanh hoặc quá chậm) và sự mất sự đồng bộ giữa nhĩ và thất. Các triệu chứng của rung nhĩ, bao gồm: Đánh trống ngực, mệt mỏi, yếu sức, giảm khả năng gắng sức, khó thở và thoáng ngất.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của rung nhĩ

Rung tâm nhĩ thường không có triệu chứng, nhưng nhiều bệnh nhân có thể thấy đánh trống ngực, khó chịu trong ngực, hoặc triệu chứng của suy tim (ví dụ như suy nhược cơ thể, nhức đầu, khó thở), đặc biệt khi tần số thất rất nhanh (thường là 140 - 160 lần/phút). Bệnh nhân cũng có thể có triệu chứng và dấu hiệu đột quỵ cấp tính hoặc các tổn thương cơ quan khác do thuyên tắc mạch hệ thống.

Khám mạch thấy không đều và không có quy luật, không thấy sóng a của tĩnh mạch cổ. Khám mạch có thể thấy tần số mạch quay thấp hơn tần số tim nghe bằng ống nghe do thể tích nhát bóp thất trái không hằng định khi rung nhĩ nên không phải nhát bóp nào cũng đưa được cung lượng máu đủ tới các mạch ngoại biên đoạn xa (ví dụ mạch quay) để ta có thể sờ thấy mạch.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh rung nhĩ

Rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ và/hoặc tắc mạch ngoại vi do hình thành các huyết khối trong buồng nhĩ, thường là khởi phát từ tiểu nhĩ trái. Nguy cơ đột quỵ mỗi năm vào khoảng 7% ở bệnh nhân rung nhĩ. Huyết khối gây tắc mạch hệ thống (ví dụ như động mạch vành, động mạch thận, động mạch mạc treo, động mạch mắt, động mạch chi) có thể gây ra hoại tử và rối loạn chức năng các cơ quan.

Việc tâm nhĩ không co bóp sẽ làm giảm cung lượng tim khoảng 10% với tần số tim bình thường. Bệnh nhân thường dung nạp tốt việc giảm cung lượng tim này trừ phi tần số thất quá nhanh (> 140 lần/phút), hoặc trên cơ sở bệnh nhân đã có sẵn cung lượng tim thấp hoặc ở mức ranh giới. Trong những trường hợp như vậy, tình trạng suy tim sẽ tiến triển nặng hơn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến rung nhĩ

Các nguyên nhân phổ biến nhất của rung nhĩ là:

  • Tăng huyết áp;

  • Bệnh động mạch vành;

  • Bệnh cơ tim;

  • Bệnh van hai lá hoặc van ba lá;

  • Cường giáp;

  • Uống rượu nhiều hơn khi có dịp nghỉ lễ.

Các nguyên nhân ít phổ biến hơn của rung nhĩ bao gồm:

  • Nhồi máu phổi;

  • Thông liên nhĩ và các bệnh lý tim bẩm sinh khác;

  • COPD;

  • Viêm cơ tim;

  • Viêm màng ngoài tim.

Rung nhĩ đơn độc là rung nhĩ mà không xác định được nguyên nhân ở bệnh nhân < 60 tuổi.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) rung nhĩ?

Vận động viên

Rung nhĩ cơn hoặc rung nhĩ bền bỉ khá phổ biến trong giới vận động viên và có thể khởi phát bởi một rối loạn nhịp nhanh trên thất khác, đặc biệt là ở các vận động viên lớn tuổi. Các phương pháp khác như triệt đốt rung nhĩ qua đường ống thông hay “thuốc bỏ túi” (thuốc chống loạn nhịp mang theo người để uống ngay khi cơn rung nhĩ xuất hiện) có thể được xem xét áp dụng cho các vận động viên.

Người cao tuổi

Tỷ lệ mắc rung nhĩ tăng lên theo tuổi và ước tính có khoảng 35% số bệnh nhân rung nhĩ ở độ tuổi ≥ 85 tuổi. Nguy cơ đột quỵ tăng cao theo tuổi. Đây là lý do thang điểm CHA2DS2 - VASc coi lứa tuổi từ 65 - 74 là yếu tố nguy cơ đột quỵ thấp và ≥ 75 tuổi có nguy cơ đột quỵ cao.

Nhóm bệnh nhân cao tuổi bị rung nhĩ thường có một số đặc điểm như rung nhĩ có ít hoặc không có triệu chứng. 

Phụ nữ có thai

Rung nhĩ rất hiếm gặp ở phụ nữ có thai và thường là hậu quả của bệnh lý tim mạch có từ trước khi mang thai. Rung nhĩ góp phần làm tăng nguy cơ, biến chứng cho người mẹ và thai nhi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) rung nhĩ

Rung nhĩ và tăng huyết áp có quan hệ chặt chẽ với nhau. Tăng huyết áp gây ra suy tim, giai đoạn đầu gây to thất trái, giai đoạn sau gây tim to toàn bộ. Vì vậy, tăng huyết áp làm khởi phát rung nhĩ qua các ổ đập bất thường ở nhĩ. Vì vậy, bệnh nhân tăng huyết áp bị rung nhĩ không phải là trường hợp hiếm gặp.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán rung nhĩ

Điện tâm đồ cần được sử dụng để chẩn đoán rung nhĩ (mức độ bằng chứng C). Ghi điện tâm đồ thường quy, hoặc các dạng ghi điện tâm đồ khác để chẩn đoán xác định rung nhĩ.

Chụp X - quang ngực trong trường hợp nghi ngờ bệnh phổi hoặc suy tim và nghi có giãn các buồng tim.

Siêu âm tim 2D qua thành ngực để đánh giá đầy đủ về cấu trúc tim, đánh giá chức năng tim, đo kích thước tâm nhĩ.

Các xét nghiệm máu ít nhất cần có điện giải đồ, chức năng tuyến giáp, chức năng gan, thận và công thức máu.

Siêu âm tim qua thực quản: Đây là kĩ thuật có độ nhạy và độ đặc hiệu cao nhất để xác định có huyết khối trong nhĩ trái hay không.

Thăm dò điện sinh lý tim: Thăm dò điện sinh lý và triệt đốt năng lượng sóng có tần số Radio đặc biệt tốt và an toàn trên các bệnh nhân rung nhĩ và có kèm theo hội chứng Wolff Parkinson White. Phương pháp này cũng mang lại lợi ích rất lớn đối với các bệnh nhân rung nhĩ có kèm cuồng nhĩ.

Các thăm dò khác với một số đối tượng bệnh nhân rung nhĩ đặc biệt: Nồng độ BNP hoặc NT- proBNP có thể tăng ở các bệnh nhân rung nhĩ cơn và rung nhĩ bền bỉ mặc dù lâm sàng không có biểu hiện của suy tim.

Đa kí giấc ngủ cần được chỉ định nếu bệnh nhân có hội chứng ngừng thở khi ngủ.

Sử dụng máy ghi điện tâm đồ kéo dài trong một số trường hợp tỏ ra rất cần thiết để phát hiện các cơn rung nhĩ không có riệu chứng.

Phương pháp điều trị rung nhĩ hiệu quả

  • Kiểm soát tần số tim bằng thuốc hoặc triệt đốt nút nhĩ thất.

  • Đôi khi có thể chuyển nhịp xoang bằng sốc điện đồng bộ, thuốc chống loạn nhịp, hoặc triệt đốt cơ chất gây rung nhĩ.

  • Dự phòng nguy cơ huyết khối tắc mạch.

Bệnh nhân có rung nhĩ mới xuất hiện nên được nhập viện để điều trị trong trường hợp nghi ngờ nguyên nhân của rung nhĩ là do một bệnh lý tim mạch nền nào đó. Những bệnh nhân rung nhĩ tái đi tái lại không cần nhập viện trừ khi có triệu chứng nặng liên quan đến rung nhĩ đòi hỏi phải điều trị ở bệnh viện. Một khi đã tìm ra và xử lý nguyên nhân, việc điều trị rung nhĩ tập trung vào kiểm soát tần số thất, chuyển nhịp và dự phòng huyết khối tắc mạch.

Kiểm soát tần số thất

Bệnh nhân rung nhĩ cần được kiểm soát tần số thất < 100 lần/phút khi nghỉ ngơi để kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa bệnh cơ tim do nhịp nhanh.

Nếu gặp các cơn đáp ứng thất rất nhanh khi rung nhĩ (thường 140 - 160 lần/phút), ta cần dùng các thuốc đường tĩnh mạch có tác dụng ức chế dẫn truyền qua nút nhĩ thất (xem liều cụ thể ở xem bảng: Thuốc chống loạn nhịp (phân loại Vaughan Williams). Lưu ý: Khi rung nhĩ trên nền hội chứng Wolff-Parkinson-White, không được dùng các thuốc ức chế dẫn truyền qua nút nhĩ thất vì khi đó sẽ tăng đáp ứng thất rất nhanh qua đường phụ, gây rung thất. Các thuốc chẹn beta (ví dụ metoprolol, esmolol) nên được dùng nếu nghi ngờ nguyên nhân rung nhĩ do tăng tiết quá mức catecholamine (ví dụ trong rối loạn chức năng tuyến giáp, loạn nhịp nhanh khởi phát khi gắng sức). Các thuốc chẹn kênh canxi loại nondihydropyridine (ví dụ: Verapamil, diltiazem) cũng có hiệu quả. Digoxin là thuốc có hiệu quả thấp nhất nhưng nên được dùng khi đang có tình trạng suy tim. Nếu dùng đơn độc hoặc phối hợp các thuốc chẹn beta, chẹn kênh canxi loại nondihydropyridine và digoxin mà không có hiệu quả, ta có thể chuyển sang dùng Amiodarone.

Kiểm soát nhịp

Ở bệnh nhân suy tim hoặc rối loạn huyết động do cơn rung nhĩ mới xuất hiện, ta cần chỉ định chuyển nhịp ngay về nhịp xoang để cải thiện cung lượng tim. Việc chuyển nhịp rung nhĩ về nhịp xoang không đồng nghĩa với việc ngừng thuốc chống đông.

Trước khi chuyển nhịp, cần kiểm soát tần số thất < 120 lần/phút, và nhiều bệnh nhân cần được dùng thuốc chống đông máu. Nếu rung nhĩ đã tồn tại > 48 giờ, bệnh nhân cần được cho uống thuốc chống đông máu. Thuốc chống đông nên được uống > 3 tuần trước khi chuyển nhịp hoặc có thể ngắn hơn nếu siêu âm tim thực quản cho thấy không có huyết khối trong nhĩ trái. Thuốc chống đông nên tiếp tục được chỉ định trong 4 tuần sau sốc điện. Nhiều bệnh nhân cần điều trị chống đông máu suốt đời.

Thuốc chống đông kháng Vitamin K (VKA)

VKA là một thuốc chống đông đường uống được sử dụng từ những năm 1950 để dự phòng đột quị trên các BN rung nhĩ.

Thuốc chống đông đường uống thế hệ mới

Dabigatran là thuốc ức chế trực tiếp Thrombin. Liều dùng 150mg x 2 lần/ngày hoặc 110mg x 2 lần/ngày. Không sử dụng Dabigatran trên các bệnh nhân có mức lọc cầu thận < 30ml/phút.

Rivaroxaban là thuốc chống đông đường uống thế hệ mới thứ 2 thông qua cơ chế ức chế trực tiếp yếu tố Xa. Thuốc nên được dùng một liều duy nhất trong ngày vào bữa tối để đảm bảo hấp thu một cách tốt nhất. Thuốc được thải trừ chủ yếu qua thận. Liều dùng 20mg x 1 lần/ngày, giảm liều còn 15mg x 1 lần/ngày đối với các bệnh nhân có mức lọc cầu thận từ 30 - 49ml/phút. Không sử dụng Rivoraxaban trên các bệnh nhân có mức lọc cầu thận < 30ml/phút.

Apixaban là thuốc chống đông đường uống thế hệ mới thứ 3 thông qua cơ chế ức chế trực tiếp yếu tố Xa. Thuốc thải trừ chủ yếu qua gan và chủ yếu gắn với protein. Liều dùng 5mg x 2 lần/ngày, giảm liều còn 2,5mg x 2 lần/ngày với các trường hợp bệnh nhân cao tuổi ≥ 80 tuổi hoặc cân nặng ≤ 60 kg hoặc mức lọc cầu thận 30 – 49 ml/phút. Không dùng Apixaban trên các BN có mức lọc cầu thận < 30 ml/phút.

Sốc điện đồng bộ (100J, tiếp theo là 200J và 360J nếu cần) có thể giúp chuyển nhịp xoang bình thường ở 75 - 90% bệnh nhân, mặc dù tỷ lệ tái phát cao. Tỷ lệ thành công của chuyển nhịp và hiệu quả duy trì nhịp xoang sau khi thủ thuật cao hơn nếu ta sử dụng các loại thuốc chống loạn nhịp nhóm IA, IC hoặc III trong khoảng 24 đến 48 giờ trước khi làm thủ thuật.

Thuốc có tác dụng chuyển nhịp rung nhĩ về nhịp xoang bao gồm: Nhóm IA (procainamide, quinidine, disopyramide), IC (flecainide, propafenone) và nhóm III (amiodarone, dofetilide, dronedaron, ibutilide, sotalol) xem bảng: Thuốc chống loạn nhịp (phân loại Vaughan Williams). Tất cả các thuốc này đều có hiệu quả trong khoảng 50 đến 60% bệnh nhân, nhưng chúng có các tác dụng phụ khác nhau. Không nên sử dụng các thuốc này nếu chưa kiểm soát được tần số thất trước đó bằng thuốc chẹn beta hoặc thuốc chẹn kênh canxi loại nondihydropyridine. Trong trường hợp rung nhĩ cơn kịch phát hầu như hoặc chỉ xảy ra khi nghỉ hoặc trong lúc ngủ khi mà trương lực phế vị cao, các thuốc tác động lên hệ phế vị đặc biệt có hiệu quả (ví dụ disopyramide). Nếu rung nhĩ kịch phát xuất hiện khi gắng sức, nên dùng thuốc chẹn beta.

Trong trường hợp một số bệnh nhân cụ thể bị tái phát nhiều lần cơn rung nhĩ kịch phát mà chính bệnh nhân có thể cảm nhận được triệu chứng lúc khởi phát cơn, ta có thể cho bệnh nhân mang theo liều nạp flecanide (300mg cho bệnh nhân ≥ 70 kg, hoặc 200mg), hoặc propafenone (600mg cho bệnh nhân ≥ 70kg, hoặc 450mg) và uống ngay khi thấy có triệu chứng trống ngực. Phương pháp này chỉ được chỉ định ở những bệnh nhân không có suy nút xoang hoặc rối loạn dẫn truyền nhĩ thất, block nhánh, QT dài, hội chứng Brugada, hoặc bệnh tim thực tổn. 

Thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể angiotensin II, và thuốc kháng aldosterone có thể làm giảm tình trạng xơ hóa cơ tim để làm giảm cơ chất gây rung nhĩ ở bệnh nhân suy tim. 

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Rung nhĩ

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. 

Phương pháp phòng ngừa Rung nhĩ hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ của rung nhĩ bao gồm: Tuổi cao, bệnh lý tim mạch (tăng huyết áp, mạch vành, bệnh van tim, suy tim…), đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp, bệnh phổi mạn, lạm dụng rượu… Do vậy để điều trị tốt cho bệnh nhân rung nhĩ cần kiểm soát tốt bệnh nền và yếu tố nguy cơ. Hai mục tiêu chính của điều trị rung nhĩ là cải thiện triệu chứng và phòng ngừa biến chứng. Để đạt được hai mục tiêu này bác sĩ sẽ đưa ra những biện pháp điều trị phù hợp: Như điều chỉnh nhịp tim hoặc chuyển về nhịp tim bình thường và dự phòng biến cố tắc mạch bằng thuốc chống đông dựa trên đánh giá và cân bằng nguy cơ tắc mạch và nguy cơ chảy máu cho từng bệnh nhân.

Nguồn tham khảo
  1. Khuyến cáo điều trị rung nhĩ của Hội tim mạch học Việt Nam năm 2006: http://vnha.org.vn/cate.asp?cate_id=226
  2. https://www.fda.gov/drugs/news-events-human-drugs/atrial-fibrillation-and-new-oral-anticoagulant-drugs
  3. MSD manuals: https://www.msdmanuals.com/vi/chuy%C3%AAn-gia/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-tim-m%E1%BA%A1ch/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-nh%E1%BB%8Bp-tim-v%C3%A0-r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-d%E1%BA%ABn-truy%E1%BB%81n/rung-nh%C4%A9-af?query=rung%20nh%C4%A9

Các bệnh liên quan

  1. Hẹp động mạch chi dưới

  2. Block nhĩ thất

  3. Tim to

  4. Thân chung động mạch

  5. Bướu tim

  6. Hội chứng Brugada

  7. Hội chứng Raynaud

  8. Hở van ba lá

  9. Cơ tim xốp

  10. Bệnh động mạch chủ