Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Hạ đường huyết là tình trạng hàm lượng đường trong máu hạ thấp dưới mức 3,8 mmol/l khiến cơ thể mệt mỏi và có thể gây ngất, hôn mê sâu. Nếu không xử lý hạ đường huyết kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tùy vào tình trạng sức khỏe và mức độ đường mà hạ đường huyết sẽ có những biểu hiện khác nhau. Về cơ bản sẽ có 10 biểu hiện mà bạn nên chú ý để có thể xử lý hạ đường huyết kịp thời.
Đói cồn cào
Nếu như bạn đã ăn hoặc vừa ăn nhưng vẫn cảm thấy lên cơn đói cồn cào, khó chịu không hiểu vì sao thì có thể cơ thể bạn đang thiếu đường glucose. Bạn có thể ngậm kẹo, ăn thêm thức ăn giàu carbohydrate để ngăn hạ đường huyết.
Cảm giác lo lắng
Khi nồng độ glucose giảm quá thấp, các tuyến thượng thận sẽ giải phóng hóc môn adrenaline để báo hiệu cho gan cần tiết thêm đường cho cơ thể. Khi lượng hormon này dư thừa nhiều sẽ tạo ra “cơn sốt adrenaline” khiến bạn luôn cảm thấy lo lắng, bồn chồn không rõ nguyên nhân.
Mệt mỏi ban đêm
Hạ đường huyết vào ban đêm rất thường xảy ra khiến rối loạn giấc ngủ. Các triệu chứng thường gặp như đổ mồ hôi, gặp ác mộng, mệt mỏi mơ hồ. Để hạn chế tình trạng này bạn nên ăn nhẹ trước khi ngủ.
Run rẩy tay chân
Khi glucose mất cân bằng hệ thống thần kinh trung ương bắt đầu hoạt động kém. Điều này dẫn đến giải phóng catecholamine kích thích sản sinh glucose, từ đó khiến tay chân bị run rẩy và mệt lả.
Cảm xúc không ổn định
Khi bị hạ đường huyết, do mệt mỏi và thần kinh bị kích thích nên bạn dễ cáu giận, buồn bã, khóc lóc. Bạn cũng sẽ rất dễ bực mình, bụng luôn khó chịu báo hiệu đường huyết đang giảm.
Ra mồ hôi lạnh
Đổ mồ hôi lạnh cũng là một trong những dấu hiệu của hạ đường huyết. Người bạn bỗng dưng lả ra không còn chút sức, mồ hôi lạnh túa ra dù thời tiết có thể đang rất nóng. Hãy thận trọng với triệu chứng này.
Chóng mặt, choáng váng
Khi cơ thể bị hạ đường đến mức chóng mặt, say sẩm bạn cần xử lý hạ đường huyết ngay lập tức. Nếu để lượng đường trong máu tiếp tục giảm có thể dẫn đến ngất xỉu. Nếu cảm thấy bản thân không còn cảm giác gần như sắp ngất, hãy tìm ngay một điểm tựa ngồi hoặc nằm xuống để tránh bị thương khi ngất.
Suy nghĩ vẩn vơ
Bộ não đặc biệt nhạy cảm với glucose. Khi lượng glucose không đủ sẽ khiến bạn hay nhầm lẫn, khó tập trung, dễ suy nghĩ vẩn vơ nhiều thứ.
Vấn đề thị giác
Việc chóng mặt do hạ đường đột ngột có thể sẽ khiến mắt bạn bị mờ đi hoặc nhìn thấy hai hình ảnh của cùng một vật. Lúc này có thể là do lượng đường trong máu bị giảm nhanh, bạn cần ăn ngay một viên kẹo hoặc uống một cốc nước rồi từ từ ngồi nghỉ.
Nói lắp
Khi bị thiếu đường, não bạn gần như không còn phát hiện ra dấu hiệu ngôn ngữ, tai bạn sẽ mất cảm giác trong vài giây, bạn dễ nói lắp. Nếu như đang uống rượu bia người xung quanh dễ lầm tưởng bạn say rượu mà bỏ qua việc xử lý hạ đường huyết rất nguy hiểm.
Khi có các dấu hiệu hạ đường huyết như trên bạn cần tự làm hoặc nhờ người xung quanh xử lý hạ đường huyết kịp thời trước khi bị ngất.
Trường hợp nhẹ, bạn còn ý thức được thì nên dùng bánh, hoa quả, sữa... hoặc bất cứ đồ ăn ngọt nào đang có sẵn để bổ sung ngay cho cơ thể.
Nếu vẫn chưa thể khỏe hơn, bạn cần uống tối thiểu 15g đường hoặc 100-150ml nước ngọt vào ngay để có thể lên đường trở lại.
Đối với trường hợp hạ đường huyết nặng, đã ngất xỉu hoặc hôn mê cần đưa đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời. Thông thường các bác sĩ sẽ tiêm tĩnh mạch dung dịch ngọt ưu trương 20 – 30% (khoảng 40 – 60ml) để bệnh nhân có thể tỉnh lại.
Hạ đường huyết rất nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời, chính vì thế nếu cơ thể bạn có chỉ số đường thấp nên thường xuyên mang theo thức ăn hoặc đồ uống ngọt bên người để có thể dùng ngay khi có dấu hiệu đường hạ.
Phan Ngọc Ánh