Long Châu

Nhiễm giun tóc: Nguyên nhân và phương pháp điều trị hiệu quả

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiễm giun tóc là một trong những bệnh giun truyền qua đất phân bố rộng khắp thế giới với mức độ khác nhau tùy theo từng vùng. Do tính chất sinh thái giữa giun tóc và giun đũa khá giống nhau nên môi trường có bệnh giun đũa thường sẽ có bệnh giun tóc. Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm về cách điều trị và phòng ngừa nhiễm giun tóc.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nhiễm giun tóc là gì? 

Giun tóc (Trichuris trichiura) trưởng thành (dài khoảng 4 cm) ký sinh ở manh tràng và ruột kết. Giun đực dài khoảng 35 – 45 mm, giun cái dài 30 – 50 mm. Đuôi giun tóc đực có dạng cong, gai sinh dục ở cuối đuôi, có vỏ bao bọc, trên có nhiều gai nhỏ. Đuôi giun cái thẳng. Con cái bắt đầu đẻ trứng từ 60 đến 70 ngày sau khi nhiễm bệnh. Giun tóc cái ở manh tràng đẻ từ 3.000 – 20.000 trứng một ngày.

Giun tóc có chu kỳ phát triển như sau:

  • Trứng giun tóc được bài xuất theo phân ra ngoài đất; 

  • Trong đất, trứng phát triển thành giai đoạn 2 tế bào;

  • Ở ngoại cảnh gặp điều kiện thuận lợi, trứng phát triển thành trứng giai đoạn ấu trùng, sau đó trở thành trứng giai đoạn nhiễm;

  • Sau khi người ăn phải trứng này (tay bẩn hoặc thức ăn), ấu trùng thoát vỏ trong ruột non, rồi đi dần xuống đại tràng và ký sinh ở manh tràng.

Giun tóc không có chu kỳ chu du trong cơ thể vật chủ. Giun tóc trưởng thành sống trong người khoảng 5 – 10 năm.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm giun tóc

Những người bị nhiễm giun tóc thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng. Nếu nhiễm giun tóc nặng sẽ bị tổn thương niêm mạc ruột, kích thích các tổn thương ở đại tràng, gây nên các triệu chứng giống lị amíp. Hậu quả gây hội chứng giống lỵ như đau bụng, tiêu chảy nhiều lần, phân ít có thể lẫn ít máu. Tiêu chảy thường có mùi nặng hơn bình thường.

Các triệu chứng thường gặp khi nhiễm giun tóc nhẹ là đau bụng, buồn nôn, táo bón, khó tiêu, nhức đầu, chán ăn. Biến chứng nặng hơn có thể gây thiếu máu nhược sắc và làm trẻ chậm phát triển.

Triệu chứng lâm sàng điển hình khi nhiễm giun tóc nặng là đi ngoài nhiều lần, có thể đi ngoài 20 – 30 lần/ ngày, mót rặn do tình trạng kích thích niêm mạc, có thể có biến chứng sa trực tràng khi bị viêm đại tràng nặng.

Biến chứng có thể gặp khi nhiễm giun tóc

Nhiễm giun tóc có thể gây sa trực tràng (trực tràng sa xuống và sa ra ngoài hậu môn) và nhiễm trùng thứ phát.

Ở trẻ em, nhiễm giun tóc nặng có thể ảnh hưởng đến việc kém phát triển nhận thức.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm giun tóc

Nguyên nhân gây bệnh giun tóc là do trứng giun tóc, lây qua đường thực phẩm hoặc trẻ em có tay bẩn cho vào miệng.

Giun tóc sống trong ruột và trứng giun tóc được truyền qua phân (phân) của người bị nhiễm bệnh. Nếu người nhiễm bệnh đi vệ sinh (đi cầu) bên ngoài — ví dụ, gần bụi rậm, trong vườn hoặc cánh đồng — hoặc nếu phân của người bị nhiễm bệnh được sử dụng làm phân bón, thì trứng sẽ đọng lại trên đất. Sau đó, chúng có thể phát triển thành một dạng giun có thể lây nhiễm sang người khác. Nhiễm giun tóc do ăn phải trứng. Điều này có thể xảy ra khi đưa bàn tay hoặc ngón tay dính chất bẩn vào miệng, hoặc khi ăn rau hoặc trái cây chưa được rửa cẩn thận, gọt vỏ hoặc nấu chín.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ nhiễm giun tóc?

Tất cả mọi người đều có nguy cơ nhiễm giun tóc như nhau.

Yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm giun tóc

Các nước có khí hậu nóng ẩm như các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, người dân có tập quán sinh hoạt lạc hậu, tình trạng vệ sinh cá nhân và môi trường sống chưa hợp vệ sinh là môi trường thuận lợi bị nhiễm giun tóc. 

Người sống ở nông thôn nhiễm cao hơn người sống ở thành thị, đặc biệt là khu vực có thói quen dùng phân người bón ruộng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm giun tóc

Chẩn đoán xác định bệnh giun tóc dựa vào xét nghiệm phân để tìm trứng giun tóc.

Các kỹ thuật xét nghiệm để chẩn đoán nhiễm giun tóc gồm:

  • Kỹ thuật trực tiếp bằng nước muối sinh lý;

  • Phương pháp nổi bằng nước muối bão hòa;

  • Kato hoặc Kato – Katz. Trứng giun tóc có hình quả cau bổ dọc, màu vàng đậm, vỏ dày, dạng hình nút ở 2 đầu, kích thước 22 x 50 cm.

Phương pháp điều trị nhiễm giun tóc hiệu quả

Nhiễm giun tóc thường được điều trị trong vòng từ 1 – 3 ngày. Chọn thuốc trị giun tóc có tác dụng với nhiều loại giun (có thể điều trị được giun móc,…), ít độc, dùng một liều duy nhất vẫn đạt hiệu quả cao.

Điều trị nhiễm giun tóc đơn thuần:

Albendazole 400 mg/ ngày x 3 ngày hoặc dùng mebendazole 100 mg/ lần x 2 lần/ ngày x 3 ngày.

Điều trị nhiễm giun tóc phối hợp giun móc/ giun mỏ:

Albendazole 400 mg/ ngày x 3 ngày hoặc dùng mebendazole 500 mg/ ngày x 3 ngày.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhiễm giun tóc

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị;

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng;

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị;

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Phương pháp phòng ngừa nhiễm giun tóc hiệu quả

Vệ sinh môi trường: Đại tiện vào hố xí, không phóng uế bừa bãi ra môi trường, không dùng phân tươi hoặc chưa ủ kỹ để bón cây.

Vệ sinh cá nhân: Rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn, sau khi tiếp xúc đất cát, sau khi đại tiện.

Không ăn rau sống khi chưa rửa thật sạch. Rửa, gọt vỏ hoặc nấu chín tất cả các loại rau sống và trái cây trước khi ăn, đặc biệt là những loại được trồng trên đất đã được bón phân chuồng.

Nguồn tham khảo
  1. Ký sinh trùng trong lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội.

  2. Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, các bệnh truyền nhiễm.

  3. https://www.cdc.gov/parasites/whipworm/gen_info/faqs.html

Các bệnh liên quan

  1. Nhiễm Nocardia

  2. Sán não

  3. Nhiễm sán lá gan

  4. Viêm giác mạc do Acanthamoeba

  5. Nhiễm Herpes simplex

  6. Sùi mào gà

  7. Sốt xuất huyết

  8. Trùng roi sinh dục nữ

  9. Nhiễm ấu trùng sán lợn

  10. Sốt siêu vi