Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tobramycin: Kháng sinh nhóm aminoglycoside

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Tobramycin

Loại thuốc

Kháng sinh nhóm aminoglycoside.

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Thuốc tiêm: 20 mg/2 ml, 25 mg/2,5 ml, 40 mg/1 ml, 60 mg/6 ml, 75 mg/1,5 ml, 80 mg/8 ml, 80 mg/2 ml, 100 mg/2 ml, 240 mg/6 ml, 1,2 g/30 ml, 2g/50 ml.
  • Dịch truyền: 60 mg/50 ml, 80 mg/100 ml.
  • Bột vô khuẩn để pha tiêm: Lọ 1,2 g.
  • Dung dịch phun sương: 300 mg/5 ml, 300 mg/4 ml.
  • Bột hít: 28 mg/nang.
  • Dung dịch nhỏ mắt: 0,3% (lọ 5 ml) (chứa benzakonium clorid).
  • Mỡ tra mắt: 0,3% (tuýp 3,5 g) (chứa clorobutanol).

Chỉ định

Được chỉ định để điều trị các nhiễm khuẩn nặng đã xác định hoặc nghi ngờ do các vi khuẩn Gram âm và một số vi khuẩn khác nhạy cảm, đặc biệt ở bộ phận tiết niệu.

Tobramycin phối hợp với một kháng sinh khác được chỉ định trong một số nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm (dựa vào nuôi cấy vi khuẩn) bao gồm:

  • Nhiễm khuẩn sinh dục - tiết niệu.
  • Nhiễm khuẩn huyết và viêm nội tâm mạc.
  • Viêm màng não (kèm theo điều trị tại chỗ).
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới.
  • Nhiễm khuẩn da nặng (nhiễm tụ cầu ác tính ở mặt: Đinh râu).
  • Nhiễm khuẩn khớp.

Liệu pháp hít: Dùng riêng cho người bị xơ nang tuyến tụy nhiễm Ps. aeruginosa ở người lớn và trẻ ≥ 6 tuổi.

Tobramycin có thể dùng dưới dạng thuốc nước hay mỡ tra mắt 0,3% cho những bệnh nhiễm khuẩn ở mắt và dạng dung dịch phun sương và bột hít để xông cho người bệnh xơ nang - nhiễm khuẩn do Pseudomonas aeruginosa.

Dược lực học

Thuốc có tác dụng diệt khuẩn được dùng phổ biến nhất dưới dạng thuốc tiêm để điều trị các nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn Gram âm hiếu khí và cũng được dùng tại chỗ để điều trị hoặc phòng nhiễm khuẩn ở da hoặc ở mắt. Thuốc ức chế tổng hợp protein ở các vi khuẩn nhạy cảm bằng cách gắn không thuận nghịch với các tiểu đơn vị 30S của ribosom vi khuẩn.

In vitro, tobramycin ức chế phần lớn các chủng nhạy cảm của Acinetobacter calcoaceticus, Escherichia coli, Enterobacter aerogenes, Haemophilus influenzae, H. aegyptius, Klebsiella pneumoniae, Moraxella lacunata, Morganella morganii, một số loài Neisseria, Proteus mirabilis, phần lớn các chủng P. vulgaris, Pseudomonas aeruginosa, Staphylococcus aureus, S. epidermidis và các liên cầu khuẩn (bao gồm một số Streptococcus pneumoniae).

Động lực học

Hấp thu

Thuốc hấp thu rất ít qua đường tiêu hóa, hấp thu nhanh và hoàn toàn qua đường tiêm bắp. Đạt đỉnh trong huyết thanh sau tiêm bắp từ 30 - 90 phút, sau khi truyền tĩnh mạch 30 phút.

Phân bố

Thuốc có thể tích phân bố 0,2 - 0,3 lít/kg, thể tích phân bố ở trẻ em là 0,2 - 0,7 lít/kg. Thuốc phân bố vào dịch ngoài tế bào, bao gồm các dịch huyết thanh, áp xe, cổ trướng, ngoài màng tim, màng phổi, hoạt dịch, bạch huyết, và màng bụng. Thuốc thâm nhập rất ít vào dịch não tủy, mắt, xương, tuyến tiền liệt. Tobramycin gắn kết dưới 30% với protein.

Chuyển hóa và thải trừ

Thời gian bán thải 2-3 giờ đối với chức năng thận bình thường.

Trao đổi chất

 

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Sử dụng đồng thời các loại thuốc có khả năng gây độc thần kinh và/hoặc độc thận khác, đặc biệt là các aminoglycoside khác (ví dụ: Amikacin, streptomycin, neomycin, kanamycin, gentamicin và paromomycin), amphotericin B, cephaloridine, viomycin, polymyxin B, colistin, cisplatin và vancomycin cần giám sát cẩn thận. Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ bệnh nhân là tuổi cao và tình trạng mất nước.

Tobramycin không nên dùng đồng thời với thuốc lợi tiểu mạnh. Bản thân một số thuốc lợi tiểu gây ra độc tính trên tai, và các thuốc lợi tiểu tiêm tĩnh mạch làm tăng độc tính của aminoglycoside bằng cách thay đổi nồng độ kháng sinh trong huyết thanh và mô.

Chất kháng khuẩn: Tobramycin được sử dụng cùng với các chất kháng khuẩn khác như cephalosporin, đặc biệt là cephalothin, sẽ làm tăng nguy cơ độc tính trên thận.

Thuốc giãn cơ: Tăng cường phong tỏa liệt hô hấp có thể xảy ra với thuốc giãn cơ xương.

Thuốc độc tế bào và cyclosporin: Tăng nguy cơ độc thận và có thể gây độc tai với cisplatin cũng như tăng nguy cơ độc thận với cyclosporin.

Tobramycin được biết là có tác dụng tăng cường warfarin và phenindione. Cholinergic: Đối kháng tác dụng của neostigmine và pyridostigmine.

Tương kỵ thuốc 

Trộn đồng thời các kháng sinh beta-lactam (penicilin và cephalosporin) với tobramycin có thể gây mất hoạt tính lẫn nhau một cách đáng kể. 

Chống chỉ định

Quá mẫn với tobramycin hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Với người có tiền sử dị ứng với các kháng sinh loại aminoglycoside, người bị nhược cơ, người nghe kém và có bệnh thận.

Liều lượng & cách dùng

Người lớn

Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch hoặc truyền tĩnh mạch liều 3 mg/kg/ ngày, chia làm 3 liều nhỏ cách nhau 8 giờ/lần hoặc cho 1 lần/ngày.

Nếu nhiễm khuẩn nặng: 5 mg/kg/ngày, chia thành liều nhỏ cho cách nhau 6 - 8 giờ/lần, hoặc cho 1 lần/ngày (giảm xuống 3 mg/kg càng sớm càng tốt khi điều kiện lâm sàng cho phép).

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Tiêm bắp 2 - 3 mg/kg/ngày, 1 liều duy nhất.

Viêm phổi mạn do Pseudomonas aeruginosa ở người bị xơ nang tuyến tụy:

  • Hít dung dịch phun sương: Dùng liều 300 mg, cách nhau 12 giờ (không cho liều < 6 giờ), trong 28 ngày. Liệu trình sau lặp lại cách nhau 28 ngày (nghỉ 28 ngày, rồi lại tiếp tục).
  • Hít bột hít: Dùng liều 112 mg (4 x 28 mg/nang), cách nhau 12 giờ (không cho liều < 6 giờ), trong 28 ngày. Liệu trình sau lặp lại cách nhau 28 ngày (nghỉ 28 ngày, rồi lại tiếp tục).

Thuốc mỡ tobramycin tra mắt: Tra vào kết mạc một dải thuốc mỡ (khoảng 1,25 cm), mỗi ngày 2 - 3 lần khi bị nhiễm khuẩn nhẹ và vừa hoặc cách 3 - 4 giờ tra một lần cho đến khi bệnh có chuyển biến, (sau đó giảm số lần tra trước khi ngừng thuốc) khi bị nhiễm khuẩn nặng.

Dung dịch tobramycin tra mắt: Tra 1 giọt vào kết mạc, 4 giờ một lần khi bị nhiễm khuẩn nhẹ và vừa. Với nhiễm khuẩn nặng, tra vào kết mạc 1 giọt, cứ 1 giờ một lần. Tiếp tục điều trị cho tới khi đỡ, sau đó giảm số lần tra.

Trẻ em 

Nhiễm khuẩn huyết trẻ sơ sinh:

Dùng liều cho cách nhau xa (≥ 24 giờ/lần) tiêm tĩnh mạch trong 3 - 5 phút hoặc truyền tĩnh mạch:

  • Trẻ sơ sinh < 32 tuần tuổi sau tắt kinh: 4 - 5 mg/kg, cách 36 giờ/lần.
  • Trẻ sơ sinh ≥ 32 tuần tuổi sau tắt kinh: 4 - 5 mg/kg, cách 24 giờ/lần.

Dùng nhiều liều/ngày, tiêm tĩnh mạch chậm hoặc truyền tĩnh mạch:

  • Trẻ sơ sinh < 7 ngày tuổi: 2 mg/kg, cách 12 giờ/lần.
  • Trẻ sơ sinh 7 - 28 ngày tuổi: 2 - 2,5 mg/kg, cách 8 giờ/lần.

Nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não và các nhiễm khuẩn TKTW khác, nhiễm khuẩn đường mật, viêm thận bể thận cấp, viêm phổi mắc tại bệnh viện:

Phác đồ nhiều liều/ngày, tiêm tĩnh mạch chậm 3 - 5 phút:

  • Trẻ nhỏ 1 tháng tuổi - 12 tuổi: 2 - 2,5 mg/kg, cách 8 giờ/lần.
  • Trẻ em 12 - 18 tuổi: 1 mg/kg, cách 8 giờ/lần; nhiễm khuẩn nặng:

Tối đa 5 mg/kg/ngày, chia làm nhiều liều nhỏ, cách nhau 6 - 8 giờ/lần (giảm xuống 3 mg/kg/ngày ngay khi có thể).

Phác đồ 1 liều/ngày, tiêm truyền tĩnh mạch:

Trẻ 1 tháng tuổi - 18 tuổi: Ban đầu 7 mg/kg, sau đó điều chỉnh tùy theo nồng độ tobramycin huyết thanh.

Nhiễm Ps. aeruginosa ở phổi ở trẻ em bị xơ nang tuyến tụy:

Phác đồ nhiều liều/ngày tiêm tĩnh mạch chậm trong 3 - 5 phút:

Trẻ 1 tháng tuổi - 18 tuổi: 8 - 10 mg/kg/ngày, chia làm 3 liều nhỏ.

Phác đồ 1 liều/ngày tiêm truyền tĩnh mạch trong 30 phút:

Trẻ 1 tháng tuổi - 18 tuổi: Ban đầu 10 mg/kg (tối đa 660 mg), sau đó điều chỉnh tùy theo nồng độ tobramycin huyết thanh.

Đối tượng khác

Suy thận

Nếu dùng phác đồ thông thường (nhiều liều/ngày):

  • Clcr ≥ 60 ml/phút: Cho cách 8 giờ/lần.
  • Clcr 40 - 60 ml/phút: Cho cách 12 giờ/lần.
  • Clcr 20 - 40 ml/phút: Cho cách 24 giờ/lần.
  • Clcr 10 - 20 ml/phút: Cho cách 48 giờ/lần.
  • Clcr < 10 ml/phút: Cho cách 72 giờ/lần.

Phác đồ liều cao (1 liều/ngày hoặc trên 1 ngày): Cách 48 giờ/lần cho người suy thận có Clcr 30 - 59 ml/phút và điều chỉnh liều theo nồng độ thuốc huyết thanh.

Tác dụng phụ

Thường gặp 

Dạng hít hoặc phun sương: Đờm bị biến màu. Ho (bột hít), thay đổi giọng.

Khó chịu ở ngực.

Vị giác bất thường, khô miệng.

Ít gặp 

Quá mẫn, mày đay, ngứa, giảm khả năng luyện tập, giảm sinh khí.

Mất tiếng, tăng chất tiết phế quản, rối loạn khí đạo do tắc nghẽn, nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, viêm phổi, xung huyết phổi, tiếng ran, tiếng thở bất thường, xung huyết mũi.

Giảm cảm giác (miệng), bệnh nấm Candida ở miệng.

Điếc, tổn thương thính giác.

Đau cơ xương ngực.

Tăng glucose huyết thanh.

Hiếm gặp

Calci, magnesi, natri và kali huyết giảm.

Không xác định tần suất 

Lú lẫn, mất định hướng, choáng váng, sốt, nhức đầu, ngủ lịm, chóng mặt.

Viêm da tróc, ngứa, ban da, mày đay.

Giảm calci, magnesi, kali và/hoặc natri huyết thanh.

Tiêu chảy, buồn nôn, nôn.

Thiếu máu, tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu hạt, tăng bạch cầu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.

Tăng ALT, tăng AST, tăng bilirubin, tăng LDH.

Đau tại chỗ tiêm.

Nặng tai, độc tính với cơ quan thính giáctiếng lung bùng trong tai, ù tai.

Trụ - niệu, tăng BUN, tăng creatinin huyết thanh, giảm niệu, protein - niệu

Lưu ý

Lưu ý chung

Tác dụng phụ của aminoglycosid (bao gồm tobramycin) liên quan đến liều, phải thận trọng dùng đúng liều, điều trị tiêm không được vượt quá 7 ngày.

Phải đánh giá chức năng thận trước và trong khi điều trị. Nếu có thể, phải điều trị tình trạng mất nước trước khi bắt đầu điều trị tobramycin.

Để tối ưu hóa liều dùng và tránh nhiễm độc, phải giám sát nồng độ tobramycin huyết thanh.

Phải dùng thận trọng aminoglycoside ở người cao tuổi vì nhiễm độc tai và thận thường xảy ra nhất. Cần giảm liều.

Aminoglycoside nên được sử dụng thận trọng cho những bệnh nhân bị rối loạn cơ, chẳng hạn như bệnh nhược cơ hoặc bệnh Parkinson.

Trong quá trình điều trị, cần định kỳ đo nồng độ đỉnh và đáy của thuốc trong huyết thanh. Cần theo dõi thính giác, tiền đình và chức năng thận ở người bệnh đã biết hoặc nghi ngờ bị suy giảm chức năng thận. Đã thấy có dị ứng chéo với các aminoglycoside khác.

Tobramycin làm tăng khả năng độc về thính giác trong trường hợp phối hợp với cephalosporin. Người ta đã chứng minh không phải nồng độ đỉnh cao gây ra độc tính với cơ quan thính giác và với thận. Vì vậy dùng 1 liều duy nhất/ngày tiêm tĩnh mạch có thể tốt hơn là dùng liều chia nhỏ.

Trẻ sơ sinh chỉ được dùng tobramycin khi mắc bệnh nặng đe dọa tính mạng.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Tobramycin tập trung ở thận thai nhi và đã được chứng minh gây điếc bẩm sinh cả hai bên tai không hồi phục. Vì vậy phải cân nhắc lợi hại thật cẩn thận khi phải dùng thuốc này trong những tình trạng đe dọa tính mạng hoặc trong những bệnh nặng mà các thuốc khác không dùng được hoặc không có hiệu lực.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Tobramycin có tiết vào sữa mẹ, nhà sản xuất khuyến cáo không nên dùng khi đang cho con bú, hoặc không cho con bú khi đang dùng thuốc. Tuy nhiên thuốc rất ít được hấp thu qua đường uống và chưa có thông báo về tác dụng có hại đối với trẻ đang bú mẹ.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng khống đáng kể đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.

Quá liều

Quá liều Tobramycin và xử trí

Quá liều và độc tính

Độc tính thường gặp nhất là tổn hại thận (hoại tử tiểu quản cấp tính, thường có thể hồi phục), độc tính ở tai (không hồi phục) và độc tính ở tiền đình (không hồi phục). Tổn thương ở thận thường có thể không được chú ý cho đến khi xảy ra tổn thương đáng kể, gây ra thời gian chậm trễ giữa thời điểm xảy ra tổn thương thận và thời điểm tăng creatinin rõ rệt.

Cách xử lý khi quá liều

Vì không có thuốc giải độc đặc hiệu, việc điều trị quá liều hoặc phản ứng độc của tobramycin nhằm chữa triệu chứng và hỗ trợ.

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. 

Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Nguồn tham khảo

Tên thuốc: Tobramycin

  1. Dược thư Quốc gia Việt Nam 2015
  2. Emc: https://www.medicines.org.uk/emc/product/10194/smpc
  3. Drug.com: https://www.drugs.com/mtm/tobramycin-injection.html

Ngày cập nhật: 18/07/2021