Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Pyrantel

Pyrantel: Thuốc tẩy giun đường uống

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Pyrantel

Loại thuốc

Thuốc trị giun

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Viên nén 125 mg, 250 mg.
  • Hỗn dịch uống 50 mg/ml.

Chỉ định

Pyrantel được dùng cho cả người lớn lẫn trẻ em để điều trị nhiễm một hoặc nhiều loại giun sau đây: Giun đũa, giun móc, giun kim, giun Trichostrongylus colubriformis và T.orientalis.

Dược lực học

Pyrantel là một thuốc diệt giun có hiệu quả cao với giun đũa (Ascaris lumbricoides), giun kim (Enterobius vermicularis), giun Trichostrongylus spp., giun xoắn (Trichinella spiralis) và giun móc (Ancylostoma duodenale, Necator americanus), mặc dù tác dụng trên Necator americanus không bằng Ancylostoma duodenale.

Pyrantel không có tác dụng trên giun tóc (Trichuris trichiura).

Pyrantel có tác dụng phong bế thần kinh - cơ khử cực trên các loại giun nhạy cảm với thuốc thông qua giải phóng acetylcholin và ức chế cholinesterase, kết quả là kích thích thụ thể nicotin ở hạch của giun nhạy cảm, làm giun bị liệt cứng. Sau đó, giun sẽ bị tống ra ngoài do nhu động ruột.

Động lực học

Hấp thu

Pyrantel hấp thu kém qua đường tiêu hóa. Sau khi uống một liều duy nhất 11 mg/kg, nồng độ đỉnh trong huyết tương là 50-130 nanogam/ml trong vòng 1-3 giờ.

Chuyển hóa

Thuốc được chuyển hóa một phần ở gan

Thải trừ

Khoảng hơn 50% liều dùng thấy được đào thải ở dạng không biến đổi trong phân sau khi uống. Dưới 7% liều dùng được đào thải ra nước tiểu dưới dạng không biến đổi và dạng chuyển hóa

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Không có tương tác quan trọng được ghi nhận.

Piperazin và pyrantel pamoat có tác dụng đối kháng trên giun nên không dùng phối hợp

Tương tác với thực phẩm

Không dùng chung một số sản phẩm chứa phenylalanin

Chống chỉ định

Quá mẫn với pyrantel.

Không dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi vì chưa xác định được độ an toàn ở lứa tuổi này

Liều lượng & cách dùng

Người lớn:

Nhiễm giun đũa, giun kim, giun móc, giun Trichostrongylus: Dùng liều duy nhất 10 mg/kg (dạng base), tối đa 1g/ liều. Hiệu quả diệt giun sẽ cao hơn nếu nhắc lại liều trên sau 2-4 tuần điều trị.

Nhiễm giun móc: Dùng liều duy nhất 20 mg/kg/ngày (tối đa 1g/ liều), trong 2 ngày liên tiếp; hoặc 10mg/kg/ngày (tối đa 1g/ liều), trong 3 ngày liên tiếp.

Nhiễm giun đũa đơn độc: Dùng liều duy nhất 5 mg/kg (tối đa 1g/ liều). Trong chương trình điều trị cho toàn dân chống nhiễm giun đũa: Dùng liều duy nhất 2,5 mg/kg, 3-4 lần trong 1 năm.

Nhiễm giun xoắn: Dùng liều 10 mg/kg/ngày (tối đa 1g/ liều) trong 5 ngày liên tiếp.

Trẻ em trên 2 tuổi:

Nhiễm giun đũa, giun móc: Uống 10 mg/kg mỗi ngày một lần trong 3 ngày, liều tối đa 1g/ liều.

Nhiễm Streptobacillus moniliformis: Uống 11mg/ kg/ liều mỗi 2 tuần cho 3 liều.:

Nhiễm giun kim: Nên điều trị chi cả gia đình để ngăn ngừa tái nhiễm

Liều cố định tính theo cân nặng ở trẻ em: Dùng một liều duy nhất; liều lặp lại trong 2 tuần để loại bỏ khả năng tái nhiễm.

  • 11 đến 16 kg: 125 mg.
  • 17 đến 28 kg: 250 mg.
  • 29 đến 39 kg: 375 mg.
  • 40 đến 50 kg: 500 mg.
  • 51 đến 62 kg: 625 mg.
  • 63 đến 73 kg: 750 mg.
  • 74 đến 84 kg: 875 mg.
  • > 84 kg: 1.000 mg

Nhiễm giun móc: Dùng liều duy nhất 20 mg/kg/ngày, trong 2 ngày liên tiếp; hoặc 10 mg/kg/ngày, trong 3 ngày liên tiếp.

Nhiễm giun đũa đơn độc: Dùng liều duy nhất 5 mg/kg. Trong chương trình điều trị cho toàn dân chống nhiễm giun đũa: Dùng liều duy nhất 2,5 mg/kg, 3-4 lần trong 1 năm.

Nhiễm giun xoắn: Dùng liều 10 mg/kg/ngày trong 5 ngày liên tiếp.

Cách dùng Pyrantel

Pyrantel thường dùng dưới dạng muối pamoat (còn gọi là embonat). Hàm lượng tính theo pyrantel base: 2,9 g pyrantel embonat tương đương với 1g pyrantel.

Tốt nhất là dùng thuốc pyrantel giữa các bữa ăn, có thể uống chung với sữa hoặc nước trái cây. Trước và sau khi dùng thuốc không cần phải theo chế độ ăn uống đặc biệt, không nhịn đói và không cần dùng thêm thuốc tẩy. Với thuốc dạng hỗn dịch cần lắc đều trước khi uống.

Đối tượng khác

Suy thận: Chưa có thông tin sử dụng trên đối tượng này

Suy gan: Chưa có thông tin sử dụng trên đối tượng này, thận trọng khi sử dụng.

Tác dụng phụ

ADR của pyrantel thường nhẹ và thoáng qua. Pyrantel dung nạp tốt và không làm biến màu niêm mạc miệng khi uống, cũng như không làm quần áo bị biến màu khi dính bẩn phân

Thường gặp

Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, đau đầu

Ít gặp

Chán ăn, sốt, buồn ngủ, một số trường hợp lại mất ngủ, chóng mặt, hoa mắt, phát ban, tăng men gan

Rượu có thể làm tăng triệu chứng buồn ngủ, chóng mặt

Lưu ý

Lưu ý chung

Cần thận trọng với người bệnh bị tổn thương chức năng gan.

Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân suy dinh dưỡng hoặc thiếu máu nặng. Tốt nhất, bệnh nhân thiếu máu, mất nước hoặc suy dinh dưỡng nên được điều trị hỗ trợ trước khi dùng pyrantel.

Một số độc tính có thể xảy ra ở trẻ em và người lớn bao gồm tăng nồng độ cồn, nhiễm axit lactic, co giật và suy hô hấp, cần thận khi sử dụng. Điều trị cho tất cả các thành viên trong gia đình, vệ sinh thật kỹ nơi ở và quần áo để diệt hết trứng giun kim đề phòng tái nhiễm gồm các biện pháp như: Rửa tay thường xuyên và cắt tỉa móng tay gọn gàng, mặc quần lót cả ngày lẫn đêm, lau hoặc hút bụi sàn phòng ngủ thường xuyên trong vài ngày sau khi điều trị, thường xuyên giặt sạch và không nên giũ khăn trải giường, quần áo sau khi điều trị và giữ nhà vệ sinh sạch sẽ.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Việc dùng pyrantel cho người mang thai còn chưa được nghiên cứu kỹ. Cho đến nay chưa thấy thông báo về nguy hại cho trẻ sơ sinh khi bà mẹ đã dùng thuốc trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên chỉ nên dùng khi thật cần thiết sau 3 tháng đầu của thai kỳ.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Còn chưa biết thuốc pyrantel tiết vào sữa với mức độ nào, nhưng do thuốc được hấp thu rất kém nên nồng độ thuốc trong sữa có thể không có ý nghĩa về mặt lâm sàng

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Tránh lái xe, vận hành máy móc và các hoạt động cần sự tỉnh táo khác khi dùng thuốc cho đến khi xác định được các tác dụng phụ có thể có của thuốc

Quá liều

Quên liều Pyrantel và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Các triệu chứng quá liều bao gồm: Khó thở, co giật, tình trạng co thắt cơ bắp hoặc yếu cơ nghiêm trọng.

Cách xử lý khi quá liều

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất

Nguồn tham khảo