Long Châu

Nhiễm giun kim và những điều cần biết

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiễm giun kim là bệnh thường thấy nhất là ở trẻ em. Giun kim sinh trưởng và phát triển tại khu vực hậu môn, thức ăn của giun kim là máu của vật chủ. Để chủ động phòng tránh bệnh, hãy cùng Long Châu theo dõi bài viết sau để hiểu rõ và nắm chắc kiến thức liên quan về nhiễm giun kim để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nhiễm giun kim là gì? 

Nhiễm giun kim (bệnh giun kim) là bệnh nhiễm trùng do giun kim gây ra, giun kim thường kí sinh chủ yếu trong đường tiêu hóa, có thể lây từ người này sang người khác.

Giun kim có màu trắng ngà, hình trụ, đầu có 3 môi bao quanh miệng. Giun đực dài 2 – 5 mm có gai sinh dục dài 70 µm cong như lưỡi câu. Giun cái: 9 – 12 mm, đuôi nhọn. Trứng hình thuẫn không cân đối, kích thước 50 – 60 µm x 30 – 32 µm, có ấu trùng ngay sau khi đẻ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm giun kim

Biểu hiện lâm sàng của nhiễm giun kim tùy thuộc vào sự ký sinh trong ruột của giun trưởng thành và hiện tượng đẻ trứng ở vùng da xung quanh hậu môn. Khoảng 1/3 ký chủ không có triệu chứng, số còn lại có biểu hiện không đáng kể, trừ trường hợp nhiễm nặng có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng.

Giun trưởng thành bám vào niêm mạc ruột có thể tạo những vết loét nhỏ, gây viêm ruột xuất tiết nhẹ với biểu hiện rối loạn tiêu hóa: Ăn không ngon, buồn nôn, đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy. Ngoài ra, có thể gây tình trạng viêm ruột mạn tính, nổi mẩn dị ứng.

Dấu hiệu chính của bệnh là ngứa hậu môn vào buổi tối, lúc bệnh nhân ngủ, tương ứng với thời gian giun cái đẻ trứng. Sự kích thích các chất bài tiết và cử động co thắt của giun khi đẻ gây cảm giác ngứa, đôi khi mất ngủ, bức rứt;

Trong trường hợp giun chui sang bộ phận sinh dục gây viêm ngứa âm đạo, rối loạn kinh nguyệt.

Tác động của nhiễm giun kim đối với sức khỏe

Giun kim làm tổn thương niêm mạc ruột dẫn đến rối loạn tiêu hóa khiến trẻ ăn không ngon, ngủ không sâu giấc. Sự mất ngủ và khó chịu có thể dẫn đến sụt cân, khóc đêm và những phản xạ thần kinh bất thường: Nghiến răng, tiểu dầm, cắn móng tay, ngoáy mũi,…

Biến chứng có thể gặp khi nhiễm giun kim

Trường hợp nhiễm giun kim nhẹ thường không gây ra biến chứng. Nhưng nếu nhiễm giun đũa nặng, biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra:

  • Các biến chứng có thể gặp do ngứa gãi: Chàm hóa, nhiễm trùng, viêm da vùng hậu môn.

  • Khi ký sinh trong ruột, giun trưởng thành hoặc ấu trùng có thể di chuyển vào ruột thừa gây viêm. Một số hiếm trường hợp thủng ruột do giun kim xâm lấn sâu vào thành ruột.

  • Giun kim có thể lạc vào âm đạo, lên tử cung, đến vòi Fallop, rơi vào khoang phúc mạc gây viêm nhiễm hoặc tạo thành các u hạt. Ngoài ra, một số trường hợp giun kim lạc vào niệu đạo, bàng quang, tiền liệt tuyến gây viêm.

  • Tình trạng nhiễm nặng và kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần, vận động của trẻ, giảm khả năng tập trung.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm giun kim

Nguyên nhân gây bệnh giun kim là do Enterobius vermicularis ký sinh trong cơ thể người gây nên.

Chu kỳ phát triển của giun kim Enterobius vermicularis:

  • Giun kim đẻ trứng ở nếp gấp hậu môn, ấu trùng bên trong trứng phát triển sau 4 – 6 giờ.
  • Người nuốt phải trứng giai đoạn nhiễm.
  • Sau khi nuốt phải trứng giai đoạn nhiễm, ấu trùng thoát khỏi vỏ trong ruột non.
  • Giun trưởng thành ký sinh trùng ở ruột già. Thời gian từ khi nuốt trứng giai đoạn nhiễm đến khi phát triển thành con trưởng thành và đẻ trứng khoảng 1 tháng. Giun trưởng thành có thể sống khoảng 2 tháng.
  • Ban đêm giun cái có trứng di chuyển đến hậu môn và đẻ trứng ở các nếp nhăn quanh hậu môn.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải nhiễm giun kim

Nhiễm giun kim có thể xảy ra ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào, đặc biệt trẻ 1 – 5 tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nhiễm giun kim

Có rất nhiều yếu tố có thể tăng nguy cơ nhiễm giun kim, như:

  • Khí hậu ôn đới là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của giun kim;

  • Trẻ em có nguy cơ nhiễm giun kim cao hơn người lớn. Trẻ từ 1 – 5 tuổi nhiễm cao hơn cả, trẻ từ 11 tuổi trở lên tỷ lệ nhiễm giảm dần;

  • Tập quán ăn rau sống, sử dụng phân tươi chăm bón cho cây trồng và rau củ, ao cá dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm giun kim;

  • Khu vực đông đúc, điều kiện sống chật chội và kém vệ sinh;

  • Nhiễm giun kim thường xảy ra ở các tập thể vườn trẻ, mẫu giáo;

  • Thói quen sinh hoạt của những người dân cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiễm giun kim tỷ lệ cao: Không vệ sinh tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc môi trường bẩn, sau khi đi vệ sinh,…

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm giun kim

Các thực hiện giúp chẩn đoán nhiễm giun kim bao gồm:

  • Phát hiện giun kim ở các nếp nhăn quanh hậu môn.

  • Xem phân có thể thấy giun kim bám trắng ở rìa khuôn phân.

  • Thu thập trứng giun bằng phương pháp dán giấy bóng kín khu vực hậu môn vào buổi sáng sớm, sau đó soi dưới kính hiển vi tìm trứng giun kim.

Phương pháp điều trị nhiễm giun kim

Nguyên tắc điều trị:

  • Điều trị phải kết hợp chặt chẽ với phòng bệnh để tránh tái nhiễm.

  • Với các tập thể nhiễm giun cao cần điều trị hàng loạt để chống tái nhiễm.

  • Vì giun kim có tuổi thọ ngắn (1 – 2 tháng trong ruột) nên nếu chống bệnh tự nhiễm một cách tích cực thì có thể không cần thuốc, bệnh cũng tự khỏi.

Phương pháp điều trị: Điều trị những người nhiễm giun kim.

Thuốc điều trị: Nhóm Benzimidazol: Mebendazol, albendazol.

Phác đồ điều trị:

  • Albendazol 400 mg, liều duy nhất cho cả người lớn và trẻ em;

  • Mebendazol 500 mg, liều duy nhất cho cả người lớn và trẻ em.

  • Điều trị nhắc lại 1 tháng với liều trên.

Chống chỉ định: Phụ nữ có thai 3 tháng đầu, người đang bị bệnh cấp tính, người có tiền sử mẫn cảm với thuốc hoặc suy gan, suy thận (sử dụng thuốc sự hướng dẫn của bác sĩ).

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của nhiễm giun kim

Thói quen sinh hoạt:

  • Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc mua thuốc không có trong đơn thuốc của bác sĩ.

  • Lắng nghe và làm theo mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những bất thường xuất hiện trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi diễn tiến của bệnh và tình trạng sức khỏe.

  • Vệ sinh cá nhân, môi trường sạch sẽ và thường xuyên.

  • Thể dục thể thao nâng cao sức khỏe.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng, thức ăn được nấu chín, nước uống đun sôi để nguội.

Phương pháp phòng ngừa nhiễm giun kim

 Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tẩy giun định kỳ.

  • Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sạch sẽ, thường xuyên, xây dựng nhà vệ sinh hợp vệ sinh.

  • Quần áo, chăn, chiếu phơi nắng thường xuyên.

  • Giáo dục trẻ em về tầm quan trọng của việc rửa tay, sử dụng phương tiện bảo hộ và thói quen tốt để nâng cao sức khỏe.

  • Rửa tay bằng xà phòng trước trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc môi trường hoặc vật dụng bẩn.

  • Chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng, thức ăn được nấu chín, nước uống đun sôi để nguội.

  • Tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trên các phương tiện truyền thông, giáo dục sức khỏe.

  • Khi có dấu hiệu bị nhiễm giun kim, cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra.

  • Điều trị nhiễm giun kim cho tất cả các thành viên trong gia đình.

Nguồn tham khảo
  1. PGS. TS Nguyễn Văn Đề (2013), Ký sinh trùng trong lâm sàng, Đại học Y Hà Nội, Nhà xuất bản Y học Hà Nội.
  2. Bộ môn Ký sinh – Vi nấm học (2013), Ký sinh trùng Y học, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
  3. https://www.msdmanuals.com/home/infections/parasitic-infections-nematodes-roundworms/pinworm-infection
  4. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pinworm/symptoms-causes/syc-20376382
  5. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pinworm/diagnosis-treatment/drc-20376386

Các bệnh liên quan

  1. Sốt siêu vi

  2. Ho gà

  3. Lao họng

  4. Nhiễm lậu cầu

  5. Lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae

  6. Bạch hầu

  7. Lao ruột

  8. Sốt xuất huyết do virus Hanta

  9. Viêm màng não do virus

  10. Bệnh do nhiễm leishmania